Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11
Ngày đưa:  02/11/2022 10:47:56 AM In bài
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 01/11.

Phê duyệt Đề án "Phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030"

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định 1314/QĐ-TTg ngày 1/11/2022 phê duyệt Đề án "Phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ Việt Nam giai đoạn 2022-2030".

Mục tiêu tổng quát của Đề án là phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng, phát huy tài năng trẻ Việt Nam nhằm góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; khơi dậy tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến của tài năng trẻ Việt Nam; tạo động lực và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ; hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hằng năm, tối thiểu 70% thanh niên được cung cấp các thông tin về chủ trương, chính sách, các hoạt động phát hiện, bồi dưỡng, phát huy tài năng trẻ trên các lĩnh vực.

Đến năm 2025, xây dựng, vận hành Mạng lưới tài năng trẻ Việt Nam toàn cầu và Công viên số Tài năng trẻ Quốc gia.

Đến năm 2030, sau khi được phát hiện tôn vinh, tối thiểu 60% tài năng trẻ được bồi dưỡng, tham gia các hoạt động chia sẻ tri thức, hỗ trợ cộng đồng, tham gia phát triển kinh tế - xã hội do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các bộ, ngành, địa phương tổ chức.

Tổ chức các giải thưởng, cuộc thi, hội thi phát hiện và tôn vinh tài năng trẻ tiêu biểu

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án là phát hiện, tôn vinh tài năng trẻ. Cụ thể, tổ chức các sân chơi học thuật, năng khiếu, tài năng trên từng lĩnh vực để thanh niên có môi trường bộc lộ tài năng.

Tổ chức các giải thưởng, cuộc thi, hội thi phát hiện và tôn vinh tài năng trẻ tiêu biểu trên các ngành, lĩnh vực. Chú trọng phát hiện tài năng trẻ là: Lãnh đạo quản lý, nhà khoa học, doanh nhân, vận động viên, văn nghệ sĩ, nghệ nhân truyền thống, lực lượng vũ trang, người dân tộc thiểu số và tài năng trẻ Việt Nam ở nước ngoài. Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong việc triển khai, tổ chức các giải thưởng, cuộc thi năng khiếu, tài năng.

Khuyến khích tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài trong mỗi gia đình, dòng họ, cơ quan, tổ chức, địa phương để phát hiện, ươm mầm và phát triển tài năng trong thanh thiếu nhi.

Tổ chức các lớp năng khiếu, hoạt động các câu lạc bộ, đội, nhóm sở thích của hệ thống cung, nhà văn hóa thanh thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu niên các cấp, các trường năng khiếu; liên kết, kết nối với các thiết chế văn hóa cơ sở, cơ sở giáo dục, trung tâm thông tin - thư viện nhằm phát hiện, ươm mầm và bồi dưỡng thanh thiếu nhi có năng khiếu phát triển tài năng.

Bồi dưỡng, hỗ trợ tài năng trẻ

Ngoài ra là nhiệm vụ, giải pháp tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, hỗ trợ tài năng trẻ.

Cụ thể, tổ chức các hoạt động bồi đắp lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến cho các tài năng trẻ thông qua việc tổ chức các hoạt động về nguồn, thăm quan các địa danh văn hóa, lịch sử của địa phương, đất nước; tham gia hoạt động hướng về biên giới, hải đảo; gặp gỡ, giao lưu với nhân chứng lịch sử,...

Trung ương Đoàn lựa chọn các tấm gương tài năng trẻ tiêu biểu trong và ngoài nước, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đoàn đại biểu tài năng trẻ Việt Nam thăm Quần đảo Trường Sa và các đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Tổ chức các hoạt động tập huấn, hội trại, hội thảo, diễn đàn giữa các nhà khoa học đầu ngành uy tín trong và ngoài nước với các nhà khoa học trẻ, nghiên cứu sinh, sinh viên giỏi, tài năng nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học; chia sẻ kinh nghiệm, thông tin các kết quả nghiên cứu, gợi mở các ý tưởng và liên kết, hợp tác nghiên cứu; hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh của quốc gia. Hỗ trợ kết nối thương mại hóa các sản phẩm, công nghệ mới do thanh niên nghiên cứu, phát triển.

Tổ chức hỗ trợ cho tài năng trẻ có hoàn cảnh khó khăn, tài năng trẻ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo được học tập, nghiên cứu và phát triển tài năng.

Tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ và các diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ tham mưu, thực hiện công tác phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ.

Nghiên cứu đề xuất để hoàn thiện các chính sách đối với tài năng trẻ. Tổ chức các diễn đàn, đối thoại chuyên sâu liên quan tới chính sách về tài năng trẻ.

Đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 1/11/2022 về đẩy mạnh đổi mới hoạt động của thư viện trong xây dựng, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi.

Theo Chỉ thị, những năm qua, hệ thống thư viện mà nòng cốt là thư viện công cộng và thư viện trường học đã có sự phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, là chủ thể trực tiếp xây dựng môi trường đọc thuận lợi, thân thiện, phát triển văn hóa đọc trong nhân dân; đã chú trọng đổi mới trong tổ chức và hoạt động, triển khai nhiều mô hình phù hợp, thực hiện tốt vai trò khơi dậy đam mê, hình thành thói quen, xây dựng và phát triển kỹ năng đọc, kỹ năng tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi, góp phần xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ. Pháp luật về thư viện tiếp tục xác định vai trò, nhiệm vụ quan trọng của thư viện trong xây dựng và phát triển văn hóa đọc nói chung, kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi nói riêng.

Môi trường đọc cho thiếu nhi còn thiếu, chưa thực sự phù hợp

Tuy nhiên, công tác tổ chức triển khai thực hiện và kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu: Môi trường đọc cho thiếu nhi ở nhiều địa phương còn thiếu, chưa thực sự phù hợp và thuận lợi trong tiếp cận thông tin; tỉ lệ thiếu nhi đọc sách thường xuyên chưa cao và bền vững, hoạt động khuyến đọc nhiều nơi còn mang tính phong trào; chưa thực sự chú trọng việc hình thành thói quen, xây dựng và phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi; có sự chênh lệch về điều kiện tiếp cận thông tin và các tiện ích, dịch vụ, sản phẩm thông tin thư viện giữa thành thị và nông thôn, miền núi, khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Nguyên nhân chủ yếu là do các cấp, các ngành chưa quan tâm, đầu tư đúng mức, nhất là trong việc bố trí đủ quỹ đất, nhân lực, tài nguyên thông tin và các điều kiện cần thiết khác để thư viện triển khai hiệu quả các hoạt động phục vụ thiếu nhi; sự phát triển của các phương tiện truyền thông, thiết bị điện tử, mạng xã hội tác động mạnh mẽ đến thói quen đọc, tiếp cận thông tin của thiếu nhi; sự đổi mới hoạt động của thư viện chưa theo kịp tốc độ phát triển của khoa học công nghệ và yêu cầu thực tiễn nói chung; sự phối hợp giữa thư viện trường học với các loại thư viện khác chưa được triển khai đồng bộ, thường xuyên.

Hình thành thói quen đọc sách, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi

Để kịp thời khắc phục những hạn chế nêu trên, hình thành thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc, đặc biệt là việc phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi, góp phần thúc đẩy xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Tiếp tục tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn; chủ trì hoặc phối hợp triển khai các văn bản liên quan đến phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, trong đó đặc biệt chú trọng đến đối tượng thiếu nhi.

Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động, phong trào đọc chủ động, thường xuyên cũng như hình thành xu hướng đọc trong thiếu nhi, trọng tâm là nâng cao kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin.

Xây dựng điểm mô hình khuyến đọc, không gian đọc thân thiện với thiếu nhi; phát triển và nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học, mô hình "Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương".

Tôn vinh những tấm gương ham đọc, ham học; nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay, các sáng kiến ứng dụng đổi mới hoạt động thư viện trong xây dựng, phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi, đặc biệt là gắn với chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện.

Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nội vụ, Tài chính nghiên cứu việc đề xuất chính sách khuyến khích, thu hút phù hợp cho người làm công tác thư viện phục vụ thiếu nhi, nhất là tại miền núi, khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Kiện toàn hệ thống thư viện trong trường học theo hướng hiện đại, thân thiện

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo việc củng cố, kiện toàn hệ thống thư viện trong các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục khác thuộc phạm vi quản lý theo hướng hiện đại, thân thiện, tạo thuận lợi tối đa cho người sử dụng là đối tượng thiếu nhi; bố trí đủ người làm công tác thư viện đạt chuẩn theo quy định.

Hoàn thiện chính sách, tiêu chuẩn về thư viện trong các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý và khung chương trình giáo dục bao gồm các giờ học ngoại khóa tại thư viện công cộng; đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường, phát triển văn hóa đọc trong học đường, gắn với xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, trong đó tập trung nâng cao tinh thần tự đọc, tự học, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận, tra cứu và xử lý thông tin cho thiếu nhi, đồng thời đưa hoạt động này thành nội dung của tiết học chính khóa phù hợp với từng cấp học, bậc học.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan xuất bản, phát hành sách tăng cường các xuất bản phẩm có chất lượng phục vụ thiếu nhi; phối hợp với thư viện trong thực hiện lưu chiểu và trao đổi xuất bản phẩm điện tử, ấn phẩm phục vụ thiếu nhi; chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh truyền thông về văn hóa đọc, tăng cường ứng dụng và triển khai nền tảng công nghệ số phục vụ chuyển đổi số trong thư viện.

