Biển với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN
Ngày đưa:  29/08/2013 12:00:00 AM In bài
Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Hầu hết các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều có các hoạt động thương mại hàng hải rất mạnh mẽ trên Biển Đông. Cho nên, Biển Đông được coi là con đường huyết mạch chiến lược để giao thông thương mại và vận chuyển quân sự quốc tế. Trong 10 tuyến đường biển quốc tế lớn nhất thế giới hiện nay, có 5 tuyến đi qua Biển Đông hoặc có liên quan đến Biển Đông. Trong lịch sử, Biển Đông nhiều lần là trọng điểm của những cuộc tranh chấp quốc tế gay go, quyết liệt. Ngay từ thế kỷ XIV - XV, Tây Ban Nha đã tới đây tranh giành những vùng đất màu mỡ ở Philippin, Inđônêxia. Đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII là đế quốc Hà Lan; thế kỷ XIX, XX là Pháp, Nhật, Mỹ lần lượt bành trướng, xâm chiếm hoặc gây chiến tranh chống một số nước quanh khu vực Biển Đông. Do quá trình lịch sử tồn tại hơn một trăm năm nay, cùng với sự phát triển của luật pháp quốc tế về biển và đặc điểm địa lý của Biển Đông, nên giữa các nước trong khu vực còn tồn tại một số vấn đề tranh chấp hoặc chưa thống nhất cần được giải quyết trên các vùng biển và thềm lục địa. Đặc biệt, từ nửa cuối thế kỷ XX đến nay, cuộc chạy đua tìm kiếm, khai thác dầu lửa và các nguồn nguyên liệu chiến lược ở Biển Đông càng làm cho vấn đề tranh chấp chủ quyền ở đây thêm gay gắt và phức tạp.

Việt Nam nằm bên bờ Tây của Biển Đông, là một biển lớn của Thái Bình Dương, có diện tích khoảng 3.448.000 km2, được bao bọc bởi 10 nước và vùng lãnh thổ (Việt Nam, Trung Quốc, Malaixia, Inđônêxia, Philippin, Brunây, Thái Lan, Cămpuchia, Xinhgapo và Đài Loan); là một trong 6 biển lớn nhất của thế giới, có vị trí quan trọng của cả khu vực và thế giới.

Với bờ biển dài khoảng 3.260 km, trải dài trên 13 vĩ độ, có tỷ lệ chiều dài đường biển trên diện tích đất liền cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 27/157 nước có biển trên thế giới (trung bình của thế giới là 600 km2 đất liền/1 km bờ biển, Việt Nam là 100 km2 đất liền/1 km bờ biển). Biển nước ta có khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ xa bờ, gần bờ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đảo ven bờ chủ yếu nằm ở Vịnh Bắc Bộ; đảo nổi của nước ta có diện tích khoảng 1.700 km2, trong đó có 3 đảo diện tích lớn hơn 100 km2 (Phú Quốc, Cái Bầu, Cát Bà), có 23 đảo diện tích lớn hơn 10 km2, có 82 đảo diện tích lớn hơn 1 km2 và khoảng trên 1.400 hòn đảo chưa có tên.

Theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 thì nước Việt Nam ngày nay không chỉ có phần lục địa "hình chữ S" mà còn có cả vùng biển rộng trên 1 triệu km2, chiếm khoảng 30% diện tích Biển Đông, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền. Biển, đảo là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc ta.

Vị trí địa lý và hình dáng vùng biển nước ta có ảnh hưởng sâu sắc tới sự hình thành các đặc điểm tự nhiên, từ đó ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương thức khai thác tài nguyên. Nét độc đáo của vị trí địa lý vùng biển nước ta ở chỗ: đây là nơi gặp gỡ, giao thoa của nhiều hệ thống tự nhiên, văn hoá lớn trên thế giới. Thời kỳ chiến tranh “lạnh” và chiến tranh “nóng”, đây là nơi tập trung các mâu thuẫn của thời đại. Trong tình hình hiện nay, đây là nơi có sự phát triển hoà bình, hội nhập và ổn định ở khu vực, nơi hội tụ nhiều cơ hội của phát triển. Tuy nhiên, ở đây vẫn còn tồn tại tranh chấp chủ quyền biển, đảo, là nhân tố - nguy cơ gây mất ổn định, khó lường. Điều này luôn đặt ra những khó khăn thách thức, cũng như những thuận lợi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Về kinh tế, chính trị - xã hội: Biển Việt Nam có tiềm năng tài nguyên phong phú, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt và các nguyên liệu chiến lược khác, đảm bảo cho an ninh năng lượng quốc gia, cho đất nước tự chủ hơn trong phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Cùng với đất liền, vùng biển nước ta nằm ở nơi tiếp giáp giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo, một khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, một thị trường có sức mua khá lớn, một vùng kinh tế nhiều thập kỷ phát triển năng động. Đó là nơi rất hấp dẫn các thế lực đế quốc, bành trướng nhiều tham vọng và cũng là nơi rất nhạy cảm trước các biến chuyển trong đời sống chính trị thế giới.

