Qua giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm ca mắc COVID-19 các tỉnh phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra cho thấy, biến thể BA.5 chiếm ưu thế với 60%, còn lại là các biến thể khác của Omicron như BA.2, BA.2.74.
Ca COVID-19 mới nhiễm biến thể BA.5 chiếm phần lớn
Theo báo cáo về tình hình dịch bệnh COVID-19 của 28 tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra cho thấy từ đầu năm 2022 đến ngày 15/8, các địa phương đã ghi nhận tổng cộng 7.731.853 ca mắc COVID-19 (chưa bao gồm 555.315 ca báo cáo bổ sung từ Hải Phòng và Thái Nguyên trong tháng 8/2022), chiếm 95% tổng số ca mắc của cả toàn bộ đợt dịch từ đầu năm đến giờ, chủ yếu cộng đồng, số nhỏ ca xâm nhập.
Đỉnh dịch rơi vào tháng 3, chiếm đến hơn 65% tổng số ca mắc, sau đó giảm sâu, liên tục. Từ tháng 7/2022 và tháng 8/2022, số mắc gia tăng nhẹ.
|
Ảnh minh họa |
TS Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay: Nếu tính theo tuần thì tuần 12 ghi nhận số mắc COVID-19 cao nhất, sau đó bắt đầu giảm nhanh, giảm sâu ở các tuần tiếp theo và có dấu hiệu tăng trở lại từ tuần 30 đến nay.
Về kết quả giải trình tự gen, trong số 456 mẫu được giám sát từ đầu năm thì phát hiện chủ yếu là chủng Omicron, chỉ có một số ít nhiễm chủng Delta. Nếu như những tháng đầu năm 2022, chủ yếu các ca mắc COVID-19 ở 28 tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra chủ yếu nhiễm biến thể phụ BA.1 và BA.2 thì từ tháng 6/2022- nay, khu vực này phát hiện thêm biến thể phụ của Omicron là BA.5 tại Hà Nội, và sau đó là tại Cao Bằng, Thái Bình, Nghệ An và Hải Dương.
Trong số 95 mẫu giải trình tự gen của tháng 8/2022 cho thấy có đến 60% ca COVID-19 nhiễm biến thể BA.5; có 1 mẫu nhiễm biến thể BA.2.74, còn lại là mẫu nhiễm biến thể BA.2.
Trước đó, tại TP HCM, kết quả giải trình tự gen thực hiện trên 30 bệnh nhân nội trú và người đến xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, do Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) phối hợp giải trình tự gene virus từ ngày 14 - 30/7 cũng cho thấy số ca nhiễm biến thể BA.5 chiếm ưu thế với 80% tổng số ca bệnh.
Biến thể BA.5 của Omicron được đánh giá có khả năng chống lại các kháng thể cao hơn, đồng nghĩa rằng nếu đã từng mắc COVID-19 trước đó vẫn có khả năng nhiễm biến thể BA.5. Biến thể này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với BA.2.
Theo dõi chặt sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19
Thống kê tình hình dịch bệnh chung của cả nước cho thấy, thời gian vừa qua cả nước ghi nhận trung bình khoảng hơn 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại, đã có những ngày liên tục số ca mắc mới vượt mốc 3.000 ca/ ngày, thậm chí ngày 24/8 còn đạt mức gần 3.600 ca.
Kể từ đầu dịch đến ngày 2/9, Việt Nam có 11.415.907 ca mắc COVID-19, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.042 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã điều trị khỏi ở nước ta là: 10.195.874 ca; hiện nay đang điều trị, giám sát hơn 1,17 triệu trường hợp. Trong số bệnh nhân đang điều trị có 128 trường hợp thở ô xy (tăng 21 trường hợp so với ngày 1/9).
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số bệnh nhân nặng gia tăng trong thời gian gần đây, thường hơn 100 ca/ ngày, có ngày lên đến gần 140 ca, trong khi ở thời điểm tháng 6-7, số bệnh nhân nặng chỉ vài chục ca, có ngày chỉ còn không đến 20 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.118 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan chuyên môn và các địa phương tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng.
Bộ Y tế và các địa phương tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ tuyến dưới đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh và tiêm vaccine, lợi ích, hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Sáng 3/9: Ca COVID-19 nặng tăng, các bệnh viện cần lấy mẫu để giải trình tự genSáng 3/9: Ca COVID-19 nặng tăng, các bệnh viện cần lấy mẫu để giải trình tự gen.
SKĐS - Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số bệnh nhân COVID-19 nặng thời gian gần đây đang gia tăng, do đó các bệnh viện cần đánh giá lâm sàng các ca bệnh nặng nhập viện, gửi xét nghiệm giải trình tự gen...
Theo Thái Bình/SKĐS