(Đăng lúc: 23/10/2015 12:00:00 AM)
Fanpage Tỉnh đoàn Quảng Ngãi
.
In bài  
Bầu 17 đại biểu chính thức dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng
Tiếp tục chương trình làm việc tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015- 2020, chiều ngày 22.10, Đại hội đã tiến hành bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
 Thay mặt Đoàn chủ tịch, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Quang đã đọc Thông báo 680-TB/BTCTW ngày 13.7.2015 của Ban Tổ chức Trung ương về số lượng và định hướng cơ cấu đại biểu của Đảng bộ tỉnh đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Theo đó, Đại hội sẽ bầu 17 đại biểu chính thức đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và 2 đại biểu dự khuyết.
 
Đại biểu bỏ phiếu bầu
Đại biểu bỏ phiếu bầu đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng 
 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Quang cũng đã trình bày Đề án nhân sự Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII chuẩn bị trình Đại hội và 100% đại biểu đã nhất trí thông qua Đề án nhân sự Đoàn đại biểu và thống nhất với danh sách nhân sự 19 đồng chí để bầu 17 đại biểu chính thức đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
 
Phát huy tinh thần dân chủ, khách quan, trí tuệ, Đại hội đã bầu 17 đại biểu chính thức dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và trên cơ sở kết quả phiếu bầu, Đại hội đã thống nhất bầu 1 đại biểu dự khuyết là đồng chí Huỳnh Thị Ánh Sương- Giám đốc Sở Ngoại vụ, với 73,4% số phiếu bầu.
 
Danh sách đại biểu chính thức dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng:
 
       1. Lê Viết Chữ 
       2.Đinh Thị Hồng Minh
       3. Trần Văn Minh
       4.Nguyễn Tấn Lâm
       5. Nguyễn Tăng Bính
       6. Nguyễn Chín
       7. Võ Thái Nguyên
       8. Lê Quang Thích
       9. Võ Văn Hào
      10 . Bùi Thị Quỳnh Vân
      11. Nguyễn Đăng Vũ
      12. Võ Xuân Huyện
      13. Hồ Ngọc Thịnh
      14. Nguyễn Minh Tài
      15. Đặng Văn Minh
      16. Trần Chấn Diệp
      17. Huỳnh Chánh
 
Cũng trong chiều nay, dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Như Sô- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các đại biểu đã tiếp tục thảo luận Báo cáo Chính trị, Báo cáo Kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.
 
Toàn cảnh đại hội chiều 22.10
Toàn cảnh đại hội chiều ngày 22.10
 
Trình bày tham luận về "Công tác thực hiện có hiệu quả việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số" Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Hồ Ngọc Thịnh đề xuất:  Để việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số có hiệu quả trong thời gian tới, các huyện miền núi cấn có đề án, chương trình cụ thể xác định: Cái gì cần phải khôi phục, giữ gìn và phát huy; lộ trình thực hiện như thế nào? Cách thức và kinh phí để thực hiện? 
 
Đối với cấp tỉnh, cần có đề án cụ thể, bố trí kinh phí phù hợp để tổ chức thực hiện có hiệu quả các vấn đề như: Tiếp tục điều tra, thống kê, phân loại các vốn văn hóa truyền thống của từng DTTS trên địa bàn tỉnh; Tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu những giá trị tốt đẹp để mọi người biết và quý trọng; Phục dựng lại một số lễ hội truyền thống đặc sắc của mỗi dân tộc, giữ gìn những phong tục tập quán tốt đẹp, những trò chơi, văn học, nghệ thuật dân gian; Chọn những di sản tiêu biểu, có giá trị về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử để lập hồ sơ công nhận cấp tỉnh, cấp quốc gia; Lập dự án bảo vệ, chống xuống cấp, tôn tạo; cần có biểu trưng riêng cho từng dân tộc.
 
Ông  Hồ Ngọc Thịnh
Ông Hồ Ngọc Thịnh
Đồng thời, lựa chọn một số làng có ngành nghề thủ công truyền thống tiêu biểu để lập dự án bảo tồn, phát huy gắn với hoạt động du lịch, văn hóa sinh thái làng. Duy trì lễ hội văn hóa - thể thao miền núi cấp tỉnh; tăng cường giao lưu, quảng bá nét văn hoá đặc sắc của các DTTS Quảng Ngãi.
 