Thềm lục địa Việt Nam có nhiều bể trầm tích chứa dầu khí và có nhiều triển vọng khai thác nguồn khoáng sản này. Tổng trữ lượng dầu khí ở biển Việt Nam ước tính khoảng 10 tỉ tấn dầu quy đổi. Hiện nay chúng ta đang khai thác mỏ Bạch Hổ, Rồng, Đại Hùng, Ruby, Rạng Đông, Sư Tử Đen..., đã phát hiện được trên 20 vị trí có tích tụ dầu khí. Tuy mới ra đời, nhưng ngành dầu khí của ta đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có tiềm lực kỹ thuật, vật chất lớn và hiện đại nhất trong những ngành khai thác biển; đồng thời cũng là một trong những ngành xuất khẩu và thu nhiều ngoại tệ nhất cho đất nước. Ngành công nghiệp khai thác dầu khí phát triển kéo theo sự phát triển của một số ngành khác như công nghiệp hoá dầu, giao thông vận tải, thương mại trong nước và khu vực. Năm 2004, ngành Dầu khí đã đóng góp 30% ngân sách quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và tăng sản phẩm cho xã hội, tăng đáng kể tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước. Quy mô kinh tế biển và vùng ven biển so với GDP cả nước năm 2003 là 39,67%, năm 2004 là 39,81%, năm 2005 là 39,16%; Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 xác định: phấn đấu đến năm 2020 kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 53 - 55% tổng GDP cả nước. Ngoài dầu mỏ, biển Việt Nam còn có nhiều mỏ sa khoáng và cát thủy tinh có trữ lượng khai thác công nghiệp và làm vật liệu xây dựng... Tiềm năng về khí - điện - đạm và năng lượng biển cũng rất lớn như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy triều, sóng và cả thủy nhiệt.

Biển Việt Nam nằm ở vị trí có nhiều tuyến đường biển quan trọng của khu vực cũng như của thế giới, giữ một vai trò rất lớn trong vận chuyển lưu thông hàng hóa thương mại phục vụ đắc lực cho xây dựng nền kinh tế của nước ta cũng như các nước quanh bờ Biển Đông. Biển Việt Nam nối thông với nhiều hướng, từ các hải cảng ven biển của Việt Nam thông qua eo biển Malắcca để đi đến Ấn Độ Dương, Trung Đông, châu Âu, châu Phi; qua eo biển Ba-si có thể đi vào Thái Bình Dương đến các cảng của Nhật Bản, Nga, Nam Mỹ và Bắc Mỹ; qua các eo biển giữa Philippin, Inđônêxia, Xinhgapo đến Ôxtrâylia và Niu Di Lân... Đây là điều kiện rất thuận lợi để ngành giao thông vận tải biển nước ta phát triển, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hoá giữa nước ta với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

Hệ thống cảng của nước ta gồm cảng biển và cảng sông với khoảng trên 90 cảng lớn nhỏ; những cảng lớn chủ yếu nằm ở ranh giới châu thổ thuỷ triều và châu thổ bồi tụ, nên tàu ra vào cảng phải đi theo luồng lạch và phụ thuộc vào mức nước thuỷ triều. Ven biển miền Trung có nhiều vụng, vịnh nước rất sâu, có điều kiện thuận lợi để phát triển cảng biển, trong đó có các cảng trung chuyển côngtenơ tầm cỡ quốc tế; đồng thời cũng rất thuận lợi để xây dựng các cơ sở đóng tàu quy mô lớn, cũng như xây dựng đội thương thuyền đủ mạnh để buôn bán trên thế giới. Sự hình thành mạng lưới cảng biển cùng với các tuyến đường bộ, đường sắt ven biển vươn tới các vùng sâu trong nội địa, đến các tuyến đường xuyên Á cho phép vùng biển và ven biển nước ta có khả năng chuyển tải hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu qua mọi miền của Tổ quốc và ra nước ngoài, đến Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Campuchia, góp phần thúc đẩy cực tăng trưởng mới về kinh tế trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

Dọc theo bờ biển, trung bình khoảng 20 km lại có một cửa sông. Phần lớn các sông ngòi đều chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và đổ ra biển. Đáng chú ý là các hệ thống sông vùng duyên hải Quảng Ninh, hệ thống sông Hồng, hệ thống sông Mã, hệ thống sông Cả, hệ thống sông Đông Trường Sơn, hệ thống sông Đồng Nai - Vàm Cỏ và hệ thống sông Cửu Long... Các hệ thống sông này có nhiều cửa thông ra biển thuận tiện cho giao thông đường thủy từ đất liền ra biển và ngược lại. Các cửa sông với lượng phù du lớn và rất phong phú đổ ra biển đã tạo thuận lợi cho việc phát triển nguồn lợi thủy sản.

Biển nước ta chủ yếu là vùng biển nhiệt đới mang tính chất địa phương, có tính chất riêng về nhiều mặt như khí tượng - hải văn, chế độ thủy triều.... Hiện tượng nổi bật là sự xuất hiện vùng nước trồi - một vùng sinh thái đặc biệt phong phú, đa dạng và là nơi tập trung nhiều loài sinh vật biển. Nguồn lợi hải sản của biển nước ta được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực. Tổng trữ lượng hải sản khoảng 3,9 - 4,0 triệu tấn/năm, cho phép hàng năm khai thác 1,9 triệu tấn, trong đó vùng biển gần bờ chỉ khoảng 500 nghìn tấn, còn lại là vùng xa bờ; cá biển chiếm 95,5%, còn lại là mực, tôm... Biển nước ta có trên 2.000 loài cá, trong đó có khoảng 100 loài có giá trị kinh tế như : trích, thu, ngừ, bạc má, hồng...; hơn 1.600 loài giáp xác (trong đó có tới 70 loài tôm), hơn 2.500 loài nhuyễn thể; hơn 600 loài rong biển ... Diện tích tiềm năng nuôi trồng thủy sản của nước ta khoảng 2 triệu héc-ta (thực tế năm 2001 mới sử dụng 755.000 ha mặt nước), bao gồm 3 loại hình mặt nước đó là nước ngọt, nước lợ và vùng nước mặn ven bờ, có thể nuôi trồng các loại đặc sản như tôm, cua, rong câu, nuôi cá lồng... Ngoài ra, vùng biển nước ta còn có các loại động vật quý khác như đồi mồi, rắn biển, chim biển, thú biển. Hải sản ở vùng biển nước ta là nguồn lợi hết sức quan trọng, không chỉ cung cấp thực phẩm, nguồn dinh dưỡng hàng ngày cho nhân dân (chiếm 50% lượng đạm động vật trong thành phần dinh dưỡng), mà còn tạo nguồn xuất khẩu lớn.

Tiềm năng nguồn lợi hải sản của nước ta rất lớn nhưng khả năng khai thác còn hạn chế: chỉ mới tập trung khai thác ở ven bờ gây nên sự mất cân đối làm cho nguồn hải sản ven bờ nhanh chóng bị cạn kiệt. Để khai thác được nguồn lợi hải sản xa bờ có hiệu quả, từ năm 1997, Nhà nước ta đã có chủ trương và cung cấp vốn ưu đãi cho việc đóng tàu, mua sắm trang bị đánh bắt xa bờ, đồng thời cũng ban hành một số cơ chế chính sách ưu đãi nhằm đẩy mạnh chương trình khai thác hải sản ở các vùng biển xa bờ.

Ngoài ra, nước ta còn có rất nhiều lợi thế về du lịch biển. Với nhiều trung tâm du lịch biển quan trọng có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên tuyến du lịch quốc tế Đông Nam Á như Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng, Quảng Ninh... có đủ các điều kiện và khả năng để trở thành những tụ điểm về du lịch biển. Vùng biển nước ta có điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình du lịch. Phần lục địa với các hình đồi, núi, đồng bằng đa dạng làm tôn lên vẻ đẹp của hàng chục bãi tắm tốt, cùng với mặt nước, đáy biển và hải đảo tạo nên nhiều danh lam thắng cảnh, hang động kỳ thú, sơn thủy hữu tình. Khí hậu nhiệt đới gió mùa thuận lợi cho việc tổ chức du lịch biển quanh năm, đặc biệt là ở các tỉnh ven biển từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở vào. Các thảm thực vật phong phú, các nguồn nước khoáng, các loại động vật quý hiếm, tạo sức hấp dẫn thu hút khách du lịch nghỉ dưỡng, tham quan, thể thao, chữa bệnh... Trong các năm 1993 - 1997, khách du lịch nội địa tăng từ 2,5 triệu lên 8,5 triệu lượt; từ sau năm 2002 đến nay, mỗi năm thu hút trên 10 triệu lượt khách nội địa và khoảng 4 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó có 50 - 60% khách du lịch biển.

