(Đăng lúc: 27/09/2013 12:00:00 AM)
Fanpage Tỉnh đoàn Quảng Ngãi
.
In bài  
Dạy Anh văn cho học sinh tiểu học: Vẫn thiếu đủ thứ
Đề án dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học được triển khai với nhiều giải pháp tích cực, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, nhưng đến thời điểm này vẫn thiếu đội ngũ giáo viên đạt chuẩn trình độ theo yêu cầu, thiếu trang thiết bị đồ dùng dạy học, cơ sở vật chất … thậm chí là thiếu sách.
* Thiếu đủ thứ

Năm học 2013-2014 là năm thứ 3 Trường tiểu học số 2 xã Long Mai 2 (Minh Long) triển khai dạy tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 theo chương trình thí điểm của Bộ cho học sinh lớp 3.

Theo chương trình chuẩn, thời lượng sẽ tăng lên 4 tiết/tuần so với chương trình cũ. Yêu cầu của Bộ GD&ĐT khá cao. Hoạt động dạy học phải thông qua môi trường giao tiếp, đa dạng với các hình thức tương tác như trò chơi, bài hát, kể chuyện, câu đố, vẽ tranh... Học sinh học hết chương trình lớp 3 phải đạt được các khả năng: nghe, nói, viết và đọc.

Làm được điều này, sẽ tạo hứng thú cho học sinh, tiếp thêm niềm đam mê cho các em nhưng để làm được điều đó không hề đơn giản, bởi điều kiện của cả nhà trường lẫn giáo viên đều hạn chế. Để thiết kế thêm nhiều trò chơi cho học sinh, giáo viên rất vất vả. Nhưng thiết kế được rồi thực hành cũng khó.

 

Việc học và dạy tiếng Anh ở trong các trường hiện nay vẫn chưa có sự đột phá.
Việc học và dạy tiếng Anh ở trong các trường hiện nay vẫn chưa có sự đột phá.



Với học sinh ở đồng bằng, việc học tiếng Anh trong điều kiện thiếu đủ thứ đã khó huống chi là miền núi có trình độ dân trí thấp. Cô Nguyễn Kim Duyên- giáo viên phụ trách bộ môn tiếng Anh của Trường tiểu học số 2 xã Long Mai chia sẻ: “Các em nghe để phát âm lại chứ không thể tự nắm kiến thức. Học sinh sẽ quên ngay vào tiết học hôm sau, đó là chưa kể việc các em không có điều kiện tập luyện khi rời lớp về nhà”.

Cũng theo cô Duyên, chương trình thí điểm yêu cầu giáo viên phải soạn giáo trình trên máy tính, trong khi phân phối chương trình thì rất chung, giáo viên phải rất mất công mày mò soạn bài từ nhiều giáo trình hiện có như Let’s Learn, Activitive Book...

Chương trình chuẩn cũng nặng so với học sinh tiểu học, bài trước và bài sau không có mối liên hệ với nhau. Đơn cử như ở chương trình của học sinh lớp 4, lesson 12 về nghề nghiệp thì lesson 13 về thức ăn và lesson 13 là bố mẹ. Từ vựng vừa khó lại dài, mỗi bài là một mẫu câu khác nhau.

Yêu cầu nặng nề là thế, nhưng giáo viên và học sinh lại "dạy chay, học chay”, thiếu trang thiết bị đồ dùng dạy học, thiếu phòng học chuyên biệt…, thậm chí là thiếu sách nên việc dạy tiếng Anh chưa cải thiện là mấy.

Ở các địa phương miền núi, việc học của con em ít được coi trọng nên nhiều em không được bố mẹ trang bị sách giáo khoa. Thầy cô giáo phải photo sách cho các em học. Nhưng khổ nỗi, sách Anh văn cần có màu thì học sinh mới phân biệt được cái gì, con gì, cây gì chứ trắng đen thì học sinh mù tịt. Vả lại hầu hết các trường tham gia thí điểm chương trình tiếng Anh tiểu học của tỉnh đều chưa có phòng học tiếng Anh chuyên biệt.

“Không có máy chiếu, màn hình, sách trắng đen thì lấy gì mà nghe với xem"- cô Duyên bày tỏ. Vì những lẽ đó, tuy giáo viên có cố gắng để truyền tải đến các em những nội dung cần thiết nhưng kết quả còn hạn chế.

