Hướng đến chính quyền số
Ngày đưa:  14/12/2023 01:44:39 PM In bài
Để tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC), huyện Bình Sơn đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của công tác chuyển đổi số (CĐS) và đã đạt được một số kết quả nhất định.

Lợi ích từ phòng họp không giấy

Trước đây, Phòng Kế hoạch nghiệp vụ (Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn) là nơi gửi giấy mời và tổng hợp tài liệu các cuộc họp, hội nghị, hội thảo. Tài liệu được in bản giấy và phát cho người tham gia cuộc họp; chi phí cho việc in ấn tài liệu là rất lớn. Từ tháng 6/2023, Phòng Kế hoạch nghiệp vụ trực tiếp thực hiện nội dung phòng họp không giấy bằng cách sử dụng Google Drive để lưu trữ tài liệu của buổi tập huấn, hội nghị, sau đó cung cấp mã QR cho nhân viên y tế để xem tài liệu. Bác sĩ Trần Hồng Như Thịnh cho biết, sử dụng Google Drive để lưu trữ, báo cáo và sử dụng mã QR Code để chia sẻ. Bằng cách đó, mọi người có thể quét mã hoặc nhấp vào đường link để tiếp cận các văn bản, tài liệu.

 

Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip. Ảnh: T.Thuận
 
Năm 2023, huyện Bình Sơn đã số hóa hồ sơ TTHC (cấp huyện) gần 22 nghìn hồ sơ, đạt 64,4%; số hóa kết quả giải quyết TTHC 9.150 hồ sơ, đạt 28,4%. Cấp xã số hóa hồ sơ TTHC 21 nghìn hồ sơ, đạt 65% và số hóa kết quả giải quyết TTHC 8.885 hồ sơ, đạt gần 29%; 100% hồ sơ giải quyết TTHC được thực hiện thông qua hệ thống thông tin một cửa huyện và các xã, thị trấn; 100% phần mềm quản lý văn bản và điều hành (iOffice) của huyện được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử; 100% báo cáo định kỳ của các cơ quan hành chính nhà nước được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành. Tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng tại các đơn vị đạt 100%. Tỷ lệ gửi, nhận văn bản điện tử các cấp chính quyền (đảm bảo toàn trình) đạt trên 95%. Tỷ lệ văn bản được ký số khi ban hành trên môi trường mạng đạt 90%.

Khi triển khai phòng họp không giấy, mỗi khoa, phòng được tạo một thư mục Drive và được cấp quyền truy cập riêng biệt để lưu trữ tài liệu, đảm bảo tính bảo mật. Hằng tháng, các khoa, phòng, trạm y tế báo cáo số liệu trực tiếp trên các file của Google đã được từng khoa, phòng tạo sẵn. Trưởng phòng Điều dưỡng, Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn Nguyễn Thị Tâm cho biết, phòng họp không giấy ở trung tâm giúp nhân viên y tế xử lý công việc nhanh chóng, kịp thời, chính xác, tiết kiệm thời gian, nguồn lực, chi phí, góp phần nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ.

Qua gần 6 tháng triển khai phòng họp không giấy với ứng dụng dịch vụ lưu trữ đám mây Google Drive đã giúp tiết kiệm chi phí in ấn, tiết kiệm thời gian, bảo vệ môi trường. Chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có kết nối Internet và vào đường link là có thể truy cập tài liệu mọi lúc, mọi nơi.

Bác sĩ Võ Hùng Viễn - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn cho biết, việc triển khai phòng họp không giấy góp phần thực hiện CĐS tại Trung tâm Y tế huyện, giúp lãnh đạo đưa ra các quyết định kịp thời, nhanh chóng, chính xác. Qua đó cũng kích thích sự sáng tạo của nhân viên y tế và góp phần cải tiến chất lượng làm việc. Từ những kết quả bước đầu, năm 2024, chúng tôi tiếp tục triển khai những tiện ích mới, tạo thuận lợi cho cán bộ, viên chức, đặc biệt là giúp người dân giảm thời gian khám chữa bệnh, giảm phiền hà, tăng sự hài lòng của người dân khi đến sử dụng dịch vụ tại trung tâm.

Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số

Thời gian qua, huyện Bình Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ CĐS trên địa bàn huyện, hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Năm 2023, các nhiệm vụ, chỉ tiêu về CĐS cơ bản được huyện tổ chức thực hiện nghiêm túc, đảm bảo tiến độ theo lộ trình đề ra. Đối với phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, Bình Sơn đã trang bị trang thiết bị số hóa hồ sơ TTHC tại bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã; 100% cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân lãnh đạo đã sử dụng chữ ký số để xác thực văn bản điện tử; đầu tư hệ thống thiết bị hội nghị trực tuyến với 23 điểm cầu; 100% cơ quan nhà nước cấp huyện và cấp xã triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn bản điện tử và điều hành dùng chung (https:// office.quangngai.gov.vn) theo mô hình quản lý cơ sở dữ liệu tập trung, liên thông 4 cấp, có sử dụng chữ ký số để trao đổi văn bản điện tử. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân lãnh đạo, cán bộ, công chức bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã đã được cấp chứng thư số.

 

Công dân làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa xã Bình Nguyên (Bình Sơn). Ảnh: T.Thuận

Về phát triển kinh tế số, huyện Bình Sơn đã khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã trên địa bàn huyện xây dựng website để thông tin và quảng bá sản phẩm; các DN đã ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu quản lý, sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, triển khai một số nền tảng số phục vụ người dân và DN như: Nền tảng cổng dữ liệu mở, nền tảng trợ lý ảo lĩnh vực TT&TT; nền tảng trợ lý ảo phục vụ người dân và DN; nền tảng họp trực tuyến... để hỗ trợ DN trên địa bàn huyện. Hiện nay, trên Cổng thông tin điện tử OCOP tỉnh Quảng Ngãi, Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã có các sản phẩm của huyện Bình Sơn như: Nước mắm Mười Quý, nén Bình Phú... giúp người tiêu dùng nắm rõ thông tin sản phẩm, tạo uy tín và chất lượng khi lựa chọn sản phẩm.

 

Đoàn viên, thanh niên huyện Bình Sơn hỗ trợ người dân làm thủ tục hồ sơ  trực tuyến. Ảnh: Nguyên Hương

Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với các DN viễn thông trên địa bàn phủ rộng mạng cáp quang, mạng di động băng thông rộng, tạo môi trường thuận lợi trong CĐS. Đến nay, 100% các xã, thị trấn trong toàn huyện đã được phủ sóng di động 2G/3G/4G; mạng truyền dẫn cáp quang tới trung tâm xã đạt 100%; trên 70% hộ gia đình có Internet cáp quang băng rộng; trên 85,5% thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh.

Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Nguyễn Tưởng Duy cho biết, năm 2024, huyện tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, quán triệt quan điểm CĐS là chuyển đổi tư duy, nhận thức và hành động. Tập trung nâng cao nhận thức về CĐS và các hoạt động liên quan đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Rà soát TTHC dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ để nâng mức, thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên môi trường số. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, trực tiếp, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp CĐS thuộc phạm vi quản lý; tăng cường ứng dụng các nền tảng số của ngành, lĩnh vực trong quản lý, điều hành; thực hiện nghiêm túc quy trình ký số văn bản; đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng về CĐS cho công chức, viên chức trong phạm vi quản lý.

 

theo baoquangngai.vn

Bản quyền ©2012 Tỉnh đoàn Quảng Ngãi