Bên cạnh đó, cần  quan tâm phát triển đội ngũ nghệ nhân và có chế độ ưu đãi cho những nghệ nhân của từng làng, để họ có động lực và trách nhiệm giữ “hồn” cho dân tộc. Đào tạo, bồi dưỡng và có chế độ chính sách đặc thù cho những người làm công tác văn hóa, nghệ thuật vùng DTTS. Tiếp tục quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Đầu tư kinh phí đủ, đúng để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS.
 
Bí thư Huyện ủy Đức Phổ Huỳnh Quý trình bày tham luận: "Đổi mới phương thức lãnh đạo để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng".
 
Tham luận nêu rõ, trong nhiệm kỳ qua các cấp uỷ đảng trong Đảng bộ huyện Đức Phổ đã từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn thì năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; phương thức lãnh đạo chưa đổi mới, thiếu sáng tạo; một bộ phận cán bộ, đảng viên yếu kém cả về trách nhiệm, năng lực và suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống; người đứng đầu ở một số cấp uỷ cơ sở, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa phát huy tính tiên phong, gương mẫu; thậm chí vi phạm kỷ luật Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước...
 
Ông Huỳnh Quý
Ông Huỳnh Quý
Từ thực tế đó, để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, trong thời gian tới Bí thư Huyện ủy Đức Phổ Huỳnh Quý đề xuất cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng một cách mạnh mẽ hơn. 
 
Theo đó, trước hết phải đổi mới cách xây dựng, ban hành Nghị quyết và thể chế hóa quan điểm, đường lối, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng sát, hợp với tình hình thực tế, đáp ứng nhiệm vụ chính trị và yêu cầu phát triển của địa phương trong từng thời điểm cụ thể; chủ trương của cấp ủy đảng phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân đồng tình.
 
Phải đổi mới, kiện toàn công tác tổ chức cán bộ, để làm được điều đó, cấp ủy đảng phải tìm, lựa chọn và  đào tạo những cán bộ có năng lực chuyên môn giỏi, phẩm chất chính trị tốt, không bị chi phối bởi lợi ích vật chất hay các lợi ích cá nhân khác để bảo đảm khách quan, công tâm trong công tác tham mưu, phục vụ.
 
Đồng thời, phải nâng cao uy tín, tính thuyết phục của Đảng trước nhân dân, phải gần dân, sát dân và có trách nhiệm với dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh, kịp thời những trường hợp vi phạm kỷ luật Đảng. 
 
Trình bày tham luận “Các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo bền vững ở huyện Sơn Hà" đồng chí Đặng Ngọc Dũng Bí thư Huyện ủy Sơn Hà nêu rõ: Trong 10 năm qua, mà nhất là trong 5 năm 2010- 2015, thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy khóa XVIII về giảm nghèo nhanh và bền vững của các huyện miền núi, kết quả giảm nghèo của huyện Sơn Hà đã có nhiều tiến bộ. Bộ mặt nông thôn, miền núi khởi sắc, hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, giao thông, thủy lợi ngày càng được hoàn thiện. Kinh tế tăng trưởng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao.
 
Tuy nhiên kết quả giảm nghèo vẫn chưa thật sự vững chắc, đến cuối năm 2014 toàn huyện vẫn còn trên 6.435 hộ nghèo, chiếm 31,55% tổng số hộ trong toàn huyện, ngoài ra số hộ cận nghèo vẫn còn 12,6% tổng số hộ trong toàn huyện. 
 
