(Đăng lúc: 30/11/2012 12:00:00 AM)
Tỉnh đoàn Quảng Ngãi In bài  
Tập 1 năm 1924
Với lòng dũng cảm và tinh thần hy sinh đáng khâm phục, nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ đã xé tan cái hiệp ước Xevơrơ42 ghê tởm và giành lại được nền độc lập của mình. Họ đã đánh bại bọn đế quốc cùng lập mưu với nhau, và lật đổ ngai vàng của bọn vua chúa. Từ một nước kiệt quệ, bị chia cắt, giày xéo, họ đã dựng lên một nước cộng hoà thống nhất và mạnh mẽ. Họ đã làm xong cuộc cách mạng của họ. Nhưng, cũng giống như tất cả các cuộc cách mạng tư sản, cuộc cách mạng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có lợi riêng cho một giai cấp: giai cấp có của.

Giai cấp vô sản Thổ Nhĩ Kỳ, người đã đóng góp rất nhiều vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc thì từ bây giờ đã thấy bắt buộc phải tiến hành một cuộc đấu tranh khác: cuộc đấu tranh giai cấp.
Trong cuộc đấu tranh này, giai cấp công nhân của Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhiều trở lực. ở Thổ Nhĩ Kỳ không có những công đoàn giống như ở phương Tây. ở đây chỉ có những nghiệp đoàn, hoặc những hội tương tế tập hợp công nhân cùng ngành, sinh sống trong cùng một thành phố. Còn công nhân các ngành khác nhau trong cùng một thành phố và công nhân cùng ngành trong các thành phố khác nhau thì không có liên hệ gì với nhau. Tình hình đó làm trở ngại mọi hoạt động chung và có hiệu quả.

Mặc dù như vậy, suốt năm vừa qua người ta cũng đã nhiều lần thấy những hoạt động sôi nổi của công nhân. Nhiều cuộc bãi công đã nổ ra ở Côngxtăngtinốp, ở Sừng Vàng1), ở Aidin, v.v.. Công nhân in, công nhân đường sắt, nhân viên thương thuyền, công nhân các kho dầu lửa và các xưởng chế rượu bia đã tiến hành đấu tranh. Đã có tới một vạn công nhân tham gia phong trào. Sau những kinh nghiệm này, công nhân Thổ Nhĩ Kỳ đã hiểu rằng muốn thắng lợi thì họ cần phải có tổ chức và kỷ luật.

Đại hội Côngxtăngtinốp thành lập hội Biếclích

Mới đây, một đại hội công nhân đã được triệu tập ở Côngxtăngtinốp. Hai trăm năm mươi đại biểu tham gia đại hội. Họ thay mặt cho 19.000 công nhân Côngxtăngtinốp, 15.000 công nhân mỏ than ở Dônggunđắc và 10.000 người lao động cả các mỏ chì có bạc ở Balyacaraiđin.

Đại hội đã quyết định tập hợp 34 Đécnếch hiện có thành một Biếclích, tức là một liên minh. Nghị quyết mạnh dạn đó đã làm cho chính phủ phải sợ hãi không dám công nhận Biếclích. Nên chú ý là thái độ của chính phủ đối với công nhân đã thay đổi nhiều. Khi chiến tranh kết thúc, khi vấn đề đặt ra là phải đuổi cổ những người nước ngoài thì chính phủ luôn luôn tỏ ra dễ dãi với công nhân, nhưng khi đụng đến vấn đề tổ chức công nhân thì chính phủ tỏ ra cũng phản động như tất cả mọi chính phủ tư bản chủ nghĩa khác. Do đó, sự phủ quyết của chính phủ không làm ai ngạc nhiên cả. Vả lại, mọi người biết rằng từ khi ký hoà ước Lôdannơ43 thì bọn tư bản Thổ Nhĩ Kỳ đã ăn cánh với bọn tư bản nước ngoài, - bọn này sau khi đã tàn sát hàng vạn người Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ khổ sở nhưng vẫn không đặt được ách thực dân lên Thổ Nhĩ Kỳ, thì nay lại xâm nhập một cách hoà bình vào đất nước Trăng lưỡi liềm. Việc chính phủ từ chối không công nhận tổ chức Biếclích, chẳng khác nào một nụ cười duyên dáng dùng để khuyến khích giới tài chính quốc tế mà ba phần năm là nguồn gốc Pháp.

Nhưng giai cấp vô sản Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến được một bước đầu tiên. Nhất định họ sẽ còn tiến nữa.

Nguyễn Ái Quốc
Báo L'Humanité, ngày 1-1-1924.

TÌNH CẢNH NÔNG DÂN AN NAM


 Người An Nam nói chung, phải è cổ ra mà chịu những công ơn bảo hộ của nước Pháp. Người nông dân An Nam nói riêng, lại càng phải è cổ ra mà chịu sự bảo hộ ấy một cách thảm hại hơn: là người An Nam, họ bị áp bức; là người nông dân, họ bị người ta ăn cắp, cướp bóc, tước đoạt, làm phá sản. Chính họ là những người phải làm mọi công việc nặng nhọc, mọi thứ lao dịch. Chính họ làm ra cho lũ người ăn bám, lũ người lười biếng, lũ người đi khai hoá và những bọn khác hưởng mà chính họ thì lại phải sống cùng khổ trong khi những tên đao phủ của họ sống rất thừa thãi; hễ mất mùa thì họ chết đói. Đó là vì họ bị ăn cắp khắp mọi phía, bằng mọi cách, do các quan cai trị, do bọn phong kiến tân thời và Nhà thờ. Xưa kia, dưới chế độ An Nam, ruộng đất chia thành nhiều hạng tuỳ theo tốt xấu. Thuế đánh theo sự phân hạng ấy. Dưới chế độ thuộc địa hiện nay, tất cả những cái đó đều thay đổi. Khi cần kiếm tiền các quan cai trị người Pháp chỉ việc bắt thay đổi hạng ruộng. Chỉ một nét bút thần kỳ là họ biến một đám ruộng xấu thành ruộng tốt. Thế là người dân cày An Nam buộc phải nộp thuế cho đám ruộng của mình nhiều hơn số họ thu hoạch được.
  
Như thế vẫn chưa hết. Người ta còn tăng diện tích ruộng đất một cách giả tạo bằng cách rút ngắn đơn vị đo đạc. Bằng cách đó, thuế lập tức tăng lên, nơi thì một phần ba, nơi thì hai phần ba. Điều đó chưa đủ để thoả mãn lòng tham không đáy của Nhà nước bảo hộ cứ mỗi năm lại tăng mãi thuế lên. Thí dụ, từ năm 1890 đến năm 1896, thuế đã tăng gấp đôi. Từ năm 1896 đến năm 1898 lại tăng lên một nửa và cứ như thế mà tăng lên mãi. Người An Nam cứ chịu róc thịt mãi như vậy và các quan lớn bảo hộ nhà ta thì quen ăn bén mùi cứ tiếp tục giở trò xoay xở mãi.
Có khi, tệ độc đoán đi đôi với tệ cướp đoạt. Thí dụ năm 1895, viên công sứ một tỉnh ở Bắc Kỳ đã tước mất của một làng nọ hàng bao nhiêu hécta ruộng đất để đem cấp cho một làng khác, là một làng theo đạo Kitô. Những người mất ruộng khiếu nại thì người ta bắt bỏ tù. Các bạn đừng tưởng chế độ cai trị vô liêm sỉ ấy chỉ có như thế thôi. Người ta còn bắt những kẻ xấu số bị mất ruộng phải nộp thuế cho mãi đến năm 1910, mặc dù ruộng đất của họ đã bị tước đoạt từ năm 1895!
Hết các quan cai trị ăn cắp, đến bọn chủ đồn điền ăn cắp. Người ta cấp cho người Âu những đồn điền nhiều khi vượt quá 20.000 hécta; mà những người Âu này thì ngoài cái bụng phệ và cái màu da trắng ra, không có mảy may kiến thức gì về nông nghiệp và kỹ thuật.
  
Những đồn điền ấy phần nhiều được lập ra bằng lối ăn cắp hợp pháp hoá. Trong thời kỳ xâm lược, người dân cày An Nam, cũng như người Andátxơ năm 1870, đã bỏ ruộng đất của mình lánh sang những vùng còn tự do. Khi họ trở về thì ruộng đất của họ đã "thành đồn điền" mất rồi. Hàng bao nhiêu làng đã bị tước đoạt đi như thế, và người bản xứ lâm vào cảnh phải lao động cho bọn chúa phong kiến tân thời, bọn này chiếm đoạt có khi đến 90% thu hoạch.
   
Lấy cớ khuyến khích việc khai khẩn thuộc địa, người ta miễn thuế điền thổ cho rất nhiều chủ đồn điền lớn.

Đã được không ruộng đất rồi, bọn chủ đồn điền lại còn được không, hoặc gần như được không cả nhân công nữa. Bọn quan cai trị cung cấp cho họ một số tù khổ sai làm không công, hay dùng uy quyền của chúng để mộ cho bọn chủ đồn điền những nhân công làm việc với một đồng lương chết đói. Nếu những người An Nam đến không đủ số hoặc họ không bằng lòng thì người ta liền dùng đến vũ lực; bọn chủ đồn điền liền bắt bọn hương lý, nện vào cổ họ, hành hạ cho đến khi những kẻ khốn khổ này chịu ký giấy cam đoan nộp đủ số nhân công cần thiết mới thôi.
   
Bên cạnh cái thế lực phần đời ấy còn có những đấng cứu thế phần hồn nữa, các đấng này trong khi truyền bá đức nghèo cho người An Nam, cũng không quên tìm cách làm giàu bằng mồ hôi và máu của người bản xứ. ở Nam Kỳ, chỉ riêng Hội Thánh truyền giáo cũng đã chiếm 1/5 ruộng đất trong vùng. Mặc dầu trong kinh Thánh không có dạy, song thủ đoạn chiếm đoạt những đất đai này cũng thật rất giản đơn: đó là thủ đoạn cho vay nặng lãi và hối lộ. Hội Thánh lợi dụng lúc mất mùa để cho nông dân vay tiền và buộc họ phải cầm cố ruộng đất. Vì lợi suất tính theo lối cắt cổ, nên người An Nam không thể trả nợ đúng hạn; thế là tất cả ruộng đất cầm cố bị rơi vào tay Hội truyền giáo.
   
Các quan cai trị cả lớn lẫn bé, được nước mẹ giao vận mệnh xứ Đông Dương cho, nói chung đều là những bọn ngu xuẩn và đểu cáng. Hội Thánh chỉ cần nắm được trong tay một vài giấy tờ bí mật, thuộc đời riêng, có tính chất nguy hại đến thanh danh, địa vị của các quan, là có thể làm các quan hoảng sợ và phải chiều theo ý họ muốn. Chính vì thế mà một viên toàn quyền đã nhường cho Nhà chung 7.000 hécta ruộng đất sa bồi của những người bản xứ, ấy thế là những người bản xứ này trở thành những người đi ăn xin.
   
Phác qua như thế, chúng ta thấy rằng dưới chiêu bài dân chủ, đế quốc Pháp đã đem vào An Nam tất cả cái chế độ trung cổ đáng nguyền rủa, kể cả chế độ thuế muối; rằng người nông dân An Nam bị hành hình vừa bằng lưỡi lê của nền văn minh tư bản chủ nghĩa, vừa bằng cây thánh giá của Hội Thánh đĩ bợm.

Nguyễn Ái Quốc
Báo La Vie Ouvrière, ngày 4-1-1924.

TÌNH CẢNH NÔNG DÂN TRUNG QUỐC


Trung Quốc căn bản là một nước nông nghiệp, 85% số dân là nông dân. Có thể chia họ ra làm bốn hạng: địa chủ hạng lớn, địa chủ hạng vừa, người có ít ruộng đất, bần nông và cố nông.
   
Trong nước có từ 250 đến 300 đại địa chủ hạng lớn có hơn 10.000 mẫu1) ruộng đất. Phần nhiều là những quan to hay quý tộc. Chừng độ 30.000 địa chủ có hơn 1.000 mẫu và 300.000 có hơn 100 mẫu.
   
Địa vị xã hội của những người chủ sở hữu nhỏ có từ 10 đến 100 mẫu thì khá phức tạp và thay đổi luôn. Cũng có chừng ấy ruộng đất, một người nông dân có thể là kẻ bóc lột, là người bị bóc lột, hoặc là "trung gian".
   
Nếu gia đình có khá đông người để cày cấy lấy ruộng đất, thì người nông dân đó trở thành lớp "trung gian".
   
Nếu gia đình neo người, người nông dân đành buộc phải cho thuê rẽ số ruộng đất mà anh ta không thể làm được; thế là anh trở thành kẻ bóc lột.
   
Nếu gia đình quá đông người mà muốn đủ chi dùng, thì ngoài ruộng đất của mình ra, người nông dân còn bắt buộc phải thuê thêm ruộng đất của người khác; thế là anh ta bị vô sản hoá và chuyển thành người bị bóc lột.
   
Theo tài liệu của Bộ Canh nông, thì năm 1918 có 43.935.478 gia đình ở trong tình trạng không ổn định đó.
   
Có hai lối lấy tô: tô đong và tô rẽ. Theo lối thứ nhất, người có ít ruộng đất hay người bần nông lĩnh canh ruộng và đóng một số tiền tô nào đó trong một thời gian nhất định. Nếu được mùa thì người lĩnh canh cũng chẳng được dôi ra là bao, vì người chủ ruộng tính rất sát và không bao giờ chịu thiệt cả. Trái lại, nếu mất mùa, thì người lĩnh canh bị hoàn toàn phá sản, còn người chủ thì chẳng mất gì cả.
   
Với lối lấy tô rẽ, người chủ ruộng thu từ 35 đến 50% hoa lợi của mỗi vụ.
   
Vì chế độ ruộng đất Trung Quốc là chế độ phân tán từng mảnh, cho nên hầu hết tất cả mọi người nông dân dù nghèo đến đâu đi nữa thì trước kia cũng đều có được một mảnh đất để có thể "kiếm lấy nén hương cúng tổ tiên". Song, ngày nay, rất nhiều người tuyệt đối không có gì, thậm chí không có lấy "một miếng đất để cắm dùi" nữa. Họ chỉ có hai cánh tay không thôi. Muốn kiếm lấy bát cơm, họ đi ở hay đi làm mùa. Những người đi làm mùa không có công xá nhất định, cũng không có việc làm thường xuyên: hết vụ gặt, họ ra thành thị làm hay đi chài lưới. Những người lớn đi ở thì hằng năm kiếm được một số tiền tính ra khoảng từ 25 đến 40 đôla, cơm nuôi và áo mặc; các trẻ em đi ở chăn trâu bò thì được từ 3 đến 5 đôla một năm.
   
Sự thâm nhập của chủ nghĩa tư bản nước ngoài làm mất thăng bằng giá cả giữa các hàng chế biến và nông sản phẩm. Người nông dân luôn luôn bắt buộc phải bán rẻ thóc lúa hay khoai của họ để mua những dụng cụ hiện nay đắt hơn trước kia rất nhiều. Chủ nghĩa tư bản cũng làm cho người chủ ruộng mất cái đầu óc tập truyền và gia trưởng và đem thay bằng tính hám lợi rất dữ tợn. Cố noi theo gương các đồng nghiệp của chúng ở thành thị, bọn địa chủ tìm cách để ngày càng nắm độc quyền ruộng đất. Nhiều công ty khai khẩn đã được thành lập, bao gồm những đất đai vô cùng rộng lớn, và hất một số lớn tiểu nông ra ngoài. Những công ty như Công ty hữu hạn Phulilan có hơn 300.000 mẫu ruộng đất.
   
Lụt lội, bão táp, nạn đói, nội chiến đều gây ra cảnh cùng khổ cho nông dân. Bọn quan liêu tham nhũng của chế độ quan lại cũng chịu phần trách nhiệm gây ra cảnh đói khổ ấy. Chính phủ đã lập những trạm thí nghiệm để tìm cách cải tiến nông nghiệp. Những cơ quan ấy vừa thành lập ra là đã trở ngay thành những miếng phó mát cho bọn quan lại, chứ không phải là những cơ quan để phục vụ nhân dân.
   
Một tai hoạ khác nữa là chủ nghĩa quân phiệt. Tất cả bọn tướng tá lớn nhỏ, kiểu Napôlêông, đều làm giàu cho bản thân họ, làm giàu cho bè đảng và cho bọn tay chân của họ, bằng mồ hôi nước mắt của nông dân là những người hàng năm phải đóng vào khoảng 225.000.000 đôla. Sưu thuế đè lên người tiểu nông nặng nề hơn bọn giàu có, vì bọn này phần nhiều là viên chức và bạn bè của bọn viên chức.
   
Sau hết, phương pháp làm việc cổ sơ và nền giáo dục lạc hậu lại còn làm cho đời sống của quần chúng cần lao càng thêm cực khổ. Năm 1918, hơn 15.500.000 nông dân và thợ thuyền đã bỏ nông thôn ra thành thị, làm cho số người bị bóc lột và đạo quân thất nghiệp ở thành thị tăng lên.
Muốn xoá bỏ tất cả những điều đó, các đồng chí Trung Quốc của chúng ta phải tiến hành mạnh mẽ một cuộc vận động khẩn trương để giáo dục quần chúng, làm cho quần chúng thấy thật rõ sức mạnh của mình, quyền lợi của mình, và có đủ khả năng thực hiện được khẩu hiệu "Tất cả ruộng đất về tay nông dân".

Nguyễn Ái Quốc
Báo La Vie Ouvrière, ngày 4-1-1924.

PHONG TRÀO CÔNG NHÂN Ở VIỄN ĐÔNG


Ôxaca là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của nước Nhật, không bị thiệt hại gì trong nạn động đất vừa qua. Tai hoạ của những người Nhật khác đã tạo nên hạnh phúc cho bọn chủ nhà máy ở thành phố này, hiện nay chúng đang phát tài chưa từng thấy. Thế mà tiền lương của công nhân vẫn giữ nguyên như mức trước khi xảy ra tai hoạ đó, mặc dù giá sinh hoạt đã tăng lên không kém phần nhanh chóng, ảnh hưởng nặng nề đến túi tiền ít ỏi của công nhân. Bị lâm vào tình cảnh không thể chịu nổi ấy và trước sự từ chối của bọn chủ không chịu thực hiện những yêu sách cải thiện đời sống, công nhân các xưởng bông vải đã đình công từ cuối tháng 11.
   
Các yêu sách nêu ra là:

        1. Tăng lương thêm 20%;
        2. Giảm giá những thực phẩm do nhà máy cung cấp;
        3. Cải thiện nhà ăn và buồng tắm;
        4. Trả nửa lương cho các công nhân vì ốm đau không đi làm được;
        5. Thu nhận lại những công nhân vừa mới bị đuổi.
   
Trước đây ít lâu, công nhân các công ty "Gai Viễn Đông" và "Nagôxai" do đình công mà đã được tăng lương. Công nhân ở công ty "Xensu" cũng đã được tăng lương ngay sau khi gửi bản quyết nghị đình công cho ban giám đốc. Các công ty khác thì chống lại. Họ lấy cớ rằng, tuy có rất nhiều đơn đặt hàng đấy, nhưng họ cũng không được lời lãi gì nhiều lắm, vì giá nguyên liệu đã tăng lên; và nói rằng mặt khác, vì không có đủ bông xơ nên họ chẳng chút gì lo ngại đình công cả.
   
Thực ra, họ đang sợ cuống lên. Họ đã cho cảnh sát địa phương, đồng thời gọi cả cảnh sát ở các thành phố lân cận đến đóng ngay trong thành phố. Họ đã cho bắt tổng thư ký Liên đoàn lao động và một số lớn cán bộ cùng những người đi biểu tình để hòng làm yếu phong trào. Mưu toan của bọn chủ chẳng đạt kết quả gì, vì cuộc đình công vẫn được lãnh đạo kiên quyết như hôm mới đầu, và công nhân thì quyết tâm đấu tranh đến cùng.
   
Anh em thợ điện và thợ máy đã tuyên bố đình công hưởng ứng. Công nhân các công xưởng nhà nước hứa sẽ dùng đủ mọi cách để ủng hộ các đồng chí của họ đang đấu tranh. Được ủng hộ như thế, nên những người đình công đều hết sức hăng hái và tin chắc sẽ nhất định thắng lợi.
   
Trong cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động ở Viễn Đông, có những chuyện thú vị mà ở phương Tây người ta sẽ không hiểu được, nhưng ở đây lại là những chuyện hoàn toàn có thực. Chẳng hạn như, muốn ngăn cản không cho công nhân liên kết với các đồng chí của họ đang đấu tranh, công ty Kisioađa đã cho khoá chặt các cửa ra vào. Nhà máy Cơnaoađa chế tạo các máy điện, không thể thoả thuận được với công nhân viên của họ về vấn đề công sá, nên đã quyết định cho nghỉ việc. Nhưng trước khi thải công nhân, nhà máy đó đã trả họ đủ bốn ngày công và tiền phụ cấp trong hai tuần!
   
Đình công chống chế độ quân phiệt .
   
Để phá vỡ tổ chức của công nhân vừa mới gây dựng lên, bọn chủ các hầm mỏ ở Suicaosun (Trung Quốc), đã cho điều binh lính của tướng Chao đến. Bọn này vừa tới nơi là chiếm đóng ngay câu lạc bộ của công nhân. Để chống lại hành động bạo ngược đó, ba nghìn thợ mỏ đã tự động đình công. Họ bao vây bọn lính và tìm cách tước vũ khí của chúng. Bọn lính nổ súng, làm bị thương nhiều người đình công. Tình hình đã diễn ra quá ý muốn của bọn chủ và Chúng hiện đang ra công dàn xếp cho ổn.
   
Nhưng anh em thợ mỏ đã trả lời rằng họ chỉ trở lại làm việc khi nào những người bị nạn đã được bồi thường và các yêu sách của họ - gồm 9 điều - đã được thoả mãn.

Nguyễn Ái Quốc
Báo La Vie Ouvrière, ngày 25-1-1924.

LÊNIN VÀ CÁC DÂN TỘC THUỘC ĐỊA


"Lênin đã mất!". Tin này đến với mọi người như sét đánh ngang tai, truyền đi khắp các bình nguyên phì nhiêu ở châu Phi và các cánh đồng xanh tươi ở châu á. Đúng, những người da đen và da vàng có thể chưa biết rõ Lênin là ai, nước Nga ở đâu. Bọn đế quốc thực dân cố ý bưng bít không cho họ biết. Sự ngu dốt là một trong những chỗ dựa chủ yếu của chế độ tư bản chủ nghĩa. Nhưng tất cả họ, từ những người nông dân An Nam đến người dân săn bắn trong các rừng Đahômây, cũng đã thầm nghe nói rằng ở một góc trời xa xăm có một dân tộc đã đánh đuổi được bọn chủ bóc lột họ và hiện đang tự quản lý lấy đất nước mình mà không cần tới bọn chủ và bọn toàn quyền. Họ cũng đã nghe nói rằng nước đó gọi là nước Nga, rằng có những người dũng cảm, mà người dũng cảm nhất là Lênin. Chỉ như thế cũng đủ làm cho họ ngưỡng mộ sâu sắc và đầy nhiệt tình đối với nước đó và lãnh tụ của nước đó.
   
Nhưng không phải chỉ có thế. Họ còn được biết rằng người lãnh tụ vĩ đại này sau khi giải phóng nhân dân mình, còn muốn giải phóng các dân tộc khác nữa. Người đã kêu gọi các dân tộc da trắng giúp đỡ các dân tộc da vàng và da đen thoát khỏi ách áp bức của bọn rumi1), của tất cả bọn rumi: toàn quyền, công sứ, v.v.. Và để thực hiện mục đích ấy, Người đã vạch ra một cương lĩnh cụ thể.
   
Lúc đầu họ tưởng là trên đời không thể có một người như thế và cương lĩnh như thế được. Nhưng về sau họ được biết tin, tuy lờ mờ, về đảng cộng sản, về tổ chức gọi là Quốc tế Cộng sản đang đấu tranh vì những người bị bóc lột, vì tất cả những người bị bóc lột, trong đó có cả họ nữa, họ biết rằng chính Lênin là người lãnh đạo tổ chức này.
   
Và chỉ như thế cũng đủ để cho những người đó tuy văn hoá kém cỏi nhưng là những người có thiện chí và biết ơn, hết lòng tôn kính Lênin. Họ coi Lênin là người giải phóng cho họ. Lênin đã mất rồi thì chúng ta biết làm thế nào? Liệu có những người dũng cảm và rộng lượng như Lênin để không quản thời gian và sức lực chăm lo đến sự nghiệp giải phóng của chúng ta không? Đó là những điều mà quần chúng nhân dân bị áp bức ở các thuộc địa băn khoăn tự hỏi.
   
Còn chúng tôi, những người cộng sản, những người sinh ra ở các thuộc địa, chúng tôi vô cùng đau đớn trước sự tổn thất không thể nào đền bù được và chia sẻ nỗi buồn chung của nhân dân các nước với những người anh người chị của chúng tôi. Song chúng tôi tin tưởng rằng Quốc tế Cộng sản và các phân bộ của nó, trong đó có các chi bộ ở các nước thuộc địa, sẽ thực hiện được những bài học và những lời giáo huấn mà vị lãnh tụ đã để lại cho chúng ta. Làm những điều mà Người đã căn dặn chúng ta, đó chẳng phải là phương pháp tốt nhất để tỏ tình yêu mến của chúng ta đối với Người hay sao?
   
Khi còn sống, Người là người cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội.
   
Lênin bất diệt sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.

NGUYỄN ÁI QUốC
(Đông Dương)
Báo Pravđa, tiếng Nga, ngày 27-1-1924.
 

ÔNG ANBE XARÔ VÀ BẢN TUYÊN NGÔN NHÂN QUYỀN


Chính vì quyền con người mà hàng triệu con người đã bị giết hại trong thời đại chiến. Cái quyền mà họ đã hy sinh vì nó, cùng với những xác chết thảm thương của họ, nay bị vùi sâu vào lãng quên.
   
Hồi đó, các chính khách còn gào to hơn cả tiếng đại bác cho khắp bốn phương gầm trời nghe: quyền! quyền! quyền! Nhưng lập tức, sau khi cuộc chém giết đã chấm dứt, lập tức sau khi tai hoạ đã qua, thì không còn ai nghe thấy nói đến cái con vật ấy nữa. ở Vécxây, ở Giơnevơ, ở Bulônhơ cũng như ở Oasinhtơn quyền con người đã được thay thế bằng than đen, than đá, dầu hoả, thuộc địa.
   
