Suy nghĩ về tư tưởng khoan dung của chủ tịch Hồ Chí Minh trong hai bức thư gửi đồng bào theo phật giáo và công giáo | |
Ngày đưa: 13/06/2013 12:00:00 AM |
![]() |
![]() (hochiminhhoc.com) Khoan dung, xét từ góc độ văn hoá, hàm chứa thái độ ứng xử tích cực, mang tính giao lưu đối thoại trong quan hệ giữa các cộng đồng người, các dân tộc khác nhau, thể hiện sự tôn trọng và học hỏi lẫn nhau, hướng đến những giá trị nhân loại chung.
Văn kiện chính thức của UNESCO về khoan dung đã chỉ ra 4 ý nghĩa của nó như sau:
1. Khoan dung là sự tôn trọng, chấp nhận và đánh giá cao sự phong phú và đa dạng của các nền văn hoá thế giới, phương thức biểu đạt và cách thể hiện phẩm chất con người của chúng ta. Nó được khuyến khích bằng tri thức, sự cởi mở giao tiếp và tự do tư tưởng, ý thức về tín ngưỡng. Khoan dung là một đức tính khiến cho hoà bình có thể thực hiện được và góp phần vào việc thay thế văn hoá chiến tranh bằng văn hoá hoà bình.
2. Khoan dung … xuất phát từ việc thừa nhận các quyền phổ quát của con người và những tự do cơ bản của người khác. Trong bất kỳ trường hợp nào không thể viện ra khoang dung để bào chữa cho sự vi phạm những giá trị cơ bản này. Khoan dung cũng phải được thực hành bởi các cá nhân, các nhóm người và các nhà nước. 3. Khoan dung là trách nhiệm đề cao các quyền con người, sự đa dạng của thế giới (kể cả văn hoá) dân chủ và nhà nước pháp quyền… 4. Khoan dung có nghĩa là mỗi người được tự do chọn lựa những niềm tin của mình và chấp nhận những người khác cũng có quyền tự do như vậy. Nó… chấp nhận thực tế con người, đương nhiên khác nhau về vẻ ngoài, hình thể, ngôn ngữ, tập tính và các giá trị, đều có quyền sống trong hoà bình và tồn tại đúng bản chất của mình (1). Khoan dung do đó là một kích thích tố của phát triển và ổn định. Khoan dung hẳn không phải là nét riêng của dân tộc này hay dân tộc khác, mà được hình thành từ lịch sử của nhiều dân tộc trong cuộc mưu sinh và bảo vệ phẩm giá của mình. Dân tộc ta từ xưa đã làm cho yếu tố này trở thành phổ biến trong hệ thống ứng xử và đánh giá đối với quan hệ bên trong lẫn quan hệ đối ngoại. Điều này bộc lộ rõ trong việc tiếp thu tinh hoa văn hoá của các dân tộc đi trước, thực hiện sự sàng lọc nghiêm túc, dần dân biến thành cái của chính mình (2). Có thể tìm thấy bằng chứng sinh động của thái độ khoan dung này trong quá trình tiếp cận với Nho giáo và Phật giáo. Nho giáo du nhập vào Việt Nam thoạt đầu theo chân quân xâm lược phương Bắc, nhưng với thời gian, chịu sự thẩm định của sinh hoạt cộng đồng, nó một mặt được tầng lớp trí thức nước ta sử dụng ở bình diện đạo đức, lối sống, đúc kết thành những bài học phổ biến về rèn luyện nhân cách và tri thức, mặt khác được các triều đại phong kiến Việt Nam vận dụng vào việc củng cố các định chế pháp luật, bảo đảm ổn định xã hội. Cùng với Nho giáo, các thành tựu khác của văn hoá Trung Quốc cũng để lại dấu ấn đậm nét trong phong cách sáng tác, tư duy, bổ sung vào hệ thống ứng xử của người Việt Nam trong suốt nhiều thế kỷ. Phật giáo với hệ lý luận khá chặt chẽ và một triết lý nhân sinh giàu tính khoan dung đã được các tầng lớp nhân dân đón nhận, làm phong phú thêm văn hoá tâm linh của mình. Sự hội nhập những giá trị bên ngoài vào đời sống xã hội Việt Nam được cắt nghĩa bởi đạo lý “Việt Nam mong muốn làm bạn với tất cả”, và học hỏi nghiêm túc các giá trị nhân loại chung. Đạo lý ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt cuộc đời hoạt động không mệt mỏi vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội kế thừa và làm sâu sắc thêm trong các quan điểm, chủ trương, chính sách cụ thể. Triết lý tôn giáo của Người, nếu có thể gọi như vậy, không thể hiện trong những bài diễn văn hùng hồn, trong những chuyên khảo tự biên, hàn lâm, mà đi vào lòng người bằng lời nói và hành động thiết thực, qua đó toát lên chính sách đại đoàn kết và tấm lòng nhân đạo, truyền tải được ý nghĩ thầm kín của các tầng lớp nhân dân. Hơn thế nữa, tư tưởng khoan dung Hồ Chí Minh gắn với chủ nghĩa yêu nước, lấy chủ nghĩa yêu nước làm cơ sở xác định tính chất của khoan dung. Trong bài viết ngắn gọn này, chúng tôi không thể đề cập hết các khía cạnh của tư tưởng khoan dung Hồ Chí Minh, mà chỉ tìm hiểu hai bức thư của Người gửi các vị tăng ni Phật tử và đồng bào Công giáo, một biểu hiện của khoan dung văn hoá, trong hoàn cảnh đầy thách thức của dân tộc. Hai bức thư được viết ra trong thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1947). ![]() Bác Hồ với các đại biểu Hội Phật giáo Việt Nam, ngày 3/1/1957. Ảnh: Tuấn Anh Trong thư gửi Hội Phật tử Việt Nam ngày 30/ 08/ 1947 (tức ngày 15 tháng 07 âm lịch) có đoạn: “… từ ngày nước ta trở nên dân chủ cộng hoà, hiến pháp tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì Phật giáo cũng phát triển một cách thuận tiện. Bọn thực dân Pháp muốn cướp nước ta. Chúng đốt chùa chiền, phá tượng Phật, hành hạ tăng ni, tàn sát đạo hữu. Chúng hòng phá tan đạo Phật…Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải, xương máu,… làm theo lòng đại từ bi của đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ.” (3)
Trong thư gửi đồng bào Côn giáo nhân dịp lễ Noel 1947 có đoạn: “… gần 2000 năm về trước, Đức chúa đã cho loài người quyền tự do và dạy loài người lòng bác ái. Thế mà thực dân phản động Pháp tàn sát đồng bào ta, phá phách nhà thờ chung, khinh rẻ tôn giáo. Chúng làm trái lòng Chúa… Chúng ta toàn dân, giáo cũng như lương, đoàn kết kháng chiến để Tổ quốc được độc lập, tôn giáo được tự do. Đức Chúa phù hộ chúng ta…” (4) Có thể nhận thấy ở hai bức thư, hai mẩu “đối thoại” ấy, sự minh bạch của tư tưởng khoan dung. Thứ nhất, tôn trọng quyền tự do lựa chọn tín ngưỡng, niềm tin của con người, như văn bản của UNESCO sau này chỉ rõ. Điều cần nhấn mạnh ở đây là Chủ tịch Hồ Chí Minh xem xét nội dung học thuyết tôn giáo từ góc độ giá trị, và sinh hoạt tôn giáo mang ý nghĩa hướng thiện. Từ đó Người đặt các giá trị ấy vào hệ thống các giá trị cần được học tập. Vào những năm 1960, cách tiếp cận giá trị đã được Người cô đọng lại, để đối lập với các “giá trị” mà quân xâm lược đem đến cho dân tộc ta thông qua những phương tiện giết người tàn bạo. Người viết: “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa.” Và mỉa mai: “… con đế quốc Mỹ thì: đạo đức là giết người” (5). Thứ hai là, hai bức thư đó không chỉ thể hiện thái độ văn hoá đối với tôn giáo, mà còn đề cập đến trách nhiệm của Nhà nước dân chủ cộng hoà, nhà nước của dân, do dân và vì dân đối với tôn giáo, đồng thời xác định vị trí của tôn giáo của giáo dân, trong sự nghiệp chung của dân tộc, hướng sự kết hợp biện chứng đạo pháp – dân tộc, hướng đến mục tiêu “tốt đạo, đẹp đời”. Truyền thống khoan dung đã được hiện thực hoá một cách sinh động trong điều kiện lịch sử cụ thể, cho thấy nguồn mạch xuyên suốt của tính cách Việt Nam, minh chứng một sức mạnh tổng hợp mà không thế lực ngoại bang, phản động nào có thể phá hoại nổi. Rất tự nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra rằng lý tưởng của chúng ta, và vì thế chỉ khi nào sự nghiệp chính nghĩa của toàn dân tộc đạt được thắng lợi thì đồng bào lương cũng như giáo mới được sống bình yên, tự do bày tỏ niềm tin của mình. Thứ ba, nhận diện kẻ thù