Trên mảnh đất tình người
Ngày đưa:  29/01/2024 02:08:03 PM In bài
Chung tay chăm lo người già neo đơn, những hoàn cảnh kém may mắn là những việc làm đong đầy nghĩa tình của người dân thôn Châu Me, xã Đức Phong (Mộ Đức). Nhờ đó, tình làng nghĩa xóm gắn bó ngày càng keo sơn.

Chăm lo những hoàn cảnh khó khăn

Trong ngôi nhà vừa được sửa chữa, cụ Võ Thị Nay, ở xã Đức Phong bày tỏ niềm xúc động, Tết này tôi bước sang tuổi 80 trong niềm vui vô bờ bến, đó là được đón năm mới trong căn nhà kiên cố. Bà con cả thôn đã cùng nhau an ủi tuổi già cho tôi bằng một món quà lớn, đó là cùng nhau góp được 27 triệu đồng và ngày công để sửa lại nhà cho tôi.

Trước khi được người dân thôn Châu Me đồng lòng đóng góp sức người, sức của sửa nhà, bà Nay sống trong ngôi nhà xập xệ, xuống cấp nghiêm trọng. “Mùa nắng, mái tôn phả hơi nóng xuống khiến tôi không ngủ nổi. Mùa mưa, mái nhà bị dột, nước chảy lai láng khắp nhà. Tôi từng nghĩ, mình sẽ phải sống mãi trong cảnh này, vì một thân một mình lại già yếu, biết lấy đâu ra tiền để sửa nhà”, bà Nay chia sẻ.

 

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Châu Me Nguyễn Duy Phương trao quà Tết cho bà Võ Thị Nay.

Cùng chung hoàn cảnh với cụ Nay, cụ Huỳnh Thị Nuôi (81 tuổi), ở thôn Châu Me, xã Đức Phong cũng sống một thân một mình, gia cảnh khó khăn. Cảm thông cho hoàn cảnh của cụ Nuôi, nên khi nghe tin cụ được một ngân hàng hỗ trợ xây dựng nhà ở với kinh phí 50 triệu đồng, người dân thôn Châu Me tiếp tục góp sức, giúp cụ hoàn thiện được căn nhà mơ ước.

“Cơm ăn không hết thì treo/ Việc làm chẳng hết thì kêu xóm giềng”, nhưng đâu cần cụ Nuôi “đánh tiếng” nhờ vả, người dân thôn Châu Me đã tự giác góp hàng chục ngày công để giúp cụ Nuôi tiết kiệm một phần chi phí thuê nhân công. Ngày cụ Nuôi về nhà mới, mọi người lại í ới nhau “của ít lòng nhiều”, mua mền, gối, nhu yếu phẩm đến tặng cụ. Sống giữa vòng tay yêu thương của xóm giềng, cụ Nuôi bảo, cụ tuy neo đơn, nhưng không cô đơn. Bởi khi cụ cần, mọi người luôn có mặt để chia sẻ, quan tâm và giúp đỡ.

Tối lửa tắt đèn có nhau

Gia đình thuộc diện hộ nghèo, con không may bị bệnh hiểm nghèo, ông P.T, ở thôn Châu Me, xã Đức Phong phải chạy đôn, chạy đáo vay mượn khắp nơi để có tiền đưa con đi chữa bệnh. Giữa lúc gia đình ông T lâm vào tình cảnh khốn cùng, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư thôn Châu Me tiếp tục được phát huy.

“Trước hoàn cảnh ngặt nghèo của gia đình ông T, Chi ủy đã họp khẩn, giao trách nhiệm cho các hội đoàn thể và từng cụm dân cư trong thôn triển khai công tác vận động người dân. Phát huy tinh thần tương thân tương ái, người dân trong thôn và con em địa phương đang làm việc ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước đã đóng góp được gần 40 triệu đồng cho gia đình ông T”, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Châu Me Nguyễn Duy Phương cho biết.

Thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, người dân Châu Me còn chung tay chăm lo để người nghèo trong thôn đón Tết yên vui, ấm áp. Nghĩa cử đóng góp tiền, nhu yếu phẩm vì người nghèo đã trở thành thông lệ ở mảnh đất đong đầy tình người này.

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, từ sự đóng góp của người dân địa phương và con em xa quê, 64 hộ nghèo của thôn Châu Me đã được nhận 64 suất quà (trị giá 500 nghìn đồng/suất) để vui Xuân, đón Tết. Năm nay, còn gần 1 tháng nữa là đến tết Nguyên đán Giáp Thìn, công tác vận động, chung tay chăm lo Tết cho người nghèo đang được tổ chức sôi nổi, lan tỏa khắp làng trên xóm dưới tại Châu Me.

“Kinh tế gia đình tôi không khá giả, nhưng so với nhiều người ít cơ cực hơn. Vậy nên, hễ thôn thông báo đóng góp để hỗ trợ quà Tết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hoặc giúp đỡ cho các gia đình không may ốm đau, tai nạn, lâm vào cảnh ngặt nghèo, tôi hưởng ứng ngay. Cùng xóm, cùng làng với nhau là thế! Của ít, lòng nhiều”,  anh Huỳnh Thanh Tân, ở thôn Châu Me bộc bạch.

Sinh ra từ làng, nhiều cá nhân dù không còn sinh sống tại địa phương, nhưng tình cảm dành cho quê hương luôn đong đầy. Như trường hợp ông Đào Văn Quá, một người con của thôn Châu Me, sau này trở thành bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh) và sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh. Song, ông luôn hướng lòng về với người nghèo ở quê nhà bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa.

“Tôi rời quê hương đến nay tròn 43 năm. Nhưng lòng tôi luôn nhớ về nơi “chôn nhau cắt rốn”, nơi có bà con chòm xóm từng chia ngọt sẻ bùi cùng gia đình tôi”, ông Quá bồi hồi. Từ năm 2000 đến nay, bình quân mỗi năm, ông Quá về quê hương Châu Me từ 1 - 2 lần. Mỗi lần trở về, ông Quá đều kết nối bạn bè hoặc các tổ chức, cá nhân, trao hàng trăm suất quà cho người nghèo ở quê hương.

Người dân thôn Châu Me đón nhận tình cảm của những người con xa quê như ông Quá, lại tiếp tục bảo ban nhau sống đoàn kết, nghĩa tình, để Châu Me mãi là mảnh đất đong đầy tình người, là hai tiếng gọi thân thương đối với nhiều người khi nhắc nhớ.

 

Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN/ baoquangngai.vn

Bản quyền ©2012 Tỉnh đoàn Quảng Ngãi