(Đăng lúc: 07/11/2023 04:44:16 PM)
Fanpage Tỉnh đoàn Quảng Ngãi
.
In bài  
Di tích cấp tỉnh Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chánh
Di tích Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chánh là nơi lưu danh và tôn vinh đồng chí Nguyễn Chánh - một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một tướng tài của Quân đội nhân dân Việt Nam đã trọn đời phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đến thăm di tích, tìm hiểu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Chánh còn giúp chúng ta hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn về chiến dịch Tây Nguyên hào hùng do đồng chí Nguyễn Chánh trực tiếp chỉ huy.

 

Chân dung đồng chí Nguyễn Chánh (1914 - 1957).

Đồng chí Nguyễn Chánh, tức Chí Thuần, sinh ngày 01/8/1914 trong một gia đình trung nông có truyền thống yêu nước ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1929 đồng chí tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 1 năm 1931, được phân công, phụ trách phong trào huyện Nghĩa Hành, huyện Sơn Tịnh. Tháng 5/1931, bị thực dân Pháp bắt kết án 2 năm tù. Từ năm 1935 đến 1938, đồng chí tham gia Tỉnh ủy Quảng Ngãi, phụ trách chỉ đạo phong trào đấu tranh công khai. Tháng 7/1939 đồng chí được cử làm Bí thư Liên Tỉnh ủy Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên. Tháng 10/1939 bị thực dân Pháp bắt lần thứ 2 kết án 6 năm tù và bị đày đi các nhà lao Quảng Ngãi, Ba Tơ, Di Lăng, Buôn Ma Thuột, Phú Bài và nhà lao Huế.

Tháng 3/1945, ra khỏi tù, đồng chí tham gia Tỉnh ủy Quảng Ngãi và được ủy nhiệm cùng các đồng chí Trần Lương, Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn lãnh đạo Đội du kích Ba Tơ hoạt động, phát triển lớn mạnh làm nòng cốt cho tổng khởi nghĩa giành toàn bộ chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Quảng Ngãi và một số tỉnh Nam Trung Bộ. Từ cuối năm 1945 đến tháng 9/1948, đồng chí là xứ ủy viên, Ủy viên Ủy ban kháng chiến miền Nam Trung Bộ. Tháng 10/1948, đồng chí được chỉ định làm chính ủy Liên khu V.

Đại hội Đảng lần thứ 2 (2/1951), đồng chí Nguyễn Chánh được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và giữ các trọng trách Ủy viên Ủy Ban kiểm tra Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 7/1951, đồng chí được cử làm Bí thư Liên khu ủy, chính uỷ kiêm tư lệnh khu V. Đông Xuân 1953 - 1954, để phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ, đồng chí đã trực tiếp chỉ huy quân đội mở chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng tỉnh Kon Tum, đánh thắng trận An Khê và nhiều trận khác, góp phần phá tan kế hoạch Át - lăng của địch, giành chiến thắng rực rỡ cho toàn bộ chiến dịch, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Cuối năm 1954, đồng chí Nguyễn Chánh được cử giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng, Ủy viên Tổng quân ủy. Đầu năm 1957, giữ chức chủ nhiệm Tổng cục cán bộ Bộ quốc phòng Tổng tư lệnh.

Do quá trình hoạt động cách mạng liên tục nhiều năm, chịu nhiều gian khổ hi sinh, 2 lần bị tù đày, trải qua 6 nhà tù hà khắc lại nếm đủ cực hình tra tấn đánh đập tàn bạo của kẻ thù nên đồng chí bị bệnh nặng. Mặc dù được Trung ương Đảng và Chính phủ hết lòng chăm sóc và cứu chữa nhưng vẫn không qua được căn bệnh hiểm nghèo. Đồng chí Nguyễn Chánh từ trần ngày 24/9/1957 tại Hà Nội (lúc mới 43 tuổi).

Đồng chí Nguyễn Chánh được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc Lập hạng nhất và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác. Tại thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà quê hương đồng chí Nguyễn Chánh cho đến trước năm 1968 còn một ngôi nhà nơi đồng chí đã sinh ra và trưởng thành và cũng là nơi gắn liền với một quãng đời hoạt động cách mạng của đồng chí, từ  năm 1930 đến năm 1945.