Một cái quyền khác ra đời, dưới một dạng khác, còn xấu xa hơn, ghê tởm hơn: quyền của kẻ mạnh. Bằng cái quyền này người ta muốn huỷ diệt nước Nga cách mạng. Bằng cái quyền này người ta muốn biến nước Đức thành một nghĩa địa và một bãi hoang. Bằng cái quyền này người ta tìm cách chia nhau Trung Quốc. Và cũng bằng cái quyền này người ta dìm thật sâu những dân các thuộc địa vào vòng nô lệ, những thuộc địa, vì bảo vệ quyền con người, đã cống hiến 978.000 con em mình, trong số đó 340.000 đã bỏ mình trên chiến địa, những thuộc địa mà người ta bòn rút đến tận xương tuỷ để "vãn hồi sự thịnh vượng của mẫu quốc", những thuộc địa mà ngày nay người ta còn lấy đi 300.000 con em trẻ trung nhất, trụ cột cường tráng nhất, để làm mồi dự trữ cho đại bác trong cuộc chiến tranh rồi sẽ tới vì quyền con người.
   
Dù rằng sự thực đau lòng như vậy, nhưng thế giới rồi cũng quen đi với cái triết lý, cái tính trì độn vốn dĩ, mỗi khi người ta khuấy lên cái tư tưởng định mệnh của nó. Đã thế, ông Anbe Xarô, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, lãnh tụ bảo vệ quyền người bản xứ ở thuộc địa, lại còn, với cái giọng lưỡi bất khả tri của ông vừa xới lên cái tính cuồng tín của bọn "mọi" của ông. Muốn cho bài diễn văn của ông ở Trường thuộc địa được nổi lên hơn nữa sau khi đã biểu diễn vẫn những múa may kịch tính của ông, vẫn cái ngôn phong kêu và rỗng tuếch của ông, vẫn những sáo ngữ cũ rích lặp đi lặp lại của ông nó đi đến chỗ (...)1) của những kẻ bóc lột và áp bức tương lai ở các thuộc địa. Bản Tuyên ngôn nhân quyền, nhà ảo thuật tu từ học này, hôm đó, chắc là đã hoàn toàn loạn thần kinh.
Trước ông và cũng như ông thôi, người ta đã từng che đậy những tội ác, những vụ xoáy, những vụ tàn sát dưới cái áo khoác khai hoá hay dưới danh nghĩa quyền con người, nhưng người ta còn làm những việc đó với một sự dè dặt nào đó, với một chút liêm sỉ nào đó. Đằng này cái con người của rượu và thuốc phiện ấy, cái ô che cho những băng của Phuốc và của Bôđoanh ấy, trơ trẽn tuyệt vời, lại đã nói đến bản văn thiêng liêng nhất, cao quý nhất của Đại cách mạng Pháp. Không còn là một sự giả nhân giả nghĩa nữa. Đây là một tội đại bất kính.
   
Nghĩ cho lung, có khi tôi đã mắc sai lầm không nhận ra tấm lòng cao cả và tinh thần quảng đại của ngài Bộ trưởng của chúng ta. Biết đâu đấy, khi nhắc lại Bản tuyên ngôn đã làm cho Cộng hoà Pháp bất tử, ông Anbe Xarô lại chả muốn dùng một chiến thuật đường vòng để nhắc nhở dân chúng các thuộc địa trở về với những nghĩa vụ chân chính của mình? Từ đại lộ Thiên Văn Đài không chừng ngài có ý định, qua lời nói hùng mạnh của mình, kêu gọi những dân tộc thuộc địa hãy đi theo vết chân vinh quang của tổ tiên ngài mà chiến đấu, như tổ tiên ngài đã chiến đấu cho công cuộc giải phóng mình và cho quyền con người của mình. Người ta sinh ra và mãi mãi tự do và bình đẳng về quyền. Các quyền ấy là: tự do, tư hữu, an ninh và chống áp bức.
   
Tự do, chống áp bức, đó là những điều mà ngài bộ trưởng muốn làm cho "những người anh em da mầu của ngài" hiểu, những người anh em này tuy đang bị một đế quốc ghê tởm nhất áp bức một cách tàn tệ nhất, nhưng vẫn còn cứ lịm đi trong một giấc mê man triền miên.
Chúng ta, những người con của các thuộc địa, chúng ta sẽ là những tên thật hèn nhát, nếu chúng ta không nhất tề đáp ứng lời kêu gọi của "ông anh cả của chúng ta": có tôi đây!

NGUYỄN ÁI QUỐC
Báo Le Paria, số 22, tháng 1-1924.
 

THƯ GỬI CHO MỘT ĐỒNG CHÍ Ở QUỐC TẾ CỘNG SẢN


Đồng chí thân mến,

Tôi quê quán ở Đông Dương và là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Chính với tư cách đó mà tôi mạo muội cảm ơn đồng chí về sự chú ý của đồng chí đến vấn đề thuộc địa tại Đại hội Liông.
Mặt khác, tôi sẽ sung sướng vì được thảo luận với đồng chí về vấn đề thuộc địa nếu đồng chí vui lòng cho gặp.
Do mũi và các ngón tay bị lạnh cóng khi tang lễ đồng chí Lênin, tôi không thể đi làm việc ở Quốc tế Cộng sản, vậy nên tôi sẽ rất cảm ơn, nếu đồng chí vui lòng trực tiếp viết thư cho tôi đến địa chỉ sau:
Khách sạn Luých, số 176
Đồng chí thân mến, xin gửi đồng chí lời chào cộng sản anh em.

NGUYỄN ÁI QUỐC
5/2/24
Thư viết tay, tiếng Pháp, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

THƯ GỬI CHỦ TỊCH QUỐC TẾ CỘNG SẢN

Mátxcơva, ngày 15 tháng 3 năm 1924

Kính gửi đồng chí Dinôviép, Chủ tịch Quốc tế thứ ba,

Đồng chí thân mến,

Đã hơn một tháng nay, tôi xin đồng chí vui lòng tiếp để tôi có thể thảo luận với đồng chí về tình cảnh những thuộc địa của Pháp. Cho tới nay, tôi vẫn chưa được trả lời. Hôm nay, tôi xin mạn phép nhắc lại sự thỉnh cầu đó, và xin đồng chí nhận lời chào cộng sản anh em.

Nguyễn Ái Quốc
Thư đánh máy tiếng Pháp, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.
Phân bộ Pháp, số 33 Quốc tế Cộng sản.
 

ĐÔNG DƯƠNG VÀ THÁI BÌNH DƯƠNG


Lò lửa của cuộc chiến tranh thế giới sắp tới - Nước Pháp muốn khai thác các thuộc địa - Các thuộc địa Pháp sống lay lắt như thế nào - Người An Nam bị bóc lột nặng nề thêm.
   
Mới thoạt nhìn, thì dường như vấn đề Đông Dương và Thái Bình Dương không liên quan gì đến công nhân châu Âu. Nhưng nếu người ta nhớ lại rằng:
    a) Trong thời kỳ cách mạng, các nước Đồng minh không tấn công được nước Nga từ phía Tây, đã tìm cách tấn công từ phía Đông. Thế là các cường quốc ở Thái Bình Dương, Mỹ và Nhật, đã cho quân đội đổ bộ lên Vlađivôxtốc, đồng thời nước Pháp cũng gửi những đạo quân người Đông Dương sang Xibêri để giúp bọn bạch quân.
    b) Hiện nay, tất cả sinh lực của chủ nghĩa tư bản quốc tế đều lấy ở các xứ thuộc địa. Đó là nơi chủ nghĩa tư bản lấy nguyên liệu cho các nhà máy của nó, nơi nó đầu tư, tiêu thụ hàng, mộ nhân công rẻ mạt cho đạo quân lao động của nó, và nhất là tuyển những binh lính người bản xứ cho các đạo quân phản cách mạng của nó. Thế nào rồi cũng có ngày nước Nga cách mạng phải đọ sức với chủ nghĩa tư bản đó. Cho nên các đồng chí Nga cần phải biết rõ tất cả lực lượng và tất cả các mánh khoé trực tiếp hay gián tiếp của đối thủ của mình.
    c) Vì đã trở thành một trung tâm mà bọn đế quốc tham lam đều hướng cả vào nhòm ngó, nên Thái Bình Dương và các nước thuộc địa xung quanh Thái Bình Dương, tương lai có thể trở thành một lò lửa của chiến tranh thế giới mới mà giai cấp vô sản sẽ phải nai lưng ra gánh.

Xem thế thì ta thấy rõ rằng vấn đề Thái Bình Dương là vấn đề mà tất cả mọi người vô sản nói chung đều phải quan tâm đến.

***


Muốn xây dựng lại nước Pháp đã bị cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa tàn phá, Bộ Thuộc địa Pháp đã thảo một dự án khai thác các thuộc địa. Dự án đó nhằm khai thác những tài nguyên của các nước thuộc địa để làm lợi cho chính quốc. Cũng dự án ấy nói rằng Đông Dương phải giúp đỡ các thuộc địa khác ở Thái Bình Dương đẩy mạnh sản xuất của họ lên, để làm cho cả các thuộc địa đó cũng trở thành "có ích" cho chính quốc. Nếu dự án được thực hiện, thì nhất định là Đông Dương sẽ lâm vào tình trạng giảm sút dân số và bần cùng.
   
Thế nhưng, mới đây, mặc dầu bị dư luận An Nam phản kháng, Hội đồng chính phủ Đông Dương cũng đã nhất trí tán thành dự án ấy. Muốn hiểu rõ sự nhất trí đó có giá trị đến đâu, thì cũng cần biết rằng Hội đồng đó gồm có Toàn quyền Đông Dương, Tướng tổng tư lệnh quân đội Đông Dương và độ ba chục viên chức cao cấp người Pháp, cộng thêm năm viên quan lại bản xứ do viên Toàn quyền nặn ra. ấy thế mà tất cả các ngài ấy lại cho rằng họ thay mặt cho cả Đông Dương và hành động vì lợi ích của nhân dân An Nam! Các bạn hãy tưởng tượng mà xem, người étxkimô hay người Dulu mà lại quyết định vận mệnh của một dân tộc châu Âu!

***


Theo sự thú nhận của các nhà cầm quyền thì các thuộc địa ở Thái Bình Dương đương lâm vào tình trạng suy tàn, và chỉ sống - nếu như thế mà có thể gọi được là sống - một cuộc sống càng ngày càng lụn bại đi. Sự thật thì trong một thời gian ngắn, các đảo đông dân cư, đã hoàn toàn thưa hẳn đi vì rượu cồn và lao dịch. Quần đảo Máckidơ1), trước đây 50 năm, đông đến 20.000 người, mà bây giờ chỉ còn có 1.500 người yếu đuối và thoái hoá. Trong vòng 10 năm, dân số đảo Tahiti2) giảm đi 25%. Trong số những dân cư đang chết dần chết mòn đi như thế, chủ nghĩa đế quốc Pháp lại còn cướp đi hơn 3.500 người để làm bia đỡ đạn cho chúng. Thật khó mà tưởng tượng được tình trạng tàn lụi của một giống người lại nhanh đến như thế. Nhưng đó lại là một sự thật mà người ta có thể thấy được ở nhiều thuộc địa. (ở các miền thuộc Cônggô, trong vòng 20 năm, dân số từ 40.000 người đã giảm xuống chỉ còn 30.000. Đảo Xanh Pie3) và Micơlông4), năm 1902 có 6.500 dân, đến năm 1922, thuộc địa này chỉ còn có 3.900 người mà thôi, v.v.).
   
Hầu hết các đảo ở Thái Bình Dương thuộc Pháp đều được nhượng cho các công ty khai khẩn đồn điền. Các công ty này tước đoạt ruộng đất của người bản xứ và bắt họ làm như nô lệ vậy. Đây là một thí dụ chứng tỏ rằng người ta đối xử với công nhân bản xứ như thế nào. 200 người chuyên mò ngọc trai đã bị các hãng Pháp ở châu úc bắt ép đưa đi các đồn điền cách quê hương của họ đến 800 hải lý... (Thật không khác đưa thợ may đi làm mỏ). Họ bị dồn xuống một chiếc thuyền buồm nhỏ chỉ vừa chỗ cho 10 người và không có qua một phương tiện nào phòng lúc đắm thuyền. Họ bị đưa ngay xuống thuyền không kịp nhìn mặt vợ con nữa. Suốt hai năm ròng, những người công nhân khốn khổ ấy bị đầy đoạ trong các trại của công ty. Nhiều người bị đối xử tàn tệ. Nhiều người đã vì thế mà chết.
   
Các bạn hãy cộng thêm vào sự bóc lột vô nhân đạo ấy sự tồi tệ của bọn vô lương mà đế quốc Pháp giao cho cai trị các đảo đó, thì các bạn sẽ thấy tất cả cái tốt đẹp của chế độ bóc lột và áp bức đang đưa các nước bị chiếm làm thuộc địa ở Thái Bình Dương đến chỗ chết và diệt vong.

***


Ngày nay, chủ nghĩa đế quốc đã tiến tới một trình độ hoàn bị gần như là khoa học. Nó dùng những người vô sản da trắng để chinh phục những người vô sản các thuộc địa. Sau đó nó lại tung những người vô sản ở một thuộc địa này đi đánh những người vô sản ở một thuộc địa khác. Sau hết, nó dựa vào những người vô sản ở các thuộc địa để thống trị những người vô sản da trắng. Chiến công đáng buồn của người Xênêgan là đã giúp bọn quân phiệt Pháp giết hại anh em của mình ở Cônggô, Xuđăng, Đahômây1), Mađagátxca. Người Angiêri đã sang đánh Đông Dương. Người An Nam thì sang đóng đồn canh phòng ở châu Phi, vân vân và vân vân. Trong cuộc đại chiến, hơn một triệu nông dân và công nhân thuộc địa đã bị đưa sang châu Âu để chém giết nông dân và công nhân da trắng. Vừa rồi, người ta đã đem lính người bản xứ bao vây lính Pháp ở miền Ruya, và phái lính pháo thủ thuộc địa đi dẹp những người Đức bãi công. Non một nửa quân đội Pháp là người bản xứ, ước chừng 300.000 người.
   
Ngoài việc dùng các thuộc địa về mặt quân sự như vậy, chủ nghĩa tư bản còn sử dụng các thuộc địa để bóc lột về mặt kinh tế bằng những cách thật tinh vi. Người ta thường thấy rằng những vùng nào ở Pháp và những nghề nào đó mà tiền công bị hạ xuống, thì trước đó thế nào cũng có việc tăng thêm nhân công thuộc địa. Người bản xứ đã được dùng để phá các cuộc bãi công. Hiện nay chủ nghĩa tư bản dùng một thuộc địa này làm công cụ để bóc lột một thuộc địa khác, đó là trường hợp Đông Dương và Thái Bình Dương.

***


Mặc dầu các nhà cầm quyền khua chiêng gõ trống để lừa gạt người ta, nhưng sự thật thì Đông Dương đã kiệt quệ rồi. Suốt trong những năm 1914-1918, người ta bắt gần mười vạn người An Nam (con số của nhà cầm quyền là 97.903 người) phải bỏ ruộng vườn để sang châu Âu. Mặc dầu thiếu người sản xuất, Đông Dương cũng đã buộc phải gửi đi 500.000 tấn ngũ cốc để góp phần bảo vệ những kẻ áp bức mình. Những công trái Chiến thắng đã bòn rút đi hàng trăm triệu phrăng. Mỗi năm, người An Nam đã phải đổ mồ hôi sôi nước mắt để nộp khoảng chừng 450.000.000 phrăng hầu hết chỉ để
nuôi béo bọn ăn bám. Ngoài ra, họ lại còn phải gánh những khoản chi tiêu rất lớn về quân sự mà Bộ trưởng Bộ Thuộc địa gọi một cách văn hoá là "khoản đảm phụ của dân con".
   
Chính ở cái xứ đã bị bóp nặn, gầy còm trơ cả xương ra này, bây giờ người ta lại còn sắp bòn rút đi hàng bao nhiêu triệu bạc và hàng bao nhiêu vạn người nữa (bắt đầu, người ta bắt đi 40.000 người) để thoả mãn túi tham không đáy của bọn chủ đồn điền và tham vọng cá nhân của một bầy chính khách vô liêm sỉ.
Làm đồi truỵ tất cả nòi giống An Nam bằng rượu và thuốc phiện, chưa đủ. Mỗi năm bắt đi hàng 4 vạn người "tình nguyện đầu quân" để đem lại vinh quang cho chủ nghĩa quân phiệt vẫn chưa đủ. Biến một dân tộc 20 triệu người thành một cái kho thuế lớn, cũng vẫn chưa đủ. Người ta còn sắp tặng thêm cho chúng tôi chế độ nô lệ nữa kia đấy.

***


Những hành động đế quốc chủ nghĩa ấy không những chỉ nguy cho riêng vận mệnh của giai cấp vô sản Đông Dương và Thái Bình Dương, nó còn nguy cho cả vận mệnh của giai cấp vô sản quốc tế nữa. Nhật Bản chỉ huy các trạm điện báo ở đảo Yáp. Mỹ chi tiêu hàng bao nhiêu triệu đôla để cải tiến các ổ súng đại bác trên các tàu chiến ở Thái Bình Dương. Anh sắp biến Xanhgapo thành một căn cứ hải quân. Pháp thấy cần phải thiết lập một hệ thống thuộc địa ở Thái Bình Dương.
   
Sau Hội nghị Oasinhtơn44, việc tranh giành thuộc địa ngày càng trở nên gay gắt hơn. Bọn đế quốc ngày càng trở nên điên cuồng hơn; những cuộc xung đột chính trị ngày càng trở nên không thể tránh khỏi. Những cuộc chiến tranh đã từng nổ ra vì vấn đề ấn Độ, châu Phi và Marốc. Những cuộc chiến tranh khác sẽ có thể nổ ra vì vấn đề Thái Bình Dương, nếu giai cấp vô sản không cảnh giác.

Nguyễn Ái Quốc
Tập san Inprekorr, tiếng Pháp, số 18, ngày 19-3-1924.
 

GỬI ĐỒNG CHÍ PÊTƠRỐP, CHỦ TỊCH BAN PHƯƠNG ĐÔNG


Các đồng chí thân mến,
   
Tôi đã nhận được bức tối hậu thư của Sở quản lý nhà giục phải trả 40 rúp 35 côpếch về chỗ ở của tôi, không có thì tôi sẽ bị đưa ra toà.
   
Tôi phải cho đồng chí biết rằng:

1- Trong những tháng, tháng mười hai, tháng giêng và tháng hai tôi thuê phòng số 176, ở đây bao giờ cũng có 4 và 5 người thuê. Ban ngày thì tiếng ồn liên tục ngăn trở tôi làm việc. Ban đêm tôi bị rệp ăn thịt, không cho tôi nghỉ ngơi.
    Vì vậy tôi không muốn trả 5 rúp về tiền thuê nhà để tỏ sự phản đối.
   
2- Từ tháng ba, tôi nhận một phòng nhỏ, rất nhỏ. Sở quản lý nhà buộc tôi gánh 13 rúp 74 cho tháng ba, và 11 rúp 61 cho những tháng sau.
    So sánh không gian hẹp và trang bị nội thất quá đơn sơ với các phòng khác rộng hơn nhiều, tiện nghi hơn, có nhiều đèn, điện thoại, tủ, ghế bành dài, phòng tắm, v.v. và tiền thuê thoả đáng thì giá mà người ta muốn buộc cho tôi là hoàn toàn đáng công phẫn.
   
3- Vì vậy tôi xin đồng chí vui lòng làm một cuộc điều tra. Và sau cuộc điều tra đó, với mọi quyết định của mọi toà án, tôi tuân theo tinh thần của đồng chí về công bằng và bình đẳng.
   
Chào cộng sản.

Nguyễn Ái Quốc
Thư đánh máy, tiếng Pháp, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.
 

CHỦ NGHĨA ĐẾ QUỐC PHÁP DÁM LÀM NHỮNG GÌ?


Những người ấn Độ, vì chỉ phạm có mỗi một cái tội là đấu tranh giành độc lập cho đất nước của mình, đã bị cảnh sát của đức vua Anh truy nã. Một vài người trốn sang những nhượng địa Pháp ở ấn Độ. Họ tính là sẽ được hưởng đạo luật cư trú. Nhưng nhà cầm quyền thực dân Pháp vừa trục xuất họ.

Không phải là lần đầu tiên đế quốc Pháp đồng loã với bọn đế quốc khác và có những hành động bỉ ổi như thế. Trong chiến tranh, khi những người da đen châu Phi đang hy sinh thân mình trên đất Pháp để bảo vệ "văn minh", "nhân đạo", thì Pháp thông đồng với ý để cấm những người dân Tơripôli đang bị bọn kẻ cướp ý lùng bắt, không cho trốn sang lãnh thổ Tuynidi. Việc đó xảy ra như sau:
   
Trong cuộc chiến tranh vì công lý, một hôm có chừng một nghìn người Tơripôli gồm người già, đàn ông, đàn bà, trẻ em, đuổi đàn mục súc gầy còm của họ cùng chạy sang lánh nạn ở Tuynidi. Tới biên giới, quân đội Pháp đã dùng súng liên thanh chặn đường họ. Những người lánh nạn đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan thảm thiết này: để cho lính Pháp tàn sát hay lui vào sa mạc Xahara để rồi chết đói chết khát ở đó. Họ đành phải theo con đường thứ ba. Họ nằm cả xuống cát và chết dần chết mòn ở đó, trước mắt đội quân biên phòng của chúng ta.
   
Tấn thảm kịch đó, bà Clerơ Giêniô đã thuật lại trong báo
   
Universel như sau:
   
"Những sĩ quan của chúng ta dùng ống nhòm để theo dõi cái chết ngắc ngoải dần mòn của những con người sơ khai ấy, những con người mà các nước latinh đã đem những ân huệ của văn minh lại cho họ. Những trẻ thơ chết trước tiên, dưới bầu sữa đã cạn của mẹ chúng. Chẳng bao lâu những người đàn bà cũng gục xuống. Rồi đến lượt những người già lão, thân hình đã gầy rạc như những bộ xương, bị cát phủ kín. Sau thì cả đàn ông cũng chết nốt. Khi người ta tưởng rằng tất cả đoàn "người nổi loạn" đó đã chết cả rồi, thì bác sĩ Natan và bác sĩ Côngxây nhận thấy vài em gái bé hình như hãy còn động đậy bên cạnh những cái xác của cha mẹ chúng đã chết cứng. Đêm đến, hai bác sĩ đến gần các em, thì nhận thấy quả thật những em bé mặc quần áo sặc sỡ và đáng yêu đó, những ngày đầu vô tư lự vẫn còn nhảy nhót vui tươi, lúc đó chỉ còn thở thoi thóp. Sau khi giấu những em bé đó vào trong xe cứu thương, hai ông rất sung sướng đã cứu cho các em sống lại, và xúc cảm trước nỗi đau khổ côi cút và vẻ đáng yêu của các em, hai bác sĩ đã giữ những em gái nhỏ đó lại để giúp việc cho mình - đó là những kẻ sống sót duy nhất trong đoàn hơn một nghìn người dân Tơripôli".
   
Câu chuyện thê thảm kể lại đó không phải là của một nhà nữ cách mạng nào đâu.
   
Chủ nghĩa đế quốc Pháp quả là không hề ngần ngại nhúng tay vào những tội ác bỉ ổi nhất.

Nguyễn Ái Quốc
(Đông Dương)
Tập san Inprekorr, tiếng Pháp, số 20, ngày 2-4-1924.


THƯ GỬI BAN CHẤP HÀNH QUỐC TẾ CỘNG SẢN


Các đồng chí,
   
Những thuộc địa của Pháp nói chung và Đông Dương nói riêng ít được biết đến trong giới vô sản và cộng sản. Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Pháp rất ít được thông tin về những gì xảy ra ở những thuộc địa đó. Cục thông tin của đảng cần phải được thành lập. Còn như ở đây, chúng tôi tuyệt đối không có gì.
Nếu chúng ta muốn hoạt động một cách có ích về vấn đề thuộc địa thì nhất thiết phải bắt liên lạc với các thuộc địa đó.
   
Về phần Đông Dương, từ lúc tôi tới Mátxcơva đã có quyết định rằng sau 3 tháng lưu lại ở đây, tôi sẽ đi Trung Quốc để tìm cách liên lạc với đất nước tôi. Bây giờ đã là tháng thứ chín tôi lưu lại và tháng thứ sáu tôi chờ đợi, vậy mà việc lên đường của tôi chưa được quyết định.
   
Tôi nghĩ là không cần thiết phải nói ở đây về những phong trào cách mạng và dân tộc chủ nghĩa, trước kia hoặc gần đây; về sự tồn tại hoặc không tồn tại của các tổ chức công nhân, của những hoạt động khuấy phá của các hội bí mật và các hội thảo, vì tôi không có ý định đệ trình với các đồng chí một luận cương, và chỉ muốn nêu cho thấy sự cần thiết đối với chúng tôi là phải nghiên cứu TấT Cả một cách chính xác, và phải tạo ra cái gì đó nếu chưa có gì.
   
Vậy chuyến đi sẽ là một chuyến đi để khảo sát và nghiên cứu. Tôi sẽ phải cố gắng:

        A- Thiết lập những quan hệ giữa Đông Dương và Quốc tế Cộng sản.
        B- Thông báo cho Quốc tế Cộng sản về tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của thuộc địa này.
        C- Tiếp xúc với các tổ chức đang tồn tại ở đó, và
        D- Tổ chức một cơ sở thông tin và tuyên truyền.
   
Tôi hành động thế nào để hoàn thành nhiệm vụ này? Trước hết tôi phải đi Trung Quốc. Tiếp đó hướng sự hoạt động theo những khả năng sẽ xuất hiện.
   
Số tiền cần thiết cho sự ăn ở của tôi sẽ là bao nhiêu? - Hẳn là tôi sẽ phải đổi chỗ luôn, duy trì những mối liên hệ với các giới khác nhau, trả tiền thư tín, mua những ấn phẩm nói về Đông Dương, tiền ăn và tiền trọ, v.v., v.v.. Tôi tính rằng, sau khi tham khảo ý kiến các đồng chí người Trung Quốc phải có một ngân sách xấp xỉ 100 đôla Mỹ mỗi tháng, không kể hành trình Nga - Trung Quốc (vì tôi không biết giá vé).
   
Tôi hy vọng rằng những điều trên sẽ có thể dùng làm cơ sở để các đồng chí thảo luận về việc cử tôi đi Viễn Đông.

Nguyễn Ái Quốc
11-4-1924
Thư đánh máy, tiếng Pháp, bản chụp lưu lại Viện Hồ Chí Minh.


NÔNG DÂN BẮC PHI


Trong số các dân tộc sống ở Bắc Phi, chỉ người Bécbe biết đến nguyên tắc tư hữu nhưng họ chỉ là thiểu số chiếm khoảng một phần ba số dân Angiêri và khoảng ba phần 14 đất đai có thể canh tác được ở thuộc địa này.
   
