Từ năm 2012 - 2017, từ các nguồn hỗ trợ, Tỉnh đoàn đã phối hợp với các địa phương xây dựng 15 “Nhà bán trú dân nuôi” cho các em học sinh vùng cao trong tỉnh, với tổng kinh phí hơn 7,5 tỷ đồng. Các công trình đã đem đến niềm vui và sự yên tâm cho các thầy cô giáo, phụ huynh và em học sinh vì đã có nơi rộng rãi, kiên cố để ăn ở, học tập.
Khó khăn, thiếu thốn
Trà Giang là một trong những xã nghèo thuộc huyện miền núi Trà Bồng, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Các em học sinh Trường TH&THCS Trà Giang phần lớn là người dân tộc Cor, vì nhà ở xa trường nên có một số em phải đi bộ từ 5 đến 10 km mới đến trường, vì vậy nhiều em phải dựng các lều tạm bợ để ở. Thấu hiểu và cảm thông trước những khó khăn, thiếu thốn của nhà trường, sau khi vận động các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí hơn 463 triệu đồng, Tỉnh đoàn đã tiến hành xây dựng Công trình thanh niên “nhà bán trú dân nuôi” tại Trà Giang. Sau 3 tháng thi công, đến tháng 7.2017, ngôi nhà hoàn thành với quy mô 4 phòng ở và 1 phòng vệ sinh, có thiết kế mái lợp tole thép chống nóng. Công trình giúp cho các em học sinh dân tộc thiểu số tại xã Trà Giang có điều kiện tốt hơn về nơi ăn, nghỉ, góp phần nâng cao chất lượng học tập, góp phần giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học do đi lại khó khăn. Ngày khánh thành nhà mới, hình ảnh thầy và trò nơi đây vui mừng đón khách, ai cũng cảm nhận được những tình cảm biết ơn chân thành thầy cô giáo và học sinh dành cho những “người tình nguyện”.
 |
Niềm vui được ở trong “nhà bán trú dân nuôi” của học sinh Tây Trà.
|
Còn ở xã Thanh An (Minh Long), dân tộc Hre đang sinh sống ở đây chiếm hơn 95%, điều kiện kinh tế của địa phương còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 36%. Chính vì vậy, điều kiện sống và học tập của học sinh nơi đây vẫn luôn là nỗi trăn trở của lãnh đạo và nhân dân toàn huyện. Trước những khó khăn đó, Tỉnh đoàn và Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã hỗ trợ 500 triệu đồng xây dựng “nhà bán trú dân nuôi” tại trường Tiểu học Thanh An. Nhờ đó, các em học sinh đã có nơi ăn nghỉ, học tập khang trang. Ngồi học bài cùng với bạn trong ngôi nhà bán trú, em Đinh Thị Mây vui vẻ nói: “Bây giờ chúng em không còn sợ hãi mỗi khi mưa gió nữa, không phải trèo đèo lội suối hàng giờ mỗi ngày để đến trường. Không chỉ riêng em mà tất cả các bạn đang sống trong ngôi nhà này đều cảm thấy rất vui và yên tâm học tập. Nơi đây xem như là ngôi nhà thứ hai của em”.
Chăm lo thế hệ tương lai
Các huyện miền núi trong tỉnh có địa hình núi cao và sông suối cách trở, nên việc đến trường của các em học sinh ở bậc tiểu học và THCS rất khó khăn, nguy hiểm, nhất là những mùa mưa lũ. Do đó, xây dựng nhà bán trú cho học sinh là giải pháp bền vững để giữ chân các em ở lại trường, kiếm tìm con chữ những mong có tương lai tốt đẹp hơn. Sự thiếu thốn, thiệt thòi của các em đã phần nào được cải thiện khi 5 năm qua, Tỉnh đoàn đã kêu gọi hơn 7,5 tỷ đồng để xây dựng 15 “Nhà bán trú dân nuôi”. Những công trình này đã góp phần đầu tư cho giáo dục đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả bền vững cho phát triển các địa phương miền núi.
 |
Tỉnh đoàn bàn giao “nhà bán trú dân nuôi” cho Trường TH&THCS Trà Giang (Trà Bồng).
|
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Nguyễn Hoàng Hiệp, có dịp đến những ngôi trường ở các xã khó khăn, nhìn các em học sinh phải học trong những lớp học xộc xệch, tồi tàn, không đủ sức che chắn những cơn gió lạnh buốt tràn vào lớp học, không ai không khỏi xót xa. Do đó, góp sức, góp của để xây dựng chỗ nghỉ ngơi kiên cố, sạch sẽ cho các em học sinh được Tỉnh đoàn xem là phần việc “phải làm ngay”. Thời gian qua, Tỉnh đoàn đã tích cực vận động kinh phí từ các đơn vị, doanh nghiệp; đồng thời ĐVTN trong tỉnh trực tiếp tổ chức lao động xây dựng các hạng mục như sân trường, khu vui chơi và tập thể dục… cho các em học sinh giải trí sau giờ học. “Hy vọng trong thời gian tới, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp tục hỗ trợ, để có nhiều hơn nữa các điểm trường có “nhà bán trú dân nuôi”, góp phần nâng cao sự nghiệp “trồng người” của tỉnh”, anh Hiệp chia sẻ.