(Đăng lúc: 28/10/2013 12:00:00 AM)
Fanpage Tỉnh đoàn Quảng Ngãi
.
In bài  
Việc làng, đất vàng cũng hiến
(Báo Quảng Ngãi)- Vì muốn có những ngôi trường mới khang trang, những con đường sạch đẹp, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Quảng Ngãi đã hiến đất để đầu tư xây các công trình phục vụ dân sinh. Họ tự nguyện hy sinh những mảnh đất quý của mình chỉ với tâm niệm: “Việc làng, đất vàng cũng hiến”.

Trường làng trên đất hiến

Tây Trà là địa phương nghèo nhất tỉnh. Hệ thống trường lớp từ thôn đến xã vừa thiếu lại vừa tạm bợ. Khát khao có những ngôi trường đàng hoàng, gần nhà đã trở thành mơ ước của những người cha, người mẹ vùng nghèo gian khó này. Chính vì điều đó, khi Nhà nước có chủ trương xây dựng trường học “đạt chuẩn” cho học sinh quê mình, nhiều hộ dân Tây Trà đã không ngần ngại chặt keo, nhổ mì, hiến hàng ngàn mét vuông đất ở trung tâm xã, nơi thuận tiện đi lại để xây dựng trường học.

Đường bê tông Xã Trạch – Làng Vẹt xã Sơn Thành (Sơn Hà) do dân hiến đất, góp công xây dựng NTM.
Đường bê tông Xã Trạch – Làng Vẹt xã Sơn Thành (Sơn Hà) do dân hiến đất, góp công xây dựng NTM.


Tiên phong trong phong trào hiến đất xây trường ở Tây Trà là già làng Hồ Văn Biên, thôn Trà Xuông, xã Trà Quân. Với tâm niệm đất quý hơn vàng, nhờ mảnh đất rộng hơn 1.000m2 này mà các con ông có thêm gạo để ăn, có quần áo để mặc, gia đình ông đã không còn nghèo khó như ngày trước nữa. Nhưng nếu không có trường lớp, thì con cháu cả cái thung lũng Trà Xuông này nó nghèo cái chữ, không hiểu biết, thì làm sao khá lên được.  “Mình giữ lại đất làm ăn thì chỉ có con mình hưởng thôi. Nếu cho Nhà nước làm cái trường thì cả dân làng mình cùng được hưởng” - già Biên bảo thế.

Chúng tôi đến Trà Xuông đúng vào những ngày trời mưa rất to, nhưng điểm trường Trà Xuông không có học sinh nào nghỉ học. Em Hồ Văn Thu, học sinh ở điểm trường này cho biết: “Trường gần nhà. Đường dễ đi, không phải lội suối như trước. Con và các bạn rất ít bỏ học”. Học sinh chăm chỉ ra lớp, các thầy cô giáo cũng đỡ nhọc nhằn. Chất lượng giáo dục được nâng lên. Tình trạng “học sinh ngồi nhầm lớp” đã giảm hẳn so với những ngày còn học “trường ghép”…

Còn tại xã Trà Thọ, thời gian gần đây đã có nhiều điểm trường tiểu học, mầm non được xây mới trên những mảnh đất do dân làng tình nguyện hiến. Bởi thế, dù nơi đây chịu tác động không nhỏ bởi dự án hồ chứa nước Nước Trong, nhưng hầu như chuyện học hành của con em địa phương vẫn đảm bảo. Nhiều gia đình vì chưa có nhà tái định cư nên phải ở nhà tạm, nhưng các điểm trường đã tương đối khang trang, chắc chắn, nằm ở vị trí thuận lợi cho con em đến trường. Những người tiên phong trong phong trào “nhường đất cho trường mới” ở Trà Thọ là già làng Hồ Văn Sơn, thôn Bắc Nguyên. Già Sơn đã hiến đất xây trường mẫu giáo. Hôm nay vì tuổi cao, ông đã qua đời, nhưng người làng vẫn nhớ và thầm biết ơn ông đã hiến hơn 1.000m2 đất để bọn trẻ con có trường mới để học.

Học theo già Sơn, hộ gia đình ông Hồ Văn Hồng ở Trà Thọ cũng hiến 800m2 đất để làm trường cho các em học sinh có chỗ học đàng hoàng, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

Từ “tấm lòng vàng” có nhiều con đường làng

Từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, công tác hiến đất làm đường giao thông nông thôn ở các huyện miền núi trở nên phổ biến. Tại xã Sơn Thành (Sơn Hà) – một trong 4 xã miền núi nằm trong danh sách 33 xã điểm nông thôn mới giai đoạn 2013 – 2015, đầu năm nay đã có 2 tuyến đường rộng rãi, thoáng đãng được làm mới trên phần đất của nhân dân tự nguyện hiến. Đó là tuyến đường Xã Trạch – Làng Vẹt dài hơn 3km; tuyến Hoăn Vậy – Gò Lũy, dài gần 3km.

Ông Đinh Hồng Ngót – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thành cho biết: “Dân mình mong có đường đẹp, đi lại thuận tiện nên khi họp dân để làm đường giao thông, tất cả các hộ dân hai bên đường đều tình nguyện hiến đất, góp ngày công lao động. Có con đường bê tông thẳng tắp, rộng, việc làm ăn của bà con thêm nhiều thuận lợi. Mình bán keo, bán mì dễ dàng, giá cao hơn khi chưa có đường”.

Dù mới có con đường đẹp Xã Trạch – Làng Vẹt từ đầu năm 2013, nhưng cuộc sống của nhiều hộ dân ở Làng Vẹt đã có sự thay đổi. Nhiều nhà mua sắm xe máy làm phương tiện đi lại. Bọn trẻ đi học áo quần không lấm lem bùn đất như trước nữa.

Chúng tôi về xóm Gò Lũy, thôn Hà Thành (Sơn Thành) khi cơn bão số 11 vừa đi qua. Con đường bê tông Hoăn Vậy – Gò Lũy được những cơn mưa lớn gột rửa sạch sẽ tưởng như chưa có bước chân, vết xe nào đi ngang qua đây vậy. Trưởng thôn Hà Thành Đinh Văn Nga nói vui: “Có con đường đẹp, mọi người ai cũng vui, cũng muốn mặc đẹp hơn, mua xe đắt tiền hơn. Đi xe máy không sợ ngã xuống bùn lầy như trước nữa”.

Việc tự nguyện hiến đất xây dựng 2 tuyến đường bê tông nông thôn của người dân Sơn Thành còn góp phần nâng dần tiêu chí nông thôn mới ở đây. Đến nay, Sơn Thành đã đạt 9/19 tiêu chí. Nhiều tiêu chí còn lại đã đạt từ 70% đến 85%.


Ở cuối đất ngàn cau – xã Sơn Bua, Sơn Dung huyện Sơn Tây, cũng có nhiều hộ đồng bào Cadong hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Nhiều khu dân cư, sau gần 40 năm giải phóng đến nay mới có đường… về làng. Những con đường làng ấy được nhân dân hiến đất, Nhà nước đầu tư tiền thi công. Tính chung, hai xã Sơn Dung và Sơn Bua, trong năm 2012 – 2013, đã có hàng chục hộ hiến hơn 10.000m2 đất để làng có thêm những con đường mới…


Bài, ảnh: THANH NHỊ

Xem tin theo ngày tháng:
ÂM NHẠC
LIÊN KẾT WEB
Thống kê truy cập
Lượt truy cập:
17,583,819
Đang trực tuyến:
365
Tin xem nhiều