Quan hệ ruộng đất của người Tuynidi, người Arập Angiêri và người Marốc nói chung dựa trên cơ sở chủ nghĩa cộng sản nguyên thuỷ: Theo kinh thánh đạo Ixlam, ruộng đất thuộc về Trời, và con người chỉ có quyền sử dụng những gì mà anh ta có thể lấy từ đó bằng lao động của mình. Như vậy, ruộng đất là sở hữu của công xã và không bị trưng thu. Mỗi người đều được nhận một mảnh đất và được sử dụng toàn bộ sản phẩm của mảnh đất đó. Nhưng anh ta không được mua ruộng của người khác. Không được bán đất của mình. Người giữ ruộng đất đó chết đi thì ruộng đất lại trở thành sở hữu của công xã. Phương thức sở hữu tập thể đó được gọi là "ácsơ" ở Angiêri, "habu" ở Tuynidi và Marốc.
   
Chế độ thuộc địa của Pháp đã phá vỡ tính tập thể của dân bản xứ và thay vào đó bằng sự cướp đoạt trắng trợn.
   
Tiếp theo bạo lực và tàn phá thường mở đầu cuộc xâm lược, những người nông dân Bắc Phi bắt đầu thấy mình bị những kẻ du đãng, phiêu lưu và cho vay nặng lãi, tóm lại, là toàn bộ cặn bã của chính quốc tiến công. Bọn thực dân, rốt cuộc là kẻ chiến thắng và những người dân bản xứ phải ngoan ngoãn phục tùng chúng và nhường đất cho chúng.
   
Năm 1848, Angiêri lần đầu tiên chịu sức ép của cuộc tiến công kiểu ấy của những kẻ đi khai hoá. Đó là 13.500 kẻ khốn cùng đã đe doạ thành phố Pari và những người mà các xưởng máy thủ đô không chứa nổi. Ngoài chi phí đi đường và nơi cư trú không mất tiền, họ còn được nhận gia súc, tiền ứng trước, hạt giống, công cụ lao động và từ 4 đến 12 hécta đất lấy của những người nông dân Angiêri.
   
Sau năm 1870, những người Andátxơ di cư cũng đóng vai trò thực dân đó. Tất nhiên, họ đáng được trọng thị hơn những người đầu tiên, nhưng họ cũng không kém nguy hiểm hơn đối với nông dân bản xứ, vì toàn bộ ruộng đất mà họ được chia là lấy của nông dân địa phương. Tiếp theo đó, ngày càng nhiều bọn thực dân tham lam, lên đường đi tìm hạnh phúc trên sự phá sản của những người Arập.
   
Dân thuộc địa bị phá sản bằng nhiều cách: do "luật pháp" hành chính của Chính phủ bảo hộ, do những hành động cá nhân của bọn địa chủ và hoạt động của những nhóm người bản xứ đã trở thành chỗ dựa của chế độ thuộc địa.
   
Chỉ riêng ở Angiêri và Tuynidi, chế độ thuộc địa chính thức đã lấy cắp của nông dân bản xứ khoảng: 1 triệu 600 nghìn hécta đất nguyên của nông dân sử dụng, 2 triệu 700 nghìn hécta rừng công, 800 nghìn hécta đất công.
   
Nước Marốc mới bị chia cắt không lâu, đã bị cướp 545 nghìn hécta ruộng đất.
   
Sự cướp đoạt những người bản xứ diễn ra nhanh đến chóng mặt và với những quy mô khủng khiếp.
   
Năm 1870, 500 nghìn hécta đất của dân thuộc địa bị tịch thu cùng một lúc. Từ năm 1895 đến 1910, 192 nghìn hécta đất của Angiêri chuyển sang tay người Pháp. Từ 1919 đến 1923, chế độ thuộc địa đã chiếm của dân Marốc 72.700 hécta.
   
Để chiếm đất, chế độ thuộc địa Pháp lúc thì sử dụng mánh khoé, lúc thì dùng vũ lực. Người Bécbe và người Arập Angiêri bị dồn tới rùng núi và triền đồi. Và lãnh thổ được tước đoạt kiểu ấy khỏi những người chủ hợp pháp, rơi vào tay những tên thực dân châu Âu.
   
Đối với người Tuynidi, người ta thường sử dụng những mánh khoé kiểu như sau: 25 khu ruộng của người Tuynidi làm thành một habu tập thể. Những người nông dân canh tác đất đai ấy được hưởng một phần mùa màng, phần khác dành cho phúc lợi xã hội, giáo dục, xây nhà, phương tiện thông tin và những xí nghiệp có ý nghĩa tập thể khác nhau.
   
Habu tập thể không thể được sử dụng cho cá nhân, nhưng có thể được chuyển từ một xí nghiệp tập thể sang xí nghiệp khác, vì đó là do lợi ích công cộng. Về sau Phủ toàn quyền cứ lấy cớ dùng cho lợi ích công cộng mỗi khi cần lấy đất của người bản xứ cho bọn chủ đồn điền. Một thí dụ: một nhà báo và chủ đồn điền, khi thấy người dân bản xứ từ chối bán đất cho hắn, mà hắn lại muốn mua cho mình, liền đến nhờ bạn - là viên công sứ tỉnh ấy. Tên này liền ra ngay một sắc lệnh trưng thu đất ấy cho lợi ích công cộng, đuổi người dân bản xứ ra khỏi mảnh đất ấy và chuyển cho người bạn của mình.
   
Chế độ thuộc địa ấy đem lại lợi ích gì cho những người nông dân nghèo Pháp? Không! Chỉ có những tên chính khách bẩn thỉu, những bọn con buôn tham lam và tư bản lớn được lợi mà thôi.
   
Những công ty đồn điền lớn chiếm những khu đất đai mênh mông, không phải nhằm làm cho nó sản sinh, mà chỉ với mục tiêu đầu cơ. Ngày lại ngày, chúng làm cho dân bản xứ phá sản, nuốt tươi những tên thực dân nhỏ và đánh lừa ngay cả Chính phủ. Thí dụ: Công ty Giơnevơ chiếm hơn 20.000 hécta; công ty Habra và Máctơ: 24.000 hécta; công ty Pháp - Angiêri: 90.000 hécta; công ty toàn Angiêri: 10.000 hécta; công ty Mácxây: 100.000 hécta. ở Tuynidi, 55 chủ đồn điền Pháp chiếm 355.000 hécta đất, 30 chủ đồn điền khác chiếm 160.000 hécta rừng.
   
Công ty thương mại điền địa chiếm phần lớn đất miền Cadablanca, Rabát và Madagan. Tiếp theo là Tổng công ty Pháp ở Marốc. Công ty này mua của dân bản xứ mỗi hécta giá từ 20 đến 30 phrăng và sau một thời gian ngắn bán lại với giá 1.000 và 1.200 phrăng trong một vài tháng lãi tới 858.000 phrăng mà lúc đầu số vốn là 1 triệu và mới chỉ sử dụng một phần tư số vốn đó.
   
Một nghị sĩ Quốc hội Pháp được nhượng mỏ quặng sắt ở Khamri. Ông ta bán lại cho một công ty để khai thác với giá 10 triệu phrăng. Những người nông dân bản xứ có đất đai thuộc khu mỏ ấy, chỉ được lĩnh 112,5 phrăng một năm tiền cho thuê đất.
   
Một luật sư Pháp giao cho nhân viên của mình mua đất để làm tài sản riêng với giá 20 phrăng. Đất ấy nằm giữa habu công cộng. Biết rằng đất đai ở đó không có ranh giới rõ rệt, người phục vụ pháp luật của chúng gây ra những chuyện khó khăn và lôi cuốn những người nông dân vào quá trình kiện tụng rất tốn kém về phân định ranh giới. Đắt đến nỗi những người nông dân nghèo cuối cùng phải bán lại đất của mình vì việc kiện tụng đã làm tốn 11.000 phrăng. Ông luật sư với sự giúp đỡ của hai mươi phrăng và một chút giả dối, trở thành người chủ cả một làng, và những người nông dân còn cảm thấy hạnh phúc, vì không bị đuổi khỏi mảnh đất ấy và được để lại làm việc với tư cách là người nô lệ.
   
Những trường hợp tương tự như vậy thường thấy ở các thuộc địa và chúng tôi còn có thể đưa ra nhiều thí dụ nữa, không kém phần bê bối.
   
Những tên địa chủ biết rõ là, dân bản xứ luôn luôn lo sợ bị trưng thu. Vì vậy, khi nào họ muốn chiếm đất, họ sử dụng luật về trưng thu như một con ngoáo ộp. Dân bản xứ tất nhiên muốn bán đất của mình với giá rẻ mạt, còn hơn là để cho chính quyền hành chính bỗng chốc làm mình phá sản.
   
Bọn địa chủ thỉnh thoảng dùng "các điểm chiến lược". Chúng đặt tay vào những nơi có thể xây dựng các công trình Nhà nước: nhà ga, đường sá, kho tàng và chợ. Khi chính quyền muốn xây dựng một trong những công trình ấy, nó phải trả toàn bằng vàng, vì nó có thể trưng thu và đuổi dân bản xứ, nhưng không dám sờ đến sở hữu của bọn thực dân.
   
Và như vậy, bọn đầu cơ vơ vét cả hai tay.
   
Tình cảnh nông dân các thuộc địa đó như thế nào? Thật là khủng khiếp. Khó có thể nói được rằng ai trong số họ: người An Nam ở Đông Dương, người da đen ở Cônggô hay là Xênêgan, hay là người bản xứ ở Bắc Phi - bị bóc lột nhiều hơn.
   
Giữa những người ấy có một cái chung:

        1- Tất cả họ bị dồn đến tình cảnh con vật thồ.
        2- Họ không chỉ bị những kẻ chiến thắng bóc lột, mà còn bị những người bản xứ bóc lột nữa: những kẻ chơi trội, những tên kẻ cướp mà nếu thiếu những kẻ này thì không thể có sự đô hộ nào của nước ngoài.
   
Các viên chức, quan lại, bọn tư sản mới và bọn người bản xứ cho vay nặng lãi kết thúc công việc ăn cướp của bọn người da trắng, và nông dân nếu thoát được ách bọn này thì lại rơi vào tay bọn khác.
   
Bị đuổi khỏi những đồng ruộng được tưới nước trù phú, sống chen chúc ở những đồng bằng chật chội và những vùng rừng núi xơ xác, nông dân những thuộc địa đó sống trong cảnh khốn cùng ghê gớm. Những người nào trong số họ còn lại một mẩu đất con nào thì cũng nhanh chóng bị tước đoạt lâu dài. Tỷ suất cho vay bằng tiền cũng như bằng hiện vật có tính ăn cướp không thể tưởng tượng được: từ 20 đến 200% (người châu Âu cho vay lấy lãi 20%, người Do Thái 35%, người Kabin 75%, người Môdabít 80% và ở nơi hẻo lánh tới 200%). Kiểu ăn cướp đó gọi là ranhia. Do tỷ suất lãi quá cao, người nông dân không bao giờ trả xong nợ. Lúc đó, người cho vay lãi đến chiếm ruộng và trở thành camétxát, còn người chủ cũ thành camét. Camét tiếp tục cày cấy mảnh đất của mình, nhưng phải nộp người chủ mới bốn phần năm mùa màng.
   
Tệ cướp bóc thuộc địa làm tất cả mọi thứ để làm cho người nông dân không thể sống nổi. Lấy cớ lập tín dụng nông nghiệp, thật sự chỉ phục vụ bọn giàu có, bụng phệ, chính quyền lại còn đặt thêm mức phụ thu 10% đối với người vay tiền, riêng không có khoản đó mức vay lãi đã quá nặng. Rừng là sở hữu của Nhà nước và những người đốn củi bị dồn vào cảnh chết đói. Những người chăn nuôi không có đồng cỏ, buộc phải bán gia súc đi và hoàn toàn phá sản. Việc chăn nuôi bị đánh thuế, mỗi đầu con vật chăn nuôi của người dân bản xứ phải nộp thuế nửa phrăng đến một phrăng Pháp.
   
Những người dân miền núi, bị các dinh cơ Nhà nước vây quanh, mà ranh giới thì rất tuỳ tiện, sống nghẹt thở. Nếu trong rừng trẻ con đi trên đường sắt hoặc con cừu chạy qua ranh giới là lập tức bị lôi thôi và bị nộp phạt. Năm 1909, ở Angiêri có 28.527 vụ phạt xâm phạm rừng, trong đó có 13.451 vụ lấy cỏ và 7.098 vụ lấy gỗ. Năm 1910, người Angiêri nộp 540.000 phrăng tiền phạt vì những việc đó.
   
Chưa hết. Người nông dân Bắc Phi còn phải đi canh gác rừng cho chủ đồn điền, diệt châu chấu trên đồng ruộng của người châu Âu, khuân vác không công cho bọn quan lại, công chức, làm nghĩa vụ cảnh sát để bảo vệ những bất động sản của bọn bóc lột và áp bức.
Bị tệ cho vay nặng lãi đè nén; bị những tệ nạn xã hội làm kiệt sức: năm 1907, ở thành phố Cadablanca chỉ có sáu quán rượu, năm 1913 có 161 quán rượu, nhà cải tạo, bệnh giang mai, bệnh ho lao cũng phát triển như thế; bị kiệt quệ vì nạn khổ sai liên miên; bị nạn đói thường xuyên làm mất sức, các bạn Bắc Phi đang ở trên con đường ngắc ngoải. Nạn tử vong cao là một bằng chứng. Người Bắc Phi sẽ biến khỏi mặt đất, nếu giai cấp vô sản giác ngộ không đến cứu họ khỏi nền "văn minh" quái vật.

Nguyễn Ái Quốc
Tạp chí Quốc tế nông dân, tiếng Nga, số 3 và 4 năm 1924.


SỰ PHÁ SẢN CỦA CHẾ ĐỘ THỰC DÂN PHÁP


Việc thay đổi mới đây của chính phủ Poăngcarê đã không khỏi có những vang dội sang các thuộc địa. Nước Pháp luôn luôn tự cho mình là một cường quốc thực dân số một biết cách thực dân. Ngay cả ông Anbe Xarô cũng vậy, ông ta luôn luôn khoe mình là người Pháp số một biết cách khai thác thuộc địa. Để làm công việc khai thác ấy, ông ta đòi phải có 4 tỷ phrăng. Để tìm cho ra món tiền ấy, ông ta đã viết một cuốn sách dày những 674 trang. ấy thế mà vị bộ trưởng vĩ đại ấy lại vừa bị đuổi ra khỏi đảng của ông ta vì ông ta đã bỏ phiếu cho quan thầy là Poăngcarê. Rồi cái ông Poăngcarê bạc bẽo này cũng lại vừa mới đuổi vị bộ trưởng vĩ đại ấy ra khỏi chính phủ nốt. Thế là vị bộ trưởng vĩ đại ấy bị cách tuột hết cả, chẳng được một tý nào, cũng chẳng khai thác được thuộc địa nào của ông ta. Thay thế ông ta là một anh lính, xin lỗi, một "đại tá không tên tuổi". Việc cách chức này một lần nữa lại chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng chế độ thực dân Pháp đã phá sản.
   
Trong khi chờ đợi một cái gì tốt đẹp hơn, dân Pháp mỗi năm phải nộp hơn 237.000.000 phrăng (ngân sách năm 1923) cho Bộ Thuộc địa của họ, hơn 1.172.186.000 cho các đội quân thuộc địa và những khoản chi phí ở Marốc, tổng cộng là 1.409.186.000 phrăng.
   
Thế là mỗi người Pháp - bất luận giàu hay nghèo, già hay trẻ, nam hay nữ - đều bị bắt buộc mỗi năm phải đóng hơn 36 phrăng cho cái quỹ "Sứ mệnh khai hoá". Để làm lợi cho ai? Cố nhiên không phải là để làm lợi cho người đóng thuế và càng không phải là làm lợi cho nước Pháp. Lát nữa, chúng tôi xin chứng minh điều đó.
   
Thí dụ, năm 1922, tổng giá trị thương nghiệp của các thuộc địa Pháp là 4.358.105.000 phrăng, trong đó:
       
2.104.458.000 về nhập khẩu và 2.253.646.636 về xuất khẩu.
   
Trong tổng số đó, doanh số giữa nước Pháp và các thuộc địa của nó chỉ có 1.585.000.000 phrăng, còn doanh số giữa các thuộc địa với nước ngoài lại lên tới 2.666.739.000 phrăng.
   
Những con số về Đông Dương lại còn hùng hồn hơn nữa.
   
Trong số 5.484 chiếc tàu đăng ký ở các cảng Đông Dương và đã chở vào 7.152.910 tấn hàng, chỉ có 779 tàu Pháp với 1.464.852 tấn so với 787 tàu Anh với 1.575.079 tấn!
   
Năm 1921, trong tổng giá trị hàng nhập khẩu là 807.729.362 phrăng, nước Pháp chỉ chiếm có 247.602.029 phrăng.
   
Cả nước Pháp và các thuộc địa khác của nó chỉ xuất khẩu có 169.147.115 phrăng trong tổng giá trị hàng xuất khẩu là 1.284.003.885 phrăng. Phải chăng là làm lợi cho dân bản xứ? Sau đây các bạn sẽ biết.
 
Năm 1923, Đông Dương xuất khẩu:

        1.439.995 tấn gạo
        622.035 tấn than đá
        65.413 tấn xi măng
        61.917 tấn ngô
        312.467 tạ cá
        27.690 tấn kẽm
        19.565 gia súc
        7.927 tấn đường
        6.860 tấn dừa
        46.229 tấn cao su
        7.150 tấn cây có chất nhuộm
        3.617 tấn bông
        30.760 tạ hạt tiêu
        21.492 tạ đỗ
        2.609 tấn da
        12.798 tạ mây
        12.319 tạ sơn
        8.499 tạ cà phê
        6.084 tạ chè
        480.833 kg quế
        117.241 kg dầu hồi
        17.943 kg tơ lụa
   
Vậy mà, các bạn có biết phần của người bản xứ trong việc buôn bán khổng lồ về sản phẩm do đất đai và lao động của họ sản xuất ra là bao nhiêu không ? Phần của dân bản xứ vẻn vẹn có 542 thuyền buồm trọng tải 12.231 tấn mà thôi!
   
Sau cái nhìn bao quát trên, chúng ta có thể kết luận rằng chế độ thực dân Pháp chỉ làm lợi cho một bọn đầu cơ, cho những tên chính khách bất lương và vô tài ở chính quốc, cho bọn buôn rượu và thuốc phiện, cho lũ con buôn vô liêm sỉ và bọn lý tài xấu xa.
   
Bạn muốn có thêm bằng chứng ư? Nhà Ngân hàng Đông Dương:
       
Năm 1876 chỉ có 24 triệu phrăng vốn kinh doanh, thế mà 1885 đã có 145 triệu phrăng vốn kinh doanh.

            1895 - 222 triệu phrăng
            1905 - 906 triệu phrăng
            1917 - 2. 005 triệu phrăng
            1921 - 6.718 triệu phrăng
   
Còn tiền lãi của nó thì đã từ 126.000 phrăng năm 1876 lên tới 22.854.000 phrăng năm 1921!
   
Những món lãi ấy chui vào túi ai?

Nguyễn Ái Quốc
Tập san Inprekorr, tiếng Pháp, số 26, ngày 14-5-1924.


THƯ GỬI ĐỒNG CHÍ PÊTƠRỐP, TỔNG THƯ KÝ BAN PHƯƠNG ĐÔNG ĐỀ NGHỊ


Đồng chí thân mến,
   
Hôm qua, trong khi dự cuộc mít tinh của sinh viên Trường đại học cộng sản phương Đông45, một ý kiến mà tôi đã ngẫm nghĩ từ lâu, lại nảy ra trong đầu óc tôi. Tôi tự thấy có trách nhiệm phải trình bày với đồng chí.
   
1) Đồng chí đã hiểu rõ nguyên nhân đầu tiên đã gây ra sự suy yếu của các dân tộc phương Đông, đó là SỰ BIỆT LẬP. Không giống như các dân tộc phương Tây, các dân tộc phương Đông không có những quan hệ và tiếp xúc giữa các lục địa với nhau. Họ hoàn toàn không biết đến những việc xảy ra ở các nước láng giềng gần gũi nhất của họ, do đó họ THIẾU SỰ TIN CẬY LẪN NHAU, SỰ PHỐI HỢP HÀNH ĐỘNG VÀ SỰ CỔ VŨ LẪN NHAU.
   
Sẽ rất có ích cho người An Nam biết bao, nếu họ được biết những người anh em ấn Độ của họ tự tổ chức như thế nào để đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc Anh, hoặc biết công nhân Nhật Bản đoàn kết nhau lại như thế nào để chống lại ách bóc lột của chủ nghĩa tư bản, hoặc biết người Ai Cập đã phải hy sinh cao cả như thế nào để đòi lại quyền tự do của mình? Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.
   
2) Các chiến sĩ người bản xứ đều bị giám sát và truy nã rất ráo riết tại chính nước họ. Nhưng ở một nước láng giềng họ có thể hoạt động dễ dàng hơn, vì có ít người biết họ. Sẽ rất thuận lợi, nếu Quốc tế có thể cử những đồng chí người Trung Quốc chẳng hạn, sang Đông Dương, những đồng chí Thổ Nhĩ Kỳ sang ấn Độ và cứ như thế. Nhưng muốn làm tròn những sứ mạng ấy, những chiến sĩ đó phải hiểu biết tình hình toàn châu á và phải có một mối quan hệ mật thiết giữa các chiến sĩ của các nước khác nhau. Vậy mà hiện nay chưa có sự hiểu biết ấy và mối quan hệ đó. Trong những điều kiện như vậy mọi sự tương trợ, mọi sự đoàn kết không thể có được.
   
3) Trường đại học phương Đông hiện nay đang dung nạp 62 dân tộc phương Đông. Con số này sẽ ngày càng tăng thêm tùy theo sự hoạt động và công tác tuyên truyền của Quốc tế mỗi ngày một mở rộng. Trường đại học này là một cái lò đào tạo những cán bộ tuyên truyền đầu tiên cho các nước phương Đông. Nó cũng phải là cơ sở trên đó sẽ được thiết lập một LIÊN BANG CộNG SẢN PHƯƠNG ĐÔNG. Để cho công tác được dễ dàng, chúng ta đã lập nhóm Latinh, nhóm Ăngglô Xắcxông, v.v., vậy vì lẽ gì chúng ta lại không lập nhóm châu á.
   
Vậy tôi đề nghị là trước ngày các sinh viên tốt nghiệp lên đường và trước cuộc Đại hội thế giới, một TIỂU BAN PHƯƠNG ĐÔNG sẽ được các đồng chí triệu tập để chuẩn bị việc thành lập NHÓM CHÂU Á đó.
   
Với lòng mong mỏi đồng chí sẽ tán thành khi xem xét đề nghị của tôi, tôi xin gửi đến đồng chí thân mến lời chào cộng sản thân ái.

Nguyễn Ái Quốc
thuộc Đông Dương
Thư đánh máy, tiếng Pháp, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

ĐOÀN KẾT GIAI CẤP


Đầu năm 1921, một cuộc bãi công lớn của công nhân hàng hải đăng bạ nổ ra ở Braxin. Một chiếc tàu vừa cặp bến Riô Đê Hanâyrô. Thuỷ thủ trên tàu chưa biết rằng bạn của mình ở đây đang đấu tranh chống bọn chủ. Một người da đen tham gia đình công, Hôxê Lêanđrô Đa Xinva, muốn lên tàu báo tin cho các thuỷ thủ biết. Trên bến, Hôxê gặp một tên cảnh sát ngăn anh lại.
   
- Tôi có quyền lên tàu gặp các bạn tôi, chứ sao không, Hôxê nói với tay đại diện trật tự chính quyền.
   
- Không nói năng lằng nhằng! Xéo! Tên này cự lại.
   
Hôxê cố nài.
   
Tên cảnh sát chẳng thèm trả lời nữa, rút súng lục ra bắn. Hôxê nhanh nhẹn tránh kịp, và, lẹ như chớp, anh túm lấy thằng đội, quẳng nó xuống nước.
   
Có đến năm chục tên cảnh sát có vũ khí đổ xô đến đánh Hôxê. Anh chống cự lại. Sẵn con dao đi biển, anh đâm chết mấy tên và làm bị thương nhiều tên khác. Cuối cùng anh không chịu nổi số đông, ngã xuống, coi như chết, với 18 viên đạn trong mình.
   
Tuy vậy anh vẫn còn đủ sức để lẩm nhẩm bài Quốc tế ca khi được khiêng đến nhà thương. Rồi sau chúng lôi anh ra toà. Anh bị kết án 30 năm khổ sai.
   
Vừa được tin xử, anh em công nhân cách mạng lập ngay một Uỷ ban bảo vệ. Một mặt, họ mướn nhiều trạng sư cãi cho bạn; mặt khác, họ tổ chức những cuộc biểu tình phản đối trong cả nước. Một chiến dịch vận động đấu tranh ủng hộ Hôxê được tiến hành mạnh mẽ suốt ba năm. Dư luận quần chúng công phẫn đến mức nhà chức trách phải mang vụ án ra xét lại.
   
Ngày mồng 8 tháng 2, Hôxê ra toà xử lại án. Một vạn rưởi công nhân dự phiên toà kéo dài suốt đêm. Bọn chủ không chịu nhả mồi ra, và biện lý phải mất 5 tiếng đồng hồ mới đọc xong bản cáo trạng dài.
   
Đồng chí Paolô Đê Laxécda và các bạn đồng nghiệp đã hùng biện bác bỏ một cách thắng lợi mọi lý lẽ của biện lý.
   
Phiên toà đến 4 giờ rưỡi sáng mới kết thúc.
   
Toà xử trắng án.
   
Bản tuyên án được hoan nghênh bằng những tiếng vỗ tay vang như sấm. Và Hôxê, anh chiến sĩ bãi công da đen ngả mình trong cánh tay các đồng chí và các người bảo vệ anh, những đại biểu của công nhân da trắng.
   
Vậy là, dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản.

NGUYỄN ÁI QUốC
Tài liệu đánh máy, tiếng Pháp, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

PHỤ NỮ PHƯƠNG ĐÔNG

 
Phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia bảo vệ đất nước chống sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc phương Tây.
   
Phụ nữ ấn Độ vùng lên chống sự đô hộ của Anh. Phụ nữ Trung Quốc tham gia cuộc cách mạng năm 1912. Phụ nữ Triều Tiên đã và đang đấu tranh vì độc lập của Tổ quốc. Phụ nữ Nhật Bản đã buộc Chính phủ phải huỷ bỏ đạo luật cấm phụ nữ tham gia đời sống chính trị và v.v..
   
Trong đời sống kinh tế những "bông hồng" của phương Đông bắt đầu tỏ cho chủ nghĩa tư bản thấy ở họ có những chiếc gai nhọn. Những cuộc bãi công của nữ công nhân ở các nhà máy và xưởng dệt lụa không còn là hiện tượng hiếm nữa.
   
