Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (11/3/1945) đã tạo tiền đề cho phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh Quảng Ngãi phát triển mạnh mẽ, tiến tới giành thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; đồng thời, có ảnh hưởng to lớn đến phong trào cách mạng của các tỉnh Trung Bộ và là một trang sử ngời sáng trong lịch sử đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc của nhân dân Quảng Ngãi.
1. Hoàn cảnh lịch sử
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, cách mạng Việt Nam đứng dưới ngọn cờ cách mạng vô sản. Phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi từ khi có Đảng lãnh đạo đã phát triển mạnh mẽ, liên tục. Tháng 4/1930, Chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Ba Tơ ra đời do đồng chí Trần Toại làm Bí thư. Từ đó, các phong trào đấu tranh của nhân dân huyện Ba Tơ ngày càng phát triển vì có sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Đảng.
Sau cao trào cách mạng 1930 - 1931, thực dân Pháp và tay sai ở Quảng Ngãi đã thực hiện chính sách đàn áp, khủng bố hết sức dã man. Hàng loạt tổ chức cơ sở Đảng bị phá vỡ, nhiều đảng viên cộng sản bị bắt bớ, tù đày, sát hại. Mặc dù kẻ thù ra sức đàn áp, khủng bố và dùng mọi thủ đoạn thâm độc để phá hoại tổ chức của Đảng nhưng các chiến sĩ cách mạng và quần chúng cách mạng vẫn luôn luôn hướng về Đảng, tìm mọi cách tổ chức lại đội ngũ, chắp mối phong trào.
Thời kỳ mặt trận dân chủ, phong trào đã có nhiều biểu hiện hồi phục nhưng đến chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (9/1939), thực dân Pháp ở chính quốc cũng như các nước thuộc địa đã dùng mọi biện pháp thẳng tay đàn áp Đảng Cộng sản và các tổ chức cách mạng tiến bộ, ban hành nhiều sắc lệnh giải tán Đảng Cộng sản và tổ chức dân chủ của Pháp và các thuộc địa, buộc đóng cửa các tờ báo tiến bộ và đặc biệt ra lệnh tổng động viên. Thực dân Pháp phát xít hóa bộ máy thống trị, tăng cường khủng bố đàn áp các phong trào đấu tranh của nhân dân, thực hiện chủ trương “kinh tế chỉ huy”, tăng thuế, trưng mua các loại sản phẩm, độc quyền xuất nhập khẩu hàng hóa để vơ vét, bóc lột nhân dân, ra sức bắt lính để cung ứng cho chiến trường và tăng cường phòng thủ Đông Dương.
Ngày 23/9/1940, Pháp đầu hàng Nhật, để cho quân Nhật tràn vào Lạng Sơn, ném bom Hải Phòng. Nhân dân ta phải lâm vào cảnh “một cổ hai tròng”. Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với đế quốc phát xít Pháp – Nhật là hết sức gây gắt, thôi thúc cách mạng Việt Nam tiến lên đánh đổ hai kẻ thù, giành độc lập dân tộc. Trước hoàn cảnh lịch sử quốc tế và trong nước có nhiều biến đổi, để cách mạng Việt Nam tiến lên và giành thắng lợi, Đảng ta phải nhanh chóng chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và sách lược, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc.
Tháng 5/1941, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp hội nghị lần thứ 8 hoàn chỉnh việc chỉ đạo chiến lược, quyết định đặt ngọn cờ giải phóng dân tộc lên hàng đầu.
Sau khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, các phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi bị đàn áp dã man, nhiều đảng viên, cán bộ cách mạng bị địch bắt giam ở Di Lăng (huyện Sơn Hà), Trà Bồng, Ba Tơ… Thực dân Pháp càng tăng cường khống chế và giám sát những người hoạt động cách mạng. Ở nông thôn, ngoài việc quản thúc chặt chẽ những người đã có án chính trị, ban đêm thực dân Pháp còn bắt tất cả những quần chúng bị tình nghi tập trung ở các chòi canh; hễ thấy ở đâu tụ tập đến ba người trở lên là bắt bớ, truy bức. Trong thời kỳ đen tối này, mặc dù các tổ chức cơ sở của tỉnh Quảng Ngãi đều bị vỡ, các mối liên lạc trên dưới bị cắt đứt, một số ít đảng viên còn lại tuy không sinh hoạt có tổ chức nhưng vẫn bám sát quần chúng, cố gắng duy trì hoạt động của các tổ chức biến tướng như: các hội “tương tế ái hữu” và những hình thức hoạt động khác có từ thời kỳ Mặt trận bình dân để hướng dẫn quần chúng tiếp tục đấu tranh lẻ tẻ trong khi chờ đợi bắt liên lạc với cấp trên, chờ đợi đường lối, chủ trương mới của Đảng.
Để thực hiện âm mưu “tách cá khỏi nước”, đày ải, giết dần, giết mòn những người cộng sản, dựa vào thế núi non hiểm trở, khí hậu khắt nghiệt, Pháp đã lập ở Ba Tơ một dạng nhà tù trá hình gọi là “Căng an trí”. Cũng từ đây những chiến sĩ tù chính trị với bản lĩnh cách mạng kiên cường đã vùng dậy khởi nghĩa giành chính quyền.
2. Qúa trình chuẩn bị lực lượng cho cuộc khởi nghĩa
Ngày 22/12/1941, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Thông cáo “Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và trách nhiệm của chúng ta”.
Cuối năm 1941, Căng an trí Ba Tơ được địch tăng cường, xây dựng, củng cố để kiểm soát chặt chẽ số tù chính trị mà thực dân Pháp cho là nguy hiểm trong tỉnh.
Ba Tơ là một huyện miền núi vùng tây Quảng Ngãi, nơi có một đồn binh của thực dân Pháp. Tuy ba bề bốn bên có núi cao vây bọc, nhưng đồn Ba Tơ vẫn có thuận lợi về đường giao thông. Cũng như ở Di Lăng, lập căng an trí Ba Tơ, thực dân Pháp mong thực hiện nhiều âm mưu thâm độc. Ngoài việc cô lập những chiến sĩ hoạt động phong trào quần chúng, thực dân Pháp còn có ý định: khí hậu xấu và bệnh sốt rét, chính trị hao mòn sức khỏe, chết dần; nếu có chuyện gì xảy ra, dùng lực lượng quân sự đàn áp. Lúc cần thiết cũng dễ dàng tiêu diệt trị phạm; thực dân Pháp tin rằng với những thủ đoạn chia rẽ Kinh, Thượng, gây thù hằn dân tộc ở vùng núi Pháp có thể bao vây những người an trí, dù họ muốn trốn cũng khó lòng đi thoát.
