Nhân cách đến từ trải nghiệm
Ngày đưa:  11/11/2013 12:00:00 AM In bài
Việc giáo dục nhân cách, rèn luyện và trau dồi kỹ năng sống trong thanh niên bắt nguồn từ những hoạt động trải nghiệm thực tiễn chứ không thể bắt đầu từ những bài học đạo đức thuộc lòng.
 

 
Giáo dục nhân cách thanh niên thông qua trải nghiệm từ các chương trình tình nguyện - Ảnh: Trương Quang Nam

Đó là ý kiến của nhiều nhà quản lý, khoa học tại hội thảo lấy ý kiến về chủ đề: Giáo dục nhân cách thanh niên - giải pháp cơ bản, đồng bộ và kịp thời, do T.Ư Đoàn và T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 9.11 tại Hà Nội.

Dành nhiều tâm huyết về giáo dục nhân cách thanh niên, Nhà giáo nhân dân Văn Như Cương chia sẻ thẳng thắn về những điều tai nghe mắt thấy. Theo ông Cương, tuổi trẻ khó có thể tránh khỏi những khuyết điểm. Nhân cách của thanh niên chỉ có thể uốn nắn bằng phương pháp giáo dục.

Ông Cương cho rằng uy tín của giáo viên trong những năm gần đây có phần giảm sút, điều này ảnh hưởng đến nhân cách học sinh. Nền giáo dục phải chịu trách nhiệm và không thể chối bỏ về hệ quả lệch lạc trong nhân cách của giới trẻ khi chỉ chú trọng dạy chữ chứ không dạy người. Trên thực tế, các môn học đạo đức, giáo dục công dân không còn hứng thú trong học sinh, trở thành môn phụ, làm bài kiểm tra tha hồ quay cóp nên tác động của môn học đến học sinh rất thấp.

Có cùng quan điểm đổi mới giáo dục đạo đức để hình thành nhân cách cho thanh niên từ nhà trường, theo GS-TS Nguyễn Hữu Khiển (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) trong đánh giá và nhìn nhận nếu còn tâm lý thanh niên còn non trẻ không có kinh nghiệm là vô tình làm mất đi cơ hội thể hiện năng lực, phẩm chất năng động, sáng tạo, dám làm và cản trì trệ của thanh niên.

 

 
 

Thực tế thanh niên cũng mất niềm tin vào cuộc sống. Trong trường thì thầy không ra thầy, truyền thụ kiến thức rất lệch lạc, ngoài xã hội thì đâu cũng thấy tham nhũng, y đức cũng nhiều vấn đề…

 

 TSKH Đoàn Hương

 

 

Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương, giảng viên Khoa Báo chí, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, cho rằng nếu nhìn vào đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì thấy rằng thanh niên hiện đang khao khát những giá trị chân chính, cao đẹp. Thanh niên tôn kính, dành tình cảm cho Đại tướng bởi ông có nhiều đức tính mà họ mong muốn phấn đấu, noi theo. Nhưng nếu nhìn ra thực tế, thanh niên cũng mất niềm tin vào cuộc sống. Trong trường thì thầy không ra thầy, truyền thụ kiến thức rất lệch lạc, ngoài xã hội thì đâu cũng thấy tham nhũng, y đức cũng có nhiều vấn đề… Giữa xã hội hiện thực như thế nhưng điều đáng quý là tinh thần hăng hái, nhiệt tình của thanh niên vẫn vẹn nguyên như những thế hệ trước. Nên việc cần nhất bây giờ là Đoàn và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tạo dựng và củng cố niềm tin cho thanh niên. Chỉ khi có niềm tin, thanh niên mới có động lực rèn luyện, phấn đấu.

Ông Nguyễn Đức Sơn, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cũng nêu quan điểm rằng nên tập trung giáo dục nhân cách thanh niên tự chủ với cốt lõi là hệ thống các giá trị mang tính nhân văn, giá trị làm người. Ông Sơn lý giải rằng thanh niên đang sống trong môi trường xã hội, văn hóa biến đổi nhanh chóng nhưng họ không có được sự tự chủ. Khi nhỏ đã đành nhưng đến tuổi trưởng thành từ việc chọn trường đại học, chọn nghề đến chọn nơi làm việc vẫn do bố mẹ thu xếp, sắp đặt.

Cũng theo ông Sơn, giáo dục hình thành ý thức tự chủ trong thanh niên không thể từ những bài học thuộc lòng mà nên tạo cơ hội bằng phương pháp giáo dục trải nghiệm và học tập ngoài xã hội thông qua các phong trào, hoạt động Đoàn, tổ chức gần gũi, gắn bó với thanh niên. “Khi thanh niên được trải nghiệm, tích lũy giá trị nhân văn từ thực tiễn họ sẽ có ý thức tự chủ, đủ bản lĩnh đứng vững trước cám dỗ, sự việc tiêu cực”, ông Sơn nói.

GS-TS triết học Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp Hội đồng Lý luận T.Ư, cho rằng thanh niên là đối tượng xã hội đặc thù, là lớp người đang định hình sự phát triển về nhân cách. Thế nên việc giáo dục đạo đức, nhân cách trau dồi kỹ năng sống cho thanh niên phải là việc làm không thể thiếu, không thể yếu trong mỗi nhà giáo, tập thể sư phạm nhà trường. Giáo dục cần đổi mới dân chủ hóa môi trường học đường. Lấy người học làm trung tâm, người dạy làm chủ đạo, rèn trí thông minh sáng tạo, hình thành năng lực độc lập, chủ động chứ không thụ động, ỷ lại.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh cho biết các vấn đề đặt ra tại hội thảo sẽ tiếp tục được thảo luận tại các diễn đàn của thanh niên để chọn ra những tiêu chí cụ thể trong định hướng, giáo dục nhân cách thanh niên.

Thanh Niên


Bản quyền ©2012 Tỉnh đoàn Quảng Ngãi