Biển Việt Nam còn là địa bàn quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Hiện nay có trên 31% dân số cả nước sinh sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển. Đa số các thành phố, thị xã đều nằm ở ven sông, cách biển không xa, nhất là các thành phố, thị xã ở Trung Bộ nằm sát ven biển, có đường quốc lộ 1A chạy qua. Khu vực ven biển cũng là nơi tập trung các trung tâm công nghiệp lớn, có nhiều sân bay, cảng biển quan trọng, các căn cứ hải quân, kho tàng, các công trình kinh tế - quốc phòng khác. Các tỉnh, thành phố ven biển có các cảng, cơ sở sửa chữa, đóng tàu, đánh bắt hoặc chế biến hải sản, làm muối... thu hút hơn 13 triệu lao động, giải quyết công ăn việc làm, góp phần to lớn vào việc ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh - quốc phòng.

Về quốc phòng - an ninh: Biển nước ta là một không gian chiến lược đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng - an ninh của đất nước. Với một vùng biển rộng lớn, bờ biển dài, địa hình bờ biển quanh co, khúc khuỷu, có nhiều dãy núi chạy lan ra biển, chiều ngang đất liền có nơi chỉ rộng khoảng 50 km (tỉnh Quảng Bình), nên việc phòng thủ từ hướng biển luôn mang tính chiến lược. Mạng lưới sông ngòi chằng chịt chảy qua các miền của đất nước, chia cắt đất liền thành nhiều khúc, cắt ngang các tuyến giao thông chiến lược Bắc - Nam. Ở nhiều nơi, núi chạy lan ra sát biển, tạo thành những địa hình hiểm trở, những vịnh kín, xen lẫn với những bờ biển bằng phẳng, thuận tiện cho việc trú đậu tàu thuyền và chuyển quân bằng đường biển. Hệ thống quần đảo và đảo trên vùng biển nước ta cùng với dải đất liền ven biển thuận lợi cho việc xây dựng các căn cứ quân sự, điểm tựa, pháo đài, trạm gác tiền tiêu, hình thành tuyến phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp, với thế bố trí chiến lược hợp thế trên bờ, dưới nước, tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ, kiểm soát và làm chủ vùng biển của nước ta. Đồng thời, đây cũng là những lợi thế để bố trí các lực lượng, vũ khí trang bị kỹ thuật của các lực lượng hoạt động trên biển, ven biển phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác trên bờ, tạo thành thế liên hoàn biển - đảo - bờ trong thế trận phòng thủ khu vực.

Vùng biển nước ta nằm trên tuyến giao thông đường biển, đường không thuận lợi, nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Sử dụng đường biển sẽ có nhiều thuận lợi trong việc cơ động chuyển quân và tiếp tế hậu cần, sử dụng vũ khí công nghệ cao từ xa, tận dụng được yếu tố bất ngờ. Ngoài tiềm năng về dầu khí, phát triển cảng biển và vận tải biển, tài nguyên du lịch, thủy sản, khoáng sản và nguồn lực lao động , biển còn là chiến trường rộng lớn để ta triển khai thế trận quốc phòng toàn dân - thế trận an ninh nhân dân trên biển để phòng thủ bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an ninh từ xa đến gần, trong đó có các khu vực biển trọng điểm như Vịnh Bắc Bộ; vùng biển quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa; khu dịch vụ kinh tế và kỹ thuật dầu khí DK1, DK2; vùng biển Tây Nam.

Về mặt pháp lý - chính trị: Quốc hội nước ta đã phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 vào ngày 23/6/1994. Công ước này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16/11/1994. Nhà nước ta đã chính thức hóa cơ sở pháp lý quốc tế về phạm vi các vùng biển và thềm lục địa, tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền vùng biển và thềm lục địa, bảo vệ lợi ích quốc gia trên các vùng biển, đảo. Đồng thời, thể hiện quyết tâm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển. Ngày 18/12/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 161/2003/NĐ-CP về Quy chế khu vực biên giới biển gồm 5 chương, 37 điều - quy định hoạt động của người, tàu thuyền Việt Nam, tàu thuyền nước ngoài trong khu vực biên giới biển nhằm quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên biển, duy trì an ninh trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới biển.