Chính vì vậy, để công tác phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo bền vững ở miền núi, theo để xuất của đồng chí Đặng Ngọc Dũng trước hết phải  thay đổi về cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, với tiêu chí "người nghèo tạo ra càng nhiều sản phẩm thì càng được hỗ trợ nhiều từ kinh phí Nhà nước". Thứ hai là về xây dựng khung quản lý; cơ chế thưởng; kiểm tra, giám sát, giáo dục, thuyết phục. Theo đó, đảng viên phải gương mẫu để giáo dục, thuyết phục những người thân trong gia đình, trong tộc họ về trách nhiệm thoát nghèo, làm ăn phát triển kinh tế và cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể xã phải là những cơ quan tiên phong trong sự dẫn dắt của người đứng đầu về công cuộc giảm nghèo. 
 
Đồng thời,  tiếp tục phát triển giáo dục, y tế, văn hóa TDTT; đẩy mạnh phát triển hạ tầng giáo dục, giao thông, thủy lợi, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, nhất là giao thông cần được tập trung đầu tư nhiều hơn nữa mới có thể đáp ứng đòi hỏi của nhu cầu phát triển.
 
Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở. Xây dựng những tiêu chuẩn, quy định đối với tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên liên quan đến giảm  nghèo. Cấp ủy cấp huyện cần ban hành quy định về xếp loại, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, đào tạo và khen thưởng, phê bình đối với tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên; đảm bảo nếu gia đình đảng viên nào mà không thoát nghèo thì xem như chậm tiến bộ và không được xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm.
 
Trình bày tham luận "Các giải pháp để tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành công nghiệp của tỉnh", đồng chí Trương Quang Dũng- Quyền Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi đề xuất trong thời gian đến cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, đề án, chương trình phát triển thuộc lĩnh vực công nghiệp. Đảm bảo về chất lượng, căn cứ pháp lý, khoa học, sản xuất phải gắn với thị trường, phù hợp với tình hình, điều kiện của tỉnh, với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có liên quan của tỉnh, phát huy lợi thế là  tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và của cả nước, nhằm khai thác hiệu quả các lợi thế và tiềm năng sẵn có cho phát triển công nghiệp.
 
Tập trung huy động, ưu tiên các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, tạo cơ sở và điều kiện thuận lợi để kêu gọi đầu tư sản xuất, thúc đẩy công nghiệp phát triển. Tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư hiện có của Trung ương và của tỉnh; đồng thời Tỉnh cần rà soát, nghiên cứu để kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành hành mới các cơ chế, chính sách, tạo sự thông thoáng, hấp dẫn trong thu hút đầu tư, có tiêu chí lựa chọn dự án, gắn với giám sát quá trình thực thi nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, đảm bảo cho ông nghiệp phát triển đúng định hướng, nhanh và bền vững.
 
Đồng thời, thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng doanh nghiệp. Đa dạng hóa các loại hình tổ chức kinh doanh thương mại, thị trường hàng hóa, các phương thức giao dịch và dịch vụ hỗ trợ để cung ứng nguyên liệu đầu vào, tiêu thụ các sản phẩm đầu ra cho doanh nghiệp, tạo cơ sở và điều kiện thuận lợi nhất phát triển nhanh công nghiệp. Hình thành và phát triển các thị trường nhân tố sản xuất như: thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ, thị trường tài chính, thị trường bất động sản, dịch vụ tư vấn đầu tư…nhằm hỗ trợ, thúc đẩy công nghiệp phát triển nhanh, bền vững.
 
Sau khi kết thúc phần tham luận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Viết Chữ thay mặt Đoàn Chủ tịch cũng đã trình bày Báo cáo tiếp thu giải trình làm rõ thêm của Đoàn Chủ tịch về những nội dung mà các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến tại Đại hội để trình Đại hội xem xét, quyết định. 
 
Ngày mai (23.10), Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015- 2020 sẽ bước vào ngày làm việc thứ 3 và tiến hành bế mạc đại hội. Trong ngày làm việc này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX sẽ ra mắt đại hội; thông qua dự thảo Nghị quyết Đại hội; thảo luận và thông qua Nghị quyết; Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ đọc diễn văn bế mạc đại hội.

theo Quảng Ngãi điện tử
Xem tin theo ngày tháng:
ÂM NHẠC
LIÊN KẾT WEB
Thống kê truy cập
Lượt truy cập:
17,596,673
Đang trực tuyến:
439
Tin xem nhiều