(Đăng lúc: 25/04/2023 11:05:56 AM)
Fanpage Tỉnh đoàn Quảng Ngãi
.
In bài  
Sơn Mỹ: Điểm đến của tuổi trẻ yêu khát vọng và hòa bình
Vào buổi sáng ngày 16/3/1968, 504 thường dân vô tội thôm Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi) đã bị giết hại. Năm 1976, tức 8 năm sau thời điểm xảy ra vụ thảm sát, Khu Chứng tích Sơn Mỹ được xây dựng. Nơi đây gìn giữ một khu vực chứng tích hiện trường, trưng bày hình ảnh, hiện vật và đặt tượng đài tưởng niệm 504 nạn nhân. Hơn nửa thế kỷ qua, Khu Chứng tích Sơn Mỹ đã trở thành điểm đến của tuổi trẻ Công an tỉnh yêu khát vọng hòa bình.

 

Ðến Sơn Mỹ hôm nay, dừng lại trước bức tượng để cảm nhận nỗi đau tột cùng của nạn nhân Sơn Mỹ ngày ấy.

Lưng chừng tháng ba, mộc miên tỏa sắc cả một góc trời, đám cò trắng dắt nhau bay về nơi trú ngụ. Chúng tôi nhớ lại những câu chuyện thời cắp sách được nghe thầy cô kể, qua đã lâu nhưng vẫn còn vọng mãi… Dọc hai bên Quốc lộ 24B hôm nay đã lên màu nhựa mới, cánh đồng lúa bên đường đang trổ đòng mơn mởn, những mái ngói đỏ tươi mọc lên cao vút tầm mắt. Chứng kiến những khởi sắc của Sơn Mỹ hôm nay, ít ai hình dung ra rằng 55 năm trước cũng tại nơi này sự sống đã bị hủy diệt.

 

Đoàn viên Công an huyện Sơn Tịnh tổ chức về nguồn tại Khu chứng tích Sơn Mỹ.

Sáng sớm 16/3/1968, giữa mùa thu hoạch khoai lang ở làng Sơn Mỹ năm xưa. Trên những con đường và gò đất dẫn vào Mỹ Lai, khoai lang mới xắt được người dân phơi đầy đường. Đúng 7h27 phút, trực thăng Mỹ bay tới, sau các loạt đạn dẹp đường, 100 lính đổ bộ xuống Mỹ Lai. Họ tiến về phía nhà dân, đập ảng nước, đạp lu đựng củ lang khô, rồi chĩa súng vào những người trong nhà, ra lệnh phải theo họ ra đồng. Những em bé mới đôi ba tuổi đang được mẹ bế trên tay, vài cô cậu đang tuổi mới lớn, những cụ già đang ở lưng chừng dốc bên bia cuộc đời, họ đâu có chạy đâu, vì ai cũng nghĩ: Nhà có chứa Việt Cộng đâu mà chúng bắn làm gì?

Thoáng chốc, toán lính đã tập hợp những người dân vô tội thành hàng dài bên bờ mương và bắt đầu… nã đạn. Từng lớp người cứ lần lượt ngã xuống, tiếng trẻ con khóc inh ỏi, tiếng la hét thấu trời của những người dân vô tội, nhưng đạn vẫn lên nòng, tiếng súng ran cả một vùng, khét lẹt. Buổi sáng cuối xuân năm ấy đã qua, nhưng 504 thường dân vô tội vẫn còn nằm lại ở đây… mãi mãi. Cuối ngày hôm đó, trên các bản tin của quân đội Mỹ đã đăng “128 Việt Cộng đã bị tiêu diệt sau một ngày chiến đấu khốc liệt” và chỉ huy Mỹ liền có lời khen đơn vị này đã “làm việc kiệt xuất”.

Những gì đã diễn ra tại Mỹ Lai vẫn được xem là một thắng lợi của quân đội Mỹ, cho đến khi sự cắn rứt lương tâm của những người lính và sự vào cuộc của báo chí thì sự thật mới được phơi bày.

Hôm nay, chúng tôi về thăm Sơn Mỹ, thắp nén hương trầm trước tượng đài của những người đã ngã xuống, nghe nhân chứng kể lại chuyện năm xưa, hơn nửa thế kỷ đã qua nhưng họ vẫn còn nhớ rõ thứ mùi lẫn lộn vào ngày hôm ấy. Mùi của cánh đồng tháng ba còn thơm hương lúa ra đòng, mùi tanh của máu, mùi củ khoai lang, mùi lúa gạo bị cháy khét trong những ngôi nhà ngùn ngụt lửa. Thứ mùi đó ám vào cả trong giấc ngủ của họ.

 

Công an thành phố Quảng Ngãi đến thăm Khu chứng tích Sơn Mỹ.

Chiến tranh đã qua đi, nhưng không ai trong số người Sơn Mỹ cho phép mình được lãng quên sự kiện này. Những ngày tháng Ba rực lửa, trước đài tưởng niệm những nạn nhân của cuộc thảm sát, vẫn là những đoàn người, là nhang khói, là sen trắng và cả những tiếng khóc của người từ xa tới khi nghĩ về nỗi đau dân tộc mình đã phải gánh chịu. Dưới rặng tre tỏa mát trước hiên nhà bên cánh đồng Khê Thuận, ta bắt gặp nhóm người, họ ở xa trở về, họ ở quê nhà bám trụ, họ cùng nhau quây quần bên mâm cỗ, bên làn khói hương nghi ngút, họ chỉ tay về phía tượng đài Sơn Mỹ, như muốn nhắc nhở con cháu mình về sức sống mãnh liệt của làng quê, về hạnh phúc của hòa bình mà cha ông đã gắng công gìn giữ.

 

Công an thành phố Quảng Ngãi thăm viếng tại Khu chứng tích Sơn Mỹ và tặng quà cho 01 cụ bà khó khăn có người thân bị sát hại trong vụ thảm sát Sơn Mỹ năm 1968.

Nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2023), những ngày qua, đoàn viên, thanh niên Công an tỉnh đã về thăm chứng tích Sơn Mỹ. Đây là hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng có ý nghĩa sâu sắc, giúp thế hệ trẻ Công an tỉnh hiểu rõ hơn về truyền thống lịch sử, những mất mát của các thế hệ đi trước do chiến tranh gây ra; từ đó, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.

Sơn Mỹ sau 55 năm đã có nhiều đổi thay nhưng nét bình dị, hiền hòa của làng quê và những người dân chân chất năm xưa vẫn hiện hữu nơi này. Hằng ngày, người dân ra sức lao động xây dựng cuộc sống để phần nào bù đắp lại những mất mát đã qua. Những người chiến sĩ trẻ chúng tôi vẫn rỉ tai nhau bài học về tình yêu thương con người, yêu quê hương, đất nước. Bớt chút thời gian, ghé về Sơn Mỹ những ngày này, bạn sẽ nghe được tiếng chuông nguyện cầu, tiếng đàn Violon vít lên nghe da diết. Nhìn lên nền trời xanh, đàn bồ câu trắng đang sải cánh đi muôn nơi như muốn gửi niềm khát vọng của nhân dân Sơn Mỹ về một nền hòa bình mãi trường tồn trên toàn thế giới.

 

Nguyễn Trầm
Xem tin theo ngày tháng:
ÂM NHẠC
LIÊN KẾT WEB
Thống kê truy cập
Lượt truy cập:
17,585,489
Đang trực tuyến:
581
Tin xem nhiều