Trong các tổ chức công đoàn Nhật Bản, phụ nữ chiếm một tỷ lệ đáng kể. Đoàn Thanh niên cộng sản Trung Quốc mới thành lập được ba năm đã có trong hàng ngũ của mình hơn 150 nữ công nhân và nữ sinh viên.
   
Từ khi đồng chí Lênin mất, các tổ chức chính trị, văn hoá và các tổ chức khác của học sinh các nước phương Đông tổ chức nhiều cuộc mít tinh và hội họp.
   
Dưới đây là lời kêu gọi của một nữ sinh viên đăng trên Báo Phụ nữ ở Thượng Hải (Trung Quốc):
       
"Hỡi các chị em!
   
Từ khi có chủ nghĩa tư bản, toàn bộ cơ thể xã hội đều bị ảnh hưởng tai hại của nó. Các vật phẩm do tất cả mọi người sản xuất ra, đáng lẽ phải thuộc về tất cả mọi người thì lại thuộc đặc quyền của một vài người! ách áp bức kinh tế đã nô dịch con người, cũng ách áp bức ấy đã biến phụ nữ thành những đồ vật tuỳ thuộc quyền sử dụng của nam giới!
   
Từ bao thế kỷ nay, bao nhiêu triệu con người đã bị xiềng xích như thế ? Bao nhiêu triệu đàn bà đã bị hy sinh?
   
Trong lúc cuộc chiến tranh thế giới đang diễn ra ác liệt, trong lúc hàng triệu người không làm hại đến ai, đang muốn sống, nhưng lại bị đưa vào chỗ chết, Lênin đã đạp bằng gian khổ và khó khăn, đã thức tỉnh giai cấp vô sản Nga nổi dậy, đã tổ chức các xôviết.
   
Lênin không những chỉ giải phóng nam giới và nữ giới trên đất nước Tiên sinh, mà còn chỉ đường cho tất cả những người nghèo khổ trên thế giới. Và bất chấp bọn bạch vệ tấn công ở bên trong, bọn tư bản bao vây ở bên ngoài, ý chí kiên cường của Lênin đã cứu đồng bào của Tiên sinh ra khỏi cảnh đau khổ và lầm than, và đã nêu cao ngọn cờ của Quốc tế cho tất cả những người bị áp bức.
   
Điều đó há chẳng đáng để ta kính cẩn mặc niệm trước anh linh vĩ đại của Tiên sinh hay sao ?
   
Ngày 21 tháng 1 há chẳng mãi mãi là một ngày tang cho tất cả những nam nữ đang chịu khổ cực hay sao?
   
Nước Nga đang đến phồn vinh. Nhưng muốn có được một nền hoà bình thực sự thì còn phải tiến lên hơn nữa và còn phải làm nhiều việc nữa. Loài người đang thức tỉnh, nhưng muốn tự giải phóng hoàn toàn thì còn phải đấu tranh".
   
Lời kêu gọi trên đây nói lên rằng đã có một bước ngoặt lớn ở các nước phương Đông từ khi ngọn cờ đỏ in hình búa liềm tung bay trên nước Nga sa hoàng.

NGUYỄN ÁI QUỐC
Tạp chí Rabótnhitxa, tiếng Nga, số 9,tháng 5-1924.


NHỮNG CÁI TỐT ĐẸP CỦA NỀN VĂN MINH PHÁP


Trong cuộc thảo luận về vấn đề đại diện của dân bản xứ các thuộc địa tại Quốc hội Pháp, ông Pôn Tápponniê đã phát biểu ý kiến ở Hạ nghị viện như sau:
   
"Nước Pháp vốn hào hiệp và đức khoan nhân của nước Pháp được biểu hiện trong mọi trường hợp. Không có gì có thể sánh tầy nền văn minh Pháp" . Chúng tôi thành thật cảm ơn ông nghị ấy đã cho chúng tôi dịp tốt kể ra đây một số đức tính bất hủ của nước Pháp - ngoài cái đức tính rất cương quyết khai hoá dân bản xứ bằng đại bác và lưỡi lê.
   
Lễ độ. - Khuôn phép thực dân muốn rằng bất cứ người dân bản xứ nào - dù địa vị, tuổi tác ra sao, dù nam hay nữ - đều phải cúi đầu kính cẩn chào người Âu. Người ta từng thấy ở Đông Dương, ở Mađagátxca những người dân bản xứ bị ngược đãi, đánh đập và bị bỏ tù, chỉ vì Đã QUÊN Tỏ DấU TÔN KíNH Đó TRƯớC ĐứC UY NGHIÊM CủA CáC Vị ĐI KHAI Hoá. Mới đây thôi, một vị quan cai trị ở Métgiana (Angiêri) đã ra lệnh bắt những người dân bản xứ trong vùng cai trị của mình, vì mải làm không trông thấy quan lớn đi dạo chơi qua, nên đã dám không chào ngài.
   
Rộng lượng. - ở Đông Dương, thường nhân dịp đi chơi của một ông Giốpphrơ hay sinh nhật một ông Clêmăngxô chẳng hạn, hoặc khánh thành một đài "liệt sĩ chết vì Tổ quốc" hoặc tiếp đón một phái viên của nền cộng hoà, thì các quan cai trị đều có mở "lạc quyên". Các quan đã dùng cách như sau: Quan lớn cai trị cứ việc dựa theo dân số và thuế bạ của tỉnh mà quy định số tiền cần thiết cho cuộc lễ, nhân số tiền đó lên gấp 3, gấp 4 hay gấp 5, định ngày nộp, rồi đòi các kỳ hào hương lý đến và nói với họ: "Quan lớn cần tiền, đây là số tiền quan lớn muốn có, đây là kỳ hạn quan lớn định cho các người để nộp cho quan lớn. Hãy liệu lấy đấy. Nếu không thì...". Để khỏi ngồi tù, các kỳ hào hương lý cứ việc mà "liệu". Số tiền bị nhân lên của cuộc lạc quyên ép buộc thì dùng để "tỏ lòng tôn kính các bậc đại nhân", còn số thành của bài tính nhân thì chui vào túi của quan lớn cai trị. Nông dân cứ è cổ đóng các thứ phụ thu luôn luôn như thế.
   
Lòng hào hiệp. - Tiếp theo châm ngôn "Đã có nước Đức trả" là câu châm ngôn "Đã có các thuộc địa trả". Nước mẹ đòi hỏi các thuộc địa phải đưa tất cả sức lực của mình, tất cả khả năng của mình, tất cả ý chí của mình, tất cả tài nguyên của mình để giúp vào việc phục hưng kinh tế của nước mẹ, trong khi đó thì nước mẹ lại
vừa cấm xuất khẩu pôtát của Andátxơ sang thuộc địa, để hoàn toàn dành riêng sản phẩm đó cho nông nghiệp Pháp.
   
Bình đẳng. - Các công dân Pháp phải làm quân dịch mười tám tháng; dân bản xứ các thuộc địa thì buộc phải phục vụ ba, bốn năm dưới ngọn cờ mà... mà... mà rốt cuộc người ta đã nhân danh nó để nhập vào nước họ rượu cồn, thuốc phiện, chế độ lao dịch, chế độ bốc vác nặng nề, chế độ dân bản xứ và sự cướp đoạt. Trong lúc người bản xứ bị tù đày vì những duyên cớ vu vơ, thì bọn thực dân và bọn quan cai trị phạm tội giết người, hối lộ, mua bán chức tước, ăn cắp, vẫn nhẹ bước thang mây. Tôi không nói đến ngài Đáclơ, uỷ viên Hội đồng quốc gia tư vấn Nam Kỳ, hay ngài Bôđoanh, toàn quyền Đông Dương; chuyện của các vị ấy đã qua ba năm nay rồi. Tôi muốn nói đến hai viên chức ở Angiêri hồi tháng 4 vừa rồi, đã bị tố cáo công khai về tội dùng giấy tờ giả mạo, về tội thụt tiền công quỹ cùng các tội nặng khác, nhưng lại được tha bổng. Tôi cũng muốn nói đến mấy vị uỷ viên Hội đồng tư vấn người Âu cũng ở xứ thuộc địa đó, phạm tội giết người hay quả tang đồng lõa giết một dân bản xứ, mà vẫn không bị người ta đụng gì đến.
   
Tự do. - Một ngạn ngữ Gôloa nói rằng "Lao động là tự do". Vậy nên dân bản xứ buộc phải làm lao động khổ sai. Mới đây Thượng nghị viện Pháp lại đã trịnh trọng thông qua bản tường trình của viên Toàn quyền xứ Đông Phi thuộc Pháp. Bản thuyết trình đó nói rằng "cần phải tránh những ảo tưởng cũng như những công thức; rằng sản xuất bông là một vấn đề của Nhà nước; rằng muốn đạt kết quả thì phải bắt buộc dân bản xứ trồng bông...".
   
Bằng phương pháp đó, các thuộc địa hằng năm tất phải cung cấp được cho nước Pháp 10.000 tấn bông. Phương pháp đó đã từng được dùng ở Tây Phi thuộc Pháp1) đối với vấn đề ca cao... Người ta cũng đã áp dụng phương pháp đó đối với vấn đề bông và năm 1916, đã thu được tại vùng Bờ Biển Ngà 600 tấn bông.
   
Tuy vậy, nước Pháp dĩ nhiên vẫn là kẻ giải phóng cho loài người và là chiến sĩ tiền phong trong công cuộc huỷ bỏ chế độ nô lệ.
   
Nhân đạo. - Ông Boanớp, nghị sĩ da đen nói: Nước Pháp bảo hộ kẻ yếu và dạy dỗ những người lạc hậu. Misơlê nói: nước Pháp là chiến sĩ tiên phong của văn minh và là người đem lại các quyền tự do. Xarô, cựu Thủ hiến và Thủ hiến tương lai của Đông Dương nói: Chính sách thuộc địa của Pháp đầy tính chất nhân đạo và vị tha. Tạp chí Hàng không quân sự một lần nữa vừa cho ta biết rằng ở các thuộc địa người ta hiểu về lòng "nhân đạo" như thế nào. Xem đây: Thống chế Liôtây, toàn quyền Marốc, tổng chỉ huy quân đội T.O.M đã cấm dùng đạn nổ có hơi ngạt và hơi làm chảy nước mắt, bởi vì... Nhưng ta hãy trích dẫn lời tạp chí đó: "Bởi vì mục đích nhằm đạt tới dĩ nhiên không phải là giết cho được nhiều người phiến loạn, mà là nhanh chóng làm cho họ phải phục tùng...".
   
Với sự quá ư ân cần chăm sóc đó, mà từ 1919, nghĩa là sau khi "công lý" và "chính nghĩa" thắng lợi trên thế giới thì ở Marốc, người ta đã giết hại 800 lính Pháp, 5.000 người Môrơ để sáp nhập 72.700 hécta ruộng đất cướp đoạt của người Marốc vào nước Pháp - "nước Pháp rộng 1 triệu mét vuông và 100 triệu dân cư".


NGUYỄN ÁI QUỐC
Tập san Inprekorr, tiếng Pháp, số 32, ngày 17-6-1924.

PHÁT BIỂU TẠI PHIÊN HỌP THỨ 8
ĐẠI HỘI LẦN THỨ V QUỐC TẾ CỘNG SẢN


Ngày 23-6-1924
   
Tôi đến đây để không ngừng lưu ý Quốc tế Cộng sản đến một sự thật là: Thuộc địa vẫn đang tồn tại, và vạch ra để Quốc tế Cộng sản thấy rằng: Cách mạng, ngoài vấn đề tương lai của các thuộc địa còn có cả nguy cơ của các thuộc địa. Song, tôi thấy rằng hình như, các đồng chí chưa hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng cho rằng vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa. Vì vậy, tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội có được, sẽ gợi ra những vấn đề và nếu cần tôi sẽ thức tỉnh các đồng chí về vấn đề thuộc địa.
   
Hôm nay, tôi cần nhắc lại lời phát biểu tại đây của đồng chí Rôi, chỉ xin đổi những tên riêng, nghĩa là đơn giản thay thế từ nước Anh bằng các từ Pháp, Bỉ, Mỹ, Nhật ... Song, vì tôi là người xứ thuộc địa Pháp và vì tôi muốn nói ngắn, nên tôi chỉ nói về chủ nghĩa đế quốc Pháp, về Đảng Pháp của chúng tôi và về các đảng tại các thuộc địa Pháp, giống như đồng chí Rôi đã nói về nước Anh, về đảng anh em của chúng ta và về các đảng ở các thuộc địa của nước Anh.
   
Các đồng chí thứ lỗi về sự mạnh bạo của tôi, nhưng tôi không thể nói với các đồng chí rằng, sau khi nghe những lời phát biểu của các đồng chí ở chính quốc, tôi có cảm tưởng là các đồng chí ấy muốn đánh chết rắn đằng đuôi. Tất cả các đồng chí đều biết rằng, hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc. Các thuộc địa cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy; các thuộc địa cung cấp binh lính cho quân đội của chủ nghĩa đế quốc. Các thuộc địa trở thành nền tảng của lực lượng phản cách mạng. Thế mà các đồng chí khi nói về cách mạng, các đồng chí lại khinh thường thuộc địa.
   
Các đồng chí, khi các đồng chí muốn đập vỡ một quả trứng hay một hòn đá, thì các đồng chí phải nghĩ đến việc tìm kiếm một công cụ mà sức bền của nó tương xứng với sự vững chắc của đối tượng định đập tan. Tại sao các đồng chí không có sự đề phòng như vậy khi các đồng chí muốn đánh đổ chủ nghĩa tư bản ? Tại sao trong những vấn đề của cách mạng các đồng chí không đem ra đối chiếu sách lược, sức mạnh của các đồng chí ? Tại sao không so sánh sức mạnh và sự tuyên truyền của các đồng chí với sức mạnh và sự tuyên truyền của kẻ địch mà các đồng chí muốn chống lại và chiến thắng nó ? Tại sao các đồng chí lại xem thường các thuộc địa trong
lúc chủ nghĩa tư bản lại dựa vào nó để tự bảo vệ và chống lại các đồng chí? Tôi xin bổ sung mấy lời để đáp lại bài phát biểu của đồng chí Tơranh. Trong bài phát biểu của mình, đồng chí Tơranh đã nói đến sự xuất hiện một cao trào cách mạng ở Pháp và sự ra đời phong trào phát xít ở đây. Về điểm đầu tiên, tôi hoàn toàn tán thành tinh thần lạc quan của đồng chí Tơranh; còn điểm thứ hai, thì tôi có ý kiến ngược lại. Tôi cho rằng, bọn phản động ở Italia, ở Đức và các nước khác cần đến chủ nghĩa phát xít để bảo vệ mình; trong khi đó bọn phản động Pháp lại không cần đến nó. Chúng có những người bảo vệ khác, những người bảo vệ mạnh hơn nhiều, có tổ chức hơn và có kỷ luật hơn là "bọn áo đen". Họ có những người lính da đen và da vàng. Có lẽ các đồng chí đã biết là quân đội Pháp hiện nay bao gồm 458.000 thanh niên Pháp và 206.550 người bản xứ ở các thuộc địa. Nhưng chắc chắn là các đồng chí không biết được rằng, nếu tính thời gian phục vụ và huấn luyện cũng như sự dễ dàng làm cho những người bản xứ nổi dậy, thì mỗi người lính bản xứ này có giá trị bằng 2 lính Pháp. Do đó, trên danh nghĩa, tuy số lượng đội quân
luôn sẵn sàng tấn công các đồng chí là 664.550 người, mà thực tế lại là 1.000.000 người, hay nói đúng hơn 939.950 người vì số lính Pháp có 251.450 tay súng, đông hơn các trung đoàn người bản xứ thì những người bản xứ này lại phục vụ 431.100 tháng nhiều hơn lính Pháp.
   
Bàn về khả năng và các biện pháp thực hiện cách mạng, đề ra kế hoạch của cuộc chiến đấu sắp tới, các đồng chí Anh và Pháp cũng như các đồng chí ở các đảng khác hoàn toàn bỏ qua luận điểm cực kỳ quan trọng có tính chiến lược này. Chính vì thế, tôi hết sức kêu gọi các đồng chí: Hãy chú ý !

In trong sách Đại hội toàn thế giới lần thứ V
Quốc tế Cộng sản, bản tốc ký, tiếng Nga,
phần I, Nxb. Chính trị quốc gia,
Mátxcơva, 1925, tr.218-220.

PHÁT BIỂU TẠI PHIÊN HỌP THỨ 25
ĐẠI HỘI LẦN THỨ V QUỐC TẾ CỘNG SẢN


Ngày 3-7-1924
   
Các thuộc địa Pháp chiếm một diện tích rộng 10.211.510 km2 với số dân là 55.571.000 người ở rải khắp bốn lục địa. Dù có sự khác nhau về chủng tộc, khí hậu, tập quán, truyền thống, về trình độ phát triển kinh tế và xã hội, song có hai điểm chung làm cho các nước thuộc địa giống nhau và sau này có thể đi tới thống nhất để cùng đấu tranh:

        1. Tình hình kinh tế: trong tất cả các thuộc địa Pháp, công nghiệp và thương nghiệp phát triển rất yếu ớt và nhân dân hầu hết làm nghề nông, 95% số dân bản xứ là nông dân.
        2. ở tất cả các nước thuộc địa, nhân dân bản xứ đều bị tư bản đế quốc chủ nghĩa Pháp bóc lột không ngừng.
   
Tôi không có thì giờ phân tích kỹ lưỡng về tình hình nông dân từng nước thuộc địa. Vì vậy, tôi chỉ lấy một vài thí dụ điển hình để chúng ta có một ý niệm về tình cảnh nông dân các nước thuộc địa.
   
Tôi xin bắt đầu từ nước tôi, Đông Dương là nước tôi biết rõ hơn cả.
   
Khi Pháp đánh chiếm thuộc địa này, chiến tranh đã làm cho nông dân phải rời bỏ làng mạc của họ. Sau đó, khi họ trở về thì đã thấy ruộng đất của họ bị bọn chủ đồn điền, theo sau quân đội chiến thắng, chiếm mất. Thậm chí chúng đã chia nhau cả những đất đai mà nông dân bản xứ đã cày cấy từ bao đời nay. Như vậy là nông dân An Nam đã biến thành nông nô và buộc phải cày cấy ruộng đất của chính mình cho bọn chủ nước ngoài.
   
Nhiều người trong những người xấu số này vì không chịu sống trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt do những kẻ chiếm đoạt đưa ra, nên đã bỏ ruộng đất của mình và lang thang nay đây mai đó khắp nước; người Pháp gọi họ là "giặc cướp" và tìm đủ mọi cách truy nã họ.
   
Ruộng đất cướp được bằng cách ấy đã được đem chia cho bọn chủ đồn điền. Chỉ cần xin một tiếng là bọn chúng có thể được hưởng những khoảnh đất có khi trên 2 vạn và 2,5 vạn ha.
   
Những tên chủ đồn điền này không những chiếm không ruộng đất mà còn chiếm không cả mọi thứ cần thiết để khai thác số ruộng đất đó, kể cả sức lao động.
   
Chính quyền cho phép chúng sử dụng một số tù khổ sai làm không công, hoặc bắt các xã phải cung cấp nhân lực cho các chủ đồn điền.
   
Bên cạnh chính quyền lang sói đó, cần phải nói tới Nhà chung. Chỉ riêng giáo hội Thiên Chúa đã chiếm 1/4 diện tích cày cấy ở Nam Kỳ. Để chiếm số ruộng đất đó, Nhà chung đã dùng những phương pháp không thể tưởng tượng được là mua chuộc, lừa đảo và cưỡng bức. Đây là một vài thí dụ. Lợi dụng lúc mất mùa, Nhà chung cho nông dân vay tiền nhưng bắt buộc họ phải cầm ruộng. Tiền lãi quá cao làm cho nông dân không sao trả hết nợ, nên buộc phải bán đứt số ruộng cầm trước cho Nhà chung. Bằng mọi thủ đoạn tàn ác, Nhà chung cố tìm ra đủ mọi thứ tài liệu mật có thể gây nguy hại cho những nhà cầm quyền. Lợi dụng những giấy tờ đó làm công cụ đe doạ, Nhà chung đạt được tất cả những gì họ muốn. Nhà chung lập hội với bọn tư bản lớn để khai khẩn những đồn điền chiếm không và những ruộng đất cướp được của nông dân. Bọn tay chân của Nhà chung giữ những chức cao trong chính phủ. Nhà chung cũng bóc lột "con chiên" một cách tàn nhẫn không kém chủ đồn điền. Một thủ đoạn khác của Nhà chung là tập hợp những người ăn xin, bắt họ khai khẩn đất mới và hứa là sau khi khai khẩn xong sẽ chia cho họ. Nhưng khi ruộng đất mới vừa khai khẩn xong và sắp được gặt, thì Nhà chung tuyên bố là ruộng đất này thuộc về Nhà chung và đuổi những người đã dùng sức lao động của mình làm cho ruộng đất ấy được phì nhiêu. Bị những kẻ "bảo hộ" họ (ở trong tôn giáo hay ở ngoài tôn giáo) cướp bóc, nông dân An Nam thậm chí không thể yên ổn làm ăn trên phần ruộng đất ít ỏi còn lại của mình. Người ta bắt những người đo đạc phải đo ruộng đất của nông dân không đúng để bắt họ phải đóng thuế khống. Thuế ruộng đất mỗi năm một tăng. Mới đây, khi chiếm hàng nghìn hécta của người An Nam ở miền ngược để giao cho bọn đầu cơ, các nhà cầm quyền đã phái máy bay đến để những nạn nhân bị cướp bóc ở đấy không dám nghĩ đến nổi loạn.
   
Những người nông dân bị cướp bóc, phá sản và bị đuổi đi nơi khác lại tìm cách khai khẩn đất để làm ruộng. Nhưng khi đất mới vừa khai khẩn xong thì chính quyền lại chiếm lấy và buộc nông dân phải mua lại theo giá do chính quyền định. Ai không đủ sức mua thì bị đuổi đi một cách tàn nhẫn.
   
Năm ngoái, mặc dù đất nước bị nạn lụt tàn phá, thế mà thuế ruộng đất vẫn tăng ngay một lúc lên 30%.
   
Ngoài những thứ thuế bất công làm cho nông dân bị phá sản, nông dân còn phải đi phu, đóng thuế thân, thuế muối, đóng công trái cưỡng bức, lạc quyên và v.v..
   
Chủ nghĩa tư bản Pháp cũng thực hiện chính sách ăn cướp và bóc lột như vậy ở Angiêri, Tuynidi, Marốc. Tất cả những ruộng đất tốt và được tưới nước thì phải để cho bọn thực dân di cư tới chiếm. Dân bản xứ bị đuổi đi, họ phải tìm nơi nương tựa ở những vùng ven núi hay những nơi ruộng đất khó làm ăn. Các công ty tài chính, bọn đầu cơ và quan lại cao cấp chia nhau ruộng đất của các thuộc địa.
   
Do những hoạt động trực tiếp và gián tiếp, các ngân hàng Angiêri và Tuynidi năm 1914 đã thu được 12.258.000 phrăng tiền lời với số vốn là 25 triệu phrăng.
   
Ngân hàng Marốc với số vốn là 15.400.000 phrăng, năm 1921 đã thu được 1.753.000 phrăng tiền lời.
   
Công ty Pháp - Angiêri chiếm 324.000 ha ruộng đất tốt nhất.
   
Tổng công ty Angiêri chiếm 10 vạn hécta.
   
Một công ty tư nhân đã chiếm khoảng 5 vạn hécta rừng, còn công ty phốt phát và đường sắt Cápde thì đã chiếm 5 vạn hécta có nhiều mỏ quặng và lại có quyền ưu tiên đối với 2 vạn ha chung quanh khu vực này.
   
Một cựu nghị sĩ Pháp đã chiếm một đồn điền 1.125 ha có quặng mỏ, trị giá là 10 triệu phrăng, thu nhập hằng năm là 4 triệu phrăng. Dân bản xứ, người chủ của những mỏ quặng này, mỗi năm chỉ thu hoạch được 1% phrăng mỗi hécta.
   
Chính sách thực dân của Pháp đã thủ tiêu quyền chiếm hữu công cộng và thay thế bằng quyền chiếm hữu tư nhân. Nó cũng thủ tiêu quyền chiếm hữu nhỏ, làm lợi cho quyền chiếm hữu đồn điền lớn. Nó đã làm cho nông dân bản xứ mất hơn 5 triệu ha ruộng đất tốt nhất.
   
Trong 15 năm, nông dân ở Cabili bị cướp mất 192.090 ha.
   
Từ năm 1913, mỗi năm nông dân Marốc bị cướp mất 12.500 ha ruộng đất cày cấy. Từ khi Pháp thắng trong cuộc chiến tranh "vì công lý", con số đó tăng lên tới 14.540 ha.
   
Hiện nay ở Marốc chỉ có 1.070 người Pháp mà chiếm tới 500.000 ha ruộng đất.
   
Cũng như những người anh em của họ là nông dân An Nam, nông dân châu Phi phải chịu cảnh cơ cực không thể chịu nổi, phải lao dịch liên miên và phải gánh những thứ thuế má nặng nề. Sự cùng khổ của họ không sao tả xiết. Thiếu lương thực nên họ phải ăn những thứ rau cỏ dại hay thóc gạo mục nát, vì thế mà bệnh sốt, thương hàn, bệnh lao hoành hành trong nhân dân. Ngay những năm được mùa cũng thấy có nông dân đi bới những đống rác ở thành thị, tranh thức ăn thừa với chó. Còn khi mất mùa thì xác chết nông dân ngổn ngang ngoài đồng và trên đường.
   
Tình cảnh của nông dân ở miền Tây châu Phi và châu Phi xích đạo thuộc Pháp còn khủng khiếp hơn nữa.
   
Gần 40 công ty chiếm những thuộc địa này. Họ chiếm tất cả: ruộng đất, tài nguyên thiên nhiên, cả sinh mạng của dân bản xứ nữa. Nhân dân bản xứ thậm chí không có quyền làm việc cho mình. Họ buộc phải làm việc cho các công ty, bao giờ cũng thế và chỉ được làm việc cho các công ty mà thôi. Để bắt họ phải làm không công, các công ty đã dùng thủ đoạn cưỡng bức vượt quá sức tưởng tượng. Tất cả ruộng đất đều bị tịch thu hết. Chỉ có người nào chịu làm công việc do các công ty ấy đòi hỏi thì mới được một phần ruộng nhỏ. Ăn uống thiếu thốn đã làm cho họ mắc đủ thứ bệnh tật và chết rất nhiều, nhất là trẻ con.
   
Một phương pháp khác là bắt ông già, phụ nữ và trẻ con làm con tin. Chúng giữ những người này trong những căn nhà chật chội, đối xử tàn tệ, hành hạ họ, bắt nhịn đói và nhiều khi giết họ nữa. ở một vài địa phương, số người bị bắt làm con tin thường xuyên lại nhiều bằng số người làm việc để đề phòng mọi mưu toan của những người làm việc tìm cách chạy trốn. Để công việc ở các đồn điền khỏi bị đình trệ, người ta cấm dân bản xứ không được cày cấy ruộng của mình kịp thời. Do đó, nạn đói và bệnh dịch thường xảy ra, tàn phá các thuộc địa.
   
