(Đăng lúc: 13/02/2014 12:00:00 AM)
Fanpage Tỉnh đoàn Quảng Ngãi
.
In bài  
Nghĩ từ cuộc gặp của Phó Thủ tướng với chàng “Flappy Bird”
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dành thời gian trong ngày 11.2 để có cuộc gặp gỡ với Nguyễn Hà Đông – tác giả Flappy Bird. Trong khi đang gặp phải những áp lực từ sự thành công, đến nỗi phải khai tử sản phẩm của mình, thì cuộc gặp này là rất quan trọng đối với Nguyễn Hà Đông.
 

 (Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Lễ trao Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2013)

 (Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Lễ trao Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2013)

 

 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là trí thức, từng làm việc và quản lý về lĩnh vực công nghệ thông tin (ông Đam đã 3 lần tham gia trong hội đồng giám khảo của cuộc thi Nhân tài Đất Việt), nên ông đã có sự chia sẻ với sự thành công Nguyễn Hà Đông. Ông Vũ Đức Đam đã nói rõ rằng, Nguyễn Hà Đông là người giỏi, người tài và đất nước cần những tài năng như vậy để phát triển, giàu mạnh.

 

Phó Thủ tướng động viên Nguyễn Hà Đông hãy theo đuổi niềm đam mê của mình. Và cũng qua cuộc gặp này, ông muốn nhắn gửi tới cộng đồng một thông điệp, hãy cổ vũ, động viên, ủng hộ những nhân tố tài năng của đất nước. Một vị lãnh đạo cao cấp của Chính phủ vẫn dành thời gian trao đổi và khích lệ một thanh niên trẻ, sự trân trọng tài năng của ông sẽ khiến cho những người có thái độ đố kỵ với Nguyễn Hà Đông phải suy nghĩ lại.

 

Cuộc gặp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam còn có tác động tích cực khác, đó là phát huy tinh thần nâng đỡ cho những tài năng trẻ. Ở mỗi địa phương, luôn có những thanh niên giỏi trên nhiều lĩnh vực học tập, thể thao, nghệ thuật, nhưng có mấy ai được lãnh đạo mời đến một cách trọng thị để động viên, hoặc đưa ra những chính sách hỗ trợ nhằm mục đích phát huy tài năng. Không cần phải nổi tiếng tầm quốc tế như Nguyễn Hà Đông, chỉ cần xuất sắc tầm quốc gia cũng đáng để vun trồng cho một tài năng.

 

Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành hô hào “trải thảm đỏ” đón nhân tài, nhưng ồn ào năm ba bữa lại thôi. Không thấy đón được mấy nhân tài mà chỉ tuyên truyền, thậm chí có nơi nhân tài tìm đến lại không nhận, cho rằng chưa có chỉ tiêu. Trọng dụng nhân tài phải thực chất, chiêu hiền đãi sĩ phải có thái độ “cầu hiền”, không phải nói bằng miệng mà thiếu thành tâm. Các chương trình “trải thảm đỏ” khắp nơi không hiệu quả là vì thiếu thực chất.

 

Báo chí từng đưa nhiều trường hợp học sinh thi đại học đỗ rất cao nhưng nhà nghèo không có tiền đi học. Nếu có một sự đỡ nâng kịp thời, cuộc đời của những công dân đó sẽ khác. Xã hội có thêm một người được học hành tử tế để cống hiến.

 

Muốn có nhân tài để trọng dụng thì phải dưỡng nuôi nhân tài. Trên thực tế, việc đầu tư cho con người (ở đây là người có năng lực) chưa được làm tốt. Đối với nhiều học sinh, sinh viên có những thành tích xuất sắc tầm quốc tế, vẫn chưa có sự đầu tư để các em có điều kiện vượt lên, chưa có những chính sách chắp cánh để các em bay xa. Nhiều em phải tự săn tìm sự trợ giúp từ các trường đại học hay các tổ chức của nước ngoài.

 

Từ cuộc gặp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Nguyễn Hà Đông, tưởng cũng nên đặt ra vấn đề trên để cùng suy nghĩ và hành động.

 Dân Trí

Xem tin theo ngày tháng:
ÂM NHẠC
LIÊN KẾT WEB
Thống kê truy cập
Lượt truy cập:
17,583,831
Đang trực tuyến:
375
Tin xem nhiều