Ngôi nhà trước đây của gia đình gồm có nhà chính và nhà ngang do cụ Nguyễn Chức - thân sinh đồng chí Nguyễn Chánh xây dựng vào những năm đầu của thế kỷ XX theo kiểu nhà kèo truyền thống với chất liệu bằng gỗ mít.

Nhà chính có kết cấu vì kèo chồng kẻ truyền, sáu hàng chân, ba gian hai chái, cửa bản khoa, nền nhà đất, mái lợp tranh, tường bao quanh bằng đá ong. Gian giữa là nơi thờ gia tiên, gian bên phải kê bộ phản là nơi tiếp khách. Bộ phản ở gian bên trái là nơi đồng chí Nguyễn Chánh thường ngủ lúc nhỏ và bắt đầu việc học tập khi còn niên thiếu. Gian chái Đông dành cho vợ chồng ông Nguyễn Tải - anh ruột đồng chí Nguyễn Chánh, gian chái Tây là nơi sinh hoạt của vợ chồng đồng chí Nguyễn Chánh. Nhà ngang có kết cấu bốn hàng chân, một gian hai chái được thông với nhà chính bằng hành lang phụ và máng xối. Gian giữa của nhà ngang là nơi sinh hoạt của gia đình. Gian chái Tây là nơi nghỉ ngơi của ông bà thân sinh đồng chí Nguyễn Chánh. Gian chái đông là nhà bếp.

Tuy nhiên, năm 1968 ngôi nhà này đã bị hủy hoại hoàn toàn do đạn pháo của Mỹ - Ngụy bắn từ chi khu quận Sơn Tịnh. Đến năm 1976, để có chỗ thờ phụng, tưởng niệm đồng chí Nguyễn Chánh tại quê nhà, gia đình dòng họ đã xây nhà thờ đồng chí Nguyễn Chánh trên nền cũ của ngôi nhà xưa. Nội thất được bày trí khiêm tốn, chính giữa đặt bệ thờ bằng xi măng, trên đó đặt ảnh thờ đồng chí Nguyễn Chánh và đồ thờ bằng đồng. Trên vách tiền đối diện với bệ thờ trưng bày ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các bằng khen và Huân, Huy chương do Đảng và Chính phủ tặng cho đồng chí Nguyễn Chánh, cho người anh ruột là Nguyễn Tải và người chị ruột là Nguyễn Thị Hương đã có công trong cuộc đấu trành giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Do làm bằng vật liệu không bền vững cho nên sau một thời gian nhà thờ đồng chí Nguyễn Chánh bị xuống cấp hư hỏng nặng nề. Trân trọng và nhớ ơn công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Chánh, năm 2004 Đảng bộ và nhân dân huyện Sơn Tịnh cho tiến hành tôn tạo di tích lưu niệm về đồng chí Nguyễn Chánh tại quê nhà bằng hình thức nhà lưu niệm để trưng bày về thân thế và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Chánh.

Năm 2005, Cựu chiến binh Liên khu V tại thành phố Hồ Chí Minh đã xây nhà bia tưởng niệm, đặt bia ghi công tích và tượng bán thân của đồng chí Nguyễn Chánh tại không gian sân trước của nhà lưu niệm. Với việc đặt bia tưởng niệm, cựu chiến binh Quân khu V bày tỏ lòng biết ơn, sự kính trọng đối với một nhà lãnh đạo tài đức vẹn toàn, trung hiếu với Đảng và nhân dân.

 

Bia tưởng niệm trước Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chánh.

Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chánh xây dựng tại vị trí nền cũ của ngôi nhà xưa, nơi đồng chí Nguyễn Chánh đã sinh ra và trưởng thành tại thôn Thọ Lộc, nay là thôn Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh. Di tích gồm có: nhà bia tưởng niệm và nhà trưng bày lưu niệm về thân thế và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Chánh.

Từ cổng chính đi vào qua khoảng sân rộng 23m là nhà bia tưởng niệm có diện tích mặt bằng hình chữ nhật (dài 4,05m, rộng 3,65m) được tôn cao dần từng cấp (3 cấp so với mặt nền). Nhà bia tưởng niệm được làm bằng bê tông cốt thép với 4 cột vuông vươn cao đỡ 2 mái hình chóp nhọn, được nối kết với trần nhà hình vòm cuốn, tạo cho không gian bên dưới rộng thoáng, hài hòa và trang trọng. Chiều cao của 4 cột vuông là 2,35m, cạnh 0,2m.