Nếu một vài bộ lạc trốn vào rừng và tránh được ách bóc lột của bọn chủ đồn điền thì họ phải sống chẳng khác gì thú vật, họ ăn rễ củ và lá cây, chết vì sốt rét, vì khí hậu. Trong lúc ấy thì bọn chủ da trắng tàn phá đồng ruộng và làng mạc của họ để khủng bố. Sau đây là một đoạn trong cuốn sổ tay công vụ của một sĩ quan tả một cách vắn tắt, rõ ràng và thê thảm sự đàn áp nông dân bản xứ:
           
Hành binh càn quét làng Côevan.
           
Hành binh càn quét làng Phanốp Cunô, làng và vườn trại bị tàn phá.
           
Hành binh càn quét làng Bêcannixơ, làng bị đốt trụi, 3.000 cây chuối bị chặt.
           
Hành binh càn quét làng Cua, làng bị phá, vườn trại hoàn toàn bị phá trụi.
           
Hành binh càn quét làng Abimaphan, tất cả nhà cửa đều bị đốt, vườn trại bị phá.
           
Hành binh càn quét làng Examphami, làng bị phá.
   
Các làng ven sông Bôm đều bị đốt.
   
Tại những miền châu Phi thuộc ý, Tây Ban Nha, Anh và Bồ Đào Nha cũng có một chế độ cướp bóc, làm phá sản, giết chóc và tàn phá một cách khủng khiếp như vậy.
ở Cônggô thuộc Bỉ, năm 1891 dân số là 25 triệu, thế mà đến năm 1911 chỉ còn có 8,5 triệu. Những bộ lạc Hererô và Cama ở thuộc địa cũ của Đức tại châu Phi đã hoàn toàn bị tiêu diệt, 8 vạn người bị giết trong thời gian Đức chiếm đóng và 15.000 người bị giết trong thời kỳ "bình định" năm 1914. Cônggô thuộc Pháp năm 1894 có 20.000 dân, thế mà đến 1911 chỉ còn có 9.700 người. Trong một vùng, năm 1910 có 10.000 dân, sau đó 8 năm chỉ còn được 1.080 người. Trong một vùng khác với 4 vạn dân da đen, chỉ trong 2 năm đã có 2 vạn người bị giết, nửa năm sau 6.000 người nữa lại bị giết và bị thương tật.
   
Những vùng ven sông trù phú và đông đúc dân cư, chỉ sau 15 năm đã biến thành những miền hoang vu. Những mảnh xương tàn đã rải rác trắng khắp các ốc đảo và làng mạc bị tàn phá.
   
Tình cảnh những người còn sống sót thật khủng khiếp: nông dân bị cướp mất phần ruộng bé nhỏ "để dành" của mình, thợ thủ công mất nghề, còn người chăn nuôi thì mất súc vật. Dân Matabêle là dân chăn nuôi nhiều súc vật trước khi người Anh đến, họ có tới 20 vạn súc vật có sừng. Hai năm sau chỉ còn 40.900 con. Dân Hererô có 9 vạn súc vật, trong vòng 12 năm bọn thực dân Đức đã cướp mất một nửa. Những trường hợp tương tự như vậy, xảy ra rất nhiều trong tất cả các nước da đen đã tiếp xúc với văn minh của người da trắng.
   
Để kết luận, tôi xin lấy một dẫn chứng của một người da đen là Rơnê Marăng, tác giả cuốn Batuala. Ông ta nói: "Châu Phi vùng xích đạo là nơi dân cư đông đúc, giàu cao su, ở đây có đủ các loại vườn trại trồng cây, gà và dê rất nhiều. Chỉ sau 7 năm mọi cái đều bị phá hoại. Làng mạc tan tành, vườn trại hoang tàn, gà và dê bị giết. Nhân dân bản xứ kiệt sức vì phải làm việc nặng nhọc liên miên và không công nên không đủ sức và không còn thời gian, dù là rất ít, để cày cấy ruộng đất. Bệnh tật phát sinh, nạn đói hoành hành, số người chết càng nhiều... Nên biết rằng họ là con cháu của một bộ lạc khoẻ mạnh, thiện chiến, dẻo dai và đã được tôi luyện. ở đây, nền văn minh đã tiêu tan...".
  
Để bổ sung bức tranh bi thảm này, tôi xin thêm một điểm là chủ nghĩa tư bản Pháp không hề ngần ngại đẩy cả một khu vực vào cảnh đói kém, nếu việc đó có lợi cho nó. Trong nhiều nước thuộc địa, ví dụ như Rêuyniông, Angiêri, Mađagátxca, v.v., người ta không trồng ngũ cốc nữa, mà lại phải trồng những thứ khác cần cho nền công nghiệp của Pháp. Những thứ này có lợi hơn cho chủ đồn điền. Điều đó làm cho đời sống ở thuộc địa rất đắt đỏ và luôn luôn xảy ra nạn đói.
   
Trong tất cả các thuộc địa của Pháp, nạn nghèo đói đều tăng, sự phẫn uất ngày càng lên cao. Sự nổi dậy của nông dân bản xứ đã chín muồi. Trong nhiều nước thuộc địa, họ đã vài lần nổi dậy, nhưng lần nào cũng bị dìm trong máu. Nếu hiện nay nông dân vẫn còn ở trong tình trạng tiêu cực, thì nguyên nhân là vì họ còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo. Quốc tế Cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng.

In trong sách Đại hội toàn thế giới lần thứ V
Quốc tế Cộng sản, bản tốc ký,
tiếng Nga, phần I, Nxb. Chính trị
Quốc gia, Mátxcơva, 1925, tr.758-762.

THAM LUẬN TẠI ĐẠI HỘI LẦN THỨ III
QUỐC TẾ CÔNG HỘI ĐỎ


Thưa các đồng chí, tôi xin thông báo với các đồng chí về tình hình giai cấp công nhân ở Đông Dương, một trong những thuộc địa quan trọng nhất của Pháp.
   
Theo những số liệu thống kê gần đây, ở Đông Dương hiện có 63 xí nghiệp khai mỏ sản xuất 70 vạn tấn than đá, 5 vạn tấn kẽm, 15 vạn tấn chì, 2.500 tấn sắt, 1.500 tấn các kim loại khác, 3.500 cara1) đá quý và 100 kilôgam vàng.
   
Còn về những ngành công nghiệp khác thì nên lưu ý rằng ở Đông Dương còn có 140 đồn điền cao su với diện tích chung 3.500 hécta và sản xuất 5.000 tấn. Công nghiệp thực phẩm cũng đáng kể - sản xuất 250 tấn thịt hộp.
       
100 xí nghiệp tơ lụa sản xuất 100 tấn hàng tơ lụa.
   
Nếu như kể thêm rằng ở Đông Dương còn có 355 trạm điện báo, 2.100 kilômét đường sắt và 3 cảng lớn mà mỗi năm bốc dỡ 7-8 triệu tấn hàng khác nhau thì điều đó sẽ cho một quan niệm chung về những lĩnh vực sản xuất mà vô sản Đông Dương đang bỏ sức lao động vào đó.

Ở Đông Dương còn có những xí nghiệp tương đối lớn: nhà máy ximăng Poóclan2) có 30.000 công nhân làm thuê, khu mỏ vịnh Hạ Long có 4.000 công nhân, nhà máy dệt Bắc Kỳ - 3.000 công nhân, đường sắt - 8.000 công nhân.
   
Ngày làm việc 12-13 tiếng. Trong nông nghiệp ngày làm việc còn dài hơn. Những ngày lễ - và nhiều khi cả những ngày chủ nhật - đều không được đếm xỉa tới. Không có bảo hiểm xã hội cho tuổi già, không có trợ cấp cho lúc bị thương tật hoặc đau ốm. Tiền lương của công nhân không lành nghề không quá 50 phrăng một tháng, còn của công nhân lành nghề - 250 phrăng. Công nhân nhiều khi phải ký những giao kèo một phía, bắt buộc họ phải làm việc cho bọn chủ trong một số năm nhất định. Theo giao kèo, bọn chủ nhà máy có thể sa thải họ bất kỳ lúc nào, nhưng người công nhân lại không thể bỏ việc trước lúc hết thời hạn như đã quy định trong giao kèo. Trong nông nghiệp, nhiều khi ngay cả thủ tục hình thức đó cũng không được dùng, và cố nông trở thành hầu như nô lệ, như sở hữu riêng của bọn chủ. Đối với những người không phục tùng, có sẵn cả một hệ thống bắt bớ và đánh đập.
   
Tất nhiên, không thể nói tới tự do bãi công. Một vài cuộc nổi dậy lớn mang tính chất bãi công, không phải là do vận động tuyên truyền gây ra mà là do bị đói, đã bị đàn áp bằng mọi cách tàn ác nhất.
   
Với sự giúp đỡ hào hiệp của chủ nghĩa đế quốc Pháp, ở Đông Dương thật ra là đã phục hồi chế độ nô lệ. Nô lệ có ba loại: 1) tù khổ sai, mà chính quyền cai trị đã cho bọn chủ các nhà máy sử dụng, sau cả một ngày lao động cho bọn tư bản thì tối đến họ lại trở về các nhà tù có biển đề hứa hươu hứa vượn "tự do, bình đẳng và bác ái"; nông nô, có thể bao gồm tất cả người An Nam từ 18 đến 60 tuổi, hằng năm buộc phải đi phu một số ngày nhất định. Vả lại, số lượng những ngày đó chỉ là quy định ước chừng, còn trên thực tế hầu như không có hạn định. Một phần lớn dân cư đã bị huy động vào việc làm đường, đào kênh và không có bất kỳ một thứ công sá nào hết. Số người dân bản xứ chết vì những công việc ấy thật rất lớn; nô lệ, đúng theo nghĩa đầy đủ của từ, họ bị bán và bị mua. Trong việc mua bán này, chính quyền thực dân đã trở thành bọn chủ kinh doanh. Giống như thời chiến tranh, chính quyền thực dân đã tuyển dân bản xứ làm lính - tình nguyện, thì bây giờ chúng lại mộ công nhân - tình nguyện đi các thuộc địa Pháp khác, chủ yếu cho các đảo ở Thái Bình Dương. Những người An Nam này đến đó bị bán cho bọn chủ đồn điền và chủ nhà máy người châu Âu.
   
Có một bức thư, đã đăng khắp Đông Dương và đề ngày 17 tháng 3 năm 1924, nói về những tai hoạ khủng khiếp do bệnh sốt rét gây ra trong số những người nô lệ đã bị đưa tới đảo Êbrít, bức thư yêu yêu cầu phải chấm dứt cái hệ thống bóc lột vô liêm sỉ đối với tình trạng tăm tối của người dân bản xứ.
   
Giai cấp vô sản không thể làm gì để chống lại cái hệ thống bóc lột đó, chưa có một tổ chức công nhân nào cả. Bộ luật thuộc địa do những nhà khai hoá Pháp soạn ra chính là để đàn áp bất kỳ một biểu hiện nào có tính tự chủ của người dân bản xứ nói chung và tầng lớp vô sản nói riêng. Theo bộ luật đó, người An Nam không có quyền xuất bản báo chí bằng tiếng mẹ đẻ, không có tự do hội họp và lập hội, bị tước đoạt cả quyền tự do đi lại từ tỉnh này sang tỉnh khác. Để bảo vệ những luật pháp đó thì có toà án gồm 5-6 quan lại Pháp, chúng xử kín và tuyên án, kể cả án tử hình.
   
Trước chiến tranh, người An Nam có tổ chức vài hợp tác xã, nhưng chính quyền thực dân đã giải tán chúng, bắt giam những người tổ chức vì nghi là tuyên truyền cách mạng.
   
Thưa các đồng chí, tình cảnh công nhân An Nam là như thế. Đó là một tình cảnh khủng khiếp, nhưng không phải là không có lối thoát. Tình hình không phải là không có lối thoát, bởi vì với sự giúp đỡ của các tổ chức cách mạng gần gũi với Quốc tế Công hội đỏ, chúng tôi quyết đập tan lực lượng của chủ nghĩa đế quốc châu Âu áp bức chúng tôi. Nhưng để đạt tới kết quả đó, để thúc đẩy nhanh chóng công cuộc giải phóng của giai cấp vô sản Đông Dương thì cần thiết một điều là các đồng chí chúng ta trong các tổ chức công nhân cách mạng Pháp phải tích cực giúp đỡ chúng tôi trong cuộc đấu tranh giải phóng của chúng tôi. (Vỗ tay vang dội).

In trong sách: Đại hội lần thứ III
Quốc tế Công hội đỏ - Báo cáo,
bản tốc ký, tiếng Nga, Mátxcơva,
1924, tr.297-299.

51.000 NGƯỜI AN NAM BỊ ĐẾ QUỐC PHÁP ĐỘNG VIÊN ĐI LÀM BIA ĐỠ ĐẠN


Vì danh dự của chủ nghĩa đế quốc Pháp, xứ Đông Dương thuộc địa đã bị thiệt hại nặng nề. 51.000 người An Nam (người Đông Dương) đã bị động viên và đẩy ra mặt trận của nước Pháp. 49.000 người bị đưa đến các nhà máy để sản xuất thiết bị quân sự.
   
Người Pháp trong những báo cáo chính thức vẫn thường viết về "tuyển mộ lính tình nguyện"; sự thực những người An Nam đã bị họ bắt và đẩy vào chiến tranh làm bia đỡ đạn.
   
Người Pháp không chỉ đẩy người An Nam ra trận. Họ còn tước đoạt hết thảy những gì có thể tước đoạt được dưới hình thức thuế.
   
Để đổi lấy những thứ đó, nước Pháp đế quốc đã nhiều lần hứa sẽ đem lại tự do và quyền tự quyết cho các dân tộc bị áp bức. Nhưng nguy cơ chiến tranh vừa mới qua khỏi, thì những chủ nhà băng người Pháp lại bắt đầu nặn thêm càng nhiều thứ thuế. Còn các vị tướng thì cố phục vụ trong quân đội đến 4 năm.
   
Chiến dịch chống chiến tranh do Quốc tế Cộng sản phát động, đang vang dội khắp các thuộc địa.


Nguyễn ái Quốc
Viết năm 1924. Tài liệu tiếng Nga, lưu tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.
Đại biểu Đông Dương dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản.

LÊNIN VÀ CÁC DÂN TỘC PHƯƠNG ĐÔNG


Nếu giai cấp vô sản phương Tây coi Lênin là một thủ lĩnh, một lãnh tụ, một người thầy thì các dân tộc phương Đông lại coi Lênin là một người con vĩ đại hơn nữa, cao quý hơn nữa, nếu tôi có thể nói như vậy.
   
Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi.
   
Quen bị đối xử như những kẻ lạc hậu, thấp hèn, các dân tộc phương Đông đã coi Lênin là hiện thân của tình anh em bốn bể. Không những họ biết ơn Người mà còn tha thiết yêu mến Người. Họ tôn kính Người tương tự như tôn kính cha mẹ. Có thấy các sinh viên Trường đại học các dân tộc phương Đông khóc sưng cả mắt, có thấy các chàng trai trẻ đó nức nở khi biết tin Lênin từ trần thì mới hiểu thấu được tình yêu của họ đối với Người.
   
Lênin từ trần, đó là cái tang chung cho toàn thế giới. Quốc dân đảng50 (đảng nhân dân, hiện nắm chính quyền ở Hoa Nam) đang họp đại hội thì được tin Lênin mất. Toàn thể đại hội đứng ngay dậy và buổi họp được bế mạc để tỏ ý để tang Lênin. Theo đề nghị của bác sĩ Tôn Dật Tiên, Chính phủ Quảng Châu đã quyết định ngừng các cuộc biểu diễn nghệ thuật trong ba ngày. Tất cả các công sở đều treo cờ rủ, các đoàn thể văn hoá, chính trị, kinh tế ở các địa phương và ở Bắc Kinh, chủ yếu là các hội sinh viên và các tổ chức công nhân, đều tổ chức một cách trọng thể lễ truy điệu nhà cách mạng vĩ đại. Cũng trong dịp này, các đoàn thể ấy đều nhất trí biểu quyết đòi phải thừa nhận ngay lập tức chính quyền xôviết. Sinh viên đã quyết định dựng một bức tượng Lênin trong công viên lớn nhất ở Bắc Kinh.
Nghị viện Trung Quốc đã gửi điện chia buồn.
   
Phụ nữ cũng khóc thương Lênin. ở Trung Quốc, cũng như ở tất cả các nước phương Đông, phụ nữ rất ít biết những sự việc xảy ra trên thế giới, họ thờ ơ với những sự việc ấy. Nhưng họ đã để tang Lênin. Như vậy là những biểu hiện của phụ nữ Trung Quốc trong hoàn cảnh đau đớn này có một ý nghĩa lịch sử. Một mặt, điều đó chứng tỏ rằng phụ nữ phương Đông đã thức tỉnh; mặt khác, chứng tỏ rằng người thầy vĩ đại đã được tất cả mọi người, nam cũng như nữ, những người bình thường nhất cũng như những người tiên tiến nhất, đều hiểu và yêu mến. Vì thế, tôi xin dịch ra đây bài kêu gọi của một nữ sinh viên, đăng trong một tờ báo phụ nữ ở Thượng Hải:
   
"Hỡi các chị em!
   
Từ khi có chủ nghĩa tư bản, toàn bộ cơ thể xã hội đều bị ảnh hưởng tai hại của nó. Các vật phẩm do tất cả mọi người sản xuất ra, đáng lẽ phải thuộc về tất cả mọi người thì lại thuộc đặc quyền của một vài người! ách áp bức kinh tế đã nô dịch con người, cũng ách áp bức ấy đã biến phụ nữ thành những đồ vật tuỳ thuộc quyền sử dụng của nam giới!
   
Từ bao thế kỷ nay, bao nhiêu triệu con người đã bị xiềng xích như thế? Bao nhiêu triệu đàn bà đã bị hy sinh?
   
Trong lúc cuộc chiến tranh thế giới đang diễn ra ác liệt, trong lúc hàng triệu con người không làm hại đến ai, đang muốn sống, nhưng lại bị đưa vào chỗ chết, Lênin đã đạp bằng gian khổ và khó khăn, đã thức tỉnh giai cấp vô sản Nga nổi dậy, đã tổ chức các xôviết.
   
Lênin không những chỉ giải phóng nam giới và nữ giới trên đất nước Tiên sinh, mà còn chỉ đường cho tất cả những người nghèo khổ trên thế giới. Và bất chấp bọn bạch vệ tấn công ở bên trong, bọn tư bản bao vây bên ngoài, ý chí kiên cường của Lênin đã cứu đồng bào của Tiên sinh ra khỏi cảnh đau khổ và lầm than, và đã nêu cao ngọn cờ của Quốc tế cho tất cả những người bị áp bức.
   
Điều đó há chẳng đáng để chúng ta kính cẩn mặc niệm trước anh linh vĩ đại của Tiên sinh hay sao?
   
Ngày 21 tháng 1 há chẳng đáng mãi mãi là một ngày tang cho tất cả những nam nữ đang chịu khổ cực hay sao?
   
Nước Nga đang tiến đến chỗ phồn vinh. Nhưng muốn có được một nền hoà bình thật sự, thì còn phải tiến lên hơn nữa và còn phải làm nhiều việc hơn nữa. Loài người đang thức tỉnh; nhưng muốn tự giải phóng hoàn toàn, thì còn phải đấu tranh. Thế mà giờ đây, người thầy đột ngột từ giã chúng ta, chưa được trông thấy kết quả cuối cùng của sự nghiệp của mình.
   
Những người có tâm huyết làm sao mà có thể cầm được nước mắt? Những người bị áp bức, nam và nữ, há lại không nên nhận lấy nhiệm vụ mà Lênin đã để lại và tiến lên hay sao? Tiến lên!
   
Các chị em thân mến!
   
Chúng ta hãy tổ chức truy điệu một cách trọng thể Người đã suốt đời đấu tranh chống cảnh cùng khổ và ách áp bức của các dân tộc, Người đã đấu tranh cho thế giới đến hơi thở cuối cùng!".
   
Để kết thúc, chúng ta hãy chú ý rằng để chỉ Lênin, thì khi nói hay viết, người Trung Quốc đều chỉ dùng từ "Tiên sinh", một từ vinh dự đồng nghĩa với "Tử" (Khổng Tử, Mạnh Tử) và có nghĩa là: thầy.

NGUYỄN ÁI QUỐC
Báo Le Paria, số 27,tháng 7-1924.

CÁCH MẠNG NGA VÀ CÁC DÂN TỘC THUỘC ĐỊA


Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản; con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra. Cách mạng Nga rất hiểu rõ điều đó. Vì thế nó không vừa lòng với việc đọc những bài diễn văn rỗng tuếch và viết ra những quyết định "nhân đạo" đối với các dân tộc bị áp bức, mà cách mạng Nga dạy cho họ đấu tranh, giúp đỡ họ bằng tinh thần và vật chất như Lênin đã tuyên bố trong luận cương của Người về vấn đề thuộc địa. Cách mạng Nga đã triệu tập Đại hội Bacu51; hai mươi mốt dân tộc phương Đông đã phái đại biểu tới dự Đại hội đó. Những đại biểu của các đảng công nhân phương Tây cũng tham gia công việc của Đại hội. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp vô sản ở các nước phương Tây đi xâm chiếm và giai cấp vô sản các nước bị xâm chiếm ở phương Đông đã thân mật nắm tay nhau và cùng nhau tìm cách đấu tranh có hiệu quả chống chủ nghĩa tư bản là kẻ thù chung của họ.
   
Sau cuộc Đại hội lịch sử ấy, mặc dầu đang vấp phải những khó khăn trong nước và ngoài nước, nước Nga cách mạng không hề một chút do dự trong việc giúp đỡ các dân tộc mà nó đã thức tỉnh bằng cuộc cách mạng anh dũng và thắng lợi. Một trong những việc quan trọng đầu tiên của nó là thành lập Trường đại học phương Đông.
Trường đại học phương Đông hiện nay gồm có 1.025 sinh viên, trong đó có 151 nữ sinh. Trong số sinh viên ấy, có 865 đảng viên cộng sản. Thành phần xã hội của học sinh như sau: 547 nông dân, 265 công nhân, 210 trí thức vô sản. Nếu người ta chú ý rằng các nước phương Đông đều là những nước hầu như hoàn toàn nông nghiệp thì sẽ dễ hiểu vì sao số sinh viên nông dân chiếm tỷ lệ cao hơn. ở ấn Độ, ở Nhật, ở Trung Quốc - nhất là ở Trung Quốc, phần nhiều là các trí thức trung thành với sự nghiệp của giai cấp công nhân đang lãnh đạo giai cấp này trong cuộc đấu tranh, điều đó giải thích vì sao số trí thức chiếm tỷ lệ một thiểu số tương đối quan trọng; và tỷ lệ công nhân ít là do công nghiệp và thương nghiệp tương đối kém phát triển trong các vùng phương Đông, trừ nước Nhật. Ngoài ra, còn có 75 học sinh thiếu niên, từ 10 đến 16 tuổi.
   
150 giáo sư phụ trách giảng dạy về khoa học xã hội, về toán học, về duy vật lịch sử, về lịch sử phong trào công nhân, về khoa học tự nhiên, về lịch sử các cuộc cách mạng, về khoa kinh tế chính trị, v.v.. Trong lớp học, thanh niên của 62 chủng tộc khác nhau cùng thân mật sát cánh bên nhau.
   
Trường đại học phương Đông có 10 ngôi nhà to để cho sinh viên dùng. Trường có một rạp chiếu bóng cho sinh viên xem không mất tiền vào ngày thứ năm và ngày chủ nhật; còn những ngày khác trong tuần lễ thì để cho một người thầu. Có hai tủ sách với 47.000 quyển sách giúp cho các nhà cách mạng trẻ tuổi đi sâu vào việc nghiên cứu của mình và bồi dưỡng thêm tư tưởng. Mỗi dân tộc hay "nhóm", có một tủ sách riêng, gồm sách báo bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Phòng đọc sách được sinh viên trang trí một cách có nghệ thuật và có đầy đủ báo chí. Các học sinh cũng cho ra một tờ báo chỉ có một bản duy nhất dán vào cái bảng to đặt trước cửa phòng đọc sách. Những người đau ốm được vào chữa trong bệnh viện của nhà trường. Một trại điều dưỡng ở Crimê dành riêng cho sinh viên cần được dưỡng sức. Chính phủ Xôviết đã tặng cho Trường đại học hai trại hè mỗi trại có 9 ngôi nhà. Mỗi trại hè có một chỗ cho sinh viên học chăn nuôi. Người "bí thư nông nghiệp" của Trường đại học đã tự hào nói với tôi: "Chúng tôi đã có 30 con bò cái và 50 con lợn". Một trăm hécta ruộng đất cấp cho các trại hè ấy là do sinh viên tự cày cấy lấy. Trong kỳ nghỉ hè và sau giờ làm việc và tập luyện, sinh viên đi giúp đỡ nông dân. Nhân đây cũng nói qua rằng một trong những trại hè ấy trước kia là thái ấp của một quận công. Thật là một cảnh đáng ghi nhớ khi trông thấy lá cờ đỏ tung bay kiêu hãnh trên ngọn tháp có mang tước huy quận công, và thấy những người nông dân trẻ tuổi Triều Tiên hay ácmêni vui đùa trong lễ điện của quận công không kiêng nể gì cả.
   
Sinh viên ăn, ở và mặc không phải mất tiền. Mỗi tháng mỗi sinh viên còn được lĩnh 5 đồng rúp vàng để tiêu vặt.
   
Để học sinh có một quan niệm đúng đắn về việc giáo dục trẻ em, Trường đại học có một nhà nuôi trẻ và một nhà gửi trẻ rất kiểu mẫu gồm 60 em nhỏ.
   
Mỗi năm Trường đại học chi tiêu đến 516.000 đồng rúp vàng.
   
Các đại biểu của 62 chủng tộc trong Trường đại học lập thành một "Công xã". Chủ tịch và các cán sự của Công xã do phổ thông đầu phiếu bầu ra ba tháng một lần.
Một đại biểu sinh viên tham gia việc quản trị kinh tế và hành chính của Trường đại học. Tất cả các sinh viên đều phải thay phiên nhau lần lượt làm công việc nhà bếp, thư viện, câu lạc bộ, v.v.. Tất cả mọi vụ "phạm pháp" hoặc tranh chấp đều do một toà án được bầu ra xét xử trước mặt toàn thể các đồng chí. Công xã họp mỗi tuần một lần để thảo luận tình hình chính trị và kinh tế quốc tế. Thỉnh thoảng người ta tổ chức những cuộc hội họp và những buổi dạ hội trong đó những sinh viên có khiếu về nghệ thuật trình bày nghệ thuật và văn học của khắp các miền ở phương Đông.
   
