(Đăng lúc: 04/07/2024 09:01:15 PM)
Fanpage Tỉnh đoàn Quảng Ngãi
.
In bài  
Chuyển đổi để phục vụ người dân, doanh nghiệp
Với mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, Quảng Ngãi đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến và đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số.

Giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến

Hiện nay, tỉnh đã nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, đảm bảo các yêu cầu về chức năng, hạ tầng thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo quy định. Hệ thống có thể khai thác các thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định thông tin về công dân, đồng thời tích hợp nhiều kênh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện TTHC. Đến nay, Quảng Ngãi có Kho quản lý dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ tài liệu số hóa giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của Cổng Dịch vụ công quốc gia để phục vụ tái sử dụng kết quả số hóa giữa các hệ thống thông tin giải quyết TTHC giúp người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần.

 
Công dân đến Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Ảnh: Ý THU

Quảng Ngãi cũng đã đưa vào sử dụng ứng dụng Dịch vụ công tỉnh trên thiết bị di động; triển khai thành công 100% nộp hồ sơ trực tuyến qua thiết bị di động thông minh đối với 4 thủ tục gồm: “Thông báo hoạt động khuyến mại” (thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công thương); “Đăng ký thành lập hộ kinh doanh, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh” (thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện). Trong công tác cải cách TTHC, Quảng Ngãi có nhiều đổi mới, nhiều sáng kiến giải pháp mang tầm quốc gia được ứng dụng vào thực tiễn, được Bộ Nội vụ, Bộ TT&TT đánh giá cao.

 

“Công tác chuyển đổi số phải bám sát thực tiễn, kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, tạo bứt phá trong chuyển đổi số gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Đặc biệt là, tiếp tục phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hơn nữa hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng các cấp, nhằm đưa công tác chuyển đổi số ngày càng đi vào chiều sâu”.

Giám đốc Sở TT&TT

TRẦN THANH TRƯỜNG

Đẩy mạnh và duy trì thực hiện thanh toán trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong năm 2024, theo Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp tại Quyết định số 766/QĐ-TTg, tỷ lệ TTHC trên địa bàn tỉnh có giao dịch thanh toán trực tuyến đạt 86,12%, tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 97,34%, xếp vị trí 1/63 tỉnh, thành phố về thanh toán trực tuyến. Công tác số hóa hồ sơ tiếp nhận và kết quả giải quyết TTHC cấp tỉnh đạt lần lượt 95,7% và 73,2%, cấp huyện đạt 53,2% và 41,9%, cấp xã đạt 55,2% và 40,8%.

 
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh có thể trực tiếp theo dõi diễn biến một ca mổ cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn qua hệ thống máy tính ghi nhận hình ảnh và dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân. Ảnh: Ý THU

Tạo đột phá từ chuyển đổi số

Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Ngãi đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực. Từ vị trí 60/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng chuyển đổi số cả nước vào năm 2021, Quảng Ngãi đã vươn lên vị trí thứ 26/63 trong năm 2022 (tăng 34 bậc so với năm 2021). Kết quả này thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt chuyển đổi số trong cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở TT&TT Trần Thanh Trường cho rằng, chuyển đổi số chính là thay đổi tổng thể và toàn diện về cách sống, cách làm việc, đòi hỏi có sự quyết tâm lớn và thời gian để từng bước thay đổi nhận thức, thói quen của mỗi cá nhân, tổ chức. Với sự quan tâm từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, các cấp, ngành, đơn vị quan tâm tổ chức thực hiện, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh được triển khai mạnh mẽ. Nổi bật là việc thực hiện văn bản điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nền tảng số và tích hợp, kết nối với hệ thống thống tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành trung ương.

 
Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) hỗ trợ người cao tuổi đăng ký tài khoản định danh điện tử. Ảnh: PV

Hiện nay, các cơ quan khối Đảng tỉnh đang vận hành khai thác các ứng dụng dùng chung như: Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh; nền tảng quản trị tổng thể tại Văn phòng Tỉnh ủy; hệ thống phòng họp không giấy; hệ thống thư điện tử của các cơ quan, tổ chức đảng tỉnh; phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử Đảng bộ tỉnh... Ngành tư pháp đã triển khai hệ thống quản lý, đăng ký, cấp lý lịch tư pháp, quản lý công tác chứng thực toàn tỉnh, quản lý xử lý vi phạm hành chính. Thực hiện số hóa sổ hộ tịch tại 5 huyện, thành phố và sẽ hoàn thành trên 13/13 huyện, thị xã, thành phố trong năm 2024. Ngành TN&MT thì hoàn thành số hóa dữ liệu đất tại 8/13 đơn vị hành chính cấp huyện; hệ thống VBDLis kết nối hệ thống một cửa phục vụ giải quyết hồ sơ TTHC về đất đai, thanh toán phí, lệ phí về sử dụng đất...

Để hỗ trợ người nhà và bệnh nhân trong khám, chữa bệnh, ngành y tế đã vận hành khai thác nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa với hệ thống trang, thiết bị hiện đại tại 13 trung tâm y tế tuyến huyện và 71/173 trạm y tế cấp xã; nền tảng quản lý tiêm chủng; nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; phần mềm quản lý thông tin bệnh viện. Tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” đạt trên 30% dân số sử dụng. Riêng ngành giáo dục đã triển khai số hóa tài liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu tài liệu, giáo trình điện tử; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập; phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập...

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh, hạ tầng mạng viễn thông được các doanh nghiệp đầu tư mở rộng vùng phủ sóng, với tổng số hơn 1.730 vị trí cột thu phát sóng di động (với tổng cộng 3.712 trạm BTS), 100% xã, phường, thị trấn đã được phủ sóng di động. Hạ tầng thông tin cơ sở được quan tâm đầu tư, nâng cấp chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Giá trị thương mại điện tử trên tổng mức bán lẻ của tỉnh ước khoảng 9%. Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng trên 85%. Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh trên 80%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh trên tổng dân số của tỉnh đạt trên 71,54%. Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử đạt 75%; có 96,65% đối tượng bảo trợ xã hội có tài khoản thanh toán.

 

Huỳnh Thảo/ baoquangngai.vn
Xem tin theo ngày tháng:
ÂM NHẠC
LIÊN KẾT WEB
Thống kê truy cập
Lượt truy cập:
17,586,193
Đang trực tuyến:
160
Tin xem nhiều