Tuy nhiên, điều thực dân Pháp không ngờ đến, Ba Tơ là quê hương của đồng bào các dân tộc Chàm, H''''''''''''''''rê vốn có truyền thống chống đế quốc phong kiến. Từ khi thực dân Pháp đô hộ nước ta, đồng bào Thượng kiên quyết bất hợp tác với chúng. Phong trào chống Pháp rất sôi nổi, nhất là trong những năm 1935 - 1939 (Phạm Kiệt, 1977, tr.11). Ở phía bắc huyện lỵ Ba Tơ có Cơ Nhất rừng núi hiểm trở, có núi Cao Muôn cao nhất vùng, nhân dân vùng này tự hào về ngọn núi ấy. Họ nói “Tinh thần chống Pháp của người Thượng chúng ta sừng sững như ngọn núi Cao Muôn”. (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi, 1995, tr.6)
Để tiếp tục kiểm soát, những người tù mãn hạn ở các nhà lao Buôn Ma Thuột, Lao Bảo, Di Lăng, Trà Bồng, Quảng Ngãi… lần lượt bị thực dân Pháp đưa về Căng an trí Ba Tơ. Cuối năm 1941, Căng an trí Ba Tơ có hơn 50 tù chính trị. Trong số đó có cả đảng viên, lãnh đạo chủ chốt từ phong trào những năm 1930 - 1939 như Trần Toại, Lê Cả, Huỳnh Mau, Huỳnh Ty, Nguyễn Tiểu, Võ Phấn, Hoàng Tấu, Nguyễn Đôn, Nguyễn Khoách, Phạm Kiệt, Trần Hàm, Trần Quý Hai, Trương Quang Giao, Nguyễn Cừ, Trần Lương…
Vượt lên trên những âm mưu nham hiểm của kẻ thù, những chiến sĩ tù chính trị đã từng bước bí mật xây dựng tổ chức, khôi phục phong trào. Đầu năm 1942 tại Căng an trí Ba Tơ, những chiến sĩ cách mạng trong tù đã liên kết với bên ngoài khôi phục lại tổ chức Đảng, các đồng chí tù chính trị đã tổ chức thành lập một chi bộ có 3 đảng viên gồm Nguyễn Đôn, Nguyễn Khoách và Phạm Sanh, lấy tên là “Ủy ban vận động cách mạng” để lãnh đạo phong trào cách mạng. Tháng 4/1942, chi bộ có 05 đồng chí gồm đồng chí Hoàng Tấu, Nguyễn Đôn, Nguyễn Khoách, Võ Phấn, Nguyễn Cừ do đồng chí Huỳnh Tấu (tức Hoàng Tấu) lãnh đạo. Phương hướng hoạt động của Ủy ban này là học tập và tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 8 (tháng 5/1941), phát triển lực lượng, liên lạc với các cơ sở cũ để tuyên truyền, tập hợp quần chúng, những đồng chí tù mãn hạn.
Tháng 5/1943 có thêm đồng chí Phạm Kiệt từ nhà tù Buôn Ma Thuột trở về, mang về bản tóm tắt Nghị quyết Trung ương 8, sau đó tổ chức hội nghị cán bộ tại trại tằm của gia đình đồng chí Trần Toại (đóng tại xã Ba Động, huyện Ba Tơ) đề ra chương trình, kế hoạch hành động, thành lập Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Huỳnh Tấu làm Bí thư.
Đầu năm 1943, đồng chí Chu Huệ được đồng chí Tố Hữu truyền đạt những ý kiến cấp trên cho Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi. Nhờ đó, Tỉnh ủy đã kết nối liên lạc với cấp trên và các đồng chí ở Quảng Nam. Đến cuối tháng 6/1943, Hội nghị cán bộ mở rộng được Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi triệu tập ở Bằng Chay (thôn Tân Long, xã Ba Động, huyện Ba Tơ) do đồng chí Huỳnh Tấu chủ trì. Hội nghị đã thống nhất rải truyền đơn, treo cờ đỏ sao vàng, phổ biến thư kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc.
Đến năm 1944, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi và Ủy ban vận động cứu quốc tỉnh đã khôi phục được một số cơ sở Đảng và có nhiệm vụ vừa tuyên truyền đường lối cách mạng, vận động tổ chức quần chúng, vừa khẩn trương xúc tiến lực lượng, trang bị vũ khí để sẵn sàng hành động khi có thời cơ. Khí thế cách mạng từ Ba Tơ tỏa xuống đồng bằng, tạo khí thế sôi nổi trong toàn tỉnh. Để nhanh chóng mở rộng hoạt động nhằm đưa phong trào địa phương lên kịp phong trào chung của cả nước, chi bộ và Ủy ban vận động cứu quốc chủ trương đẩy mạnh xây dựng cơ sở có hướng lâu dài; liên lạc với Di Lăng và bàn kế hoạch khi có thời cơ cùng nhau phối hợp; liên lạc với các tỉnh bạn, Xứ ủy và Trung ương, phân công đồng chí Trương Quang Giao chỉ đạo chung; đồng chí Trần Lương tìm bắt liên lạc với tỉnh Bình Định; đồng chí Trần Quý Hai tìm bắt liên lạc với Di Lăng, Quảng Nam, Xứ ủy và Trung ương; đồng chí Phạm Kiệt chịu trách nhiệm tìm đường núi từ Ba Tơ đi Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum; đồng chí Nguyễn Đôn xây dựng cơ sở Cao Muôn, Giá Vụt và xây dựng chiến khu.
Ngày 22/12/1944, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Trước tình hình đó, Hội nghị Tỉnh ủy lâm thời họp vào cuối năm 1944 quyết định phải khẩn trương đẩy mạnh các mặt công tác để kịp thời hành động khi có thời cơ.
Đêm ngày 09/3/1945, được tin Nhật đảo chính, hất cẳng Pháp độc chiếm Đông Dương; Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp ra Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tuy chưa nhận được Chỉ thị này của Trung ương, nhưng Chi bộ Đảng ở Căng an trí đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941): “Với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần, trong từng địa phương, cũng có thể giành thắng lợi và mở đường cho cuộc khởi nghĩa to lớn”. (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi, 2000, tr.46)
Trưa ngày 10/3/1945, Tỉnh ủy lâm thời mở cuộc họp bất thường tại dốc Ông Tài, cách đồn Ba Tơ 700 mét, gồm 5 đồng chí: Trương Quang Giao, Trần Quý Hai, Trần Lương, Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn; do đồng chí Trương Quang Giao - Bí thư Tỉnh ủy lâm thời chủ trì, tại nhà đồng chí Trần Quý Hai. Hội nghị quyết định “Tình thế cách mạng đã chín muồi, cần phải tranh thủ thời cơ, tiến hành khởi nghĩa. Trước hết khẩn trương huy động lực lượng khởi nghĩa ở Ba Tơ, tiếp theo phát động khởi nghĩa ở đồng bằng để phối hợp với phong trào miền núi, đồng thời buộc địch phải phân tán đối phó. Nơi nào chưa đủ điều kiện thì vũ trang tuyên truyền phát động quần chúng, xây dựng lực lượng, xây dựng đội du kích, xây dựng chiến khu chống Nhật”. (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi, 1995, tr.55)
Căn cứ vào sự phân tích của Hội nghị trung ương lần thứ 8 (5/1941) và tình hình thực tiễn tại địa phương, hội nghị nhất trí đánh giá tình lúc ấy như sau:
- Bọn đế quốc mâu thuẫn với nhau sâu sắc đến chỗ tuy thực dân Pháp đã dâng xứ Đông Dương cho Nhật từ năm 1940, nhưng bọn Nhật đang bị Đồng minh đánh bại, sợ bọn Đờ Gôn đánh sau lưng cho nên phải lật Pháp. Bọn Pê-tanh đầu hàng, một số phần tử theo Đờ Gôn có ý muốn chống Nhật nhưng bị cô thế, phải hàng Nhật nốt, kéo nhau chạy trốn. Việc Nhật hất cẳng Pháp không phải chứng tỏ chúng mạnh mà chỉ là một việc làm bị động thôi. (Phạm Kiệt, 1977, tr. 40)
- Hồng quân Liên Xô thắng phát xít Đức liên tiếp. Phát xít Đức thua đến nơi, cách mạng thế giới nhất định sẽ bùng nổ ở nhiều nước.