phản Chúa và kẻ đi ngược lại “lòng đại từ đại bi của Đức Phật” cũng là cách thức bày tỏ nguyên tắc dứt khoát: không thể có sự khoan dung “nói chung”, sự khoan dung đồng nghĩa với nhượng bộ, mà phải đấu tranh, để bản thân tư tưởng này không bị xuyên tạc, hoen ố. Không dưới một lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra như một sự chỉ dẫn rằng Cách mạng mà dân tộc ta tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản chính là con đường hiêệ thực khôi phục lại các giá trị thiêng liêng. Sẽ không ngạc nhiên nếu đọc những dòng Nguyễn Ái Quốc viết sau đây về việc các thế lực thực dân, các tu sĩ đội lốt đã núp bóng Chúa để chống lại con người như thế nào: “… các sử giả của Chúa… hệt như bọn gian phi rình lúc mọi người đang hoảng hốt để nhảy vào hôi của sau khi nhà cháy… Chúa đầy lòng nhân ái và toàn năng. Là Đấng sáng chế tối cao, Người đã nặn ra một chủng tộc gọi là thượng đẳng để đạt lên lưng một chủng tộc gọi là hạ đẳng cũng do Người nặn ra” (6). Đó là những dòng đầy chua chát trong “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925). Hơn hai mươi năm sau, dân tộc Việt Nam giành được độc lập, các giá trị nhân văn, khai sáng được khôi phục và phổ biến trong điều kiện mới. Nhà nước dân chủ nhân dân, tiến hành đoàn kết toàn dân, không phân biệt tín ngưỡng, hướng tới mục tiêu chung mà đồng bào theo Phật giáo, Công giáo đều là thành viên bình đẳng. Sau hoà bình lập lại ở miền Bắc, hầu như năm nào Hồ Chủ tịch cũng đều gửi thư cho đồng bào Công giáo và tăng ni Phật tử nhân những ngày lễ tôn giáo trọng đại. ![]() Bác Hồ với các đại biểu công giáo. Ảnh: Tuấn Anh
Những dẫn chứng vừa nêu cho thấy tư tưởng khoan dung tôn giáo của Hồ Chí Minh đã thể hiện quan điểm toàn diện và quan điểm lịch sử cụ thể. Hồ Chủ tịch xem xét tôn giáo không chỉ từ bình diện chính trị - xã hội, mà còn từ bình diện giá trị đạo đức, nhân sinh - những nhận hình thức sinh hoạt tinh thần này như phương thức cần thiết bộc lộ “nhân tính”, đồng thời xác định vị trí của nó trong lịch sử phát triển đất nước.
Trở lại hai bức thư đã được trưng dẫn càng thấu hiểu cốt lõi tư tưởng khoan dung của Hồ Chủ tịch; nó hoàn toàn không phải là thứ sách lược tình thế, mà cố hữu ở các bậc thiên sứ của văn hoá khoan dung như một phần tính cách cuộc đời, mà mỗi giây phút đều mong đem lợi ích đến cho tất cả. Hiếm thấy người cộng sản triệt để nào có được lối xử mẫu mực của văn hoá khoan dung như Hồ Chí Minh, khi Người ngợi ca, vừa với tính cách của nhà lãnh đạo vừa với tính cách cá nhân, hình ảnh “đại từ, đại bi” của Đức Phật và lòng bác ái của Đức Chúa, đồng thời khẳng định dứt khoát rằng cuộc kháng chiến của đồng bào ta là hợp với đạo đức sáng ngời của các vị ấy. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, tư tưởng khoan dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự chỉ dẫn vô giá đối với các tầng lớp nhân dân đang phấn đấu, bằng tất cả sức lực và trí tuệ của mình, xây dựng một nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, thực hiện đối thoại cởi mở và học hỏi kinh nghiệm của các dân tộc khác, hội nhập vào đời sống văn hoá của nhân loại. Nguyễn Văn Công
CHÚ THÍCH 1. Tạp chí NgườI đưa tin UNSECO N0 3. 1996, ngày 20/ 04/ 1996, tr. 34. 2. Phạm Văn Đồng. Hồ Chí Minh – quá khứ, hiện tại, tương lai T.2. NXB Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 81. 3. Hồ Chí Minh toàn tập. T.5 NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 197. 4. Hồ Chí Minh, Sđd T. 5, tr. 333. 5. Hồ Chí Minh. Sđd T.6, tr. 225. 6. Hồ Chí Minh. Sđd T.2, tr. 101, 103. | |
Bản quyền ©2012 Tỉnh đoàn Quảng Ngãi |