Một điểm đặc biệt nhất biểu hiện sự "dã man" của những người bônsêvích là không những họ coi "những người dân thuộc địa thấp kém" ấy như anh em, mà còn tổ chức cho họ tham gia đời sống chính trị của nước Nga nữa. Trong kỳ bầu cử các Xôviết, những sinh viên mà khi còn ở trong nước của họ thì chỉ là những "kẻ dân lành", những "người được bảo hộ", nghĩa là những người không có quyền gì khác hơn là quyền nộp thuế, những người không hề có quyền ứng cử và bầu cử ở nước họ, những người không được phép bàn bạc chính trị, thì nay ở nước Nga Xôviết những người đó được tham gia bầu cử và cử đại biểu của họ vào Xôviết. Mong rằng những anh em của tôi ở các thuộc địa đang cầu xin đổi quốc tịch mãi mà không được, hãy thử so sánh nền dân chủ tư sản với nền dân chủ vô sản.
   
Tất cả những sinh viên ấy đều đã từng đau khổ và đã thấy người khác đau khổ. Tất cả đều đã sống dưới "nền văn minh khai hoá cao cả" và dưới ách bóc lột và áp bức của chủ nghĩa tư bản nước ngoài. Vì thế tất cả đều ham mê và khao khát học tập và hiểu biết. Họ vừa hăng hái vừa nghiêm túc. Họ không hề chơi bời phóng túng như những thanh niên phương Đông ở Pari, ở Ôxpho, ở Béclin. Người ta có thể nói không ngoa rằng Trường đại học phương Đông ôm ấp dưới mái trường mình tất cả tương lai của các dân tộc thuộc địa.
   
Miền Cận Đông và miền Viễn Đông, từ Xyri đến Triều Tiên - chúng tôi chỉ nói đến những nước thuộc địa và nửa thuộc địa có một diện tích rộng hơn 15 triệu km2, với số dân hơn 1.200 triệu người, tất cả những nước rộng lớn ấy ngày nay đều đang ở dưới ách của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc. Và mặc dù số lượng của họ đáng lẽ phải làm cho họ có sức mạnh, các dân tộc bị áp bức đó vẫn chưa thực sự mưu đồ tự giải phóng khỏi ách đó, và vì họ chưa hiểu giá trị của sự đoàn kết quốc tế, nên họ chưa biết đoàn kết nhau lại để đấu tranh. Họ chưa có những sự liên hệ giữa các nước họ với nhau, như các dân tộc châu Âu và châu Mỹ. Họ có sẵn một sức mạnh to lớn mà họ chưa biết! Việc thành lập Trường đại học phương Đông, tập hợp những người lãnh đạo trẻ tuổi tích cực, thông minh của các nước thuộc địa, đã làm được một công cuộc to lớn là:

    a) Trường đã huấn luyện cho các chiến sĩ tiên phong tương lai ấy nguyên lý đấu tranh giai cấp, nguyên lý mà một mặt các cuộc đấu tranh chủng tộc và mặt khác các tập tục của chế độ gia trưởng đã làm lẫn lộn trong đầu óc họ.
    b) Trường đã làm cho đội tiên phong của giai cấp vô sản các nước thuộc địa tiếp xúc mật thiết với giai cấp vô sản phương Tây để dọn đường cho một sự hợp tác thật sự sau này, chỉ có sự hợp tác đó mới có thể bảo đảm cho giai cấp công nhân quốc tế giành được thắng lợi cuối cùng.
    c) Trường đã làm cho các dân tộc thuộc địa - từ trước đến nay rời rạc với nhau - hiểu biết nhau, và đoàn kết với nhau, do đó đặt cơ sở cho một khối liên hợp tương lai giữa các nước phương Đông, khối liên hợp đó là một trong những cái cánh của cách mạng vô sản.
    d) Trường đã nêu lên cho giai cấp vô sản các nước mà giai cấp tư sản có thuộc địa, một tấm gương về những điều họ có thể và phải làm cho những anh em của họ đang bị áp bức.

Nguyễn Ái Quốc
Báo La Vie Ouvrière, số 20, năm 1924.

THƯ GỬI QUỐC TẾ CỘNG SẢN


Thưa đồng chí,

Tôi đã đến Mátxcơva vào tháng 7-1923. Tôi sẽ ra đi sau 3 tháng lưu lại ở đây. Vì lý do này hay lý do khác, việc lên đường của tôi đã bị hoãn hết tuần này sang tuần khác, rồi hết tháng này sang tháng khác.

Sau Đại hội lần thứ V, Ban phương Đông đã nói với tôi rằng:

1/ Ban sẽ giới thiệu tôi với Quốc dân đảng để tôi làm việc ở đấy vì ngoài lộ phí, Ban không thể giúp tôi về tài chính. 2/ Tôi sẽ ở chỗ đó với tư cách cá nhân chứ không phải với tư cách là cán bộ của Quốc tế Cộng sản. 3/ Tôi sẽ không có những quan hệ với Đảng chúng tôi ở Trung Quốc.

Dù tất cả những điều kiện đó đối với tôi là khó, nhưng tôi vẫn chấp nhận nó để có thể đi được. Để cứu vãn các điều kiện 2 và 3, tôi yêu cầu Đảng tôi cho tôi một giấy uỷ nhiệm, và gửi cho Đảng Trung Quốc một bức thư yêu cầu giúp đỡ tôi trong công tác. Vậy là vấn đề đã được giải quyết.
Nhưng lúc này nội chiến đang nổ ra ở Trung Quốc, Quốc dân đảng không trả lời bức thư của Ban phương Đông. Và việc lên đường của tôi một lần nữa lại phải hoãn lại vô thời hạn.
Như vậy, trước là vì Đảng tôi không trả lời. Nay là vì những người Trung Quốc đánh nhau. Vậy ngày mai sẽ là vì chuyện gì khác nữa. Nhưng tất cả những khó khăn sẽ không còn, nếu như vấn đề tài chính không đặt ra. Để vấn đề không đặt ra khi tôi hoạt động ở bên ấy, tôi chỉ yêu cầu các đồng chí cung cấp cho tôi những gì mà các đồng chí đang cung cấp để tôi chờ đợi, trong thời gian tôi không làm gì ở đây cả.

Xin gửi lời chào cộng sản.

NGUYỄN ÁI QUỐC
11-9-1924, Thư đánh máy, tiếng Pháp,bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

THƯ GỬI ĐỒNG CHÍ TƠRANH


Mátxcơva, ngày 19 tháng 9 năm 1924
   
Đồng chí Tơranh thân mến,
   
Ban phương Đông đã báo tin cho tôi rằng: Ban sẽ chi tiền đi đường cho tôi tới Quảng Châu, nhưng khi đến đó thì tôi phải tự xoay xở tìm lấy công việc.
Hẳn là làm việc để kiếm sống không phải là điều khó, thậm chí ngay cả ở một đất nước mà tôi chỉ biết viết chứ không biết nói thứ tiếng ở đó. Tuy nhiên, trong trường hợp của tôi, điều đó cũng có những cái bất tiện:

    1/ Tôi phải sống gần như bất hợp pháp ở Quảng Châu, nơi nhung nhúc những mật thám Pháp.
    2/ Nếu tôi nhận làm một công việc nào đó, thì toàn bộ thời giờ của tôi sẽ bị choán hết. Mà tôi thì phải được hoàn toàn tự do để làm việc theo ý muốn, tức là nghiên cứu hoàn cảnh, xem xét quần chúng và tổ chức cái gì đó.
   
Bởi vì Đảng chúng tôi và Ban phương Đông không thể giúp tôi về tài chính, nên tôi đề nghị đồng chí trình bày trường hợp của tôi trước Ban chấp hành và xin cho quyết định.
   
Xin gửi đồng chí lời chào cộng sản anh em.

NGUYỄN ÁI QUỐC

Thư đánh máy, tiếng Pháp, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

HÀNH HÌNH KIỂU LINSƠ MỘT PHƯƠNG DIỆN ÍT NGƯỜI BIẾT CỦA NỀN VĂN MINH MỸ


Ai cũng biết giống người da đen là giống người bị áp bức và bóc lột nặng nề nhất trong loài người. Ai cũng biết sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản và việc tìm ra Tân thế giới đã mang lại hậu quả trực tiếp là làm sống lại chế độ nô lệ, một chế độ, trải qua nhiều thế kỷ, đã là một tai hoạ thật sự đối với người da đen và là một bất
hạnh đẫm máu đối với nhân loại. Điều mà mọi người có lẽ không biết là người da đen châu Mỹ, tiếng rằng đã được giải phóng 65 năm nay rồi, nhưng vẫn còn phải chịu đựng nhiều nỗi thống khổ ghê gớm về tinh thần và vật chất, mà tàn ác nhất và ghê tởm nhất là tục hành hình kiểu Linsơ.

Linsagiơ là do từ Linsơ mà ra. Linsơ là tên một chủ đồn điền ở bang Viếcgini vừa là địa chủ, vừa là quan toà. Lợi dụng tình hình rối ren trong cuộc chiến tranh giành độc lập, hắn thâu tóm toàn bộ quyền hành trong quận. Những người thuộc phái bảo hoàng và những người thuộc phái bảo thủ bị hắn trừng phạt rất dã man, không cần xét xử, không cần án từ gì cả. Nhờ bọn chủ nô, nhờ đảng Ku Klux Klan và những tổ chức bí mật khác, nên tục hành hình kiểu Linsơ, một tục không hợp pháp và man rợ trở thành phổ biến và kéo dài mãi ở các bang trong Liên bang Mỹ. Sau khi người da đen được giải phóng, tục đó càng trở nên vô nhân đạo, và đặc biệt chĩa vào người da đen.

CÁC BẠN HÃY TƯỞNG TƯỢNG...

Các bạn hãy tưởng tượng một đám đông cuồng loạn. Quả đấm nắm chặt, mắt đỏ ngầu, miệng sùi bọt, la ó, chửi bới, nguyền rủa..., đám đông ấy đang bị lôi cuốn bởi cái thú cuồng loạn được phạm tội ác mà không phải lo sợ gì cả. Họ vũ trang bằng gậy gộc, đuốc, súng lục, thừng, dao, kéo, nước lưu toan, dùi. Tóm lại là bất cứ vật gì có thể dùng để giết hoặc làm bị thương được.
   
Các bạn hãy tưởng tượng giữa đám đông ấy, là một đống thịt đen bị xô đẩy, đánh đập, giày xéo, rạch da, róc thịt, chửi rủa, bị đá đi đá lại, đẫm máu, bất động.
   
Cái đám đông ấy, chính là những kẻ tham gia hành hình. Cái xác người rách nát kia, đó là người da đen, là nạn nhân.
   
Trong cơn sóng hằn thù và thú tính, những kẻ tham gia hành hình lôi người da đen đến một khu rừng hay một quảng trường công cộng nào đó. Họ trói người đó vào cây, tưới dầu lửa vào người đó, lấy những chất dễ cháy phủ lên người đó. Trước khi châm lửa, họ bẻ dần từng chiếc răng một của người đó. Rồi móc mắt người đó. Từng nhúm tóc xoăn bị rứt khỏi đầu, mang theo từng mảng da, để lộ ra một sọ người đẫm máu. Nhiều miếng thịt nhỏ rời khỏi cái thân hình đã tím bầm vì bị đánh đập.
Người da đen không kêu được nữa: lưỡi đã sưng phồng lên vì một thanh sắt nung đỏ gí vào. Toàn thân người ấy quằn quại như một con rắn bị đánh, dở sống, dở chết. Một nhát dao, thế là rụng một tai. ái chà! Nó mới đen làm sao! Nó mới đáng tởm làm sao! Thế là bọn đàn bà rạch nát mặt người đó ra...
   
Có kẻ hét: "Châm lửa lên đi!". Một kẻ khác góp thêm: "Đốt vừa đủ để thui nó từ từ thôi".
   
Người da đen bị nướng chín, thui vàng, cháy thành than. Nhưng người đó phải chết hai lần mới đáng đời. Cho nên họ liền treo người đó lên, nói cho đúng là treo cái xác không còn là một cái xác nữa lên. Và bây giờ, tất cả những người không được tham dự cảnh thiêu sống ấy, vỗ tay. Hoan hô!
   
Khi ai nấy đã xem chán rồi, họ hạ cái xác xuống. Cái dây treo được chặt ra từng đoạn, bán mỗi đoạn 3 hay 5 đôla. Bọn đàn bà tranh nhau mua làm vật kỷ niệm và để lấy khước.
   
Thế là "Công lý nhân dân" - như ở đó, người ta vẫn gọi - đã được thực hiện. Đám đông dịu đi, khen ngợi những kẻ "hành sự" rồi tản dần đi, vui vẻ như vừa dự xong một bữa tiệc, và hẹn gặp nhau một bận khác.
   
Trong khi đó thì trên mặt đất nhày nhụa mỡ và khói, một đầu lâu đen, nát bét, bị thui cháy, không ra hình thù gì nữa, nhăn nhó một cách đáng sợ và hình như muốn hỏi vầng dương đang lặn rằng: "Đó là văn minh ư?".

MỘT CHÚT THỐNG KÊ

Từ 1889 đến 1919, đã có 2.600 người da đen bị hành hình kiểu Linsơ, trong đó có 51 phụ nữ và thiếu nữ, với 10 cựu binh trong đại chiến.

Trong số 78 người da đen bị hành hình kiểu Linsơ năm 1919, có 11 người bị thiêu sống, 3 người bị thiêu sau khi đã bị giết, 31 người bị bắn chết, 3 người bị hành hạ cho đến chết, 1 người bị chặt ra làm nhiều mảnh, 1 người bị dìm chết dưới nước, 11 người bị giết bằng nhiều cách khác.
   
Đứng đầu là bang Gioócgia với 22 nạn nhân, thứ đến bang Mítxixipi với con số 12. Trong cả bang thứ nhất và bang thứ hai đều có 3 binh sĩ trong số bị hành hình. Trong số 11 người bị thiêu sống, thì ở bang Gioócgia có 4 người và 2 người ở bang Mítxixipi. Trong 34 vụ hành hình có tính toán trước và có tổ chức hẳn hoi, thì bang Gioócgia cũng lại đứng đầu với 5 vụ. Thứ hai đến bang Mítxixipi với 3 vụ.
   
Căn cứ theo những tội trạng buộc cho những nạn nhân năm 1919, thì:

một người có chân trong Liên đoàn những người không đảng phái (những chủ trại độc lập);

một người đã truyền bá những sách báo cách mạng;
       
một người đã dám quá tự do lên tiếng công kích những vụ hành hình kiểu Linsơ;
       
một người đã bình luận về những vụ xô xát giữa một người da trắng và da đen ở Sicagô;
       
một người mà người ta biết là lãnh tụ của phong trào đấu tranh cho lợi ích của người da đen;
       
một người vì không kịp tránh sang bên đường nên đã làm cho một đứa bé da trắng ngồi trong ôtô hoảng sợ.
   
Năm 1920, có 50 vụ hành hình kiểu Linsơ và năm 1923, có 28 vụ.
   
Những tội ác đó bao giờ cũng là do ghen ghét về kinh tế mà ra, hoặc do thấy những người da đen ở địa phương làm ăn khấm khá hơn người da trắng, hoặc do thấy công nhân da đen không chịu bị bóc lột đến xương tuỷ. Trong tất cả các vụ đó, những thủ phạm chính không bao giờ bị làm rầy rà, chỉ đơn giản là vì họ luôn luôn được bọn chính khách, bọn tài chính, bọn cầm quyền và nhất là báo chí phản động kích thích, khuyến khích, xúi bẩy, rồi lại bao che.
   
Mỗi khi sắp xảy ra hay đã xảy ra một vụ hành hình kiểu Linsơ thế là báo chí chớp ngay lấy, coi là dịp may hiếm có để tăng số báo phát hành. Báo chí tường thuật sự việc với dụng tâm đưa ra rất nhiều chi tiết.
   
Không một lời trách móc hướng vào bọn giết người. Không một lời thương xót đối với những nạn nhân. Không một lời bình luận.
   
Báo New Orleans States ngày 26 tháng 6 năm 1919 đăng nổi bật tin sau đây bằng cỡ chữ 25 phân suốt chiều ngang trang nhất: Hôm nay, một tên da đen sẽ bị 3.000 công dân thiêu chết. Và ngay dưới đó là một tin in bằng chữ nhỏ xíu: Được một đạo vệ binh lớn bảo vệ, Hoàng đế nước Đức đã cùng với Đông cung thái tử chạy trốn.
   
Báo Jackson Daily News ra cùng ngày đó, in trên hai cột đầu trang nhất và bằng cỡ chữ lớn:
   
Tên da đen J.M. sẽ bị dân chúng ở Enlisvinlơ thiêu chết, vào năm giờ chiều nay
   
Tờ báo chỉ quên thêm "khẩn khoản mời toàn thể dân chúng đến dự", nhưng tinh thần là như vậy.

VÀI CHI TIẾT

"Hồi 7 giờ 40 phút tối nay, J.M. đã bị hành hạ bằng một thanh sắt nung đỏ, sau đó bị đem thiêu... Một đám đông khoảng 2.000 người1),... có nhiều đàn bà và trẻ em đã tham dự vụ thiêu... Sau khi người da đen bị trói trước pháp trường, người ta liền đốt một đống lửa. Cách đó một quãng, một đống lửa khác cũng được đốt lên để nung một thanh sắt. Khi thanh sắt đã đỏ rực, một người cầm lấy và gí vào người da đen. Người này hoảng lên, vội nắm lấy thanh sắt. Thế là không khí sặc sụa mùi thịt cháy khét... Thanh sắt đỏ được gí vào nhiều nơi trên mình người da đen, tiếng kêu la và rên rỉ của người đó dội vào tận trong thành phố. Hành tội một hồi lâu, những người đeo mặt nạ tưới xăng vào người da đen và đốt đống củi lên. Ngọn lửa bốc cao và liếm quanh người da đen đang van xin người ta làm phúc cho nó một phát đạn. Những lời năn nỉ của nó làm cho người ta lớn tiếng chế nhạo" - Báo Chatanocca Times, ngày 13 - 2 - 1918.
   
"Mười lăm ngàn người vừa đàn ông, đàn bà và trẻ con hò reo như sấm khi người ta giội gadôlin2) lên người tên da đen và châm lửa. Họ đấm đá nhau, la hét, và xô đẩy nhau để được đứng gần tên da đen hơn. Hai người trong bọn họ cắt tai tên da đen trong khi ngọn lửa bắt đầu thui nó.
Một người khác định cắt gót tên da đen... Đám đông nhấp nhô và di chuyển để ai nấy đều được nhìn thấy tên da đen bị đốt cháy. Khi thịt bị cháy hết, còn trơ xương ra và khi cái thân hình trước kia chỉ còn là một cái xác rách nát bốc khói, không ra hình thù gì nữa, chập chờn trong ngọn lửa, mọi người cũng vẫn còn mê mải đứng xem..." - Báo Mymphis Press, ngày 22-5-1917.
   
"... đàn ông thuộc đủ mọi hạng, đàn bà, trẻ con đều kéo đến xem. Nhiều bà trong giới thượng lưu đi theo đám đông từ cửa nhà tù đến đấy, những bà khác cũng từ các ngả gần đấy kéo đến... Khi xác tên da đen rơi xuống, người ta hăng hái tranh nhau những mẩu dây thừng" - Báo Vicksburg Evening Post, ngày 4-5-1919.
   
"... một người cắt tai nó, một người khác xẻo bộ phận sinh dục của nó... Nó tìm cách bám lấy dây thừng, người ta liền chặt phăng các ngón tay đi. Trong khi người ta treo nó lên cây, một gã to như hộ pháp lấy dao chém vào cổ nó: ít nhất nó cũng bị tới 25 vết thương... Nó bị kéo lên rồi hạ xuống đám lửa hồng, rồi lại bị kéo lên và hạ xuống, cứ thế mãi... Cuối cùng, một người ném dây thòng lọng tròng vào người nó, đầu kia thì buộc vào một con ngựa để lôi cái xác chạy khắp các phố Oacô. Cái cây treo xác tên da đen lại ở ngay dưới cửa sổ nhà viên thị trưởng. Ông này thản nhiên nhìn đám đông hành hình. Trên suốt chặng đường, tất cả mọi người đều tham gia băm vằm tên da đen. Nhiều người đập nó bằng xẻng, cuốc, gạch, gậy gộc. Khắp mình nó, từ đầu đến chân, chỗ nào cũng đầy thương tích. Hàng nghìn người cùng reo vui vang dội, khi ngọn lửa được châm lên... Một lúc sau, cái xác được kéo lên cao, để ai nấy đều có thể ngắm nhìn được, nên người ta vỗ tay như sấm dậy..." - Báo Crisis, tháng 7-1916.

NHỮNG NGƯỜI DA TRẮNG LÀ NẠN NHÂN CỦA HÀNH HÌNH KIỂU LINSƠ

Chẳng cứ gì người da đen mà cả những người da trắng nào dám bênh vực người da đen cũng bị đối xử tàn nhẫn, như bà Hariét Bichơ Stao, tác giả cuốn "Cái lều của chú Tôm" chẳng hạn. Eligiát Lôvagiôi bị giết. Giôn Brao bị treo cổ, Tômát Bítsơ và Xtêphen Phôxtơ bị ngược đãi, bị đánh đập và bị bỏ tù. Trong nhà tù, Phôxtơ đã viết như sau: "Khi tôi nhìn tay chân tôi bị đánh nát nhừ, tôi nghĩ rằng, để giam giữ tôi, nhà tù sẽ chẳng còn cần thiết bao lâu nữa... 15 tháng vừa qua, nhà tù đã 4 lần mở cửa xàlim đón tôi, đồng bào tôi đã 24 lần lôi tôi ra khỏi nhà thờ của họ, họ đã hai lần ném tôi từ tầng gác thứ hai xuống, một lần đánh tôi đến sụn lưng, một lần khác họ định cùm kẹp tôi, hai lần họ phạt tiền tôi. Có lần, 1 vạn người định đưa tôi ra hành hình kiểu Linsơ, và tôi đã bị đánh bị thương 20 chỗ, ở đầu, cánh tay, cổ...".
Trong 30 năm, đã có 708 người da trắng, trong đó có 11 phụ nữ, bị hành hình kiểu Linsơ, người thì vì đã tổ chức bãi công, người thì vì đã đồng tình với cuộc đấu tranh của người da đen.
Hành hình kiểu Linsơ thật đáng chiếm một vị trí vinh dự trong bộ sưu tập toàn bộ những tội ác của nền "văn minh" Mỹ.

NGUYỄN ÁI QUỐC
Tập san Inprekorr, tiếng Pháp,số 59, năm 1924.

GIÁO DỤC QUỐC DÂN "CÁI DÃ MAN" BÔNSƠVÍCH


Chính phủ Xôviết đã cho thực hiện chương trình sau đây:
   
A) Giáo dục không mất tiền và bắt buộc; giáo dục phổ thông và bách khoa đối với các trẻ em nam nữ cho đến 17 tuổi; từ 17 tuổi trở lên thì giáo dục chuyên môn và chuyên nghiệp.
   
B) Nhà nước chịu phí tổn cho tất cả học sinh về ăn uống, quần áo, giầy dép và những thứ cần dùng cho học sinh.
   
C) Thiết lập một hệ thống các trường mẫu giáo và vỡ lòng, nhà giữ trẻ, vườn trẻ, nhà nuôi trẻ, v.v. nhằm mục đích cải thiện việc giáo dục của xã hội, giải phóng người phụ nữ.
   
D) Nhân dân lao động tích cực tham gia việc giáo dục quốc dân; phát triển các "Hội đồng giáo dục quốc dân"; tất cả những công dân có trình độ giáo dục phổ thông, đều thuộc quyền sử dụng của Nhà nước, v.v..
   
E) Trong ngành đại học, các sinh viên nghèo và nhất là công nhân và nông dân được cấp học bổng và những ưu tiên khác để họ có phương tiện vật chất theo học ngay cả các trường đại học.

"NỀN VĂN MINH" PHÁP

Để truyền bá ánh sáng tốt lành của nền văn minh cao quý vào các nước được nước mẹ bảo hộ, nước Pháp đã đưa lại cho 40.000.000 "người Pháp hải ngoại" 8.007 trường học. Tôi không nói quá đâu.

Trong xứ Goađơlúp, 10.000 trẻ em không có trường học. Tại Angiêri thuộc Pháp, từ suốt 94 năm nay, trong số 5.000.000 dân chỉ có 35.000 học sinh là được hưởng thụ một nền giáo dục nhỏ giọt, còn 695.000 trẻ em bản xứ thì phải chịu dốt nát.

Tại Cao Miên: 60 trường cho 2.000.000 dân! Tại Nam Kỳ (thuộc Pháp từ hơn nửa thế kỷ nay): trong số 2.500.000 người dân, chỉ có 51.000 học sinh.

May mắn thay, tuy chúng ta thiếu trường học, nhưng nước Pháp đã ban cho chúng ta rất nhiều nhà thổ, tiệm hút thuốc phiện và ty rượu.

NGUYỄN ÁI QUỐC
Báo Le Paria, số 29, tháng 9-1924.

CÁC NƯỚC ĐẾ QUỐC CHỦ NGHĨA VÀ TRUNG QUỐC


Những sự biến ở Trung Quốc có hai mặt: sự xung đột giữa các tướng lĩnh Trung Quốc và sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài. Chính mặt sau này làm cho chúng ta quan tâm hơn cả, vì nó quyết định cuộc chiến tranh nồi da nấu thịt có thể đưa lại những hậu quả nghiêm trọng nhất.
   
Hãy thử tóm tắt lịch trình những cuộc can thiệp của nước ngoài trong quá khứ để tìm ra nguyên nhân thực tế, lý do chính của sự can thiệp hiện tại.

MỘT SỐ NGÀY THÁNG

1635, vua Anh gửi thư yêu cầu cho phép buôn bán ở Trung Quốc.
   
1830, đại sứ Anh yêu cầu cho phép nhập khẩu thuốc phiện vào Trung Quốc. Yêu cầu bị Trung Quốc bác bỏ.
   
1836, người Anh nhập khẩu 20.280 hòm thuốc phiện lậu vào Trung Quốc.
   
1839, nước Anh tuyên chiến với Trung Quốc để bắt buộc nước này phải nhận thuốc phiện.
   
1841, Hương Cảng bị chiếm đoạt, Trung Quốc phải bồi thường 21.000.000 đồng đôla chiến phí, trong đó 6.000.000 đồng là đền vào giá trị số thuốc phiện bị phá huỷ.
   
1856, nước Anh gây ra một cuộc chiến tranh mới để buộc Trung Quốc phải hợp pháp hoá việc bán thuốc phiện và mở cửa biển cho nước ngoài vào buôn bán.
   