- Ở trong nước, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã thành lập, căn cứ địa Việt Bắc đã mở rộng, uy tín Đảng ta to lớn, Mặt trận Việt Minh có cơ sở ở nhiều nơi.
- Riêng ở tỉnh Quảng Ngãi, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đang hưởng ứng các tổ chức cứu nước, càng ngày càng căm thù bọn phát xít, mong muốn mau chóng đập tan ách nô lệ. Phát xít Nhật tuy hạ được thực dân Pháp nhưng chưa nắm được tay chân của Pháp, bộ máy của chúng ở nông thôn hoang mang, quần chúng sẵn sàng hưởng ứng hành động chống Nhật. (Phạm Kiệt, 1977, tr.41)
Đó là những thuận lợi cơ bản. Hội nghị cũng đánh giá một số khó khăn như: Nhật còn lực lượng quân sự lớn ở Đông Dương, Hồng quân Liên Xô ở xa, Hồng quân công nông Trung Quốc ở tận Hoa Trung, Hoa Bắc. Do đó sự chi viện trực tiếp của quốc tế sẽ rất khó khăn.
Hội nghị nhận thấy khẩu hiệu “đánh Pháp đuổi Nhật” không còn thích hợp với tình hình nữa. Nhật đã trở thành kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương, nhưng tàn tích phát-xít Pháp ở Đông Dương không phải đã hết, Hội nghị đề ra những khẩu hiệu mới là: “đánh đổ phát-xít Nhật”, “bắt tay với những người Pháp Đờ Gôn chống Nhật”, “tẩy sạch phát-xít Pháp ở Đông Dương thành lập chính quyền cách mạng nhân dân” (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi, 1995, tr.34).
Căn cứ vào chủ trương “khởi nghĩa từng phần, trong từng địa phương, mở đường cho Tổng khởi nghĩa to lớn” trong Nghị quyết Trung ương 8, Hội nghị đi đến nhất trí: tiến hành khởi nghĩa Ba Tơ (Phạm Kiệt, 1977, tr. 42), tiến hành bạo động khởi nghĩa, cướp đồn Ba Tơ, lấy súng dịch trang bị cho lập đội quân du kích, gây thanh thế cho phong trào cứu quốc trong toàn tỉnh. Phát động khởi nghĩa trong phạm vi Ba Tơ, lập được chính quyền cách mạng ở Ba Tơ, sau đó tiến hành vũ trang tuyên truyền xây dựng căn cứ chống Nhật là châm ngòi cho phong trào khởi nghĩa ở trung châu.
Sau đó, hội nghị bàn rất kỹ cách bạo động khởi nghĩa, cách cướp đồn, khởi nghĩa rồi làm gì; tổ chức chính quyền cách mạng Ba Tơ và lập đội du kích. Phải có một tổ chức vũ trang để tiến hành tuyên truyền, xây dựng nòng cốt cho lực lượng khởi nghĩa về sau. Điều này phù hợp với tinh thần nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 trong đó có nói: “tổ chức các tiểu tổ du kích chính thức”, phát triển chính quyền đó trong trường hợp thắng lợi cũng như tạm thời tạm thời bị thất bại như thế nào, bạo động khởi nghĩa cướp đồn Ba Tơ, nên dùng áp lực quần chúng hay bí mật tập kích.
Sau khi thống nhất chủ trương và kế hoạch. Hội nghị quyết định cử ra một ban chỉ huy bạo động, do đồng chí Phạm Kiệt là trưởng ban, đồng chí Nguyễn Đôn làm phó ban. Nhiệm vụ của các đảng viên là phải quyết tử, gương mẫu lãnh đạo cướp đồng bằng được. Hẹn bốn giờ sáng ngày 11/3/1945 phải có mặt đầy đủ để bắt tay vào hành động.
 |
Đội du kích Ba Tơ tuyên thệ “Hy sinh vì Tổ quốc!”
|
3. Diễn biến cuộc khởi nghĩa Ba Tơ
Theo kế hoạch đã định, đồng chí Nguyễn Đôn được phân công xuống Trường An phát động quần chúng biểu tình làm áp lực cho đội quân khởi nghĩa. Qua thăm dò tình hình, quân khởi nghĩa biết địch đã biết tin Nhật đảo chính, canh gác gắt gao. Kế hoạch kỳ tập không thành. Bây giờ mà xông vào chỉ đổ máu vô ích. (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi, 1995, tr.175)
Kế hoạch bắt Tây giao đồn không thành công. Ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, họp khẩn cấp vào trưa ngày 11/3 tại chòi canh Suối Loa (Ba Động), họp kiểm điểm tinh thần chấp hành nghị quyết, để có kế hoạch mới và xác định quyết tâm phải tiến hành cho kỳ được cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền ở Ba Tơ. Hội nghị kịch liệt phê phán thái độ rụt rè, hữu khuynh, đã để lỡ thời cơ, không nắm chắc thể tấn công. (Phạm Kiệt, 1977, tr.46)
Hội nghị quyết định dứt khoát phải làm cuộc khởi nghĩa lấy đồn Ba Tơ. Khả năng cướp đồn bằng kỳ tập không còn nữa, nhưng hội nghị nhận định rằng: từ quan đến lính trong đồn Ba Tơ đã hoang mang, dao động, nơm nớp lo quân Nhật lên vây bắt, do đó chúng nhất định không dám liều mạng cố thủ. Vì vậy, khả năng thương lượng, bắt cá trao đồn, trao vũ khí cho ta vẫn còn. Muốn vậy, một mặt ta vẫn tiếp tục cử đại biểu vào buộc bọn chúng liên hiệp cùng ta, trao vũ khí cho ta đánh Nhật.
Để phân tán lực lượng đàn áp của phát xít Nhật, để ủng hộ và khuếch trương thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ hội nghị còn chủ trương phát động quần chúng rộng rãi, nếu có điều kiện tiến hành bạo động cướp chính quyền một số nơi ở đồng bằng để hưởng ứng và bảo vệ cuộc khởi nghĩa Ba Tơ.