Đề xuất và chỉ đạo triển khai các biện pháp kiểm soát, sàng lọc thông tin, sản phẩm văn hóa có nội dung không phù hợp với lứa tuổi trẻ em, nhất là trên nền tảng công nghệ số; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tăng cường tuyên truyền và triển khai các giải pháp kỹ thuật ngăn chặn thông tin xấu, độc hại trên không gian mạng có ảnh hưởng tiêu cực đối với trẻ em.

Bảo đảm ngân sách, quỹ đất và các điều kiện cần thiết để phát triển thư viện

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bảo đảm ngân sách, quỹ đất và các điều kiện cần thiết để phát triển thư viện trên địa bàn đạt chuẩn theo quy định với trọng tâm là hệ thống thư viện công cộng, thư viện trường học; tăng đầu tư, hỗ trợ cho các thư viện công lập có vai trò quan trọng để tập trung phục vụ, phát triển kỹ năng đọc, tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi; đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển thư viện và văn hóa đọc phục vụ thiếu nhi trên địa bàn, đồng thời khuyến khích, phát huy vai trò của thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng tham gia phục vụ thiếu nhi tại cơ sở.

Tăng cường tổ chức kết nối giữa các thư viện, cơ sở giáo dục và các cơ quan liên quan để huy động sự tham gia của nhà trường, gia đình vào việc hình thành và duy trì thói quen đọc, nâng cao kỹ năng đọc và năng lực tiếp cận, xử lý thông tin cho thiếu nhi; chỉ đạo xây dựng, phát triển mô hình, liên kết các loại thư viện, không gian đọc, phòng đọc cơ sở trên địa bàn phù hợp với đối tượng thiếu nhi.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thư viện và phát triển văn hóa đọc, nhất là đối với các hoạt động phục vụ thiếu nhi (tập trung vào các quốc gia đã phát triển về lĩnh vực, hoạt động này như: Singapore, Nhật Bản, Anh, Mỹ, Israrel...).

Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển thư viện

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, tích cực tham gia thực hiện chính sách, tổ chức các hoạt động nhằm xây dựng môi trường đọc và phát triển năng lực đọc cho thiếu nhi; chỉ đạo các tổ chức thành viên tham gia hỗ trợ quản lý, vận hành các loại thư viện, không gian đọc, phòng đọc cơ sở phục vụ thiếu nhi.

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo các tổ chức đoàn theo thẩm quyền tổ chức các hoạt động hướng dẫn, thực hành kỹ năng tiếp cận thư viện, thư viện số, nguồn tri thức trên các nền tảng công nghệ số cho thiếu nhi, đặc biệt là thiếu nhi ở miền núi, khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các không gian đọc, mô hình phát triển văn hóa đọc theo chủ đề trong hệ thống Đoàn, Hội, Đội và trong các thiết chế của hệ thống Cung Thiếu nhi, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi.

Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển thư viện và văn hóa đọc phục vụ thiếu nhi, góp phần thúc đẩy thói quen đọc sách, nâng cao kỹ năng đọc và xây dựng xã hội học tập.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức triển khai, định kỳ hằng năm báo cáo tình hình thực hiện, có sơ kết 03 năm, tổng kết 05 năm đánh giá thực hiện Chỉ thị và báo cáo Thủ tướng Chính phủ; kịp thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc phục vụ thiếu nhi.

Một số cán bộ nghỉ hưu từ 1/11/2022

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký các quyết định nghỉ hưu từ 1/11/2022 đối với một số cán bộ thuộc: Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tấn xã Việt Nam.

Cụ thể, theo Quyết định số 1171/QĐ-TTg ngày 6/1/2022, Thiếu tướng Đỗ Phương Thuấn, Phó Tư lệnh Quân khu 3, Bộ Quốc phòng, nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/11/2022.

Theo Quyết định số 1172/QĐ-TTg ngày 6/10/2022, Thiếu tướng Nguyễn Đức Hòa, Phó Chính ủy Quân khu 4, Bộ Quốc phòng, nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/11/2022.

Theo Quyết định số 1173/QĐ-TTg ngày 6/10/2022, Thượng tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/11/2022.

Theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 29/08/2022, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nghỉ hưu theo chế độ quy định từ ngày 1/11/2022.

Theo Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 19/10/2022, ông Đinh Đăng Quang, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/11/2022./.

 

theo chinhphu.vn

Bản quyền ©2012 Tỉnh đoàn Quảng Ngãi