1860, quân đội Anh - Pháp chiếm Bắc Kinh. Nhượng bộ: Anh - Pháp được chiếm đóng đảo Víchtôria. Bồi thường: 800 triệu lượng1) cho Pháp và 10 triệu bảng cho Anh.
   
1874, Nhật Bản tấn công Trung Quốc. Nhượng bộ: bãi bỏ chủ quyền của Trung Quốc ở Đài Loan, và đảo này thành thuộc địa của Nhật. Bồi thường: 50 triệu lượng.
   
1876, chiến tranh với Nga. Nhượng bộ: lãnh thổ bị chiếm đóng. Bồi thường: 900 triệu rúp.
   
1878, lại xung đột với Anh. Nhượng bộ: thừa nhận trị ngoại pháp quyền. Bồi thường: 20 triệu lượng.
   
1885, Pháp tấn công. Nhượng bộ: bãi bỏ chủ quyền Trung Quốc ở An Nam , nước này bị Pháp chiếm làm thuộc địa.
   
1895, Nhật tấn công. Nhượng bộ: Trung Quốc hết chủ quyền ở Triều Tiên. Nước này bị Nhật chiếm làm thuộc địa. Bồi thường: 20 triệu lượng.
   
1895, Nga, Pháp và Đức cùng tấn công. Nhượng bộ: thừa nhận quyền xây dựng đường sắt. Bồi thường: 3 tỷ lượng.
   
1897, Đức xâm lược. Kiều Châu bị chiếm đóng, phải thừa nhận quyền khai thác hầm mỏ.
   
1897, Nga xâm lược. Cửa Lữ Thuận bị chiếm.
   
1897, Anh xâm lược. Hải Xâm Uy bị chiếm đóng.
   
1898, Pháp xâm lược. Thừa nhận quyền thiết lập đường điện tín ở Hoa Nam.
   
1900, Can thiệp vũ trang của Anh, Nga, Đức, Pháp, Mỹ, ý, áo và Nhật (Cuộc khởi nghĩa của Nghĩa hoà đoàn52). Quân đội nước ngoài đóng ở Bắc Kinh và ở các cửa biển quan trọng. Bồi thường: 450 triệu lượng.
   
Từ khi nổ ra cuộc chiến tranh thế giới, bọn đế quốc chủ nghĩa thay thế việc ăn cướp công khai và vũ trang bằng việc ăn cướp che đậy và ngoại giao. Chúng thông qua những cuộc hội nghị, lặng lẽ cướp bóc Trung Quốc đang ở trong tình trạng chia rẽ và bị bó tay trước bọn chúng.
   
1919, Hiệp ước Vécxây chuyển giao tất cả những tô giới của Đức ở Trung Quốc cho Nhật, mặc dầu chính Trung Quốc cũng là một nước đồng minh.
   
1922, Hội nghị Oasinhtơn thông qua việc các nước Anh, Pháp, Mỹ và Nhật nắm lấy các khoản thu nhập ở Trung Quốc và nắm các độc quyền về rượu, muối, v.v..
   
1923, Thông điệp của các đại sứ đòi cho Pháp, Anh, Mỹ, Nhật, và Bỉ quyền quản lý các đường sắt Trung Quốc. Tháng 9 năm 1924, hạm đội của các cường quốc nói trên thao diễn trước Quảng Châu.

TÌNH HÌNH TRUNG QUỐC

Chúng ta đã thấy rằng, dưới nhiều lý do khác nhau và bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, các nước tư bản chủ nghĩa can thiệp vào Trung Quốc trước sau cũng vẫn chỉ nhằm đi tới một kết quả là bắt nhượng đất và lấy tiền bồi thường.
   
Bây giờ hãy nhìn qua tình hình kinh tế và tài chính của cái nước lớn ấy, nước có một nền văn minh lâu đời và hiện đang là đối tượng dòm ngó của bọn chúng.
   
Từ năm 1895, Trung Quốc đã ký kết 16 hiệp ước vay mượn, mà tổng số lên đến:

902.000.000 phrăng,
       
61.500.000 bảng Anh,
       
64.368.000 đôla,
       
115.000.000 yên,
       
1.763.000 cuaron Hà Lan.
   
Thuế quan, thuế chợ, tiền thu về đường sắt, lợi tức về công nghiệp, thuế rượu và thuế thuốc lá, tiền thu về bưu điện và ngân khố quốc gia, thuế muối, v.v. đều phải đem ra bảo đảm cho cái khoản vay mượn ấy.
   
Nhìn vào bản đồ Trung Quốc, ta thấy rằng hầu hết các hải cảng quan trọng, hầu hết các vị trí chiến lược, hầu hết các trung tâm sản xuất hiện đại đều bị nước ngoài chiếm đóng. Song bản đồ vẫn chưa nói được hết. Bản đồ vẫn chưa chỉ rõ được ảnh hưởng của tư bản nước ngoài lan rộng tới đâu, cũng chưa chỉ rõ được tầm đại bác của bọn đánh thuê của nước ngoài có thể bắn tới tận đâu.

VIỆC BIẾN TRUNG QUỐC THÀNH THUỘC ĐỊA

Mặc dầu Trung Quốc rất suy nhược, mặc dầu nội bộ Trung Quốc bị chia rẽ, nhưng dẫu sao con số 11.139.000 km2 của nó cũng vẫn là một miếng mồi quá to mà cái mõm của chủ nghĩa đế quốc thực dân không thể nuốt trôi ngay một cái được. Và không thể trong một ngày mà đẩy một cách tàn bạo 489.500.000 người Trung Quốc vào xiềng xích của chế độ nô lệ thuộc địa. Cho nên người ta cắt vụn Trung Quốc ra: cách này chậm hơn nhưng khôn hơn.
   
Một nguyên nhân khác làm chậm việc biến Trung Quốc thành một thuộc địa có tính chất quốc tế là sự tranh giành giữa các nước đế quốc chủ nghĩa.
Nước Pháp đã chiếm được Đông Dương, muốn xâm lược miền Nam Trung Quốc. Việc xây dựng tốn kém con đường sắt Bắc Kỳ - Vân Nam phủ là một bằng chứng về điều đó.
   
Nước Anh hiện chiếm được Hương Cảng, ít nhất lúc này cũng tạm vui lòng với lối nô dịch kinh tế, nó đã kiểm soát được hầu hết tất cả các nguồn sản xuất; vậy thì ích gì mà phải lúng túng về việc đóng quân trên một lãnh thổ vô cùng rộng lớn nữa? Nhưng không đời nào Anh lại chịu để cho Pháp trở thành một cường quốc thực dân thật sự ở châu á. Và bởi vì ấn Độ đã thức tỉnh đang bắt đầu gạt bỏ ách áp bức kinh tế của nước Anh, cho nên bọn hám lợi nước Anh phải tìm cách vớt bù lại ở Trung Quốc. Nước Nhật quá đông dân vẫn lăm le chiếm lấy vài tỉnh của Trung Quốc, nhưng khi nào Mỹ lại chịu để như thế, vì nó sẽ là một mối nguy cho Mỹ. Đối với Mỹ, Trung Quốc là một thị trường và có thể là một đồng minh trong một cuộc xung đột với Nhật Bản.

Ý NGHĨA CỦA CUỘC CAN THIỆP HIỆN NAY

Trong một cuộc can thiệp hiện nay, bọn đế quốc nhằm hai mục đích. Trước hết, giành thêm những nhượng bộ mới, sau nữa - và tôi cho rằng đây là điều chủ yếu - lật đổ Tôn Dật Tiên. Chúng ta biết rằng các chính phủ lên thay nhau ở Bắc Kinh luôn luôn vẫn thực hiện có một chính sách là: bên trong thì chính sách hủ bại, bên ngoài thì khuất phục trước bọn đế quốc chủ nghĩa nước ngoài.
   
Trái lại, Tôn Dật Tiên, "người cha của cách mạng Trung Quốc", người đứng đầu chính phủ Quảng Châu, thì luôn luôn trung thành với những nguyên lý của mình, ngay cả trong những lúc khó khăn nhất. Cương lĩnh của đảng ông - Quốc dân đảng - là một cương lĩnh cải cách. Cương lĩnh đó gồm những điều khoản chống đế quốc và chống quân phiệt một cách rõ rệt. Đảng đó lớn tiếng tuyên bố đoàn kết với các dân tộc bị áp bức ở các nước thuộc địa và với giai cấp vô sản quốc tế. Đảng đó đồng tình với Cách mạng Nga: Thật là một tội lỗi không thể tha thứ được! Chủ nghĩa đế quốc Pháp, kẻ áp bức nhân dân Đông Dương, đang lo ngại về ông bạn láng giềng khó chịu ấy, vì những tư tưởng phá hoại của ông láng giềng cũng có thể xuyên qua biên giới và thâm nhập vào những người nô lệ An Nam của họ. Trung Quốc có biên giới chung với ấn Độ và Triều Tiên. Một nước Trung Hoa thống nhất, tự do và hùng mạnh sẽ là màn giáo đầu của một nước Triều Tiên độc lập và một nước ấn Độ giải phóng. Đế quốc Anh và đế quốc Nhật không thể không lo ngại về điều đó. Nguy cơ tuy còn xa, nhưng suy theo tính chất rộng lớn ấy, thì cũng đã là một mối nguy cơ thực tế rồi.
   
Chính vì thế mà ngày nay người ta đang tìm cách thanh toán Tôn Dật Tiên và đảng của ông, cũng như trước đây người ta đã tìm cách bóp chết nước Nga cách mạng vậy.

NHỮNG KHẢ NĂNG CỦA MỘT CUỘC CAN THIỆP VŨ TRANG

Các cường quốc đế quốc chủ nghĩa theo nhau gửi tối hậu thư. Người ta huy động các hạm đội trên mặt biển Trung Quốc. Người ta tập trung tàu chiến vào cửa bể Thượng Hải và cửa sông Dương Tử. Có lẽ sẽ có một cuộc can thiệp trực tiếp chăng? Điều đó không chắc chắn lắm. Trong cái âm mưu mới chống lại nhân dân Trung Quốc này, Anh nắm vai trò lãnh đạo. Mácđônan sẽ không dám liều lĩnh tiến hành một cuộc can thiệp ra mặt. Ông ta đành chỉ sẽ ra sức giúp cho những kẻ thù của Tôn Dật Tiên, và cái sách lược cổ truyền của chính sách nước Anh lại được tiếp tục thực hiện chờ đợi tình trạng đục nước béo cò.

NHỮNNG HẬU QUẢ CỦA VIỆC CAN THIỆP

Chủ nghĩa tư bản quốc tế đang điên cuồng tích luỹ. Kế hoạch của các nhà chuyên môn đang tổ chức việc nô dịch công nhân nước Đức. Ngoại giao đầy tính chất can thiệp - ngoại giao của các tuần dương hạm, như Tôn Dật Tiên nói - đang chuẩn bị nô dịch những người lao động da vàng. Việc nô dịch hoàn toàn giai cấp vô sản Đức chắc chắn sẽ dẫn tới việc nô dịch giai cấp vô sản châu Mỹ và châu Âu. Kế hoạch Đaoxơ53 là một sự tấn công trực tiếp vào giai cấp công nhân. Việc biến Trung Quốc thành thuộc địa sẽ khiến cho chủ nghĩa tư bản kiếm được nhân công hết sức rẻ mạt, sẽ hạ thấp tiền lương ở châu Âu và châu Mỹ, sẽ củng cố thế lực tư bản. Việc can thiệp vào Trung Quốc là một cuộc tấn công trực tiếp vào giai cấp công nhân.

NGUYỄN ÁI QUỐC
Tập san Inprekorr, tiếng Pháp,số 67, ngày 24-9-1924.

CÔNG CUỘC KHAI HÓA GIẾT NGƯỜI


Người da trắng khai hoá những người da đen như thế nào - Một vài sự việc mà những sách giáo khoa về lịch sử không nói đến.
   
Nếu lối hành hình theo kiểu Linsơ của những bọn người Mỹ hèn hạ đối với những người da đen là một hành động vô nhân đạo, thì tôi không còn biết gọi việc những người Âu nhân danh đi khai hoá mà giết hàng loạt những người dân châu Phi là cái gì nữa.
   
Từ ngày người da trắng đặt chân lên bờ biển lục địa của người da đen thì lục địa đó không lúc nào là không đẫm máu. ở đó, những cuộc tàn sát hàng loạt được Giáo hội cầu chúc phúc lành, được bọn vua chúa và nghị viện phê chuẩn một cách hợp pháp, được bọn buôn người da đen đủ mọi hạng - từ bọn buôn nô lệ xưa kia, cho đến bọn quan cai trị ngày nay ở thuộc địa - chăm chú thi hành.

TÔN GIÁO

Chính là để gieo rắc những ơn lành của đạo Kitô, mà vào khoảng năm 1442, những tướng tá của đức vua Tây Ban Nha rất ngoan đạo đã đổ bộ lên bờ biển châu Phi. Việc truyền đạo của họ bắt đầu bằng những cuộc tàn sát. Theo lời những cuốn nhật ký hành trình của họ, thì: "... Và cuối cùng, Đức vua (là người vẫn hằng thưởng công huân những công cuộc làm rạng rỡ uy danh của Ngài), đã giúp cho những bầy tôi trung thành của Ngài chiến thắng được kẻ thù. Ngài đã ban danh vọng để đáp lại công lao của chúng ta, đã trả các khoản chi phí của chúng ta và nhờ Ngài chúng ta đã bắt được 165 người vừa đàn ông, đàn bà và trẻ con, chưa kể một số đông bị giết và bị thương".
   
Những kẻ đi chinh phục ngoan đạo đó đã tạo thành một thứ thói tục.
   
Trong bản kê những của cải tịch thu được của những người Giêduýt2) Braxin, năm 1768 thì ngoài những cây thập tự cứu thế và những đồ thờ khác ra, còn có những con dấu bằng sắt dùng để đánh dấu lên mặt người nô lệ.
   
Trong một thời gian dài, các hội "truyền bá đạo Kitô" của người Anh đã lấy việc buôn nô lệ làm nguồn lợi cho việc thờ phụng truyền giáo của họ.
   
Ngày 12 tháng 2 năm 1835, giáo hội độc lập của Giáo khu Crít Sớcsơ (Nam Carôlin) đã đăng báo quảng cáo rằng giáo hội sắp đem bán một món hàng từ 10 nô lệ đã quen việc trồng bông. Thật người ta có thể kể ra không biết bao nhiêu sự việc như thế.
Những giáo hội ở Bắc Mỹ đều là những kẻ thù kiên quyết nhất chống việc xoá bỏ chế độ nô lệ.

BỌN VUA CHÚA

Từ Sáclơ Canh cho đến Lêôpôn đệ nhị, vua Bỉ, từ bà Nữ hoàng đức hạnh của nước Anh là Êlidabét cho đến Napôlêông, tất cả cái bọn người ngồi trên ngai vàng ấy đều buôn bán người da đen. Tất cả bọn vua chúa đi chiếm thuộc địa đều đã ký những hiệp ước và đã cho phép độc quyền kinh doanh thịt người da đen.

"Ngày 27-8-1701, Đức vua Tây Ban Nha rất ngoan đạo, và Đức vua Pháp rất ngoan đạo đã cho Công ty hoàng gia ở Ghinê được độc quyền trong 10 năm chở những người da đen trong các thuộc địa châu Mỹ... để nhân đó mà cả bọn vua tôi đều kiếm được những món lợi lớn...".
   
"Đức vua Anh nhận trách nhiệm đưa vào đất Mỹ thuộc Tây Ban Nha 144.000 người da đen, cả nam lẫn nữ, đủ các lứa tuổi, với giá tiền mỗi đầu người là 33 đồng êquy và 1/3 đồng...".

BỌN BUÔN NGƯỜI DA ĐEN

Năm 1824, một chiếc tàu buôn người da đen vừa lấy những người da đen từ bờ biển châu Phi để đưa đi Ăngtiơ, thì bị một tuần dương hạm đuổi theo. Trong khi đuổi theo, người ta thấy có nhiều chiếc thùng trôi lềnh bềnh gần tuần dương hạm. Người ta tưởng rằng chiếc tàu buôn người da đen đã vứt bỏ những thùng nước xuống cho nhẹ bớt để dễ chạy trốn. Nhưng khi đã cặp sát được chiếc tàu rồi, thì người ta nghe thấy tiếng rên rỉ trong một chiếc thùng để trên boong tàu: mở ra thấy hai người đàn bà da đen gần bị chết ngạt. Té ra chiếc tàu buôn người da đen đã nghĩ được cách đó để cho nhẹ bớt tàu.
   
Một chiếc tàu Anh cứu được một chiếc tàu buôn người da đen bị đắm. Người ta cứu cả những người da đen lẫn thuỷ thủ trên tàu. Nhưng đến khi thấy thiếu lương thực, người ta liền quyết định hy sinh những người da đen. Người ta bắt họ sắp hàng trên boong tàu, rồi dùng hai khẩu súng lớn bắn họ một cách không thương xót gì cả.

TÌNH CẢNH NHỮNG NGƯỜI NÔ LỆ

Những người da đen bị bắt đều bị buộc cổ, buộc tay, buộc chân với nhau, thành từng đôi một. Rồi người ta lại dùng một cái xích dài buộc thành từng chuỗi 20 hay 30 người một. Trói như thế rồi, người ta dong họ ra tận bến tàu. Người ta nhét họ chồng chất vào trong hầm tàu chật chội, tối om và nghẹt thở. Để "bảo đảm vệ sinh", người ta dùng roi quật họ tới tấp như mưa để bắt họ phải nhảy nháo lên mỗi ngày vài lần. Để hòng được rộng chỗ, thường thường là, đàn ông bóp cổ lẫn nhau, và đàn bà thì dùng đinh đâm thủng trán những chị bên cạnh. Những người ốm bị coi là hàng hoá đã hư hỏng không bán được, bị quẳng xuống biển. Khi biển động, người ta ném người da đen xuống biển để cho nhẹ tàu. Nói chung khi tàu cặp bến thì một phần tư chuyến hàng da đen đã chết gục vì bệnh truyền nhiễm hay chết ngạt. Những người nô lệ còn sống sót bị đem đóng dấu và đánh số bằng sắt nung đỏ như súc vật vậy, người ta đếm họ bằng tấn, bằng "kiện" chứ không phải bằng đầu người. Thí dụ như Công ty Bồ Đào Nha ở Ghinê, năm 1700 đã ký một hợp đồng là sẽ cung cấp 11.000 "tấn" người da đen.
   
Hơn 15 triệu người da đen đã bị chở sang Mỹ trong những điều kiện như vậy, độ 3 triệu đã chết dọc đường hay bị ném xuống biển. Còn những kẻ vì chống cự hay nổi loạn mà bị giết thì không kể... Lối buôn bán nhơ nhuốc đó chấm dứt vào khoảng năm 1850 để nhường chỗ cho một hình thức nô lệ khác phổ biến hơn là: chế độ thực dân.

CHẾ ĐỘ THỰC DÂN

Những hiện tượng tàn khốc mà chúng tôi sắp kể ra đây, nếu không phải là đã được chứng minh bằng những tài liệu không thể chối cãi được, nếu không phải chính những người Âu kể lại, thì người ta khó mà tin được.
   
Một nhà buôn Pháp ở Mađagátxca thấy trong két bạc của hắn bị mất trộm, đã dùng điện tra tấn nhiều người bản xứ làm cho hắn mà hắn ngờ là đã lấy trộm. Sau đó ít lâu, người ta phát hiện ra rằng chính con hắn đã lấy.
   
Một viên quan cai trị thuộc địa đã bắt một chị người da đen đội một hòn đá lớn đứng suốt ngày ngoài nắng chang chang. Rồi hắn sai đem trói chị lại và sai đổ cao su nóng bỏng vào bộ phận sinh dục của chị.
   
Một tên thực dân nọ nổi giận vì không thể bắt hai người đầy tớ bản xứ của hắn làm công không, đã đem trói hai người đó vào cọc, giội dầu hoả lên và thiêu sống.
Những tên thực dân khác đem nhét mìn vào mồm hay hậu môn những người da đen và đốt cho nổ.
   
Một viên chức kia khoe là một mình hắn đã giết 150 người bản xứ, chặt 60 bàn tay, đóng trên cây thập tự rất nhiều đàn bà và trẻ con, và treo rất nhiều xác người đã bị vằm lên tường các làng mà hắn được trao cho cai trị. Một công ty khai khẩn đồn điền nọ đã làm chết 4.500 người lao động bản xứ tại riêng một đồn điền của nó.
   
Trường hợp ngoại lệ, cá biệt ư? Không phải. Đó là tục lệ của họ. Nhưng chúng ta hãy kể một vài tội ác giết người hàng loạt mà người ta không thể đổ tại bản tính dã man của một vài cá nhân nào cả, nhưng là những tội ác mà toàn bộ chế độ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.
   
Một nhà văn Pháp kể lại: "Trong xứ Angiêri của chúng ta ở sát bãi sa mạc, tôi đã thấy như sau: Một hôm, binh lính bắt những người Arập chẳng mắc tội tình gì ngoài cái tội đã trốn tránh sự tàn bạo của những kẻ đã chinh phục họ. Viên quan năm ra lệnh đem giết ngay không cần điều tra, xét xử gì cả. Và đây là điều đã xảy ra... Họ bị bắt tất cả là 30 người. Người ta đào 30 hố ở bãi cát rồi đem chôn họ xuống đến cổ, trần truồng, đầu cạo trọc, dưới trời nắng giữa trưa. Để giữ cho họ không chết ngay, thỉnh thoảng người ta lại đem nước tưới như tưới cải bắp... Nửa giờ sau, mi mắt họ sưng húp lên, con mắt lòi ra. Lưỡi sưng vù lên đầy cả cái miệng mở há hốc trông thật khủng khiếp... rồi da nứt ra, trán thì vàng lên như thịt lợn quay...".
   
Một bộ tộc ở Băngghi không thể cung cấp được đủ số cao su cho đồn điền. Đồn điền này muốn buộc họ phải nộp cho đủ số thiếu, liền bắt 58 phụ nữ và 10 trẻ em giữ làm con tin. Những con tin này bị nhốt vào chỗ thiếu không khí, thiếu ánh sáng, thiếu ăn và ngay cả nước uống cũng thiếu nữa. Thỉnh thoảng người ta lại đến đánh đập họ. Theo bọn thực dân nói thì tiếng kêu la của họ dùng để thôi thúc công việc. Sau ba tuần chịu đau đớn khốc liệt, 58 phụ nữ và 2 trẻ em chết.
   
Năm đó hạn hán. Mùa màng mất cả. Toàn vùng đó ở châu Phi bị khốn khổ. Người ta phải ăn cỏ và rễ cây. Các cụ già chết vì đói lả. Thế mà chính phủ khai hoá vẫn cứ bắt phải nộp thuế. Những người dân đang bị hạn hán bỏ lại cho chính phủ ruộng đất, vườn tược, nhà cửa và trốn vào núi. Viên quan cai trị đưa chó săn và lính vào truy nã và tìm thấy họ trong một cái hang. Người ta bèn hun cho họ chết.
   
Năm 1895, người Anh đã tàn sát 3.000 người Matabêlê1) nổi loạn đã ra đầu hàng họ.
   
Từ 1901 đến 1906, người Đức ít ra cũng đã tàn sát đến 15.000 dân Hererô ở Tây Phi.
   
Năm 1911, người ý, trong có 3 ngày mà đã biến ngoại ô Masiya thành lò sát sinh, 4.000 người bản xứ bị giết ở đó.
   
Những cuộc tàn sát đại quy mô đó được nêu lên thành nguyên tắc chính trị. Đó là chính sách giết sạch. Một chính phủ ở Cáp đã tuyên bố: "Nếu người bản xứ mà đi vào con đường không tuân lệnh và nổi loạn, thì họ sẽ bị thẳng tay quét sạch khỏi nước họ, và sẽ có những dân tộc khác đến thay thế họ".
   
Ngày nay, 10 năm sau cuộc chiến tranh đòi "quyền dân tộc tự quyết", thì người Tây Ban Nha và người Pháp vẫn tiếp tục cuộc xâm chiếm đẫm máu nước Marốc, dưới con mắt bao che của những kẻ tai to mặt lớn ở Hội quốc liên54.
   
Lịch sử việc người Âu xâm chiếm châu Phi - cũng như bất cứ lịch sử xâm chiếm thuộc địa nào - thì từ đầu đến cuối đều được viết bằng máu những người bản xứ.
   
Sau những cuộc tàn sát thẳng tay thì chính những chế độ lao dịch, khuân vác, lao động khổ sai, rượu cồn, bệnh giang mai tiếp tục hoàn thành công cuộc tàn phá của sự nghiệp khai hoá. Kết quả tất nhiên của chế độ ghê tởm đó là sự tiêu diệt giống da đen.
   
Kể ra thì thêm vào những sự việc đó một vài con số, cũng tốt, nhưng cũng thật là đau đớn. Người ta sẽ thấy rằng một vài tên thực dân giàu có lên nhanh chóng thì cũng đúng vào lúc dân số những miền bị bóc lột giảm bớt đi không phải là không nhanh chóng. Từ 1783 đến 1793, Công ty Livécpôn đã kiếm được chừng 1.117.700 bảng bằng cách buôn bán nô lệ. Cũng trong thời gian đó, dân số trong vùng công ty đó đặt chân đến, đã mất đi 304.000 người. Trong 9 năm, vua Lêôpôn Đệ nhị đã bóc lột xứ Cônggô được 3.179.120 bảng.
   
Năm 1908, dân số xứ Cônggô thuộc Bỉ là 20 triệu, đến năm 1911, chỉ còn có 8.500.000 thôi. Trong xứ Cônggô thuộc Pháp, những bộ tộc gồm có 40.000 người mà trong 2 năm chỉ còn lại có 20.000 người, nhiều bộ tộc khác không còn lấy một người.
   
Năm 1904, dân số Hôtentô là 20.000 người, chỉ trong 7 năm bị đô hộ, còn lại có 9.700 người.

NGUYỄN ÁI QUỐC
Tập san Inprekorr, tiếng Pháp, số 69, năm 1924.

THỐNG CHẾ LIÔTÂY VÀ BẢN TUYÊN NGÔN NHÂN QUYỀN


Thủ hiến xứ Marốc cho bản đại hiến chương của giai cấp tư sản Pháp là có tính chất phá hoại và nguy hiểm.
   
Hội Nhân quyền và Công dân quyền55 (từ năm 1924...) đã có cái chủ trương khờ dại là cho niêm yết tại các trường học và công sở xứ Marốc thuộc Pháp bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Công dân quyền năm 1789. Thống chế Liôtây - người có trọng trách giữ vững Nhân quyền và Công dân quyền tại Marốc, đã cấm ngặt việc niêm yết bản Tuyên ngôn quá nguy hại đó. Không may cho người Marốc và may thay cho những người Pháp cách đây 135 năm, là vị Thống chế vinh quang của chúng ta đã sinh ra khoảng 75 hay 80 năm sau cuộc đại Cách mạng; chứ không thì... Nhưng thôi, không đùa nữa, chúng ta hãy nói thẳng vào việc.
   
