Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi tổ chức chào cờ đầu tháng 11
Ngày đưa:  03/11/2014 12:00:00 AM In bài
Sáng ngày 03/11/2014, Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi tổ chức Lễ chào cờ đầu tháng 11; đến dự có đồng chí Hà Thị Anh Thư - Ủy viên BCH Trung ương Đoàn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh Đoàn và toàn thể cán bộ, nhân viên cơ quan, đơn vị trực thuộc Tỉnh Đoàn. Tại buổi lễ, toàn thể cán bộ, nhân viên cơ quan đã được nghe nội dung “Tư tưởng Hồ Chí Minh về một Nhà nước được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Trích nội dung như sau:

Sau Cách mạng Tháng Tám, năm 1945, Hồ Chí Minh đề ra một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ, ngày 20/9/1945, Chủ tịch Lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký Sắc lệnh thành lập Ban Dự thảo Hiến pháp gồm 7 thành viên do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm trưởng ban. Bản dự thảo Hiến pháp hoàn thành khẩn trương và nghiêm túc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chủ tịch. Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá 1, Quốc hội đã thảo luận dân chủ và thông qua bản Dự thảo Hiến pháp này, đó là bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam.

Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Pháp luật của ta là pháp luật dân chủ, phải nghiêm minh và phát huy hiệu lực thực tế, Nhà nước sử dụng pháp luật để quản lý xã hội. Pháp luật của ta đã có sự thay đổi, mang bản chất của giai cấp công nhân, là một loại hình pháp luật kiểu mới, pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động. Báo cáo tại hội nghị chính trị đặc biệt ngày 27/3/1964, một trong 5 nhiệm vụ để hoàn thành sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên là “Tăng cường không ngừng chính quyền nhân dân. nghiêm chỉnh thực hiện dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ địch, triệt để chấp hành mọi chế độ và pháp luật của Nhà nước” .

Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên có nhiệm vụ “Gương mẫu chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của các đoàn thể cách mạng của quần chúng mà mình tham gia”. Trong việc giữ vững tính nghiêm minh và hiệu lực của pháp luật, cán bộ làm công tác tư pháp có vai trò quan trọng. Họ chính là người trực tiếp thực thi luật pháp, đại diện cụ thể cho “Cán cân công lý”. Vì thế, Hồ Chí Minh yêu cầu ở họ phải có phẩm chất đạo đức cần thiết: Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch như thế cũng chưa đủ vì không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung toà án mà còn phải gần dân, giúp dân, học dân, hiểu dân để giúp mình thêm liêm khiết thêm công bằng, trong sạch.

Với Hồ Chí Minh, pháp luật không phải là để trừng trị con người mà là công cụ bảo vệ, thực hiện lợi ích của con người. Tư tưởng pháp quyền trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước thông qua đội ngũ cán bộ, công chức của Người thấm đượm một tấm lòng thương yêu nhân dân, chăm lo cho ấm no, hạnh phúc của nhân dân, thấm đượm lòng nhân ái, nghĩa đồng bào theo đạo lý truyền thống ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Vì thế, kết hợp giữa đức trị và pháp trị trong tổ chức nhà nước của Hồ Chí Minh có nội hàm triết lý, mang đậm tính dân tộc và dân chủ sâu sắc.

Quá trình xây dựng và phát triển của Nhà nước ta trong mỗi giai đoạn sau này đã có không ít những thay đổi dưới tác động của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, nhưng xuyên suốt mạch phát triển ấy vẫn là tư tưởng của Hồ Chí Minh về một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Ngày nay, trong bối cảnh phát triển mới của đất nước, dưới tác động mạnh mẽ của thời đại và thế giới, nhiều điểm đã thay đổi, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục định hướng cho các nỗ lực nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp đổi mới mô hình bộ máy nhà nước trong các điều kiện phát triển mới.


Quang cảnh buổi chào cờ

Tư tưởng của Bác về một Nhà nước được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật đã được Đảng ta đặt ra như một nhiệm vụ chiến lược quan trọng trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Do đó, việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là ngày để cả nước tôn vinh Hiến pháp, pháp luật và giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ - những người chủ tương lai của đất nước. Vì vậy, mỗi cán bộ Đoàn cần phát huy vai trò xung kích và tính gương mẫu trong việc giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp bộ Đoàn về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam, làm cho Ngày Pháp luật Việt Nam trở thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp luật sâu rộng trong đoàn viên, thanh niên, góp phần giảm thiểu tình trạng thanh thiếu niên phạm tội trên địa bàn tỉnh./.

Đinh Văn Nghĩa – Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi


Bản quyền ©2012 Tỉnh đoàn Quảng Ngãi