Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải
Ngày đưa:  11/09/2023 04:53:17 PM In bài
Nhà trưng bày đội Hoàng Sa Bắc Hải, còn gọi là Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn, đảo tiền tiêu của Tổ quốc, là nơi lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật được sưu tầm, phục dựng gắn với đội hùng binh Hoàng Sa cách đây hơn 400 năm, nơi nhắc nhớ mỗi người về chủ quyền đất nước và niềm tự hào dân tộc.

 

Tượng đài Đội Hùng binh Hoàng Sa.

 

Tổng quan phía trước Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa.

Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tọa lạc tại trung tâm hành chính huyện Lý Sơn, trong khuôn viên rộng 400m2. Phía trước nhà trưng bày là bức tượng đài ba vị binh phu Hoàng Sa, gương mặt nhìn thẳng, tay chỉ về hướng Đông. Tượng cao 4,5m, nặng gần 40 tấn được tạc từ các khối đá ghép lại. Phía trước tượng đắp nổi dòng chữ khẳng định chủ quyền: “Vạn lý Hoàng Sa”. Phía sau tượng đắp dòng chữ: “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu”, đại ý quần đảo Hoàng Sa có vị trí cực kỳ hiểm yếu đối với lãnh hải của đất nước. Đây là dòng chữ trên chiếu của vua Minh Mạng ban hành năm 1836 (năm Minh Mạng thứ 17).

 

Không gian trưng bày tư liệu về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Phía sau tượng đài là nhà trưng bày gồm có 3 phòng chính. Hai phòng đầu hồi dùng làm nơi tiếp khách, thư viện và kho bảo quản hiện vật. Phòng chính giữa trưng bày hơn 100 hiện vật, tài liệu về chủ quyền như: Bản đồ các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ghe câu, ghe bầu và đồ dùng thiết yếu của các binh phu.

 

Không gian trưng bày phương tiện di chuyển của đội Hoàng Sa.

Đội Hoàng Sa hoạt động bắt đầu từ thế kỷ XVII cho đến giữa thế kỷ XIX, từ thời Tây Sơn, chúa Nguyễn cho đến triều Nguyễn đã luân phiên dân đinh ở hai làng An Vĩnh và An Hải trên đảo Lý Sơn sung vào Hải đội Hoàng Sa, sau này kiêm cả đội Bắc Hải để thực hiện nhiệm vụ cắm mốc, dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ và khai thác sản vật trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Khi cử binh phu đi làm nhiệm vụ, các họ tộc tiến hành làm lễ khao và thế lính (lập bài vị, hình nhân thế mạng để chịu thay mọi rủi ro, tai ương cho những binh phu). Qua hàng trăm năm, những nghi thức khao lề thế lính hiện vẫn còn được lưu giữ, là một hoạt động tâm linh quan trọng đối với người dân trên đảo Lý Sơn.

 

Không gian trưng bày tư liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhiều binh phu Hoàng Sa đã không trở về. Cư dân Lý Sơn vẫn còn truyền nhau câu ca dao:  “Hoàng Sa trời nước mênh mông, người đi thì có mà không thấy về”, “Hoàng Sa mây nước bốn bề, Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa”.

Vì không có xác nên người thân của những binh phu này nhờ thầy Phù thủy nặn hình tượng người chết và làm phép gọi hồn để nhập cốt rồi chôn cất. Hiện nay trên đảo Lý Sơn vẫn còn những ngôi mộ chiêu hồn của các họ tộc có người đi lính Hoàng Sa. Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải chính là những người đầu tiên đã xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.

 

Văn Được

Bản quyền ©2012 Tỉnh đoàn Quảng Ngãi