Hội nghị quyết định phân công: đồng chí Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn trong Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Khoách đảng viên trong đội quân khởi nghĩa làm Ban Chỉ huy cấp tốc kéo toàn đội lên tiến hành khởi nghĩa ở Ba Tơ. Đồng chí Võ Thứ vừa mới lên gia nhập vào đội quân này, đồng chí Trần Lương về huy động quần chúng ở Mộ Đức, Nghĩa Hành, Đức Phổ tiến hành khởi nghĩa và ủng hộ cho khởi nghĩa Ba Tơ và bắt liên lạc với tỉnh Bình Định. Đồng chí Trần Quý Hai về phía Bắc tỉnh gồm Sơn Tịnh, Bình Sơn bắt liên lạc với tỉnh Quảng Nam và cấp trên. Đồng chí Trương Quang Giao về trung tâm thị xã, Tư Nghĩa cùng các đồng chí ở đây huy động quần chúng khởi nghĩa cướp chính quyền, giữ mối quan hệ chỉ đạo các hướng.
Về diễn biến chính của khởi nghĩa Ba Tơ, kế hoạch đánh chiếm đồn Ba Tơ được chia làm hai bước: Bước 1, đánh chiếm Nha kiểm lý - là một nơi yếu nhất nhưng cũng là nơi trọng yếu của chính quyền, để thu súng đạn trang bị thêm cho ta, đồng thời tạo thêm áp lực với binh lính trong đồn. Tiếp theo, tập trung lực lượng đánh chiếm đồn Ba Tơ.
Trước khi về địa phương, đồng chí Trương Quang Giao còn có nhiệm vụ sang Nghĩa Hành để thuyết phục đơn vị lính địch tham gia khởi nghĩa hoặc ủng hộ súng; đồng thời gặp các đồng chí người Thanh Hóa ở tù tại Quảng Ngãi đang thoát ra kéo lên Ba Tơ tham gia hoạt động.
Bộ phận lãnh đạo chỉ huy ở Ba Tơ nhanh chóng kéo quân về châu lỵ. Việc liên lạc và phổ biến kế hoạch hành động với cơ sở vẫn được tiến hành. Quần chúng từ Trường An, Suối Loa, Hoàng Đồn, Nước Gia, Nước Lá đến Mang Đốc đã được các đồng chí Trần Toại, Huỳnh Thanh cùng các đồng chí trong Việt Minh Ba Tơ phát động nổi dậy làm chủ xóm làng, tham gia hàng ngũ cứu quốc và kéo quân tham gia cướp chính quyền châu lỵ và đồn binh Ba Tơ.
Một cuộc mít tinh lớn được tiến hành tại sân vận động Ba Tơ, sau đó biến thành cuộc biểu tình thị uy. Giám binh và chỉ huy đồn binh bỏ trốn.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy lâm thời và Ban chỉ huy cuộc khởi nghĩa Ba Tơ từ lúc 17h này 11/3/1945, hàng trăm đồng bào Kinh, Thượng vũ trang bằng giáo, mác, rựa, giương cao Cờ Đỏ Sao Vàng và biểu ngữ từ Trường An, Suối Loa kéo lên, từ Hoàng Đồn kéo đến tập trung ở sân vận động. Quần chúng Ba Tơ bao nhiêu năm chịu cảnh tủi nhục nay đã quật khởi vùng lên. Truyền đơn bay như bươm bướm kêu gọi đánh đổ phát xít Nhật, cướp chính quyền, ủng hộ Mặt trận Việt Minh (Phạm Kiệt, 1977, tr.51). Cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Màu cờ tươi thắm, mới lạ, thu hút sự chú ý đặc biệt của quần chúng với khí thế căm thù xen với những tiếng hô các khẩu hiệu: “Đánh độ phát-xít Nhật! Tẩy sạch phát-xít Pháp ở Đông Dương! Bắt tay Pháp Đờ Gôn!” (Phạm Kiệt, 1977, tr.51). “Đánh đổ quân phiệt Nhật, tẩy sạch thực dân Pháp”, “Việt Nam độc lập”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”, “Ủng hộ Mặt trận Việt Minh”… làm cho binh lính và bọn tay sai hoang mang run sợ.
Trời vừa sẩm tối, đoàn quân khởi nghĩa với trang bị súng trường và giáo mác xông vào Nha kiểm lý Ba Tơ, tước vũ khí địch, bắt sống tên tri châu Bùi Danh Ngũ và đồng bọn, thu toàn bộ vũ khí. Thừa thắng quân khởi nghĩa chia thành nhiều cánh bao vây và tấn công đồn khố xanh châu lỵ. Ta vừa nổ súng vừa kêu gọi binh lính trong đồn đầu hàng cách mạng. Cơ sở bên trong thuyết phục số binh lính trong đồn. Bên ngoài quần chúng từ nhiều hướng kéo về, đèn đuốc sáng rực, tiếng hô khẩu hiệu vang lên, cổng đồn được mở, đội quân khởi nghĩa xông vào. Tất cả lính trong đồn đã ra xếp hàng ngoài sân theo hướng dẫn của cơ sở ta. Đoàn quân khởi nghĩa thừa thắng xông lên tiến về đồn Ba Tơ, tất cả binh lính khố xanh và bọn chỉ huy địch lần lượt hạ vũ khí đầu hàng. Cờ đỏ sao vàng phất phới tung bay trên bầu trời Ba Tơ lộng gió. Cuộc khởi nghĩa thành công, châu lỵ Ba Tơ được giải phóng ngay trong đêm 11/3/1945.
Lực lượng ta thu toàn bộ súng đạn, lương thực trong đồn. Cờ tam tài của địch bị hạ xuống. Cờ đỏ sao vàng được kéo lên báo tin mừng thắng lợi. Tiếng reo hò vang dậy. Quần chúng kéo vào khua đuốc, đánh trống mừng thắng lợi cuộc khởi nghĩa. Hai mươi tám chiến sĩ khởi nghĩa tập hợp ngay ngắn trước sân. Khí thế chiến thắng trông thật hùng dũng, Ban lãnh đạo khởi nghĩa làm lễ treo cờ đỏ sao vàng. Màu cờ cách mạng đỏ thắm tung bay trong ánh đuốc sáng rực. Những gương mặt kiên nghị, phấn khởi, tin tưởng hướng cả về lá cờ lần đầu được kéo lên trên đất Quảng Ngãi. Bài hát chào cờ trầm trầm vang lên. Khởi nghĩa đã thắng lợi. Chính quyền đã về tay cách mạng. Ủy ban bạo động tuyên bố:
- Chúng ta là đội quân của giai cấp vô sản, hôm nay dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã chiến thắng. Từ giờ phút này, đội du kích Ba Tơ thành lập. Nó là một trong những đội quân vũ trang của Đảng mở đầu cho những hoạt động quân sự to lớn về sau. Có lệnh trên, các đồng chí phải kiên quyết tiêu diệt địch.
Đội quân khởi nghĩa cử người về Cơ Nhất, Vực Liêm, Mang Đốc, Giá Vụt báo tin, huy động đồng bào dự mít tinh mừng thắng lợi.
Cùng trong đêm, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, nhân dân ở ven dọc đường Số 5A (Quốc lộ 24) từ Hóc kè xuống Vực Liêm, Hùng Nghĩa, Tân Hội ngả cây, phá cầu, lăn đá làm các chướng ngại... ngăn chặn quân Nhật kéo lên. Quần chúng ở Khánh Giang, Trường Lệ, Suối Bùn, Phú Khương, Phú Thọ (huyện Nghĩa Hành) nổi trống mõ kéo tới đình làng họp mít tinh, nghe cán bộ Việt Minh giải thích về nhiệm vụ chống Nhật, cứu nước, về khởi nghĩa vũ trang đánh đuổi chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng, chi viện cho cuộc khởi nghĩa Ba Tơ.
Tin khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi đã lan nhanh đến các nơi trong toàn tỉnh. Rạng sáng ngày 12/3, tại sân vận động trước đồn Ba Tơ, Ban lãnh đạo khởi nghĩa đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn với sự tham gia của hàng vạn đồng bào người Kinh, người Thượng trong không khí phấn khởi, tự hào và trang nghiêm; 17 cán bộ, chiến sĩ của đoàn quân xung kích chiếm đồn Ba Tơ nai nịt gọn gàng, vũ khí đầy đủ, nghiêm trang đứng chào dưới cờ đỏ sao vàng. Đồng chí Phạm Kiệt thay mặt Ban lãnh đạo Khởi nghĩa tuyên bố:
Chúng tôi là những người cách mạng ở trong vùng kèm kẹp của kẻ thù. Bấy lâu nay đồng bào ta đã bị Pháp và bọn cai trị Nam Triều kèm kẹp đủ điều. Ngày nay Nhật và Pháp lại cùng đè đầu cưỡi cổ dân ta. Dân ta phải một cổ hai tròng, hết là nô lệ cho Tây lại làm nô lệ cho Nhật. Nổi khổ chồng chất chịu sao đành. Chúng tôi là những người cách mạng bị địch bắt làm tù tội từ nhiều nhà lao trong nước đã bị chúng đưa về đây. Cùng với đồng bào, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương và mặt trận Việt Minh đứng lên cướp lấy chính quyền. Từ giờ phút này chúng ta đã chiến thắng, quân đội ta là của cách mạng, của đồng bào, chiến đấu cho nền tự do của đất nước, bảo vệ đồng bào. Từ giờ phút này tôi thay mặt Ban chỉ huy Khởi nghĩa Ba Tơ tuyên bố: Chính quyền tay sai của địch ở đây đã bị đạp đổ, cách mạng đã giành chính quyền. (Phạm Kiệt, 1977, tr.55)
Chiều ngày 13/3/1945 Ban chỉ huy cuộc khởi nghĩa đã họp để nhận định tình hình và bàn phương hướng hoạt động mới, cách thức xây dựng chính quyền, thành lập ở Ba Tơ một Ủy ban cách mạng lâm thời. Tổ chức lực lượng vũ trang thành đội du kích lưu động.
Đồng chí Phạm Kiệt, người chỉ huy cuộc khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch, xóa bỏ các thứ thuế, lập chính quyền cách mạng ở Ba Tơ, kêu gọi đồng bào hăng hái tham gia hàng ngũ cứu quốc. Ban lãnh đạo khởi nghĩa tuyên bố thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng Ba Tơ. Ủy ban bạo động ban bố các quyền tự do dân chủ, xóa hết nợ nần trong thời kỳ đế quốc phong kiến; đem toàn bộ tài sản thu được trong đồn địch (chiêng, ché, nồi đồng, quần áo, vải, ngựa, dê, lúa, gạo...), phát cho nhân dân trong vùng, chia cho đồng bào nghèo, chỉ giữ lại máy đánh chữ, súng đạn và một con ngựa để làm phương tiện liên lạc, vận chuyển cho Đội du kích Ba Tơ. Quần chúng hoan hô vang dậy. Khi nghe nhắc lại chủ trương của cách mạng bãi bỏ mọi thứ sưu thuế, bãi bỏ chế độ bắt phu. Đồng bào miền núi, tay khua mạnh giáo mác, miệng thét vang cả một góc trời: “Cách mạng tốt lắm, cách mạng tốt lắm! Cách mạng tốt lắm mạng tốt lắm! ...” (Phạm Kiệt, 1977, tr.55)
Đội quân khởi nghĩa cùng với đồng bào làm “Lễ ăn thề”, đoàn kết đánh Pháp, đuổi Nhật và tay sai. Từ Ba Tơ, làn sóng khởi nghĩa lan nhanh đến các vùng lân cận ở Đức Phổ, Nghĩa Hành.
Sau khởi nghĩa thành công, chiều ngày 14/3 toàn đội làm lễ tuyên thệ và lấy tên là “Đội du kích cứu quốc Ba Tơ”, gọi tắt là “Đội du kích Ba Tơ”. Đội du kích Ba Tơ là đội quân vũ trang của Đảng, tập trung thoát ly, lưu động, lấy chiến đấu diệt thù làm mục đích; chiến đấu vì mục đích của giai cấp vô sản, của cả dân tộc và tuyên thệ trước Cờ đỏ sao vàng “Hy sinh vì Tổ quốc”.
4. Ý nghĩa cuộc khởi nghĩa
Trong 80 năm chống thực dân Pháp và bọn tay sai, giành độc lập dân tộc, nhân dân Quảng Ngãi đã viết lên nhiều trang sử vẻ vang. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ là một trong những trang sử vẻ vang đó. Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi có nhiều ý nghĩa lịch sử lớn lao, có ảnh hưởng to lớn đối với phong trào đấu tranh ở tỉnh Quảng Ngãi, đối với Trung Bộ (Liên khu V) và đối với tiến trình lịch sử dân tộc.
4.1. Đối với Quảng Ngãi
Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ nổ ra và giành thắng lợi có ý nghĩa như một cuộc tập dượt cho cuộc vận động giải phóng dân tộc, chuẩn bị những điều kiện về lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng cho sự bùng nổ và giành thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở địa phương Quảng Ngãi.
Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ bùng nổ chứng tỏ thời kỳ khởi nghĩa từng phần, chiến tranh du kích từng vùng đang trên đà phát triển mạnh mẽ, mở đường cho cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra và giành thắng lợi, báo hiệu một cuộc biến đổi cực kỳ to lớn sắp xảy ra trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do của nhân dân Quảng Ngãi.
Từ thắng lợi vẻ vang của khởi nghĩa Ba Tơ (11/3/1945), Đội du kích Ba Tơ đã tỏa đi khắp miền quê Quảng Ngãi, tạo lập nên nhiều chiến khu và căn cứ vững chắc, trở thành lực lượng nòng cốt cùng chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi tiến hành Tổng khởi nghĩa tháng Tám sớm nhất cả nước. Từ tiền đề mà cuộc khởi nghĩa Ba Tơ mang đến Quảng Ngãi là một trong bốn tỉnh tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất trong cả nước, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945. Có thể thấy, cuộc khởi nghĩa Ba Tơ là phát súng báo hiệu đầu tiên cho cao trào tiền khởi nghĩa năm 1945 chẳng những của tỉnh Quảng Ngãi, mà của cả miền Nam Trung Bộ.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ chứng minh cho đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta và Bác Hồ; thể hiện sự sáng tạo, ý chí quyết chiến, quyết thắng và nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa của Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, thể hiện sinh động về truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường và bất khuất, của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí căm thù địch, tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi.
Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ giành thắng lợi đã tạo điều kiện cho chính quyền nhân dân Cách mạng Quảng Ngãi ra đời. Đây là chính quyền đầu tiên của nhân dân Quảng Ngãi, báo hiệu nền thống trị của đế quốc phong kiến ở Quảng Ngãi đang sụp đổ nhanh chóng, tạo nền móng cho chính quyền nhân dân cách mạng Quảng Ngãi trong Cách mạng Tháng Tám. Một chế độ mới đã manh nha từ đó. Một phần đất Quảng Ngãi đã thực tế đặt dưới chính quyền cách mạng.
Nhớ lại lịch sử về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ. Trung tướng Nguyễn Đôn - Nguyên chính trị viên đầu tiên Đội Du kích Ba Tơ đã nhận định: “Có những phút làm nên lịch sử là cuộc khởi nghĩa Ba Tơ đã đúng với ý nghĩa đó” (Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi, 2000). Trải qua cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, Quảng Ngãi đã xuất hiện biết bao tấm gương hy sinh vì nước, rèn đúc được nhiều nhà lãnh đạo, nhiều vị tướng lĩnh tài ba thao lược, như Nguyễn Chánh, Phạm Kiệt, Trần Quý Hai, Nguyễn Đôn… và nổi bật là đồng chí Phạm Kiệt, người hiến dâng cả cuộc đời cho cách mạng và để lại dấu ấn sâu đậm trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong suốt nhiều thập niên của thế kỷ XX.
4.2. Đối với vùng Trung Bộ
Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ đòi hỏi phải có lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Đội du kích Ba Tơ được thành lập để đáp ứng đòi hỏi bức thiết đó. Đây là tổ chức vũ trang cách mạng đầu tiên của nhân dân Quảng Ngãi được Đảng trực tiếp tổ chức và lãnh đạo. Như trong lời nói đầu của cuốn sách Đội du kích Ba Tơ nhớ lại và suy nghĩ của nhà xuất bản Chính trị quốc gia: “Đội du kích Ba Tơ là tiền thân của lực lượng vũ trang Nam Trung Bộ và là một trong các lực lượng tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng” (Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi, 2000). Đội du kích Ba Tơ trở thành trung tâm của cao trào chống Nhật cứu nước ở miền Nam Trung bộ và là hạt nhân của các lực lượng vũ trang liên khu V sau này.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa đã ảnh hưởng to lớn và đã thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần cách mạng, khí thế đấu tranh của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và các địa phương lân cận. Đội du kích Ba Tơ được xác định là tiền thân của lực lượng vũ trang Quân khu V. Từ tháng 6/1945 Đội du kích Ba Tơ đã có các ban chính trị, hậu cần, ban tư pháp và điều lệnh, đặc sắc và thú vị thời kỳ này đội du kích Ba Tơ đã quy định “con lon” tức dạng quân hàm này nay. Đội du kích Ba Tơ là đội du kích đầu tiên của lực lượng vũ trang Việt Nam có cơ quan in ấn, nhà xuất bản có tạp chí Xung phong, có sở quân khí, từ các lò rèn, xưởng sửa chữa vũ khí, cơ khí như Phan Điệt và Lý Văn Bé. Sau này lấy tên chung là xưởng quân khí Phan Điệt – Anh hùng lực lượng vũ trang, xưởng quân khí Phan Điệt ngày càng phát triển, làm động lực thúc đẩy sự trưởng thành nhanh chóng ngành quân giới liên khu V và góp phần xứng đáng cho thắng lợi vĩ đại của 9 năm kháng chiến. Chính vì vậy, xưởng quân khí Phan Điệt được tôn vinh là cái nôi của ngành quân giới miền Nam Trung Bộ.
Đầu tháng 7/1945, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị Liên tỉnh tại huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi để chuẩn bị điều kiện, kế hoạch tổng khởi nghĩa. Được khí thế thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ thôi thúc, có Đội du kích Ba Tơ làm nòng cốt đã dấy lên một phong trào xây dựng lực lượng vũ trang mạnh mẽ: Quảng Nam, Đà Nẵng có đội du kích Vũ Hùng; Bình Định có du kích Phong Phú và Diêu Trì; Phú Yên có du kích xí nghiệp mía đường Đồng Bò và thị xã Tuy Hòa; Khánh Hòa có đội tự vệ công nhân Hòn Khói; Tây Nguyên có hai trung đội tự vệ ở đồn điền Ca Đa; các tổ chức vũ trang này là chỗ dựa vững chắc cho lực lượng quần chúng trong khu vực.
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám nổ ra và giành thắng lợi ở Quảng Ngãi, đội quân Du kích Ba Tơ và cán bộ cách mạng Quảng Ngãi đã chi viện, hỗ trợ cho các tỉnh bạn đấu tranh giành chính quyền và là địa phương có quân Nam tiến đầu tiên.
Quân du kích Ba Tơ lan tỏa đi khắp liên khu V và Nam Bộ và trở thành một trong những lực lượng nòng cốt, tiền thân của lực lượng vũ trang Việt Nam. Chỉ huy trưởng Phạm Kiệt sau này trở thành Trung tướng, thứ trưởng Bộ Công an kiêm Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang.
4.3. Đối với tiến trình lịch sử dân tộc
Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử về truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường và lòng yêu nước nồng nàn, ý chí căm thù giặc của nhân dân ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng đều đánh giá rất cao thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, coi đó là một điển hình tiên phong táo bạo, một bài học kinh nghiệm lớn về chiến tranh nhân dân. Nhắc đến cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, Bác Hồ nhấn mạnh: “Khởi nghĩa Ba Tơ là cuộc khởi nghĩa vũ trang của quần chúng cách mạng giành được thắng lợi trọn vẹn đầu tiên từ khi có Đảng lãnh đạo” (Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Quảng Ngãi, 2000, tr.63).
Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi, chứng tỏ tính chất đúng đắn của những dự kiến hết sức tài tình, sáng suốt, khoa học của Trung ương Đảng đề ra. “Với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành được thắng lợi mà mở đường cho một cuộc Tổng khởi nghĩa to lớn” (Đảng Cộng Sản Việt Nam, 2000, tr.176). Thể hiện rõ nhất là chủ trương xác định hình thái đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa, gắn việc giành chính quyền về tay nhân dân với việc bảo vệ thành quả cách mạng. Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (11/3/1945) là một phong trào chống Nhật cứu nước nằm trong chủ trương khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa của Đảng ta và cuối cùng đã giành được thắng lợi có ảnh hưởng to lớn đối với phong trào đấu trào giải phóng dân tộc tỉnh Quảng Ngãi và thúc đẩy phong trào cách mạng ở các tỉnh lân cận.
Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ có sự chuẩn bị chu đáo về lực lượng chính trị từ quần chúng miền núi được các đồng chí lãnh đạo như Phạm Kiệt, Trương Quang Giao giác ngộ tư tưởng cách mạng, lực lượng vũ trang là đội du kích quân gồm 17 chiến sĩ ban đầu sau đó phát triển thành Đội du kích Ba Tơ.
Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ là một dẫn chứng hùng hồn của tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo của tổ chức cơ sở Đảng và tinh thần cách mạng triệt để của nhân dân ta, đã đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc ta. Ngày nay, Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ còn lưu giữ 350 hình ảnh, tư liệu, hiện vật về cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, giảng dạy lịch sử địa phương.
5. Bài học kinh nghiệm
Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và sự thành lập Đội du kích Ba Tơ đã để lại những bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá:
Một là, biết áp dụng các nguyên tắc của khởi nghĩa vũ trang, nắm thời cơ để tiến hành khởi nghĩa.
Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ là một tất yếu lịch sử, đó là kết quả do điều kiện chủ quan và khách quan của giai đoạn cách mạng lúc bấy giờ tạo nên. Cuộc khởi nghĩa đó nêu một bài học sinh động về xây dựng lực lượng khởi nghĩa và nắm vững thời cơ. Nếu không có sự chuẩn bị lâu dài và thiết thực của Chi bộ Đảng cộng sản Đông Dương ở Căng an trí Ba tơ từ cuối năm 1941 đầu năm 1942 thì đến tháng 3 năm 1945, sẽ không có cuộc khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi.
Thắng lợi của khởi nghĩa phải là kết quả nổi dậy của toàn dân kết hợp với sự tiến công của lực lượng vũ trang cách mạng. Khi có điều kiện khởi nghĩa chín mùi, chi bộ Ba Tơ đã kịp thời chọn các đồng chí trung kiên trong Căng An trí Ba Tơ, trang bị vũ khí (tuy còn hết sức thô sơ) để sẵn sàng làm mọi nhiệm vụ khi Đảng giao, sẵn sàng chờ lệnh khởi nghĩa với quyết tâm cao “dù tốn bao nhiêu xương máu cũng kiên quyết chấp hành cho được nghị quyết khởi nghĩa giành chính quyền” (Ban Nghiên cứu Lịch sử Tỉnh ủy Quảng Ngãi, 1995). Việc nắm vững thời cơ khởi nghĩa của chi bộ Ba Tơ chứng tỏ các đồng chí ở đây thấm nhuần đường lối khởi nghĩa vũ trang của Đảng, có khả năng nhạy bén với chính trị, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể ở Ba Tơ, tiến hành khởi nghĩa thắng lợi.
Hai là, xây dựng căn cứ địa cách mạng để bảo tồn và phát triển lực lượng nhằm xúc tiến cao trào kháng Nhật, tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền.
Công tác đảm bảo hậu cần, xây dựng căn cứ địa cách mạng cho đội Du kích Ba Tơ là một bài học kinh nghiệm quý giá cho phong trào cách mạng cả nước. Hủ gạo Ba Tơ, bộ đồ xi-ta độc đáo, phát hành các ngân phiếu, tín phiếu bằng tiền, các xã có con em vào bộ đội thì nếu nhà nghèo thì nhân dân và chính quyền địa phương nơi đó phải sắm đủ các trang bị cần thiết theo quy định mới được giao quân. Đồng bào Kinh Thượng đoàn kết chống giặc, nhiều gia đình, nhiều dòng họ một lòng theo cách mạng, cùng cháy bỏng vì lời thề sắt son vì Tổ quốc.
Ba là, biết kết hợp lực lượng chính trị của quần chúng với lực lượng vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đánh địch bằng nhiều hình thức: chính trị, quân sự và vận động binh lính địch về với cách mạng.
Việc thấm nhuần các nghị quyết, chỉ thị của các hội nghị trung ương Đảng về chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền đã làm cho chi bộ Ba Tơ có quyết tâm cao ngay từ đầu để chuẩn bị lực lượng cho khởi nghĩa. Chi bộ ra sức gây dựng cơ sở, tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và mặt trận Việt Minh, thức tỉnh quần chúng, làm cho quần chúng thấy được con đường đấu tranh giành quyền lợi chân chính và bức thiết của mình, tiến lên giành chính quyền, lật đổ bọn đế quốc và tay sai, giành độc lập, tự do. Vì vậy, quần chúng nhanh chóng gia nhập hàng ngũ Việt Minh, ủng hộ Việt Minh. Binh lính đóng ở đồn Ba Tơ chi bộ cũng gây được cơ sở, họ là những nhân mối rất tích cực giúp quân cách mạng cả trong lúc chuẩn bị đến khi khởi nghĩa nổ ra. Chính vì vậy, việc huy động lực lượng quần chúng làm hậu thuẫn cho khởi nghĩa rất nhanh chóng và hết sức mạnh mẽ, chỉ trong vòng nửa ngày mà đã động viên, tập hợp được hàng vạn người biểu tình thị uy chung quanh đồn Ba Tơ, biểu dương một sức mạnh vô địch mà kẻ thù phải khiếp sợ. Bên cạnh đó, Đảng bộ Quảng Ngãi cũng luôn coi trọng công tác vận động binh lính địch, công tác vận động binh lính địch phải kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang. Thực tế cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và cách mạng ở Quảng Ngãi cho thấy, khi nào phong trào đấu tranh của quần chúng lên cao, đấu tranh vũ trang giành thắng lợi thì khi đó, công tác vận động binh lính được thuận lợi và đạt được kết quả tốt.
Biết sử dụng lực lượng cách mạng tổng hợp, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đánh địch bằng ba mũi giáp công: chính trị, quân sự, binh vận. Đó là bài học sáng giá của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, của Đội du kích Ba Tơ, của tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Quảng Ngãi.
Bốn là, coi trọng công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng, Đảng phải vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đến tháng 9/1944, chi bộ Ba Tơ đã trở thành chi bộ vững mạnh, bao gồm các đồng chí đảng viên, cán bộ cách mạng thoát ly đã được rèn luyện, giáo dục trong phong trào cách mạng quần chúng; được thử thách trong nhà tù đế quốc, một lòng một dạ vì nước, vì dân; có năng lực và kinh nghiệm lãnh đạo, thấm nhuần sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nắm vững tình hình địa phương, vận dụng sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương; có uy tín trong quần chúng, có quyết tâm cao xúc tiến cao trào khởi nghĩa.
Bài học quan trọng rút ra từ cuộc khởi nghĩa Ba Tơ trong cuộc vận động Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở Quảng Ngãi là sức mạnh lòng yêu nước của nhân dân, sự lãnh đạo sáng suốt, sáng tạo của Đảng bộ, vai trò của đảng viên cộng sản, của cán bộ cách mạng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ là một dấu son ngời sáng của Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung trong cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc. Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và chiến công của Đội du kích Ba Tơ đã đi vào lịch sử dân tộc ta hơn nửa thế kỷ nhưng ý nghĩa và ảnh hưởng của nó vẫn được tiếp tục phát huy mãi trong lịch sử cách mạng của dân tộc ta. Toàn bộ diễn biến của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và Đội du kích Ba Tơ là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc ở Quảng Ngãi và là một điển hình sinh động về việc vận dụng đường lối đúng đắn của Đảng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Tìm hiểu và nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ – Quảng Ngãi trong cuộc vận động Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 (3/1945 – 8/1945) thấy được tinh thần đoàn kết và truyền thống yêu nước của đồng bào các dân tộc Kinh – Thượng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc từ tay của đế quốc phát xít, viết nên những trang sử vẻ vang cho địa phương và dân tộc.
Bên cạnh những ý nghĩa lịch sử to lớn cùng những ảnh hưởng của mình thì cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và Đội Du kích Ba Tơ đã để lại những bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá, được Đảng ta vận dụng và phát triển cho các giai đoạn cách mạng sau này. Những kinh nghiệm như xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang; kết hợp giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang; chọn thời cơ khởi nghĩa; xây dựng căn cứ địa cách mạng; vận động binh lính địch về với cách mạng… từ cuộc khởi nghĩa Ba Tơ được Đảng ta nâng lên thành những nghệ thuật lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo kháng chiến chống chống Pháp (1945-1954) và kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)
Từ năm 1985, tượng đài kỷ niệm và nhà Bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ đã được xây dựng bên cạnh địa điểm trước đây là sân vận động và đồn Ba Tơ. Quần thể các địa điểm di tích về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và Đội du kích Ba Tơ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận, xếp hạng và cấp Bằng di tích lịch sử- văn hóa quốc gia. Năm 2010, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Pháp cho Đội du kích Ba Tơ.
Kỷ niệm 73 năm Ngày khởi nghĩa Ba Tơ (11/3/1945) thắng lợi, tối ngày 09/3/2018, tại Quảng trường 11/3, huyện Ba Tơ đã long trọng tổ chức Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ theo Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 25/12/2017. Đây là niềm tự hào của nhân dân Ba Tơ nói riêng và Quảng Ngãi nói chung trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương. (1976). Những sự kiện lịch sử Đảng. Tập 1 (1920-1945). Hà Nội: Nxb Sự thật.
Ban Nghiên cứu Lịch sử Tỉnh ủy Quảng Ngãi. (1995). Thời kỳ Cách mạng Tháng Tám (1939-1945). Quảng Ngãi: Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi (2000), Đội du kích Ba Tơ nhớ lại và suy nghĩ. Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi. (1995). Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và Đội du kích Ba Tơ. Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia.
Chu Huy Mân và Lê Hải Triều. (2004). Thời sôi động. Hà Nội: Nxb Quân đội Nhân Dân.
David Marr. (1995). Vietnam 1945. The quest for Power. University of Califonia press. London: Berkely – Los Angeles.
Đảng Cộng sản Việt Nam. (1997). Văn kiện Đảng Toàn tập. Tập 1. Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật.
Đảng Cộng sản Việt Nam. (2002). Văn kiện Đảng Toàn tập. Tập 7 (1940 – 1945). Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia.
Đinh Xuân Lâm. (1998). Lịch sử cận - hiện đại Việt Nam - một số vấn đề nghiên cứu. Hà Nội: Nxb Thế giới.
Đinh Xuân Lâm. (2002). Đại cương lịch sử Việt Nam. Tập 2. Hà Nội: Nxb Giáo dục.
Hồ Chí Minh (2000). Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 6. Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia.
Hồ Chí Minh (2009). Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 3. Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia.
Lê Duẩn. (1970). Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới. Hà Nội: Nxb Tiền phong.
Nguyễn Anh Dũng. (1985). Đấu tranh vũ trang trong Cách mạng tháng Tám. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội.
Nguyễn Đôn. (2003). Bình Minh Ba Tơ (Hồi Ức). Nxb Quân đội Nhân Dân.
Nguyễn Thanh Tâm. (2005). Khởi nghĩa từng phần lên tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia.
Phạm Kiệt. (1977). Từ núi rừng Ba Tơ. Hà Nội: Nxb Quân đội nhân dân.
Phan Anh. (1960). Con đường đi tới Cách mạng tháng Tám của tôi. Báo Nhân dân số 2346 ngày 21-8-1960.
Stein Tonnesson. (1991). The Vietnamese Revolution of 1945, Roosevelt, Ho Chi Minh anh De Gaulle in a world at war. London Newbury – New delhi: International Peace Research Institute. Oslo.
Tạ Thị Thúy. (2017). Lịch Sử Việt Nam Tập 9 từ năm 1930 đến năm 1945. Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội.
Trần Quân Ngọc, Trần Đình Việt, Đoàn Minh Tuấn. (2006). Thủ tướng Phạm Văn Đồng của chúng ta. TP. Hồ Chí Minh: Nxb Tổng hợp.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. (2008). Địa chí Quảng Ngãi. Hà Nội: Nxb Từ điển Bách Khoa.
Đội du kích Ba Tơ nhớ lại và suy nghĩ. Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi. (1995). Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và Đội du kích Ba Tơ. Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia.
Chu Huy Mân và Lê Hải Triều. (2004). Thời sôi động. Hà Nội: Nxb Quân đội Nhân Dân.
David Marr. (1995). Vietnam 1945. The quest for Power. University of Califonia press. London: Berkely – Los Angeles.
Đảng Cộng sản Việt Nam. (1997). Văn kiện Đảng Toàn tập. Tập 1. Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật.
Đảng Cộng sản Việt Nam. (2002). Văn kiện Đảng Toàn tập. Tập 7 (1940 – 1945). Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia.
Đinh Xuân Lâm. (1998). Lịch sử cận - hiện đại Việt Nam - một số vấn đề nghiên cứu. Hà Nội: Nxb Thế giới.
Đinh Xuân Lâm. (2002). Đại cương lịch sử Việt Nam. Tập 2. Hà Nội: Nxb Giáo dục.
Hồ Chí Minh (2000). Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 6. Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia.
Hồ Chí Minh (2009). Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 3. Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia.
Lê Duẩn. (1970). Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới. Hà Nội: Nxb Tiền phong.
Nguyễn Anh Dũng. (1985). Đấu tranh vũ trang trong Cách mạng tháng Tám. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội.
Nguyễn Đôn. (2003). Bình Minh Ba Tơ (Hồi Ức). Nxb Quân đội Nhân Dân.
Nguyễn Thanh Tâm. (2005). Khởi nghĩa từng phần lên tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia.
Phạm Kiệt. (1977). Từ núi rừng Ba Tơ. Hà Nội: Nxb Quân đội nhân dân.
Phan Anh. (1960). Con đường đi tới Cách mạng tháng Tám của tôi. Báo Nhân dân số 2346 ngày 21-8-1960.
Stein Tonnesson. (1991). The Vietnamese Revolution of 1945, Roosevelt, Ho Chi Minh anh De Gaulle in a world at war. London Newbury – New delhi: International Peace Research Institute. Oslo.
Tạ Thị Thúy. (2017). Lịch Sử Việt Nam Tập 9 từ năm 1930 đến năm 1945. Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội.
Trần Quân Ngọc, Trần Đình Việt, Đoàn Minh Tuấn. (2006). Thủ tướng Phạm Văn Đồng của chúng ta. TP. Hồ Chí Minh: Nxb Tổng hợp.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. (2008). Địa chí Quảng Ngãi. Hà Nội: Nxb Từ điển Bách Khoa.