(Đăng lúc: 10/07/2023 11:30:00 AM)
Fanpage Tỉnh đoàn Quảng Ngãi
.
In bài  
Lễ chào cờ, hát Quốc ca đầu tháng Bảy, chủ đề “Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ”
Với chủ đề "Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ”, sáng ngày 10/7 Lễ chào cờ đầu tháng Bảy diễn ra trang trọng tại cơ quan Tỉnh đoàn Quảng Ngãi.

Dự lễ chào cờ có đồng chí Lê Văn Vin, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cùng các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Tỉnh đoàn và Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi Diên Hồng Quảng Ngãi.

 

Lễ chào cờ, hát Quốc ca "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn duy trì tổ chức hằng tháng.

Tại buổi lễ chào cờ, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Tỉnh đoàn và Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi Diên Hồng Quảng Ngãi được nghe mẫu chuyện về "Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ”. Mẫu chuyện có nội dung:

Bác Hồ kính yêu luôn dành sự quan tâm đặc biệt với thương binh, liệt sĩ - những người hy sinh tính mạng hay một phần thân thể cho công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc. Tình cảm của Người biểu hiện sâu sắc truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc Việt Nam.

Suốt 24 năm kể từ ngày nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời (tháng 9/1945) đến tháng 5-1969, có khoảng 25 lần Bác Hồ gửi thư thăm hỏi anh chị em thương binh, gia đình liệt sỹ. Trong nhiều bài nói, bài viết và các bức thư của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định và ghi nhận sự hy sinh cao cả của các thương binh, anh hùng liệt sỹ. Người nói: “Máu đào của các liệt sỹ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do” [Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tập 10, tr. 3].

Ngày 19/12/1946, sau Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiến tranh lan rộng ra nhiều vùng. Số người bị thương và tử nạn tăng lên rất nhanh do sự chênh lệch về trang bị vũ khí cũng như những chiến thuật chiến đấu. Đời sống của binh lính lúc đó, nhất là những binh sỹ bị thương, gia đình liệt sỹ gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Thông báo “về việc nhận con các liệt sỹ làm con nuôi”. Thông báo có đoạn viết: “Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sỹ đó và tôi nhận con các liệt sỹ làm con nuôi của tôi”. Người đã yêu cầu các làng, chính quyền địa phương lập danh sách, xem xét, nếu đúng sự thật thì “đóng dấu chứng nhận rồi gửi ngay về Văn phòng Chủ tịch Chính phủ ở Hà Nội” [Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.435]

Ngày 16/2/1947, trên cương vị Chủ tịch nước, Người ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tử tuất. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên đặt nền tảng cho chính sách thương binh, liệt sỹ của nước ta.

Sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ dành cho thương binh, gia đình liệt sĩ thể hiện ở chỗ Người cho rằng cần phải có Ngày Thương binh - Liệt sĩ để  “tưởng nhớ những người con đã để lại một phần thân thể hoặc bỏ mình trong khi làm nhiệm vụ vinh quang, đem xương máu đắp thành bức tường đồng, thành con đê vững chắc để ngăn chặn giặc ngoại xâm...”.

Với ý nghĩa ấy, tháng 6/1947, Bác đã chỉ thị chọn 1 ngày trong năm làm ngày “Ngày Thương binh”. Thực hiện chỉ thị của Người, Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, khu và tỉnh họp ở Phú Minh, Đại Từ, Thái Nguyên nhất trí lấy ngày 27/7/1947 là “Ngày Thương binh, Liệt sĩ”.

Trong Ngày Thương binh - Liệt sĩ tổ chức lần đầu tiên ở Việt Bắc (27/7/1947), tại cuộc mít tinh kỉ niệm có mặt 2.000 người tham dự, Ban Tổ chức đã đọc bức thư của Bác Hồ gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức Ngày “Thương binh toàn quốc”, nói rõ ý nghĩa của ngày kỷ niệm và kêu gọi mọi người có hành động thiết thực giúp đỡ thương binh: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm đau, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy". Cuối thư, Người vận động đồng bào nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ thương binh. Bản thân Người đã xung phong góp chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền ăn một bữa của Người và của tất cả các nhân viên của Phủ Chủ tịch, tổng cộng là 1127 đồng để tặng thương binh.

Với các thương binh, Người ân cần căn dặn: “Hòa mình với nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân, không công thần, không coi thường lao động, không coi thường kỷ luật, không bi quan chán nản” và “thương binh tàn nhưng không phế”...

Hằng năm, cứ đến ngày 27/7, Bác đều gửi thư và tặng quà cho các thương binh, gia đình liệt sĩ. Trước lúc đi xa, Bác Hồ vẫn luôn canh cánh trong lòng việc đền ơn đáp nghĩa với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Tháng 5/1968, mặc dù đang ốm mệt, Người vẫn đọc lại bản thảo Di chúc và viết bổ sung một số nội dung, trong đó có đoạn về thương binh, liệt sĩ: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong..,), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.

Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét"

Có thể nói, ở mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho thương binh, liệt sỹ những tình cảm, sự quan tâm đặc biệt nhất. Tình cảm đó không chỉ là những lời kêu gọi mộc mạc, chân thành, giản dị mà còn thể hiện qua hành động cụ thể đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ.

 

 Đồng chí Lê Văn Vin, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn phát biểu tại buổi lễ.

Cũng tại buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tháng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Lê Văn Vin thay mặt Thường trực Tỉnh đoàn đánh giá kết quả hoạt động của tháng 6, tháng khởi động Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 7 năm 2023.

Lễ chào cờ, hát Quốc ca đầu tháng Bảy được tổ chức nhằm tạo tạo đợt sinh hoạt chính trị Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2023); phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, thực hiện cuộc vận động học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, góp phần giáo dục đạo đức lối sống và nâng cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao cho cho cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Tỉnh đoàn và Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi Diên Hồng Quảng Ngãi cũng như ĐVTN trong tỉnh.

 

Thu Ngoan
Xem tin theo ngày tháng:
ÂM NHẠC
LIÊN KẾT WEB
Thống kê truy cập
Lượt truy cập:
17,578,058
Đang trực tuyến:
847
Tin xem nhiều