(Đăng lúc: 20/06/2023 02:47:29 PM)
Fanpage Tỉnh đoàn Quảng Ngãi
.
In bài  
Bác Hồ với báo chí cách mạng Việt Nam
Ngay sau khi cách mạng giành chính quyền, một bài viết của Bác Hồ chỉ mươi dòng nhưng đã thúc giục cả dân tộc “Tìm người tài đức” ra kiến thiết nước nhà. Với một bài báo khác, có khoảng 700 chữ nhưng chúng ta học cả đời cũng chưa làm được trọn vẹn như Người mong muốn là “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”... Những câu chuyện “tác nghiệp” hay lời căn dặn của Người hơn nửa thế kỷ trước, nay vẫn là “khuôn vàng, thước ngọc” cho những người làm báo.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Bác Hồ là người sáng lập, người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam. Với Bác, viết báo là để làm cách mạng; không phải để “lưu danh thiên cổ”; hay “viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, tập 9, H.2000, trang 413). Người căn dặn, báo chí của ta cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội... Chính vì thế, những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ (SĐD, tập 9, trang 414). Khi giảng bài tại lớp chỉnh Đảng Trung ương ngày 17/8/1953, Người nhắc mỗi khi viết, phải đặt câu hỏi viết cho ai? Viết cho đại đa số công - nông - binh. Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình; để phục vụ quần chúng.

Bác Hồ rất quan tâm đến đội ngũ người làm báo. Người hai lần dự, nói chuyện tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam (năm 1959, 1962). Người cho rằng cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của người làm báo. Vì thế, viết là để nêu cái hay, cái tốt; nhưng cũng không nên giấu cái xấu. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Phê bình thì phải thật thà, chân thành, chứ không phải để địch lợi dụng để nó phản tuyên truyền. Muốn có bài báo tốt, người viết phải biết tác nghiệp: Nghe cán bộ, đồng bào nói; Hỏi nhân dân những việc, tình hình các nơi; Thấy, phải đi đến tận nơi để xem xét sự việc; Xem báo chí trong nước và nước ngoài, xem sách vở; Ghi những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi, đã đọc. Về cách viết, tránh lối tràng giang đại hải; để người xem hiểu được, nhớ được, làm được phải viết cho đúng trình độ của họ, viết rõ ràng, gọn gàng; nói có sách, mách có chứng.

Nhân kỷ niệm 39 năm ngày Thành lập Đảng ta, Bác viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, đăng trên báo Nhân Dân” ngày 3/2/1969. Tác phẩm nổi tiếng này của Bác vẫn là “cẩm nang” cho cán bộ, đảng viên hiện nay, nhất là khi chúng ta đang ra sức đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Hiện nay đội ngũ hoạt động báo chí ở nước ta rất đông và mạnh, với các trang thiết bị tác nghiệp hiện đại. Báo chí tiếp tục khẳng định vai trò không thể thiếu trong đời sống xã hội. Nhưng càng suy ngẫm những điều Bác đã dặn, chúng ta càng thấy vẫn chưa làm tốt. Tính cạnh tranh của báo chí ngày càng quyết liệt. Đó là cơ hội để đội ngũ người làm báo vươn lên, song cũng đặt ra không ít thách thức.

Nhớ câu nói của Bác, có đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Muốn nhìn đúng từng sự việc, có thế nào viết thế ấy, người viết không những cần nghiệp vụ tinh thông, mà trước hết phải có tâm sáng, phải như nhà thơ Huy Cận đã nói, cùng xương cùng thịt với nhân dân, cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu. Có vui niềm vui của mọi người, có đau nỗi đau của mọi người, thì khi cầm bút mới có cảm xúc, mới tạo được tác phẩm báo chí truyền cảm hứng cho bạn đọc hướng tới những điều tốt đẹp nhất.

 

Bắc Văn/ baoquangngai.vn
Xem tin theo ngày tháng:
ÂM NHẠC
LIÊN KẾT WEB
Thống kê truy cập
Lượt truy cập:
17,589,211
Đang trực tuyến:
470
Tin xem nhiều