(Đăng lúc: 20/11/2023 02:20:28 PM)
Tỉnh đoàn Quảng Ngãi
.
In bài  
Di tích lịch sử nhà ông Nguyễn Chí
Di tích lịch sử nhà ông Nguyễn Chí và nhà thờ họ Nguyễn nằm bên bờ Nam sông Vệ, thuộc thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp huyện Mộ Đức, được xây dựng đã hơn trăm năm. Đây là nơi không chỉ lưu lại kiến trúc văn hóa cổ xưa, ghi dấu về một dòng họ có truyền thống yêu nước, đức độ, mà còn là nơi sinh thân mẫu của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Ngôi nhà đi cùng lịch sử

Nhà thờ họ Nguyễn và di tích lịch sử nhà ông Nguyễn Chí nằm cạnh nhau bên những hàng cau xanh mướt. Từ cổng ngõ, tường rào đến ngôi nhà đều chạm trổ công phu. Phía trên cổng ngõ có khắc chữ nho, trong nhà có bức hoành phi câu đối mang ý nghĩa giáo dục con cháu tưởng nhớ về cội nguồn, ước mong dòng họ phồn thịnh và con cháu thảo hiền...

 

Ngôi nhà treo nhiều bức ảnh về những lần Bác Phạm Văn Đồng về thăm quê ngoại.

Ông Nguyễn Ngô (83 tuổi), cháu đích tôn của họ Nguyễn kể rằng từ nhỏ, ông đã nghe cha nói rõ về lai lịch của ngôi nhà. Ngôi nhà được tạo dựng vào năm Mậu Tuất (1890) từ đôi tay của ông cố Nguyễn Thiện để thờ thủy tổ dòng họ Nguyễn. Ngày đó, để tạo dựng được ngôi nhà rường truyền thống, chạm khắc tinh xảo phải mất cả năm trời. Trải qua hàng trăm năm, ngôi nhà tuy đã được trùng tu, nhưng vẫn giữ được nét độc đáo cổ xưa.

Đối với di tích nhà ông Nguyễn Chí được xây dựng từ năm 1890 do ông Hương Bảy (ông nội của ông Nguyễn Chí tạo dựng). Ngôi nhà cũng được xây dựng theo kiểu nhà rường truyền thống, hiện vẫn giữ được bộ khung gỗ chịu lực 8 cột, 4 kèo cùng hệ thống cửa bàn khoa và đồ thờ hương án có giá trị.

Theo sử sách ghi chép lại, nhà thờ họ Nguyễn là nơi ghi dấu của một dòng họ đã có công với nước, khai khẩn lập làng, có truyền thống yêu nước nồng nàn, qua các triều đại có nhiều đời vinh hiển... Nơi đây hiện còn lưu giữ những câu liễn đối; ảnh vẽ chân dung truyền thần của cụ ông và cụ bà Nguyễn Thiện (ông ngoại của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng), cùng với nhiều hiện vật có giá trị.

 

 Cổng nhà thờ được khắc hai câu đối.

 Về nhà thờ họ Nguyễn, chúng tôi còn được nghe những câu chuyện về thân mẫu của Bác Phạm Văn Đồng... Di tích nhà ông Nguyễn Chí thì gắn liền câu chuyện lịch sử đấu tranh giữ nước và dựng nước.

Ngay sau khi chiếm huyện đường Đức Phổ, tại ngôi nhà này, vào ngày 13/10/1930, đồng chí Nguyễn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã chủ trì cuộc họp đề ra quyết định chia Tỉnh ủy làm hai bộ phận phụ trách ở Bắc sông Trà và Nam sông Trà, nhằm lãnh đạo sát với thực tế.

Cũng tại đây, vào ngày 12/11/1930, Huyện ủy Mộ Đức tổ chức cuộc họp và có quyết định lấy ngày 16/11/1930 là ngày phát động quần chúng đấu tranh trong toàn huyện.

Nhớ về nguồn cội

Cứ mỗi dịp lễ, tết hay đến kỷ niệm ngày sinh nhật Thủ tướng Phạm Văn Đồng, con cháu của dòng họ Nguyễn ở khắp nơi tề tựu về nhà thờ thắp hương tưởng niệm. Từ ngôi nhà này, những câu chuyện lịch sử của dòng họ, nhân cách sống cao đẹp của cha ông cứ được truyền nhau hết đời này đến đời khác.

Ông Nguyễn Ngô kể, ngày đó, ông cố của tôi có nhiều ruộng đất, mùa màng bội thu. Có năm dân làng gặp cảnh lụt, thiếu ăn, ông mang gạo, bắp phát khắp nơi. Với những người già yếu, nghèo khổ, ông thường hay động viên, san sẻ.

 

Di tích nhà ông Nguyễn Chí được UBND tỉnh Quảng Ngãi xếp hạng di tích lịch sử ngày 24/01/2023.

Ông sống đức độ, nhân từ, được nhiều người trong làng thương yêu. “Chúng tôi lớn lên trong niềm tự hào của dòng họ, nên dù đi đâu cũng nhớ nền nếp gia phong của gia đình, lấy đó làm kim chỉ nam trong cách đối nhân xử thế ở đời", ông Ngô chia sẻ.

Ông Ngô còn cho biết, trong một lần Bác Đồng về thăm quê nội ở xã Đức Tân, Bác đi thẳng đến giếng nước đầu làng xóm Cây Gạo. Tại đây, ai cũng xúc động khi nghe Bác Đồng giảng giải về mạch nguồn của giếng nước để mỗi người nhớ về tổ tiên. Trước khi ra Hà Nội, Bác Đồng về quê ngoại thắp hương tưởng niệm. Bác rất gần gũi với nhân dân, nhẹ nhàng, giản dị trong cách ăn mặc, giao tiếp.

Ông Nguyễn Chí, cháu nội của ông Hương Bảy, người đang trông nom Di tích nhà ông Nguyễn Chí, tự hào cho biết: "Nghe và chứng kiến những câu chuyện lịch sử về dòng họ, vợ chồng tôi luôn giáo dục con cháu phải noi gương cha ông. Chúng tôi mong câu chuyện về nguồn cội mãi lưu truyền cho các thế hệ mai sau, để luôn tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dòng họ".

Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Hằng năm, Đoàn xã Đức Hiệp tổ chức hành trình đến với địa chỉ đỏ, địa danh lịch sử cách mạng Khu di tích Nguyễn Chí để dâng hương, tưởng niệm bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn của tuổi trẻ xã Đức Hiệp đối với các bậc anh hùng tiền bối.

 

Đoàn xã Đức Hiệp tổ chức hành trình đến với“địa chỉ đỏ - địa danh lịch sử cách mạng” khu di tích Nguyễn Chí 

Đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhằm thực hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên, học sinh trong xã.

 

Hành trình  đến với“Địa chỉ đỏ - địa danh lịch sử cách mạng” khu di tích Nguyễn Chí

Hoạt động trải nghiệm này đã khơi dậy trong mỗi đoàn viên, thanh niên, học sinh niềm tự hào, tình yêu quê hương, ý thức trân trọng, giữ gìn di tích lịch sử địa phương và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, cố gắng nổ lực học tập và rèn luyện để sau này trở thành những người công dân tốt, tài năng, hướng về cuội nguồn để góp phần xây dựng và phát triển quê hương Đức Hiệp ngày càng tươi đẹp hơn.

 

Lê Hữu Tây
Xem tin theo ngày tháng: