(Đăng lúc: 21/08/2015 12:00:00 AM)
Fanpage Tỉnh đoàn Quảng Ngãi
.
In bài  
Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Sự chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Tỉnh ủy Quảng Ngãi
Căn cứ Nghị quyết lần thứ 8 của Trung ương, căn cứ vào Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, dựa vào tình hình thực tế của địa phương. Sau khi Nhật đầu hàng đồng minh, Tỉnh ủy Lâm thời Quảng Ngãi đã chớp thời cơ chỉ đạo các địa phương trong tỉnh nổi dậy cướp chính quyền địch, xây dựng chính quyền Cách mạng và đã trở thành tỉnh khởi nghĩa sớm của cả nước trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

 

  • Cao trào Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Ngãi
    (QNĐT)- Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang cách mạng Quảng Ngãi đã đoàn kết đứng lên giành chính quyền trong toàn tỉnh khá sớm, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, giành chính quyền trong cả nước.
    .

 

Xa sự chỉ đạo của Trung ương, phương tiện thông tin  liên lạc không có, nhưng Tỉnh ủy Quảng Ngãi từ kinh nghiệm chỉ đạo cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, đã bám sát tình hình chung, bám sát phong trào trong tỉnh, kịp thời phát hiện tình hình và đề ra những chủ trương linh hoạt, nhạy bén, quyết tâm thực hiện mục tiêu cuối cùng  là lãnh đạo nhân dân trong tỉnh đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền khi có thời cơ.

Tháng 6.1945, Tỉnh ủy Lâm thời họp nhận định: Bọn Phát xít bị Hồng quân Liên Xô và Đồng minh đánh bại ở Châu Âu. Phát xít Nhật đang bị cô lập, bị tấn công ở nhiều nơi, khả năng bị Đồng minh tiêu diệt ngày càng rõ. Phong trào chống Nhật cứu nước khắp nơi ngày càng cao. Tuy trước mắt chúng có lập được hệ thống chính quyền bù nhìn, nhưng nhìn chung không có chỗ dựa trong quần chúng.

Ở Quảng Ngãi sau khi tiếp nhận chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy chủ trương vũ trang cho quần chúng chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền thì phong trào quần chúng lên cao chưa từng thấy. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy chủ trương tuyên truyền phát động quần chúng, lôi kéo, tranh thủ các tầng lớp trung gian, lớp trên, mở rộng mặt trận đoàn kết chống Nhật cứu nước, tiến tới lập Mặt trận Việt Minh tỉnh, phân tán một bộ phận du kích Ba Tơ về hoạt động ở đồng bằng tham gia huấn luyện tự vệ, du kích và phát động quần chúng. Tỉnh ủy nêu công tác trọng tâm là: Đẩy mạnh mọi mặt công tác, tạo điều kiện cơ bản, cần thiết cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền như chỉ thị của Trung ương đã chỉ đạo…Về công tác xây dựng Đảng: Tập trung phát triển đảng viên, củng cố lại ban Tỉnh ủy Lâm thời gồm 9 đồng chí do đồng chí Trương Quang Giao làm Bí thư…

Tỉnh ủy được tiếp thêm sức mạnh khi giữa tháng 7.1945 hội nghị các tỉnh miền Trung gồm Quảng Bình, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa do đồng chí Nguyễn Chí Thanh và đồng chí Trương Quang Giao chủ trì họp tại Quảng Ngãi. Sau đó là đồng chí Tố Hữu, phái viên của Trung ương về dự, phổ biến chủ trương của Trung ương. Các đồng chí đã phân tích tình hình trong nước đang trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, nhiệm vụ của cả nước là gấp rút chuẩn bị đầy đủ những điều kiện để tiến đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền…Về nhiệm vụ sắp đến cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, mở rộng và củng cố Mặt trận Dân tộc Thống nhất để thêm bạn bớt thù, đặc biệt lo xây dựng lực lượng vũ trang, sẵn sàng khi có thời cơ thì vùng lên khởi nghĩa cướp chính quyền…

Đồng chí Tố Hữu cũng hoan nghênh các Đảng bộ miền Trung, đã nhận lấy trách nhiệm trước Đảng, vận dụng một cách đúng đắn, có sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng vào địa phương và giành được thắng lợi to lớn…

Tỉnh ủy Quảng Ngãi trước đó tuy chưa nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương nhưng trong một thời gian dài đã nghiên cứu và vận dụng đúng chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng như ý kiến truyền đạt của đồng chí Tố Hữu. Hội nghị kết thúc, Tỉnh ủy phân công cấp ủy viên, cán bộ xuống tận địa bàn lo tuyên truyền, phát động quần chúng, xây dựng thực lực cách mạng, sẵn sàng chờ thời cơ.

Sáng ngày 14.7.1945 (tức 7.7 năm Ất Dậu) tin Nhật đầu hàng Đồng minh đã được loa phóng thanh phát ra từ thị xã Quảng Ngãi. Tỉnh ủy đã họp bất thường và đi đến nhận định: Thời cơ đã đến, phải cấp tốc huy động quần chúng nổi dậy vũ trang  khởi nghĩa, thông qua các mệnh lệnh khởi nghĩa gửi đi các địa phương lúc 15 giờ ngày 14.8. Tỉnh ủy nhân danh Việt Minh tỉnh ra hịch nổi dậy vũ trang khởi nghĩa từ cơ sở làng, tổng tiến lên giành chính quyền toàn tỉnh theo kế hoạch khởi nghĩa đã được Tỉnh ủy soạn thảo từ trước, trong đó có một nội dung hết sức quan trọng: “Bất kỳ tình huống nào cũng phải khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào, tuyệt đối giữ vững độc lập về chính trị và quân sự. Khi tiếp xúc chỉ nêu khẩu hiệu đánh Nhật chứ không liên minh vì liên minh là mất quyền độc lập, sẽ biến thành đội quân tay sai của chúng…”.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng ra lệnh cho thị xã Quảng Ngãi phát động quần chúng và binh sĩ nổi dậy cướp cho được hai đồn lính khố xanh và khố đỏ, thu vũ khí trang bị cho đội du kích Ba Tơ, còn binh lính cho về quê không để bọn Nhật lợi dụng đưa đi đàn áp quần chúng, tranh thủ quân Nhật buộc chúng giao nộp vũ khí, vạch mặt bọn tay sai thân Nhật lừa mị quần chúng…

15 giờ ngày 14.8.1945 khi mệnh lệnh khởi nghĩa phát ra từ cơ quan Tỉnh ủy đóng tại làng Thi Phổ Nhất (nay là xã Đức Tân, huyện Mộ Đức) đã truyền từ làng này sang làng khác, huyện này sang huyện khác, phương tiện thông tin duy nhất lúc đó là tiếng trống, mõ, đèn đuốc và chạy bộ. Đến tối 15.8 hầu hết các làng tổng, phủ huyện dọc Quốc lộ 1 cùng Lý Sơn, châu lỵ Ba Tơ đã khởi nghĩa thắng lợi.

Tỉnh ủy chỉ đạo đội du kích Ba Tơ trong 2 ngày 15 và 16.8 đánh chiếm các đồn Di Lăng, Sơn Hà, Minh Long...  cùng nhân dân vũ trang chiếm huyện lỵ Nghĩa Hành. Sau khi đã khởi nghĩa cướp chính quyền, Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 10 ngày 15.8.1945 chỉ đạo nhanh chóng thành lập chính quyền Cách mạng…

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn từ 14 đến 16.8.1945, tuy chưa nhận được chỉ thị của Trung ương, nhưng dưới sự chỉ đạo trực tiếp, linh hoạt, nhạy bén của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nhân dân trong tỉnh đã nổi dậy khởi nghĩa cướp chính quyền địch, lập chính quyền Cách mạng, góp phần cùng cả nước giành thắng lợi trọn vẹn trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám -1945, lập nên chính quyền Công Nông đầu tiên ở Châu Á.

Đã 70 năm, nhưng những bài học về sự chỉ đạo trong một thời khắc lịch sử quan trọng  đáng để các thế hệ chúng ta hôm nay và sau này học tập, noi theo.

theo Vũ Tùng Vi (Báo Quảng Ngãi)

Xem tin theo ngày tháng:
ÂM NHẠC
LIÊN KẾT WEB
Thống kê truy cập
Lượt truy cập:
17,595,394
Đang trực tuyến:
115
Tin xem nhiều