Trước nguy cơ cạn kiệt dần tài nguyên trên đất liền, sự bùng nổ dân số chưa kiểm soát được và sự ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, việc quan tâm đến khai thác sử dụng biển hợp lý kết hợp chặt chẽ với bảo vệ quốc phòng - an ninh trên biển và bảo vệ môi trường biển để phát triển bền vững có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Những năm gần đây, Nhà nước ta tổ chức tốt việc khai thác biển, đặc biệt là dầu khí, hải sản, giao thông vận tải phục vụ quốc kế dân sinh. Nhưng Biển Đông hiện là nơi đang tồn tại những mâu thuẫn kinh tế - chính trị của thế giới - một trong các “điểm nóng’’ của thế giới; tập trung những mặt đối lập, thuận lợi và khó khăn, hợp tác và đấu tranh, hòa bình và nguy cơ mất ổn định, dễ gây ra xung đột vũ trang. Một trong những vấn đề đó là tồn tại tranh chấp biển, đảo giữa các nước và vùng lãnh thổ xung quanh Biển Đông; tạo nên tranh chấp đa ph¬ương và song phương, chứa đựng các mâu thuẫn cả về quốc phòng, kinh tế và đối ngoại... Có lúc các tranh chấp này trở nên quyết liệt, là một trong những yếu tố gây bất ổn định khó lường... Nguy cơ xâm lấn biển, đảo và hoạt động trái phép ngày một gia tăng.

Hàng ngày có hàng trăm tàu thuyền, máy bay nước ngoài xâm phạm vùng biển và vùng trời trên biển của ta dưới nhiều hình thức như khai thác hải sản, thăm dò, nghiên cứu biển, đặt giàn khoan, buôn lậu, vi phạm pháp luật trên biển; thậm chí có nước còn có động thái mới nhằm đẩy mạnh tốc độ độc chiếm Biển Đông. Sự thay đổi chiến lược của các nước trên thế giới, nhất là các nước lớn và sự thay đổi căn bản cục diện ở Đông Nam Á, những tranh chấp biển và động thái mới nói trên đặt ra tình hình hình căng thẳng trên khu vực Biển Đông; đặt chúng ta trước tình thế phải khẩn trương đổi mới mạnh mẽ tư duy chiến lược trên nhiều bình diện khác nhau, trong đó có chiến lược quốc phòng - an ninh trên biển và chiến lược phát triển kinh tế biển...

Vươn ra biển, khai thác và bảo vệ biển là sự lựa chọn có tính chất sống còn của dân tộc Việt Nam. Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) đã ra Nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020“ nhằm nhanh chóng đưa nước ta trở thành một nước mạnh về biển, trong đó đề ra các mục tiêu và những giải -pháp chiến lược xuất phát từ yêu cầu và điều kiện khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thời kỳ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Nước ta có quan hệ thương mại song phương với trên 100 nước, quan hệ đầu tư với trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ; tham gia các tổ chức quốc tế như Ngân hành thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... Tới đây, các hoạt động hợp tác song phương, đa phương diễn ra sẽ rộng lớn trong nhiều lĩnh vực cả về kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại... Trong đó, hoạt động trên biển sẽ diễn ra với quy mô và cường độ lớn hơn, thuận lợi xen lẫn thách thức. Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là tích cực hợp tác và đấu tranh để thực hiện các cam kết quốc tế về biển. Đồng thời, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo gắn với phát triển kinh tế biển, tạo môi trường thuận lợi để nước ta mở rộng quan hệ trao đổi khoa học kỹ thuật, đầu tư, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang bị cho quốc phòng - an ninh; tăng cường hiểu biết lẫn nhau với các quốc gia thành viên trong khu vực và quốc tế..., với mục đích cao nhất là ổn định để phát triển đất nước; sử dụng biển tương xứng với tầm vóc của nó trong cơ cấu kinh tế cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống, các cấp các ngành có liên quan đến khai thác và bảo vệ biển cần có chiến lược của riêng mình trong chiến lược tổng thể của quốc gia, trong đó cần có những giải pháp và bước đi phù hợp với điều kiện của đất nước và tranh thủ được vốn và kỹ thuật trong hợp tác quốc tế để vươn ra làm chủ biển khơi, phục vụ phát triển kinh tế biển nói riêng và kinh tế đất nước với tốc độ nhanh và bền vững.

Nguồn: http://www.cpv.org.vn

 

 


Bản quyền ©2012 Tỉnh đoàn Quảng Ngãi