Cô Nguyễn Thị Tuyền- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, dẫu là trường chuẩn Quốc gia, nhưng hiện nay học sinh của trường đang trong tình trạng “học chay”, không có các phương tiện, đồ dùng học tập như băng ghi âm, đĩa hình, không có phòng học tiếng Anh riêng…

Đến giờ tiếng Anh, học sinh hát, chơi trò chơi làm ảnh hưởng đến việc học của lớp bên cạnh. Đặc biệt học sinh là người đồng bào dân tộc trong khi tiếng Việt đọc viết còn chưa rành lại phải giồng mình với tiếng Anh.

Ngoài ra, vấn đề biên chế cũng là khó khăn lớn nhất. Hiện tại, hầu hết, mỗi trường chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh, trong khi số lượng lớp học lại quá đông, có trường phải hợp đồng nên khi giáo viên nghỉ thai sản hoặc có việc nhà… học sinh đành nghỉ theo.

* Thầy chưa chuẩn, chuẩn trò khó

Một trong những nguyên nhân môn ngoại ngữ trở thành gánh nặng đối với học sinh tiểu học nói riêng và học sinh THCS, THPT nói chung chính là trình độ chuẩn ngoại ngữ của người dạy.

Theo khảo sát năng lực ngôn ngữ 922 giáo viên tiếng Anh trên toàn tỉnh, không có giáo viên nào đạt chuẩn C2, 8 người đạt chuẩn C1, 152 người đạt chuẩn B2, đặc biệt có tới 110 người không đạt chuẩn nào.

Cũng theo khảo sát giáo viên dạy tiếng Anh, khối tiểu học có tỷ lệ đạt chuẩn thấp nhất. Chỉ có 1 người đạt chuẩn B2, 26 người đạt chuẩn B1, 64 người đạt chuẩn A2, 41 người đạt chuẩn A1 và 10 người không đạt chuẩn.

Bởi thế, không trách sao, không ít học sinh than thở với bố mẹ “Cô giáo của con nói tiếng Anh lạ lắm”. Trong thời buổi hội nhập quốc tế, không ít phụ huynh mong muốn con được tiếp cận với tiếng Anh sớm để các em tự tin hơn, tránh lối mòn như các bậc anh chị đi trước là xem việc học Anh văn là nỗi ám ảnh nên họ không ngần ngại bỏ ra 2,5 triệu đồng mỗi tháng để con được học tiếng Anh ở Trung tâm Việt Mỹ, để con được tiếp xúc với người bản xứ.

Bộc bạch về điểm yếu này, nhiều giáo viên thừa nhận, họ là sản phẩm của lối đào đào cũ, chú trọng ngữ pháp, ít có cơ hội được tiếp xúc với người bản xứ, bồi dưỡng nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế.
 
 
Hầu hết các trường đều chưa có phòng học tiếng Anh chuyên biệt.
Hầu hết các trường đều chưa có phòng học tiếng Anh chuyên biệt.


Trong Hội nghị tổng kết năm học 2012- 2013, triển khai năm học 2013-2014, lãnh đạo Sở cũng thẳng thắn thừa nhận, giáo viên tiếng Anh đang thừa, nhưng lại thiếu giáo viên đạt chuẩn.

Theo ông Đặng Phiên- Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT), muốn học tiếng Anh hiệu quả thì môi trường giao tiếp là quan trọng nhất. Ngoài yếu tố trang thiết, cơ sở vật chất, điều quan trọng bậc nhất là phải có giáo viên đạt chuẩn. Thầy có chuẩn thì trò mới chuẩn.

Năm học này, tất cả các địa phương trong tỉnh sẽ thực hiện dạy tiếng Anh theo chương trình chuẩn của Bộ cho học sinh tiểu học. Dự kiến đến năm 2014- 2015, sẽ áp dụng với học sinh lớp 6 ở 7 huyện đồng bằng.

Để nâng cao trình độ, năng lực sử dụng tiếng Anh cho giáo viên, trong 2 năm qua, ngành giáo dục đã phối hợp với ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng bồi dưỡng cho trên 400 giáo viên tiếng Anh, trong đó có hơn 100 giáo viên tiểu học. Mua sắm 58 bộ thiết bị dạy học cho các trường tiểu học.

Trong thời gian tới, việc bồi dưỡng năng lực cho giáo viên tiếng Anh sẽ tiếp tục được triển khai. Sở cũng có kế hoạch mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho 18 trường, trong đó có 10 trường tiểu học.



Bài, ảnh: Ái Kiều - BaoQuangNgai

Xem tin theo ngày tháng:
ÂM NHẠC
LIÊN KẾT WEB
Thống kê truy cập
Lượt truy cập:
17,583,820
Đang trực tuyến:
366
Tin xem nhiều