(Đăng lúc: 07/05/2022 09:46:21 AM)
Fanpage Tỉnh đoàn Quảng Ngãi
.
In bài  
Kỷ niệm 68 năm Ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2022)
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược đỉnh cao đánh bại “kế hoạch Nava” của thực dân Pháp, tạo điều kiện đi đến quyết định ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (21/7/1954), kết thúc 9 năm cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945-1954).

 

 

 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ  (7/5/1954-7/5/2022)

Trận quyết chiến chiến lược

Sau 8 năm xâm lược Việt Nam, Pháp thiệt hại ngày càng lớn, bị loại khỏi vòng chiến đấu hơn 39 vạn quân, tốn hơn 2.000 tỉ phrăng, vùng chiếm đóng bị thu hẹp, ngày càng lâm vào thế phòng ngự, bị động. Trước sự sa lầy của Pháp, Mỹ can thiệp sâu vào chiến tranh Đông Dương, ép Pháp phải kéo dài, mở rộng chiến tranh, tích cực chuẩn bị thay thế Pháp.

Ngày 7/5/1953,với sự thỏa thuận của Mỹ, Pháp cử Na-va làm Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương, đề ra kế hoạch trong 18 tháng sẽ giành thắng lợi quyết định để “kết thúc chiến tranh trong danh dự”. Kế hoạch Na-va chia thành hai bước:

- Bước một: thu - đông 1953 và xuân 1954 giữ thế phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, tiến công chiến lược để bình định miền Trung và Nam, giành nhân lực, vật lực, thanh toán Liên khu V, đồng thời mở rộng ngụy quân, xây dựng đội quân cơ động mạnh.

- Bước hai: từ thu - đông 1954, chuyển lực lượng ra chiến trường miền Bắc, thực hiện tiến công chiến lược, cố giành thắng lợi quyết định, buộc ta đàm phán theo điều kiện có lợi cho Pháp và “kết thúc chiến tranh trong danh dự”.

Vì kế hoạch Na-va không thực hiện được theo dự kiến, Pháp quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, với lực lượng lúc cao nhất lên đến 16.200 quân, được bố trí thành một hệ thống phòng thủ chặt chẽ gồm 49 căn cứ điểm.

Tháng 12/1953, Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm tiêu diệt lực lượng địch, giải phóng Tây Bắc, tạo điều kiện cho Lào giải phóng Bắc Lào. Ta huy động một lực lượng lớn chuẩn bị cho chiến dịch, khoảng 55.000 quân, hàng chục ngàn tấn vũ khí, đạn dược; lương thực, cùng nhiều ô tô vận tải, thuyền bè… chuyển ra mặt trận. Đầu tháng 3/1954 công tác chuẩn bị hoàn tất, ngày 13/3/1954 ta nổ súng tấn công.

 

"Binh chủng xe đạp thồ” của quân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Diễn biến chính của Chiến dịch Điện Biên Phủ chia thành ba giai đoạn: Giai đoạn 1, từ ngày 13 đến ngày 17-3-1954, quân ta tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống trên 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ 1 trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh; Pi-rốt - Tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ đã dùng lựu đạn tự sát vì bất lực trước pháo binh của ta. Giai đoạn 2, từ ngày 30-3 đến ngày 30-4-1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm, thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Đây là đợt tiến công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất. Ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt tại đồi C1, ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày, đồi A1 giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ hai, khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ. Giai đoạn 3 từ ngày 1-5 đến ngày 7-5-1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Vào hồi 17h30 ngày 7-5-1954, ta chiếm Sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó, quân ta tiếp tục tấn công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào. Đến 24h cùng ngày, toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh. Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch. Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược, một trận tiêu diệt điển hình nhất, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 

Chiến thắng "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 là chiến công lớn nhất, chói lọi nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chiến thắng này góp phần quyết định đập tan hoàn toàn dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh ở Đông Dương, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam, Lào và Campuchia, góp phần quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. 

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn…”.

Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Điện Biên Phủ là trận đánh tiêu diệt và bắt sống quân viễn chinh xâm lược lớn nhất, gọn nhất của quân đội ta, dân tộc ta và của phong trào giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX”. Chính vì vậy, Điện Biên Phủ mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của con người Việt Nam quật cường, bất khuất, thông minh sáng tạo, là niềm tin của các dân tộc đấu tranh thoát ách áp bức bóc lột, vươn tới độc lập tự do. 

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điên Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, nhưng trước hết đó là sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiến thắng Điện Biên Phủ còn là chiến thắng của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, nghệ thuật quân sự Việt Nam; là chiến thắng của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là thắng lợi của đường lối “kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính”. Cùng với Nhân dân cả nước, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã vượt qua vô vàn gian nan, thử thách, chiến đấu kiên cường, bền bỉ, sáng tạo góp phần quyết định làm nên chiến thắng.

Với chiến thắng Điện Biên Phủ của Nhân dân Việt Nam có ý nghĩa và tác động mang tính thời đại sâu sắc. Chính từ đây, cái tên Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ đã trở thành biểu tượng sáng ngời của một dân tộc quật cường và bất khuất, thông minh và sáng tạo, trở thành niềm tin, là sự cổ vũ, động viên các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.

Với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, cả dân tộc ta đã đứng lên triệu người như một, từng bước vượt qua những khó khăn hiểm nghèo. Đường lối kháng chiến đúng đắn, độc lập, tự chủ đã động viên và phát huy nội lực của toàn dân tộc và là nhân tố quyết định làm nên chiến thắng. Bên cạnh đó, đất nước ta cũng nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế cả về vũ khí, phương tiện và kinh nghiệm chiến tranh quý báu. Chiến thắng Điện Biên Phủ tạo ra các tiền đề, điều kiện để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục giành nhiều thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử. Tinh thần Điện Biên Phủ đã trở thành biểu tượng về ý chí quyết chiến, quyết thắng, về quyền được sống trong độc lập, tự do và là nguồn động viên tinh thần to lớn để Nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ thắng lợi, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thời gian trôi qua nhưng ý nghĩa và bài học to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn ngày càng tỏa sáng. 68 năm trước, chiến công chói lọi của Nhân dân Việt Nam làm chấn động toàn thế giới. Chấn động nhất là một dân tộc nghèo nàn vừa thoát khỏi gần 100 năm đô hộ đã đánh bại hoàn toàn một đội quân viễn chinh thiện chiến của một trong những cường quốc thực dân lớn nhất thế giới.

Chiến tranh đã lùi xa song đất nước hôm nay vẫn phải đối mặt với những “kẻ thù”, như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Kẻ thù lớn nhất của nước ta hiện nay là nghèo nàn, lạc hậu” (trong Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cuối tháng 4-2010).

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không những là một trong những chiến công chói lọi nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta, xứng đáng được coi như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX, mà còn là tiền đề cho những “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, đại thắng mùa Xuân năm 1975, để đất nước hòa bình, thống nhất.

Hơn 35 năm công cuộc đổi mới, đất nước ta từng đối mặt với những thử thách ngặt nghèo. Thách thức lớn nhất trước đây là ngoại xâm thì ngày nay là nêu cao khát vọng phát triển “đất nước phồn vinh hạnh phúc”, “dân tộc cường thịnh, trường tồn” (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng). Kỷ niệm 68 năm Ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam, tự hào về Đảng ta và sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta. Sự đổi thay kỳ diệu của đất nước trong hòa bình, đặc biệt trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, nhắc nhở mọi người phải ra sức phấn đấu để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha, anh. 

Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và nhân dân Quảng Ngãi đồng tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, khóa XIII) về công tác xây dựng Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhằm góp phần cùng Đảng ta thật sự vững vàng về chính trị và tư tưởng, thống nhất cao về ý chí và hành động, trong sạch về đạo đức và lối sống, chặt chẽ về tổ chức, đủ sức lãnh đạo xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc.

 

Võ Thị Thu Ngoan
Xem tin theo ngày tháng:
ÂM NHẠC
LIÊN KẾT WEB
Thống kê truy cập
Lượt truy cập:
17,555,293
Đang trực tuyến:
200
Tin xem nhiều