Trên nền nhà bia tưởng niệm, là bia ghi công tích bằng xi măng cao 1,75m, dài 1m, rộng 0,2m, ốp đá đen với mặt trước ghi chữ Quốc ngữ: Giới thiệu những cống hiến xuất sắc của đồng chí Nguyễn Chánh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Phía trước bia ghi công tích là tượng bán thân đồng chí Nguyễn Chánh (cao 0,6m, rộng 0,35m) được làm bằng xi măng với mặt ngoài phủ đồng. Tượng được đặt trên bệ ốp đá đỏ, cao 0,90m, dài 0,8m, rộng 0,65m. Phía trước tượng đặt lư hương lớn bằng xi măng để cắm hương. Mặt trước hai cột tiền của nhà bia tưởng niệm ốp đá đen ghi câu đối bằng chữ Quốc ngữ:

“Nguyễn Chánh 16 mùa xuân đi làm cách mạng

Chí Thuần 40 tuổi đuổi giặc ngoại xâm”

Sau nhà bia tưởng niệm một khoảng sân rộng 5m là nhà trưng bày lưu niệm đồng chí Nguyễn Chánh, có diện tích mặt bằng hình chữ nhật, dài 11m, rộng 9,25m với hiên trước được tôn cao 3 cấp. Mỗi cấp rộng 0,3m, cao 0,15m so với mặt nền. Nhà lưu niệm được làm theo kiểu tường hiên chắn mái, tường bao quanh được xây bằng gạch, trát xi măng, đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, trần nhà đóng la phông bằng ván mỏng.

 

Quang cảnh nhà lưu niệm.

Hiên trước được mở rộng (dài 12,6m, rộng 2,16m) với 4 cột vuông bằng bê tông (cao 3,2m, cạnh 0,20m) đỡ mái hiên trước nhằm tạo sự thông thoáng và đáp ứng nhu cầu về lưu thông khi có khách tham quan. Nhà lưu niệm có 3 cửa lớn được mở ở vách tiền, với cửa giữa rộng 1,6m, cao 2,2m gồm 3 cánh, mỗi cánh rộng 0,56m. Hai cửa bên cao 2,2m, rộng 1,24m gồm 2 cánh, mỗi cánh rộng 0,63. Các cánh cửa đều được làm bằng gỗ với kính để lấy ánh sáng cho không gian bên trong. Nhà lưu niệm có diện tích nội thất 63 mét vuông.

 

 

Gian trưng bày bên trong Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chánh.

Bốn mặt tường (vách) được đóng đai trưng bày bằng gỗ (cao 1,73m) với mặt ngoài được cán sơn để tạo diện trưng bày. Nội thất với 50 hình ảnh, 37 hiện vật, 15 tài liệu đã tập trung phản ảnh về quê hương, gia đình, cuộc đời hoạt động cách mạng và các hoạt động tưởng niệm, tôn vinh đồng chí Nguyễn Chánh.

 

Hằng năm, Nhà lưu niệm đón các đồng chí lãnh đạo đến viếng hương, tham quan.

Di tích Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chánh đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi ra Quyết định số 1881/QĐ-UB, ngày 25 tháng 10 năm 1993 về việc bảo vệ di tích này theo đúng quy định của Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh số 14-LCT/HĐNN công bố ngày 04/4/1984.

 

Huyện đoàn Sơn Tịnh, đoàn viên, thanh thiếu nhi, học sinh huyện Sơn Tịnh thường xuyên tổ chức hành trình về địa chỉ đỏ, đến tham qua Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chánh. 

Số lượng khách tham quan di tích hàng năm thường tập trung vào những ngày lễ, tết, ngày sinh, ngày mất của đồng chí Nguyễn Chánh. Trong những ngày này, ngoài các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Sơn Tịnh, xã Tịnh Hà và cựu chiến binh đến dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Chánh, còn có học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở trong huyện Sơn Tịnh cũng đến thăm viếng, tưởng niệm.

 

Ngọc Huyên
Xem tin theo ngày tháng:
ÂM NHẠC
LIÊN KẾT WEB
Thống kê truy cập
Lượt truy cập:
17,582,405
Đang trực tuyến:
484
Tin xem nhiều