Bộ Thông tin và Truyền thông: Hướng đến năm dữ liệu quốc gia 2023
Ngày đưa:  07/02/2023 10:41:53 AM In bài
Trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chiến lược quốc gia ngành Thông tin và Truyền thông, trong đó nổi bật là các chiến lược về bưu chính, Chính phủ số và kinh tế số.

Lúc phải đi đầu dẫn dắt, lúc lại lùi sau thúc đẩy

Trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã sửa khá nhiều luật liên quan đến lĩnh vực số. Đó là các luật về: Giao dịch điện tử, Công nghiệp công nghệ số, Tần số, Viễn thông… Đây đều là các lĩnh vực nền tảng của chuyển đổi số, cho sự phát triển số.

Vì thế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo các đơn vị trong ngành phải coi đây là việc của mình để nghiên cứu góp ý, tránh việc ban hành luật, khi áp dụng thì mới phát hiện bất cập. Khi đó thì đã muộn, muốn sửa phải mất nhiều năm.

 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông chuyển trọng tâm từ phía trước sang phía sau. Lãnh đạo, quản lý thì có lúc phải đi đầu dẫn dắt, có lúc lại lùi về sau để thúc đẩy.

Những năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khởi xướng nhiều chiến lược mới, đi đầu và trực tiếp tham gia để khởi động sự phát triển của ngành.

Đến nay, đa số những định hướng mới đã thành nhận thức của xã hội, của chính quyền các cấp; Nhà nhà bắt đầu làm, ngành ngành bắt đầu làm, do đó Bộ phải lui về sau để thúc đẩy, đảm bảo cho sự phát triển được nhanh và bền vững.

Năm 2022 là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện.

Đây cũng là năm đầu thực hiện các chiến lược mới của ngành Thông tin và Truyền thông: Hạ tầng số; Dữ liệu; Bưu chính; An toàn thông tin mạng; Công nghiệp công nghệ số; Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; Chính phủ số; Kinh tế số và Xã hội số; Chuyển đổi số báo chí. Đó sẽ là tiền đề thuận lợi để bước sang năm 2023 sẽ là năm dữ liệu số quốc gia.

Để thực hiện chiến lược năm dữ liệu số quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương công khai dữ liệu của ngành, đơn vị mình quản lý. Với chủ đề dữ liệu số, Bộ sẽ triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức bảo vệ dữ liệu, nâng cao nhận thức, liên minh tuyên truyền và tổ chức chiến dịch tuyên truyền.

Quyết liệt với “An toàn thông tin mạng”

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số là đưa các hoạt động của chúng ta lên môi trường số. Đồng nghĩa với đó là việc cần phải bảo vệ hàng nghìn hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước, hoạt động trên không gian mạng của 100 triệu người dân, gần 1 triệu doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, 26 triệu hộ gia đình, 14.000 cơ sở y tế, 44.000 trường học...

Bộ Thông tin và Truyền thông xác định 2023 là năm bảo vệ người dân trên không gian mạng. Vì vậy, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp quyết liệt.

 

Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của ngành Thông tin và Truyền thông.

Tình trạng an ninh mạng tại Việt Nam trong năm vừa qua ở mức kiểm soát tốt. Trong năm 2022, Bộ đã phối hợp cũng như trực tiếp ngăn chặn 2.328 website lừa đảo, 1.342 trang web lừa đảo trực tuyến cùng 986 trang web, địa chỉ mạng có nội dung vi phạm pháp luật; Qua đó góp phần bảo vệ gần 4 triệu người dân, tương đương 6% người dùng trên internet.

Việt Nam cũng ghi nhận chỉ số an toàn, an ninh mạng xếp thứ 25 trên tổng số 194 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 25 bậc so với năm 2019.

Tuy nhiên vẫn còn đó các mối đe dọa về an toàn thông tin. Theo thống kê của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam khảo sát tại 135 tổ chức, doanh nghiệp về bảo đảm an toàn thông tin, kết quả cho thấy nổi lên một số vấn đề lớn.

Cụ thể, cứ 4 tổ chức, doanh nghiệp thì có một đơn vị từng bị gián đoạn hệ thống, dịch vụ khi bị tấn công mạng trong năm 2022; 76% tổ chức, doanh nghiệp chưa đủ nhân lực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu hiện tại; 87% tổ chức, doanh nghiệp cho biết lo sợ yếu tố con người, 58% lo sợ yếu tố công nghệ và 47% lo sợ về tội trộm cắp quy trình về an toàn thông tin; 68% đơn vị chưa đủ kinh phí đầu tư cho an toàn thông tin để đáp ứng yêu cầu hằng năm.

Mặc dù nguy cơ tấn công mạng không ngừng gia tăng song theo các chuyên gia vẫn nhiều doanh nghiệp còn “bỏ qua” vấn đề bảo mật, an toàn thông tin mạng trong chuyển đổi số.

Vì vậy, bảo đảm an toàn không gian mạng và an toàn cho các tổ chức, người dân trên không gian mạng là trách nhiệm của tất cả Bộ, ngành, địa phương theo nguyên tắc là "thực sao - ảo vậy". Như vậy, cơ quan quản lý lĩnh vực nào trong đời thực thì cũng có trách nhiệm quản lý nội dung đó trên không gian mạng.

Do đó, trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập trung chỉ đạo thanh kiểm tra, xử lý mạnh tay các vi phạm để làm lành mạnh môi trường thông tin và truyền thông.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Muốn phát triển nhanh và bền vững thì môi trường phải lành mạnh. Muốn giữ cho môi trường lành mạnh thì phải làm thường xuyên”.

Vì thế, năm 2023 được Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là năm kỷ cương, tuân thủ quy định về an toàn thông tin. Theo đó, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm hệ thống thông tin theo cấp độ.

 

Phương Thu/ tuoitrethudo.com.vn

Bản quyền ©2012 Tỉnh đoàn Quảng Ngãi