Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Đỉnh cao của sự nghiệp giải phóng dân tộc
Ngày đưa:  29/04/2022 10:29:07 AM In bài
Sống lại với những trang sử hào hùng và chói lọi của dân tộc Việt Nam, một dân tộc với ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và khát vọng hoà bình đã viết nên bản thiên anh hùng ca vĩ đại nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc vào mùa Xuân năm 1975.

 

 Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng (30/4/1975) đã đánh dấu kết thúc chặng đường 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), đồng thời kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm chiến tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập (02/9/1945). Mùa xuân về trên thành phố Hồ Chí Minh cách đây 47 năm cũng chính là một “mùa xuân mới” của đất nước, mùa xuân đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Theo dòng lịch sử, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết (1954), Mỹ thay chân Pháp nhảy vào miền Nam Việt Nam, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Từ đó, thống nhất đất nước trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của toàn thể dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, nhân dân ta tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.

Cuối năm 1974 đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng miền Nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Bộ Chính trị nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh cần tranh thủ thời cơ đánh nhanh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.

 

Ngày 10/3/1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vĩ đại được mở đầu bằng trận đánh hết sức táo bạo, bất ngờ của quân ta vào thị xã Buôn Mê Thuột - một vị trí then chốt, hiểm yếu trong hệ thống phòng ngự của quân địch ở Tây Nguyên.

Ngày 24/3/1975, cả vùng Tây Nguyên rộng lớn hoàn toàn giải phóng. “Đòn điểm huyệt” táo bạo và chính xác này đã làm cho quân địch tê liệt và rối loạn ngay từ khi mở màn, tạo ra tình thế và thời cơ thuận lợi để quân và dân ta làm nên thắng lợi “thần tốc” của một cuộc tổng tiến công lớn nhất trong lịch sử quân sự nước nhà.

Trong khí thế chung của chiến trường toàn khu, toàn miền Trung Trung Bộ, cuối năm 1974 và nửa đầu năm 1975, quân và dân Quảng Ngãi, quê hương Núi Ấn sông Trà, với truyền thống cách mạng kiên cường đã anh dũng xông lên đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của địch, giải phóng từng mảnh đất rộng lớn ở nông thôn đồng bằng, bảo vệ vững chắc căn cứ ở miền núi và giải phóng hoàn toàn tỉnh ngày 24/3/1975, tiếp tục đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà.

 

Sau chiến thắng của quân ta ở chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng và một số tỉnh Trung Trung Bộ, Bộ Chính trị đã nhận định: “Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam” và đã đưa ra quyết định: “Phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng miền Nam trước mùa mưa”, đồng thời Bộ Chính trị quyết định đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Vào lúc 17 giờ ngày 26/4, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch, năm cánh quân của ta đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng.

10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các của quân đội Sài Gòn. Dương Văn Minh, người vừa lên chức tổng thống ngày 28/4 đã phải tuyên bố đầu hàng quân ta không điều kiện.

 

11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, tiếng loa phát thanh từ đài công cộng vang lên bản tin hùng hồn của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam thông báo: “Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng”. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đi đến thắng lợi cuối cùng, non sông Việt Nam thu về một mối.

Chắc hẳn, trong giây phút cả nước “rợp bóng cờ bay”, sống trong cảm giác hạnh phúc đến nghẹn ngào “vui sao nước mắt lại trào” của chiến thắng lịch sử 30/4, sẽ có tình cảm nghẹn ngào của người chiến sĩ cách mạng cùng các đồng đội hành quân tiến về giải phóng Sài Gòn, có niềm hạnh phúc đoàn tụ của những cán bộ phải chia xa miền Nam hơn 20 năm chống Mỹ, có niềm tự hào của người dân thành phố mang tên Bác trong niềm vui thống nhất vỡ òa.

 

Đại thắng mùa xuân 1975 đã chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh cách mạng, cũng như chứng minh tinh thần quật khởi của người dân Việt Nam trong đấu tranh chống ngoại xâm, thể hiện sâu sắc sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó cũng là một sự kiện có tầm vóc quốc tế to lớn và mang tính thời đại sâu sắc.

 

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam chứng minh rằng: Trong thời đại ngày nay, khi các lực lượng cách mạng thế giới ở thế tiến công, một dân tộc nước không rộng, người không đông, song đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của một Đảng Mác - Lênin có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới, thì hoàn toàn có thể đánh thắng mọi thế lực đế quốc xâm lược, dù đó là tên đế quốc đầu sỏ.

(Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng cộng sản Việt Nam; theo Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, 2004, t.37, tr. 985).

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam chứng minh rằng: trong thời đại ngày nay, khi các lực lượng cách mạng thế giới ở thế tiến công, một dân tộc nước không rộng, người không đông, song đoàn kết chặt chẽ và đấu tranh kiên quyết dưới sự lãnh đạo của một Đảng Mác - Lênin có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng cách mạng và nhân dân tiến bộ trên thế giới, thì hoàn toàn có thể đánh thắng mọi thế lực đế quốc xâm lược, dù đó là tên đế quốc đầu sỏ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta còn mang ý nghĩa quốc tế to lớn, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.

 

Bước qua thời kỳ máu lửa của chiến tranh mới hiểu nhiều hơn về giá trị to lớn của cuộc sống hòa bình. Lịch sử đã lùi xa nhưng những bài học kinh nghiệm quý báu từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn còn mãi và hơn hết, đó chính là sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết dân tộc, là niềm tin tất thắng và quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong sự nghiệp kiến thiết nước nhà.

 

Ngày nay, chúng ta mãi tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của các anh hùng, các thế hệ cha ông ta đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Sau 47 năm ngày đất nước thống nhất, tỉnh Quảng Ngãi đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt và sẽ có thêm những bước tiến dài trong tương lai. Mỗi người con Quảng Ngãi luôn mang trong mình niềm tự hào dân tộc, nguyện tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, quyết tâm vươn lên hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.

 

Võ Thị Thu Ngoan (Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn)

Bản quyền ©2012 Tỉnh đoàn Quảng Ngãi