(Đăng lúc: 13/05/2024 03:43:05 PM)
Tỉnh đoàn Quảng Ngãi
.
In bài  
Di tích lưu niệm anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm
Di tích lưu niệm anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm bao gồm các điểm di tích liên quan đến hoạt động của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm trong việc cứu chữa và điều trị cho thương binh và nhân dân ở chiến trường Đức Phổ từ năm 1967 đến năm 1970 và nơi bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm đã hy sinh anh dũng ngày 22/6/1970.

 

Bác sĩ Đặng Thùy Trâm tại chiến trường Quảng Ngãi. Chụp lại: DTT

Bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26/11/1942, là người con của quê hương Thừa Thiên - Huế được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Cha là bác sĩ ngoại khoa Đặng Ngọc Khuê, mẹ là dược sĩ Doãn Ngọc Trâm, nguyên là giảng viên Trường Đại học Dược khoa, Hà Hội.

Năm 1966, sau khi tốt nghiệp trường đại học Y khoa Hà Nội, Đặng Thuỳ Trâm mang theo sức trẻ, ý chí chiến đấu cùng những hoài bão của tuổi trẻ xung phong lên nhận nhiệm vụ của một thầy thuốc ở chiến trường miền Nam.

Tháng 3/1967, sau gần 3 tháng hành quân đầy gian truân, vất vả, chị đã vào đến chiến trường Quảng Ngãi, và được phân công về huyện Đức Phổ.

 

Bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm cùng đồng đội tại Bệnh xá Đức Phổ, năm 1970. Chụp lại: DTT

Bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm về công tác ở huyện Đức Phổ giữa lúc bệnh xá đang trong thời gian xây dựng lại, Huyện uỷ đã đưa chị về phụ trách trạm tiền phẫu Nam Đức Phổ ở hang Bộng Dầu, thuộc núi Dâu, thôn Quy Thiện, xã Phổ Hiệp (nay là xã Phổ Khánh). Tại đây, chị đã phục vụ cứu chữa cho các thương binh đơn vị 120 lực lượng vũ trang huyện, nhân dân và du kích các xã Phổ Hiệp (nay là xã Phổ Khánh), Phổ Vinh và một số xã phía Nam huyện Đức Phổ. Đây cũng là nơi nhận công tác đầu tiên của chị khi tham gia vào chiến trường Quảng Ngãi.

Ngày 22/6/1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã bị địch phục kích và anh dũng hy sinh. Chị ra đi khi còn rất trẻ, chưa đầy 28 tuổi đời với 3 năm tuổi nghề và 2 năm tuổi Đảng. Nhân dân địa phương đã an táng chị ngay trên mảnh đất mà chị đã hy sinh và được gia đình cải táng về nghĩa trang liệt sĩ xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

 

Tượng anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm trong khuôn viên Bệnh xá Đặng Thùy Trâm. Ảnh: DTT

Di tích lưu niệm anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 1205/QĐ-UBND ngày 03/8/2011, gồm 5 điểm di tích, được phân bố tại các xã Phổ Khánh, Phổ Cường (TX.Đức Phổ) và hai xã Ba Khâm, Ba Trang (huyện Ba Tơ): Trạm tiền phẫu Nam Đức Phổ thuộc hang Bộng Dầu nằm trên sườn núi phía Đông của núi Dâu, thôn Quy Thiện, xã Phổ Khánh; Hầm bí mật tại nhà bà Tạ Thị Ninh thuộc thôn Nga Mân, xã Phổ Cường; Bệnh xá Đức Phổ (1967 - 1969) thuộc thôn Đồng Răm 2, xã Ba Khâm; Bệnh xá Đức Phổ (từ tháng 4/1969 – tháng 6/1970) thuộc Hố Bầu Tây nằm trên sườn núi Gieo Ái, thôn Nước Đang, xã Ba Trang; Khe Nước Lạnh, nơi bác sĩ Đặng Thùy Trâm hy sinh thuộc xóm Đồng Lớn, thôn Nước Đang, xã Ba Trang.

 

Ngoài ra, năm 2006, Bệnh xá Đặng Thùy Trâm được xây dựng tại thôn Nga Mân, xã Phổ Cường do bạn đọc báo Tuổi Trẻ cả nước đóng góp. Tại đây, có một phòng trưng bày lưu niệm về anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm thu hút hàng nghìn khách tham quan mỗi năm.

