Từ những chiếc nò bằng tre đơn sơ, người dân xóm Cà Ninh, thôn Phú Long 3, xã Bình Phước (Bình Sơn) có thể bẫy được tôm đất, cá bống cùng nhiều loại cá nước lợ. Đây là phương thức đánh bắt truyền thống, được người dân nơi đây gìn giữ, truyền đời hơn trăm năm qua.
Công phu dựng nò
Mặt trời còn chưa ló dạng, anh Tô Xuân Bửu, ở xóm Cà Ninh, thôn Phú Long 3, xã Bình Phước đã ra sông vớt nò. "Nò được đặt chìm dưới sông để cá theo luồng nước chảy mà trôi vào nò. Đang mùa nước nổi, nên tôm, cá nhiều. Thả nò từ sáng ngày hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, tôi thu về được cỡ 1kg tôm đất và dăm lạng cá bống cát. Có bữa may mắn, còn có cá hồng, cá hanh nước lợ chui vào nò. Còn vào mùa nắng, mỗi bữa vớt nò, tôi chỉ thu được dăm lạng tôm đất thôi", anh Bửu cười bảo.
|
Người dân xóm Cà Ninh, thôn Phú Long 3, xã Bình Phước (Bình Sơn) đặt nò trên sông Cà Ninh để bẫy cá, tôm. |
Những chiếc nò mà anh Bửu cùng những người xóm Cà Ninh khác dùng để bẫy cá, tôm trên sông, là ngư cụ truyền thống được làm bằng tre và cây ráng biển - một loại cây mọc hoang ở những vùng nước ngập mặn ở Cà Ninh.
Ngỡ chỉ là một ngư cụ thô sơ, nhưng theo chia sẻ của những người dựng nò ở Cà Ninh, để dựng được nò, đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật và tay nghề cao. Bậc thầy dựng nò là người có thể xác định được đoạn sông nào có nhiều cá, tôm và phải dựng vách nò làm sao để cá, tôm một khi rơi vào miệng vách nò, thì không thể trở ra được nữa.
"Nò có 2 bộ phận chính là vách nò và thân nò. Vách nò đảm nhận nhiệm vụ đưa cá, tôm vào thân nò. Khi dựng vách nò, phải cắm cọc tre xuống đáy sông theo sơ đồ hình chữ V. Sau đó, tiếp tục dùng 15 - 20 tấm phên được đan từ cành cây ráng biển với bề rộng mỗi tấm phên cỡ 4m để nẹp và cột chặt vào cọc. Các tấm phên phải được cắm xuống đáy sông thật chắn chắn, có như thế, cá mới không lọt ra khỏi vách nò.
Tại phần hẹp nhất của hai vách nò, chúng tôi đặt thân nò. Các loại cá, tôm sau khi bơi vào khu vực vách nò, sẽ tiếp tục rơi vào thân nò và không thể thoát ra được nữa, bởi thân nò có cấu tạo tương tự như những chiếc lờ thả cá, nhưng kích thước lớn hơn nhiều, lại được bao phủ bởi lưới", anh Nguyễn Tuân, người có 2 chiếc nò trên sông Cà Ninh, giải thích tỉ mỉ cách thức dựng nò.
Tôm, cá dần vơi...
Người dân xóm Cà Ninh bảo, ngày trước, mỗi hộ dân ven sông đều giữ cho gia đình mình vài chiếc nò để bắt cá, tôm. Thậm chí, những chiếc nò giữ vai trò quan trọng với cuộc sống người dân đến mức, người xóm Cà Ninh đã tự lập ra quy ước về những vị trí đặt nò trên sông tương ứng với từng gia đình và tuân thủ nghiêm ngặt qua nhiều thế hệ.
|
Anh Nguyễn Tuân kiểm tra phần vách nò gồm cọc và phên được cắm xuống đáy sông theo hình chữ V. |
"Vị trí mà tôi đặt nò hiện tại, chính là vị trí mà ông nội tôi để lại. Ở từng chiếc nò, ở mỗi khúc sông, không ai cắm bảng, ghi tên, nhưng tự mỗi gia đình đều ngầm hiểu với nhau về những vị trí đặt nò của mình. Bởi vì đấy là vị trí được truyền lại từ đời trước", anh Tuân tự hào kể.
Việc đặt nò bắt cá, tôm từng là nguồn sinh kế quan trọng của người dân nơi đây, nhưng về sau, khi các loại hình đánh bắt khác dần chiếm ưu thế, đặc biệt là đánh bắt bằng các loại lưới theo kiểu "tận diệt" thủy sản, cũng là lúc, các nò dựng trên sông không còn "đất sống".
"Việc học của 4 đứa con nhà tôi ngày ấy đều trông cậy vào những chiếc nò này. Bởi ngày ấy, mỗi lần đặt nò là có 4 - 5kg tôm đất, 2 - 3kg cá bống, chục con cá hồng, hanh to hơn bàn tay người lớn. Còn bây giờ, nhiều bữa vớt nò, chỉ thấy rong rêu", ông Nguyễn Thanh, người vừa dỡ bỏ chiếc nò từng gắn bó với gia đình mình suốt mấy mươi năm, trầm ngâm tâm sự.
Trong hồi ức của trưởng thôn Phú Long 3, xã Bình Chánh Nguyễn Mãi, thời điểm năm 2015, dẫu số lượng nò đặt trên sông Cà Ninh đã sụt giảm nhiều so với trước, nhưng vẫn còn gần 40 nò, thì nay, người dân địa phương chỉ còn giữ lại 7 nò...