Vinh quang nghề xây "mốc chủ quyền" biển, đảo
Ngày đưa:  07/10/2013 12:00:00 AM In bài
 
 
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 431 (Quân chủng Hải quân) vận chuyển vật liệu xây dựng đảo Trường Sa.

Tiết kiệm theo gương Bác Hồ

Ðại tá Phạm Huy Hồng - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 131, một trong những đơn vị của Quân chủng Hải quân được giao thi công xây dựng các công trình ngoài biển, đảo là người có hàng chục năm gắn bó, chỉ huy xây dựng các công trình ngoài biển, đảo. Anh cho biết, với bộ đội công binh hải quân, nhiệm vụ xây dựng công trình biển, đảo khó khăn gấp bội, bởi thời gian thi công dài, thời tiết trên biển khắc nghiệt, diễn biến khó lường, mặt bằng thi công chật hẹp, quân số tham gia hạn chế, việc bảo đảm đời sống, sinh hoạt cho bộ đội phức tạp và đặc biệt là trang bị, phương tiện phục vụ thi công xây dựng thiếu thốn, chủ yếu dựa vào sức lao động thủ công của cán bộ, chiến sĩ.

Ðể tạo động lực tinh thần vượt khó, Lữ đoàn luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, kết hợp các phong trào thi đua quyết thắng. Lữ đoàn xác định, mỗi công trình xây dựng ngoài biển, đảo đều mang ý nghĩa như dấu mốc khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Từ vinh dự và trách nhiệm đó, Lữ đoàn đề ra các mục tiêu: "Chất lượng, mỹ quan, an toàn, bí mật; đúng yêu cầu kỹ, chiến thuật; năng suất, tiến độ, tiết kiệm và hiệu quả" trong thi công và "Hiệp đồng tốt với tàu, với đảo; bảo đảm an toàn, năng suất, hiệu quả" trong chuyển tải vật liệu xây dựng và các loại hàng hóa khác. Bên cạnh đó, Lữ đoàn quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng như: Hậu cần, tài chính, kỹ thuật, vật tư... phối hợp đồng bộ công tác chuẩn bị chu đáo ngay từ trong bờ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ xây dựng công trình ngoài biển, đảo.

Việc chuẩn bị và tập kết, vận chuyển vật liệu, hàng hóa từ đất liền lên tàu và từ tàu vào đảo là cả một bài toán khó. Với phương châm bảo đảm thuận tiện, an toàn khi vận chuyển, không để hư hỏng do tác động của môi trường, hạn chế thất thoát, góp phần giảm chi phí, tiết kiệm ngân sách, Lữ đoàn áp dụng các biện pháp bảo quản xi-măng, cát, đá, sỏi đóng kín hai lớp trong từng bao tải nhỏ, ngăn nước biển ngấm và vừa sức người khiêng vác; sắt thép được mạ thêm một lớp kẽm chống nước mặn ăn mòn. Khi hàng ra đến đảo, trong điều kiện địa hình chật hẹp, sóng lớn, cán bộ, chiến sĩ khẩn trương tổ chức thuyền thúng, xuồng nhôm "tăng bo" nhanh từng chuyến hàng. Tranh thủ những khi thời tiết tốt, thủy triều xuống, lực lượng được chia thành nhiều ca, làm việc tích cực không kể thời gian, bảo đảm vật liệu, hàng hóa được tập kết an toàn, đầy đủ, che chắn kín đáo tránh sóng biển xâm nhập...

Phát huy sáng kiến, tiết kiệm thời gian thi công

Trong điều kiện địa hình, môi trường, mặt bằng thi công không thuận lợi, Lữ đoàn động viên, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ phát huy nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị thiết thực, đó là sáng kiến: "Thiết kế phao công tác bằng téc nước để đặt máy hút san hô trong nhiệm vụ mở luồng", thay vì dùng xuồng chuyển tải hoặc pông-tông, chi phí rẻ hơn 3,5 lần, thuận lợi trong thao tác, vận hành. Sáng kiến "Thiết kế xuồng chuyển tải mở đáy, mở thành tự đổ vật liệu qua hệ thống truyền động bằng tời quay tay" giảm 50% sức lao động bộ đội, năng suất tăng gấp hai lần, tiết kiệm thời gian vận chuyển, đẩy nhanh tiến độ thi công. Sáng kiến này đã được nhận Giải thưởng Nguyễn Phan Vinh của Quân chủng. Sáng kiến "Dùng téc nước kết hợp ván xà gồ và dây neo lợi dụng thủy triều di chuyển khối bê tông cốt thép để thi công xây dựng bệ cầu xuồng" đã giảm 45-50 công lao động khi xây dựng một bệ cầu xuồng, năng suất tăng gấp từ năm đến bảy lần, bảo đảm độ an toàn cao... Những công trình xây dựng biển, đảo do Lữ đoàn đảm nhận đều đạt năng suất từ 120 đến 150%, tiến độ thi công nhanh, rút ngắn thời gian hoàn thành từ 10 đến 20 ngày.

Thi công xây dựng công trình ngoài biển, đảo mỗi cán bộ, chiến sĩ Công binh Hải quân luôn ý thức được: Một bao xi-măng, một cân sắt thép, đá, sỏi... từ đất liền đưa ra đến đảo để xây dựng công trình là sự nhân lên nhiều lần giá trị tiền của, công sức, mồ hôi của Nhà nước và nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn "coi công trình như con, quý vật liệu như... máu, thực hiện "một cân xi-măng, sắt thép, một bao cát, sỏi... phải đi thẳng tới công trình" nên luôn chắt chiu, cần kiệm, sử dụng đúng mục đích, không để lãng phí, hao hụt. Chính nhờ vậy, nhiều công trình sau khi xây dựng hoàn thành, vẫn thừa nguyên, vật liệu, cán bộ, chiến sĩ thu gom tận dụng làm thêm một số công trình cho bộ đội trên đảo như xây chân đế neo bia huấn luyện; xây tường bao vườn rau chống chuột và nước mặn xâm nhập; làm bể chứa nước ngọt sinh hoạt, chứa nước tưới rau; hệ thống bảng tin, pa-nô cổ động tuyên truyền thi đua, hay tận dụng gỗ cốp pha, xà gồ làm bia, bảng huấn luyện...  trị giá hàng chục triệu đồng. Song, điều quan trọng hơn là cán bộ, chiến sĩ Công binh Hải quân đã góp phần làm nên những thay đổi về cảnh quan, môi trường, tạo thuận lợi hơn về điều kiện sống, sinh hoạt cho quân và dân trên đảo.

Với nỗ lực quyết tâm cao, ý thức cần kiệm, tinh thần năng động, sáng tạo trong lao động, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 131 - Quân chủng Hải quân đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng các công trình ngoài biển, đảo. Tròn 38 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành (1975 - 2013), Lữ đoàn Công binh 131 vinh dự hai lần đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND do Ðảng, Nhà nước phong tặng. Từ năm 2010 đến nay, Lữ đoàn liên tục được Quân chủng tặng giấy khen về thành tích chuyển tải xây dựng công trình biển, đảo.

Bài và ảnh: TRẦN TRỌNG TUẤN và T.H (Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng)
Nguồn: nhandan.com.vn

Bản quyền ©2012 Tỉnh đoàn Quảng Ngãi