Vào dịp đầu năm mới, người dân Lý Sơn đến dâng hương tại các dinh, miếu thờ Hỏa Thần để cầu mong một năm bình an, tránh điều không may do hỏa hoạn. Lửa có vai trò quan trọng trong cuộc sống, nhưng lửa cũng là nguồn gốc gây ra nhiều thiệt hại khôn lường. Vậy nên, trong các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, lửa được thần thánh hóa và được người dân Lý Sơn thờ cúng, trở thành vị thần bảo hộ trong cuộc sống.
Từ tục thờ Hỏa Thần dưới thời Nhà Nguyễn...
Sách Minh Mạng chính yếu ghi chép, vào năm Giáp Thân (1824), các đại thần ở Bộ Lễ khi xem danh mục các đền thờ đã đề xuất dựng miếu tế Hỏa Thần, bản tấu viết: “Nay nước nhà nhàn hạ nên làm sáng tỏ lễ nhạc. Từ đại tự (tế lớn), trung tự đến quần tự, không có lẽ nào không được cư hành. Các quỷ thần sông núi đều yên vị, chỉ có Thần Hỏa chưa được tế. Vậy xin lập miếu để thờ Thần Hỏa”. Vua Minh Mạng sau khi xem tấu đã châu phê: “Làm theo lời tâu, sai dựng miếu ở phía bắc sông Ngự, tế Thần Hỏa vào ngày 23 tháng 6 mỗi năm”.
|
Dinh Ông (Lý Sơn). ẢNH: MINH TUẤN |
Trên đất Thăng Long xưa, nay vẫn còn ngôi đền thờ Hỏa Thần tại số 30 phố Hàng Điếu, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm (TP.Hà Nội). Di tích này gắn với sự kiện lịch sử vào năm Đinh Dậu (1837) đã xảy ra vụ cháy lớn, thiêu rụi hơn 1.400 ngôi nhà, hàng trăm người thiệt mạng, cả quan Tổng đốc Hà Nội cũng suýt bị chết cháy. Vụ cháy đã làm thức tỉnh người dân về việc tăng cường tính chủ động phòng cháy, chữa cháy. Sau đó một năm, người dân đã lập ngôi đền Hỏa Thần để đến chiêm bái.
Làng Uất Mậu thuộc huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) vẫn còn ngôi miếu thờ Hỏa Thần và ở đó vẫn còn lưu giữ các thần sắc như: Sắc Minh Mạng thứ 21, ngày 18 tháng 11 năm 1840 phong cho Hỏa Thần là Hỏa Đức tôn thần; sắc năm Thiệu Trị thứ 5, ngày 23 tháng 1 năm 1846 phong là Ôn hậu Quang ứng Chiêu cảm Hỏa Đức Trung Đẳng thần. Miếu thờ Hỏa Thần như một hình ảnh nhắc nhở người dân trong làng ý thức về phòng tránh hỏa hoạn...
Trong tín ngưỡng dân gian tin rằng Bà Hỏa ngoài trông coi hỏa hoạn ở gia đình và các thôn ấp, còn phù hộ cho việc mua may bán đắt, xua đi bệnh tật, giữ cho cuộc sống được bình yên.
Đến tục thờ Hỏa Thần của cư dân Lý Sơn
Phong tục thờ Hỏa Thần của cư dân ở Lý Sơn gắn với các cơ sở tín ngưỡng trong làng. Trong đó, một số dinh, miếu thờ Hỏa Thần là vị thần chủ; có dinh, miếu thờ Hỏa Thần dưới dạng thức phối thờ. Các vị Hỏa Thần chủ yếu là nữ thần Ngũ Hành, duy nhất chỉ có dinh Ông là nam thần.
Dinh thờ Hỏa Thần dưới chân núi Hòn Tai ở thôn Tây An Vĩnh là cơ sở tâm linh có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng. Người dân làng An Vĩnh thường gọi với tên gọi thành kính là dinh Ông. Thần chủ dinh Ông được phong sắc “Lôi Công Điển Mẫu Chấn Oai Hỏa Thần”. Tương truyền, mỗi khi người dân nhìn thấy cây cỏ trên núi Hòn Tai bị cháy là điềm báo trước trong làng sẽ có hỏa hoạn xảy ra. Vì vậy, ông chủ dinh phải chuẩn bị hoa quả, trà rượu đến dinh Ông cúng bái, cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi, đồng thời thông báo cho người dân biết để phòng trừ cháy nổ. Vào đầu tháng 3 âm lịch hằng năm tại dinh Ông diễn ra lễ tế Hỏa Thần, cầu cho dân an vật thịnh, dịch bệnh được tống tiễn.
Đối với những cơ sở thờ Hỏa Thần dưới dạng thức là nữ thần Ngũ Hành tương đối phân bố rộng rãi trên đảo Lý Sơn. Ngũ Hành được xem là 5 yếu tố tự nhiên gồm đất đai, nước, gỗ, lửa, kim loại, được người dân Lý Sơn gọi là Bà Thổ, Bà Thủy, Bà Mộc, Bà Kim và Bà Hỏa, 5 bà sẽ hộ trị cho dân an vật thịnh, người người trong làng ấm no, tránh những điều không hay xảy ra. Chính sự linh ứng của thần Ngũ Hành mà các vua Triều Nguyễn đã phong tặng sắc là Ngũ Đức Thánh Phi tôn thần. Ở làng An Vĩnh có lân Vĩnh Lộc thờ thần chủ là Bà Ngũ Hành, còn lại các lân Vĩnh Xuân, lân Vĩnh Lợi, lân Vĩnh Hòa, lân An Hòa đều là những nơi thờ Bà Ngũ Hành ở dạng thức phối thờ. Ở làng An Hải có lân Thái Bình, Miễu Mương là những nơi thờ thần chủ là Bà Ngũ Hành, còn lại các lân khác như lân Bà Chúa Giàng, lân Bà Thủy Long là những nơi chỉ phối thờ.
Đình làng An Vĩnh và đình làng An Hải ghi chép về vị thần Ngũ Hành Thượng Giới trong văn tế đình là “Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ Ngũ Đức Thánh Phi Trung Đẳng thần” và phối thờ trong đình. Vào đúng dịp lễ tế đình hằng năm vào tháng 3 âm lịch, vị thần Ngũ Hành được người đọc văn tế đọc lên như một lời nhắc nhở dân làng phải cẩn thận củi lửa mà phòng bị cháy nổ cho thật cẩn thận, tránh trường hợp như nhà thờ họ Võ Văn làng An Vĩnh đã bị cháy vào giờ Tý (từ 23 giờ tối đến 1 giờ sáng) ngày mùng 6 năm Thành Thái thứ 11, ngọn lửa đã thiêu rụi ngôi nhà thờ hơn 3 ngày đêm.
Hiện nay, các cơ sở tín ngưỡng gắn liền với phong tục thờ Hỏa Thần được cư dân Lý Sơn thờ phụng và bảo tồn để làm nơi đến dâng hương cúng bái. Các nghi lễ tế Hỏa Thần, tế Ngũ Hành tại các dinh, lân, miếu luôn được duy trì, là điểm tựa tinh thần trong đời sống của cộng đồng dân cư trên đảo.