Trong bức thư gửi cho Thủ tướng Nội các, Thống chế cắt nghĩa lệnh cấm đó như sau:
  
"Trong lúc này và trong nhiều năm về sau nữa, đối với dân bản xứ, nước Pháp có một nhiệm vụ trước nhất phải làm tròn là: dạy cho họ biết giữ bổn phận của mình. Chỉ khi nào họ hiểu bổn phận của họ thì mới có thể nói đến việc ban bố cho họ những quyền lợi mà hoàn cảnh xã hội và trình độ hiểu biết của họ có thể cho phép họ được hưởng.
   
"Trong lúc này, không thể* đưa ra cho những kẻ mà chúng ta đang bảo hộ các quyền lợi được thi hành ở Pháp cho công dân Pháp, nhất là điểm: "Nguyên tắc chủ quyền là ở trong quốc dân, và luật pháp là biểu hiện của ý chí"...
   
"Vậy niêm yết những nguyên tắc đó ở các chỗ công cộng là rất nguy hiểm.
   
"Bất đắc dĩ lắm, ta chỉ có thể làm thoả mãn được Hội nhân quyền trong những trụ sở chỉ riêng có người Pháp lui tới mà thôi; nhưng trên thực tế, ở Marốc hiện không có những trụ sở như thế v.v.".
   
Mặc cho Liôtây cứ việc coi bản Tuyên ngôn... đã đưa lại sự tự hào cho nền Cộng hoà của ông ta và vinh dự cho cha ông của ông ta, như một mảnh giấy lộn tồi tàn; mặc cho ông ta cứ việc ngạo nghễ khinh thường một tổ chức có tiếng tăm của nền dân chủ tư sản và của những nguyên lý lớn thời Cách mạng 1789-1793, chúng ta cũng cóc c...ần và người Marốc cũng vậy. Nhưng chúng ta phải nhắc lại cho những anh em xứ Marốc chúng ta điều này:
   
Trong cuộc chiến tranh vì "công lý" - không phải công lý cho Con người và cho Công dân, mà công lý cho bọn Diều hâu và Cá mập - thì trong số 53.000 người Marốc đã làm "bổn phận của họ" (40.000 người làm lao động và 13.000 làm lính), có 10.000 đã làm tròn bổn phận mình đến nỗi đã bỏ xương trên các bãi chiến trường. Có những người Marốc khác cũng đã làm "bổn phận" mình bằng cách cung cấp cho nước mẹ đang lâm chiến hàng vạn tấn hàng hoá, hàng trăm triệu phrăng trong các cuộc công trái bắt buộc, được gọi là công trái "Chiến thắng" và cho các cuộc lạc quyên bắt buộc, để giúp các vùng bị quân "bôsơ dã man" xâm chiếm, đã làm trong thời kỳ 1914-1918 đúng những điều mà những người Pháp văn minh đã làm cách đây 20 năm ở Marốc và hiện đang làm hằng ngày ở đó. Để đền đáp lại những bom đạn và những công ơn của Nước bảo hộ, nông dân Marốc trong khoảng mười lăm năm đã phải "nhường lại" hàng chục vạn hécta ruộng đất tốt nhất của mình, còn mình thì lên núi và những cao nguyên trơ trụi để chết đói. Vì nền "thái bình của nước Pháp", họ đã phải đóng sưu thuế nặng nề cứ hằng năm lại tăng lên. Thuế má từ chỗ 109.499.000 phrăng hồi năm 1918, năm 1922 đã lên tới 171.953.000. Trong số mấy trăm triệu thuế do người Marốc đã đổ mồ hôi ra đóng đó, thì 96.000.000, nghĩa là một phần ba, dùng để nuôi béo những người như Liôtây và đồng bọn (chỉ riêng những khoản chi phí cho Phủ Toàn quyền cũng đã lên tới 25.000.000 phrăng).
   
Thế là người Marốc đã làm tròn "bổn phận" của mình, bổn phận người nô lệ. Nhưng để xứng đáng với quyền Con người và quyền Công dân, họ còn phải làm bổn phận của họ là những Con người và những Công dân nữa, nghĩa là phải tổ chức nhau lại và đấu tranh để giành lấy các quyền đó, như người Pháp từng làm hồi 178956 và như giai cấp vô sản cách mạng ngày nay đang làm. Bổn phận đó, những anh em chúng ta ở Marốc chưa hiểu. Cho nên Liôtây đã có lý để cho rằng rượu cồn, thuốc phiện và nhà thổ (những tiệm rượu và nhà thổ ở Marốc cứ 5 năm lại tăng 280%) có giá trị "khai hoá" nhiều hơn và có ích cho sự nghiệp thực dân nhiều hơn là bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Công dân quyền nhạt nhẽo vậy.

NGUYỄN ÁI QUỐC
Tập san Inprekorr, tiếng Pháp,số 71, ngày 17-10-1924.

CHỦ NGHĨA THỰC DÂN BỊ LÊN ÁN KINH NGHIỆM Ở CHÂU PHI XÍCH ĐẠO THUỘC PHÁP


Chế độ thực dân Pháp đã "thu được"... nhiều thất bại. Không phải chỉ có chúng tôi mới nhận thấy như thế. Nhân một cuộc thất bại đặc biệt thảm hại, tờ Le Temps, ngày 24 tháng 9 đã viết:
   
"Thật vậy, ai cũng biết rằng tình hình châu Phi xích đạo của chúng ta không phải là đúng như chúng ta đã hy vọng chút nào cả, khi mà... lá cờ của nước Pháp phấp phới trên những vùng rộng bao la mà chúng ta đã chiếm đoạt được chứ không phải là thu phục được cho nước Cộng hoà. Không phóng đại và cũng không cường điệu gì cả, ta có thể nói rằng... châu Phi xích đạo hiện nay đang ở vào tình trạng thật sự là tụt lùi. Việc khai thác miền đó thật là thô sơ, công cụ ở đó hình như không có gì cả. Hiện nay ngân sách thiếu hụt của miền đó chỉ thăng bằng được là nhờ chính phủ trợ cấp. Cuối cùng - điều nghiêm trọng hơn - là dân cư miền đó mòn mỏi đi và chết dần, yếu tố dân số mà sự duy trì, sự cải thiện và tăng lên là cơ sở cho mọi sự nghiệp, đang đi đến chỗ tiêu diệt". (Do chúng tôi gạch dưới).
   
Và sau đó, tờ báo còn viết:
   
"Hơn nữa, chúng ta còn phạm nhiều sai lầm; nói dài dòng về những sai lầm này cũng vô ích, bây giờ không phải lúc ngồi hối tiếc một cách vô bổ về quá khứ, phải chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp hơn. Hành động của chúng ta ở châu Phi xích đạo đã bị tê liệt hay chệch hướng ngay từ đầu, vì những sai lầm về nguyên tắc... đến nay cũng vẫn còn tác hại một cách ghê gớm; ngoài ra, hoạt động của chúng ta còn mang hậu quả tai hại của những sai lầm về phương pháp cần phải gấp rút sửa chữa".
Những sai lầm và khuyết điểm mà tờ Le Temps than phiền về những hậu quả tai hại mà không nêu ra những sự việc, là những sai lầm và những khuyết điểm nào? Đó là việc tước đoạt những người bản xứ, đó là việc bắt phu khuân vác, là chế độ lao dịch, đó là thuế khoá nặng nề, là việc tuyển mộ công chức và binh lính, là việc bắt con tin, là những sự tàn ác đối với nhân dân, đó là tất cả cái chế độ cướp bóc, giết chóc đáng ghê tởm đã làm cho thuộc địa này đi đến tình trạng thê thảm hiện nay.
Cách đây hơn 20 năm, ông Ôguyxtơ Sơvaliê, sau khi mô tả sự dã man của chế độ thực dân, tiên đoán như sau:
   
"Nếu người ta cứ tiếp tục làm như thế mãi, nếu người ta không ngừng việc đốt phá các làng mạc thì chẳng bao lâu... hai bờ sông Cônggô cũng như những vùng Ubanghi và Xanga sẽ hoàn toàn không còn một bóng người... Nếu chính sách ấy cứ tiếp tục như thế mãi thì sau đây nửa thế kỷ, tất những giống người cần cù đó sẽ tiêu diệt hết ... (Morel)".
  
Những cuộc tranh cãi trong nghị viện năm 1906 đã để lộ ra rằng một tờ thông tri của một công ty khai khẩn đồn điền đã viết: "Không được quên rằng các nhân viên của chúng ta phải đóng vai trò như là những tên kẻ cướp". Và một viên toàn quyền đã viết cho các công chức dưới quyền y như sau: "Tôi không giấu các ông rằng, khi đề nghị thăng thưởng, tôi đặc biệt căn cứ vào số thuế thu được của người bản xứ, điều mà các ông phải luôn luôn chú ý".
   
Những dòng sau đây trích trong một quyển sổ chứng tỏ rằng những lệnh đó đã được chấp hành từng ly từng tý:
       
"Hành quân càn quét làng Côlôvô.
       
Càn quét dân Phăng vùng thượng Cunô: đốt làng, phá vườn trại.
       
Càn quét dân Bêcami: lại đốt làng, phá huỷ 3.000 cây chuối (thức ăn dự trữ duy nhất).
       
Càn quét làng Cuya: đốt làng, phá trụi vườn trại.
       
Càn quét Ancoong: ném bom xuống làng, rồi phá trụi vườn trại.
       
Càn quét dân Examphami: phá sạch làng mạc.
       
Vùng Bôma đốt phá và giết người.
   
Hợp pháp hoá việc cướp bóc, tiêu diệt có hệ thống dân cư, phá trụi một cách có tổ chức những làng mạc, phương pháp là như thế đó.
   
Mười sáu năm sau, những hành động bỉ ổi như thế lại được người ta nêu ra trước nghị viện Pháp.
   
Tháng 12 năm 1921, nghị sĩ da đen Boanớp đã nói trong một bài diễn văn cảm động như sau:
   
"Dân số bị lụi đi vì bệnh tật, và nhất là vì chế độ mà họ phải chịu đựng từ khi bị chiếm đóng... Chế độ bắt phu khuân vác, sự bóc lột nặng nề của các công ty khai khẩn đồn điền đã giết những người bản xứ...".
   
Ngày 22 tháng 10 năm 1921, quyền Bộ trưởng thuộc địa đã ra một sắc lệnh quy định rằng một công nhân bản xứ đã được trả công để làm một công việc nào đó mà không làm tròn thì có thể bị bắt giam và truy tố về tội lừa đảo.
   
Ông Anbe Xarô - Bộ trưởng Bộ thuộc địa - đã phải thú nhận rằng dân cư khốn khổ của thuộc địa đã sắp diệt vong. Ông đã ra sức gán cho tình trạng dân cư bị diệt vong dần đi đó, là do thiếu vệ sinh, và ông viết:
   
"Việc săn sóc vụng về và bẩn thỉu đối với phụ nữ khi sinh nở... làm cho họ không sinh đẻ nữa; còn trẻ con lúc sơ sinh không được chăm nom chu đáo nên đã chết nhiều... Trong số dân cư bản xứ đã bị bệnh ngủ làm cho chết mòn dần đi, thì bệnh cúm lại còn sát hại thêm hàng vạn người nữa".
   
Để sửa chữa tình trạng đó, người ta đã làm được những gì? Người ta đã xây dựng được một nhà thương độc nhất, với 79 giường ở Bradavin, thủ đô của thuộc địa! Thế mà với các dân cư đang đi đến chỗ diệt vong đó, trong chiến tranh, người ta lại còn tìm được cách lấy đi 18.000 người - tất nhiên là những người lành mạnh nhất và vạm vỡ nhất - để làm mồi cho đại bác, 313.000 phrăng tiền cưỡng bức lạc quyên để cứu giúp các miền bị tàn phá ở Pháp, 7.323.000 phrăng tiền công trái cưỡng bức, 53.000 tấn hàng hoá, đấy là chưa kể không biết bao nhiêu là ngày đi phu để chuyên chở những đồ đã trưng thu.
   
Đó là những "sai lầm về nguyên tắc" đã biến thuộc địa trước kia thịnh vượng và dân cư đông đúc thành bãi sa mạc. Tuy những tài liệu này là những tài liệu chính thức, nhưng chúng tôi không tin rằng nó đã làm cho những bạn đọc dễ tính của Le Temps thấy rõ được sự thật.
   
Chú thích:
CHÂU PHI XÍCH ĐẠO THUỘC PHÁP (Bradavin, Librơvin, Băngghi, Pho Lăngnuy) rộng bằng bốn lần nước Pháp và chạy dài từ cửa sông Cônggô đến xứ Tơripôli. Dân số (theo điều tra năm 1921) là 2.850.868 người, trong số đó có 1.932 người Âu. Ngót hai nghìn kẻ bóc lột để bòn rút một nước gần 3 triệu người da đen và có nhiều của cải thiên nhiên. Sản xuất chủ yếu: cao su, gỗ, ngà voi, dầu thốt nốt, nhân thốt nốt, dừa, cà phê. Năm 1921, chỉ riêng xuất khẩu cao su không thôi cũng được gần 14 triệu phrăng. Để trao đổi lại số của cải ấy, cũng năm đó, nước Pháp đã nhập khẩu sang thuộc địa đó 1.698.787 phrăng lương thực, 1.732.336 phrăng rượu vang và rượu mạnh, 1.394.500 phrăng vải vóc, 826.000 phrăng vật liệu và thiết bị. Độc giả hãy thử so sánh những của cải mà nước người da đen dân số đang thưa dần đi đó đã xuất khẩu, với nhữmg cái mà nước đó ngược lại đã nhận được: rượu thì hai lần nhiều hơn thiết bị, còn kể về số lượng buôn bán thì rượu vang và rượu mạnh chiếm hàng đầu! Dân số bị làm mồi cho công cuộc khai hoá - nhất là bằng rượu mạnh - đang bị diệt vong. Ngược lại cao su và gỗ xuất khẩu thì cứ làm giàu cho một vài người kinh doanh ở chính quốc; nhưng để bù vào chỗ hụt trong ngân sách của cái chính phủ thuộc địa vừa siêng năng vừa tội lỗi ấy, nhân dân Pháp hằng năm đã phải nai lưng ra đóng thuế. Năm 1923, Chính phủ Pháp phải phụ cấp 8 triệu phrăng cho châu Phi xích đạo thuộc Pháp, ngoài ra lại còn phải lấy ở quỹ dự trữ ra 2.905.866 phrăng để phụ cấp thêm.
   
Trong cái thuộc địa rộng bao la gần 3 triệu dân đó, chỉ có ngót 8.000 trẻ em được học ở trường thế tục hay trường của Nhà chung.

NGUYỄN ÁI QUỐC
Tập san Inprekorr, tiếng Pháp, số 73, ngày 28-l0-1924.

ĐẢNG KU KLUX KLAN


Nguồn gốc - ý kiến của nguyên lão nghị viện Sécman (1871). - "Theo lối Mỹ 100 phần trăm".- "Hoàng đế" Ximmôn. - Những vụ hành hình theo kiểu Linsơ hồi 1919. - Tại sao, đảng K.K.K phải tiêu diệt.
   
Nguồn gốc đảng Ku Klux Klan là ở miền Nam nước Mỹ.
   
Tháng 5-1866, sau chiến tranh Nam - Bắc, một số thanh niên tụ tập nhau tại một địa phương nhỏ ở xứ Tennétxơ để tổ chức một câu lạc bộ. Để giết thời giờ, thế thôi. Người ta đặt tên cho tổ chức đó là Kuklos, một tiếng Hy Lạp nghĩa là câu lạc bộ. Muốn cho tiếng đó có vẻ Mỹ, người ta bèn đổi thành Ku Klux. Và cho độc đáo hơn, thành Ku Klux Klan.
   
Sau những cuộc đổi thay trong xã hội, tinh thần quần chúng dĩ nhiên là bị nao núng. Họ trở nên khao khát những cảm giác mới, thích những cái gì thần bí. Đảng K.K.K, với những lối ăn mặc lố lăng, những nghi thức quái lạ, những sự bí ẩn bí mật, nhất định là phải khêu gợi được óc tò mò của những người miền Nam nước Mỹ và được quần chúng rất ưa chuộng.
   
Ban đầu, đó chỉ là một nhóm những kẻ thích đua đòi mốt mới và những kẻ ăn không ngồi rồi, chứ chẳng có mục đích chính trị, xã hội gì. Bọn láu cá đã nhận thấy đó là một lực lượng có thể lợi dụng để đạt những tham vọng chính trị của chúng.

Chính phủ liên bang thắng lợi vừa giải phóng những người da đen và làm cho họ trở thành những người công dân. Nông nghiệp miền Nam, thiếu nhân công người da đen, nên không có người làm. Bọn địa chủ cũ lâm vào nguy cơ phá sản. Giữa khi đó thì những đảng viên của Klan tuyên bố nguyên tắc quyền tối cao của giống người da trắng. Chống người da đen, đó là chính sách duy nhất của họ. Giai cấp tư sản nông thôn và chủ nô thấy ngay đảng Klan là một trợ thủ đắc lực, hầu như là một cứu tinh. Nó liền hết sức giúp đỡ đảng đó. Biện pháp hành động của đảng Klan đi từ doạ nạt đến ám sát. Chúng đã gây ra - trong 3 năm trời - cơ man nào là tội ác và thảm hoạ đến nỗi nhiều người vẫn ủng hộ chúng, cũng phải khủng khiếp mà xa lìa chúng.
   
Vào khoảng năm 1869, đảng Klan - trước áp lực của dư luận công chúng - đã bị "Hoàng đế" của nó giải tán. Đảng đó có một Hoàng đế, song ông ta chỉ có một uy quyền thuần tuý về danh nghĩa mà thôi. Những đảng Klan ở các địa phương tiếp tục tồn tại và gây ra những tội ác. Giáo sư Mếclin - người đã cung cấp cho chúng tôi những tài liệu này - nói rằng mỗi trang trong mười ba cuốn sách dầy cộp điều tra về những hành động của đảng Klan hồi 1871-1872, đều có ghi lại một vụ đánh đập người da đen hoặc người da trắng. Những việc tàn bạo đó, thường chỉ là do thói tàn bạo mà thôi. Đối với chúng, những hành động đó là một lối tiêu khiển thích thú.
   
Để biết rõ hơn, và phán đoán được đúng hơn về đảng Klan, thì không gì bằng là trích dẫn ngay bài diễn văn của nguyên lão nghị viện Sécman, ở Ôhaiô, đọc trước Thượng nghị viện hồi tháng 3-1871. Sécman hỏi: "Liệu có một nghị viên nào có thể nêu ra cho tôi biết- sau khi lục lại những tội ác trong tất cả các thời đại - một hội nào hoặc một bè đảng nào mà lại có những hành động và những ý định tàn khốc hơn, hung ác hơn đảng Ku Klux Klan không ? Đảng Ku Klux Klan là một hội kín: thành lập bằng cách tuyên thệ, đảng viên của nó đi ám sát, trộm cắp, cướp phá, hành hung, chửi bới, doạ nạt. Bọn chúng phạm những tội ác đó không phải là đối với những kẻ mạnh và kẻ giàu, mà là đối với những người nghèo, những người yếu đuối, những người hiền lành, những người không có khả năng tự vệ!".
   
Tuy nhiên, đảng Klan cũng đã sống và "hoạt động" trong bốn chục năm trời một cách không vẻ vang gì cho lắm.

ĐẢNG KLAN MỚI

Tháng 10 năm 1915, trong tình hình mới của nước Mỹ, Uyliam Giôdép Ximmôn, "Hoàng đế" mới của đảng Klan, đã cùng với 34 người bạn phục hồi lại đảng K.K.K. Cương lĩnh của đảng đó là: theo lối Mỹ 100%, tức là chống Kitô giáo, chống người da vàng, chống công nhân, chống người da đen.
   
Cần chú ý là sau cuộc chiến tranh Nam - Bắc và việc giải phóng người da đen, đảng Ku Klux Klan cũ đã ra đời với mục đích cản bước đường hoạt động xã hội của những người được giải phóng. Trong cuộc chiến tranh thế giới, Mỹ tuyển mộ vào lục quân và thuỷ quân của mình hàng trăm nghìn người da đen; người ta hứa với họ là sẽ thực hiện những cải cách về mặt xã hội và chính trị; sau khi đã cùng hy sinh như người da trắng, họ đã rụt rè yêu cầu được hưởng những quyền lợi như người da trắng. Tình hình đó cũng ngang như một phong trào "giải phóng lần thứ hai". Thế là đảng Klan mới xuất hiện.
   
"Hoàng đế" Ximmôn cũng lại thành lập cái "vương quốc vô hình" ở miền Nam nước Mỹ - xứ sở của những tên chủ đồn điền lớn và những tên phản đối việc giải phóng nô lệ, quê hương của chế độ nô dịch và việc hành hình theo kiểu Linsơ, tổ quốc của đảng Klan cũ. Trả lời một người đến phỏng vấn, Uyliam Giôdép Ximmôn đã nói về những mục đích của mình như sau: "Chúng tôi thấy rõ rằng phải bảo đảm quyền tối cao của giống người da trắng, phải tước những quyền tự trị đã ban bố cho bọn da đen. ý trời muốn rằng giống người da trắng phải cao hơn; và lệnh trời đã định rằng người da đen sinh ra là để làm nô lệ".
   
Ngay sau khi đảng Klan xuất hiện lại, thì chỉ riêng ở xứ Tếcdát, người ta đã đếm được hơn 80 vụ đánh đập, trong một năm, và 96 vụ hành hình theo kiểu Linsơ.
   
Đảng Klan đặc biệt thịnh hành ở Gioócgia, Mítxixipi, Tếcdát, Alabama và áccăngdaxơ. Trong các xứ đó có nhiều nạn nhân bị hành hình theo kiểu Linsơ nhất.
   
Năm 1919, đảng Ku Klux Klan đã thiêu sống: 4 người da đen ở Gioócgia, 2 ở Mítxixipi, 1 ở Tếcdát.
   
Chúng đã hành hình: 22 người da đen ở Gioócgia, 12 ở Mítxixipi, 10 ở áccăngdaxơ, 8 ở Alabama, 3 ở Tếcdát.
   
Chúng đã xông vào và phá huỷ các nhà tù để hành hình những người da đen bị giam ở đấy: 5 lần ở Gioócgia, 3 lần ở Alabama, 3 lần ở Mítxixipi, 3 lần ở Tếcdát, 2 lần ở áccăngdaxơ.
   
Chúng đã hành hình: 12 phụ nữ ở Mítxixipi, 7 ở Alabama, 6 ở Tếcdát, 5 ở áccăngdaxơ, 5 ở Gioócgia.
   
Chúng đã thiêu, treo cổ, dìm xuống nước cho chết hoặc bắn 9 cựu binh sĩ da đen.
   
Đảng Klan còn can phạm nhiều vụ hành hình theo kiểu Linsơ ở các xứ khác nữa, nhưng ở đây chúng tôi chỉ nêu những con số đã chắc chắn mà thôi.

SỰ SUY TÀN CỦA ĐẢNG KU KLUX KLAN

Đảng Klan nhất định phải bị tiêu diệt vì nhiều lẽ.
   
1. Trong chiến tranh, người da đen đã hiểu rằng họ là một lực lượng nếu họ đoàn kết lại; cho nên họ không để cho người khác tự do đánh đập, hoặc giết hại đồng bào của họ nữa. Họ chống lại mọi mưu toan hành hung của đảng Klan. Tháng 7-1919, ở Oasinhtơn, họ đã đương đầu với đảng Klan và đám đông cuồng loạn. Trong 4 ngày, cuộc chiến đấu sôi sục ở thủ đô. Tháng 8, họ đã đánh nhau trong 5 ngày với đảng Klan và đám đông ở Sicagô, 7 trung đoàn đã được huy động để lập lại trật tự. Tháng 9, chính phủ đã buộc phải gửi quân đội liên bang đến Omaha để chấm dứt một trận đánh nhau tương tự như thế. Tại các xứ khác, người da đen cũng đã tự vệ không kém phần cương quyết.
   
2. Cũng như đảng Klan trước kia, vì những hành động thái quá, nên đảng Klan mới đã vấp phải dư luận của công chúng đến nỗi những người ban đầu tán thành nó hoặc đi theo nó, nay cũng bắt đầu bỏ rơi nó. Những chuyện xô xát trong nội bộ, những việc quá xấu xa đồi tệ và những vụ gian lận về tài chính cuối cùng đã làm cho những người bàng quan nhất và dễ dãi nhất cũng phải đau lòng. Thượng nghị viện đã buộc phải truy tố đảng Klan. Ngay cả báo chí tư sản như tờ New York World, tờ Chicago Defender, v.v. cũng công kích chúng.
   
3. "Lối Mỹ 100 phần trăm" và thái độ chống đối công nhân của chúng đã làm cho 20.000.000 giáo dân Mỹ, 3.000.000 người Do Thái, 20.000.000 ngoại kiều, 12.000.000 người da đen, tất cả những người Mỹ biết điều và toàn bộ giai cấp công nhân Mỹ, tập hợp lại phản đối chúng.
   
Tại Đại hội Liên hiệp người da đen vừa qua, người ta đã thông qua bản kiến nghị sau đây:
   
"Chúng tôi tuyên bố rằng đảng Ku Klux Klan là kẻ thù của loài người; chúng tôi tuyên bố quyết định đấu tranh với đảng đó đến cùng và kề vai sát cánh với tất cả những người lao động nước ngoài ở Mỹ cũng như với cả những người bị đảng đó hành hạ".
   
Mặt khác, việc di cư của người da đen miền Nam nông nghiệp lên miền Bắc công nghiệp đã buộc những tên chủ đồn điền - bị nguy cơ phá sản vì thiếu nhân công - phải nới tay trong quan hệ đối xử với người lao động da đen, và do đó, ngày càng phải luôn luôn lên án những phương pháp và những sự bạo ngược của tay sai của chúng là đảng Klan.
   
4. Sau hết đảng Ku Klux Klan mang tất cả những cái xấu của các tổ chức bảo thủ, phản động, bí mật mà lại không có được những cái hay của các tổ chức đó. Đảng đó có tính chất thần bí của hội Phrăng Maxonnơri, có những nghi thức kỳ dị của công giáo, có cái tàn bạo của chủ nghĩa phát xít, có tính chất bất hợp pháp của 568 hiệp hội khác nhau; nhưng nó chẳng có học thuyết, chẳng có cương lĩnh, sức sống và kỷ luật gì.

NGUYỄN ÁI QUỐC
Tập san Inprekorr, tiếng Pháp,số 74, năm 1924.
Nguồn tin: Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh 

Xem tin theo ngày tháng:
ÂM NHẠC
LIÊN KẾT WEB
Thống kê truy cập
Lượt truy cập:
13,541,915
Đang trực tuyến:
179
Tin xem nhiều