 

Bệnh xá Đặng Thùy Trâm tại thôn Nga Mân, xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ), công trình do bạn đọc báo Tuổi Trẻ cả nước đóng góp xây dựng. Ảnh: DTT

Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm nằm ngay bên quốc lộ 1A, cách TP.Quảng Ngãi khoảng gần 50km về hướng Nam. Bệnh xá được xây dựng theo ước muốn của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm lúc sinh thời. Đây là nơi khám, chữa bệnh có mô hình đặc biệt bởi lần đầu tiên trong hệ thống khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng trên toàn quốc. Ngoài việc thực hiện công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong vùng, bệnh xá còn là địa chỉ thu hút hàng chục nghìn lượt du khách đến tham quan mỗi năm.

 

Nhà trưng bày tư liệu liên quan đến liệt sĩ Đặng Thùy Trâm nằm trong khuôn viên của Bệnh xá cùng tên. Ảnh: Dương Thành Tuyên

Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm được xây dựng trên diện tích 3.900m², kiến trúc theo hướng kiểu nhà rông Tây Nguyên để du khách cảm nhận được sự gần gũi và thân thiện. Những hàng cọ dọc lối đi và trước hiên nhà khiến khu bệnh xá giống một khu nghỉ dưỡng có sân vườn. Nổi bật trong khuôn viên chính là tượng đài của anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm với tay cầm nón che đầu, chân sải bước, như đang tất tả vượt rừng trong những lần làm nhiệm vụ, đi tìm địa điểm mới an toàn hơn để dựng bệnh xá cứu chữa thương binh, tránh những trận càn của địch.

 

Tỉnh đoàn ra mắt công trình thanh niên số hóa (gắn mã QR code) di tích lưu niệm anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm phục vụ du lịch online. Ản: DTT

Ngoài khu chữa bệnh, bệnh xá còn có riêng một khu trưng bày giới thiệu những hiện vật, hình ảnh liên quan đến anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm nói riêng và truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Đức Phổ (Quảng Ngãi) và Khu V nói chung.

 

Dụng cụ y tế của các trạm xá đã được sử dụng trên chiến trường Khu V, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. DTT

Đặc biệt, trong nhà trưng bày có hành trang để lại trước lúc hy sinh của bác sĩ Đặng Thùy Trâm là 2 cuốn nhật ký đã được một cựu chiến binh Mỹ tên là Frederic Whitehurst, cựu sỹ quan quân báo Hoa Kỳ nhặt được tại chiến trường và lưu giữ suốt 35 năm cho đến ngày được trả lại cho gia đình tác giả vào cuối tháng 4 năm 2005. Do khó khăn trong việc tìm kiếm gia đình của bác sĩ Đặng Thùy Trâm và đã tưởng như tuyệt vọng, 2 cuốn nhật ký này được Frederic Whitehurst trao tặng cho Viện Lưu trữ về Việt Nam tại Trường Đại học tổng hợp Texas, Lubbock lưu giữ và bảo quản. 2 tập nhật ký này sau đó đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản thành cuốn sách mang tên “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.

 

Bản gốc Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Ảnh: TL

Tác phẩm lần lượt được dịch ra nhiều thứ tiếng, xuất bản ở nhiều quốc gia, làm cho hình ảnh của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trở nên quen thuộc với bạn bè quốc tế, trở thành biểu tượng sáng ngời cho tinh thần đấu tranh bất khuất và khát vọng hòa bình của thế hệ trẻ Việt Nam.

 

Bìa sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Ảnh: TL

Có thể nói với sức ảnh hưởng sâu rộng của cuốn nhật ký Đặng Thuỳ Trâm là một trong những tấm gương sáng cho việc giáo dục tinh thần và chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời hiện đại… Vì thế mà ngày nay Di tích lưu niệm anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm là một điểm tham quan rất nổi tiếng của giới trẻ mỗi khi họ có cơ hội đến thăm Quảng Ngãi.

 

Đoàn đại biểu thanh niên tiên tiến tỉnh Quảng Ngãi năm 2024 chụp hình lưu niệm tại tượng đài anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. ẢNh: DTT

Di tích lưu niệm anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm còn có giá trị giáo dục, bồi dưỡng truyền thống cách mạng cho lớp lớp thanh niên Việt Nam. Anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm là một tấm gương tiêu biểu cho thế hệ thanh niên Việt Nam sống, chiến đấu, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc ta.

Địa điểm Bệnh xá Đặng Thùy Trâm

 

Dương Thành Tuyên - Hoài Tâm
Xem tin theo ngày tháng: